Ngành Ngân hàng được đào tạo đa dạng chương trình nên mức học phí khác nhau

26/06/2024 06:21
Đào Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tại một số cơ sở giáo dục đại học, ngành Ngân hàng được đào tạo với nhiều chương trình khác nhau, mức học phí dao động từ 16 - 85 triệu đồng/năm học.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhu cầu từ thị trường lao động đối với các lĩnh vực kinh tế - tài chính ngày càng cao. Tại một số cơ sở giáo dục đại học, ngành Ngân hàng thuộc top những ngành học “hot" nhất, được nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn.

Hiện nay, một số trường đại học đào tạo ngành học này với mức học phí đa dạng, tương ứng nhiều chương trình đào tạo khác nhau.

Năm 2024, Học viện Ngân hàng đào tạo 15 ngành học theo 3 khối ngành bao gồm khối ngành III, khối ngành V và khối ngành VII.

Mức học phí dự kiến áp dụng với khối ngành V (Công nghệ thông tin) là 26,5 triệu/năm và khối ngành VII (Nhân văn; Khoa học xã hội và hành vi) là 26 triệu đồng/năm học.

Ngành Ngân hàng thuộc khối ngành III (Kinh doanh và quản lý, pháp luật), học phí dự kiến là 25 triệu đồng/năm.

Chuyên ngành Ngân hàng và Tài chính quốc tế và ngành Tài chính - Ngân hàng được đào tạo theo chương trình đào tạo liên kết quốc tế với Đại học Coventry, Vương quốc Anh.

Với chương trình này, sinh viên được cấp 02 bằng (01 bằng đại học chính quy do Học viện Ngân hàng cấp và 01 bằng của Đại học Coventry cấp).

Bên cạnh đó, sinh viên sẽ có 2 lựa chọn về địa điểm học tập. Một là học 4 năm tại Học viện Ngân hàng (Việt Nam), và lựa chọn thứ hai là học 3 năm tại Việt Nam và 1 năm ở Đại học Coventry (Vương quốc Anh).

Theo đó, mức học phí dự kiến cho 4 năm học tại Việt Nam là 340 triệu đồng/4 năm học. Cụ thể, học phí của năm học đầu tiên sẽ là 60 triệu đồng, năm thứ 2 và năm thứ 3 là 75 triệu đồng/năm.

Ở năm học cuối, nếu sinh viên tiếp tục học tập tại Việt Nam thì mức học phí áp dụng là 130 triệu đồng, còn nếu sinh viên lựa chọn học tập năm cuối tại Đại học Coventry thì mức học phí sẽ theo quy định bởi Đại học Coventry.

Đối với những thí sinh đạt trình độ tiếng Anh tương đương IELTS từ 6.5 có cơ hội vào thẳng từ năm thứ 2 và học phí được giảm 60 triệu đồng.

Năm nay, Học viện Ngân hàng dự kiến tuyển 3514 chỉ tiêu cho các ngành/khối ngành và chương trình đào tạo, trong đó ngành Ngân hàng có 170 chỉ tiêu.

Chương trình đào tạo liên kết quốc tế áp dụng với chuyên ngành Ngân hàng và Tài chính quốc tế có 77 chỉ tiêu và ngành Tài chính - Ngân hàng là 100 chỉ tiêu, tất cả đều xét tuyển theo các tổ hợp A00; A01; D01; D07.

Ngành Tài chính - Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được đào tạo theo chương trình chuẩn. Năm 2024, trường dự kiến tuyển 320 chỉ tiêu cho ngành học này, xét tuyển theo các tổ hợp A00; A01; D01; D07.

Theo đó, mức học phí áp dụng với chương trình đào tạo chuẩn tại trường dao động từ 16 - 22 triệu đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm và thực hiện theo Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ.

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển 2350 chỉ tiêu, trong đó, ngành Tài chính - Ngân hàng có 150 chỉ tiêu, xét theo các tổ hợp A01; D01; D09; D10.

Theo Đề án tuyển sinh, trường nêu rõ mức học phí (dự kiến) với sinh viên chính quy năm học 2024 -2025 là 4,4 triệu đồng/tháng, tương đương 44 triệu đồng/năm học.

Năm học 2025 - 2026, mức học phí tăng lên 2 triệu đồng cho cả năm học, tương ứng 46 triệu đồng/năm.

Tương tự với 2 năm học kế tiếp, mức học phí cả năm tăng 2 triệu đồng so với năm học trước đó. Cụ thể, năm học 2026 - 2027 là 48 triệu đồng/năm và năm học 2027 - 2028, học phí là 50 triệu đồng/năm.

gdvn_kte.png
Lộ trình học phí (dự kiến) các năm học tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Đào Hiền

Tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Tài chính - Ngân hàng được đào tạo theo 02 chương trình bao gồm chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo chất lượng cao (Chương trình định hướng công nghệ tài chính và chuyển đổi số).

Theo thông tin tuyển sinh trường công bố trên website, năm học 2024 - 2025, mức học phí dự kiến của chương trình đào tạo đại học chính quy là 10.557.000 đồng/học kỳ, tương đương 21.114.000 đồng/năm.

học phí ngân hàng 2.png
Học phí (dự kiến) của các chương trình đào tạo tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2024 - 2025 . Ảnh: Đào Hiền

Với chương trình đào tạo đại học chính quy chất lượng cao (tiếng Anh bán phần); chương trình đào tạo đại học chính quy (tiếng Anh bán phần) và chương trình đào tạo đặc biệt có mức học phí dự kiến là 20.267.500 đồng/học kỳ, xấp xỉ hơn 40 triệu đồng/năm học.

Ngoài ra là chương trình đại học chính quy quốc tế cấp song bằng và chương trình liên kết đào tạo quốc tế do trường đại học đối tác cấp bằng với tổng học phí tối đa 216,5 triệu đồng/toàn khoá học, đã bao gồm học phí Tiếng Anh, chương trình chính khóa, kỹ năng mềm….

Với 02 chương trình này, sinh viên theo học 8 học kỳ, học phí trung bình là 27 triệu đồng/học kỳ, tương đương 54 triệu đồng/năm (học phí được tính theo số tín chỉ sinh viên đăng ký học ở mỗi học kỳ và ổn định trong toàn khoá học).

Đối với chương trình cử nhân Pathway, học phí được quy định theo từng giai đoạn.

Cụ thể, ở giai đoạn 1 sinh viên học tại Viện Đào tạo Quốc tế - Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, tổng học phí là 100 triệu đồng/2 năm học (chưa bao gồm chương trình Tiếng Anh học thuật và được đóng trước mỗi kỳ).

Ở giai đoạn 2, sinh viên sẽ được học tại trường đại học đối tác. Do đó, học phí sẽ tuỳ theo từng năm và từng trường đối tác quy định. Số môn học sẽ có thể nhiều hơn phụ thuộc theo chuyên ngành đào tạo và kết quả học tập (GPA) ở giai đoạn 1.

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển 7900 chỉ tiêu cho tất cả các ngành, chương trình đào tạo. Trong đó, ngành Ngân hàng được đào tạo theo chương trình tiên tiến quốc tế, chỉ tiêu dự kiến tại trụ sở chính Thành phố Hồ Chí Minh là 250 và ở phân hiệu Vĩnh Long là 35 chỉ tiêu.

Trên website trường thông tin, chương trình tiên tiến quốc tế là chương trình đã được kiểm định chất lượng quốc tế theo tiêu chuẩn AUN-QA (Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN) hoặc FIBAA (Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế của châu Âu) và được các Hiệp hội nghề nghiệp Quốc tế công nhận.

Theo đó, sinh viên theo học chương trình này có 2 lựa chọn, một là chương trình tiếng Anh bán phần (tối thiểu 5 học phần cơ sở ngành và chuyên ngành học bằng tiếng Anh); hai là chương trình tiếng Anh toàn phần (toàn bộ học bằng tiếng Anh trừ 11 tín chỉ lý luận chính trị và học phần giáo dục thể chất).

Cũng theo Đề án, học phí (dự kiến) của các chương trình tiên tiến quốc tế được quy định là 1.065.000 đồng/tín chỉ với các học phần Tiếng Việt, nhân lên 1,4 với học phần Tiếng Anh và nhân 1,2 với các học phần thực hành.

 

Đối với chương trình tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế (ACCA và ICAEW), học phí áp dụng đối với các học phần Tiếng Việt là 1.065.000 đồng/tín chỉ và 1.685.000 đồng/tín chỉ với các học phần bằng Tiếng Anh.

Các chương trình tiên tiến được quy định mức học phí là 975.000 đồng/tín chỉ cho học phần Tiếng Việt, nhân 1,4 với học phần Tiếng Anh và 1,2 với các học phần thực hành.

Tương tự, đối với chương trình Cử nhân tài năng, học phí dự kiến áp dụng cho học phần Tiếng Việt là 975.000 đồng/tín chỉ và 1.685.000 đồng/tín đối với học phần Tiếng Anh.

Học phí dự kiến của chương trình Cử nhân tài năng ISB Asean Coop là 975.000 đồng/tín chỉ đối với các học phần Tiếng Việt và 1.685.000 đồng/tín chỉ đối với học phần Tiếng Anh. Các học phần Mode Coop có mức học phí cao nhất là 3.290.000 đồng/tín chỉ.

Theo đó, lộ trình tăng học phí mỗi năm của trường sẽ không vượt quá 10%/năm.

Đào Hiền