Ngân hàng số có gì khác so với ngành Ngân hàng truyền thống?

09/05/2024 06:10
Đào Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Đào tạo chuyên ngành Ngân hàng số nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, mọi ngành - nghề, lĩnh vực đang phải chuyển biến để thích nghi và hội nhập với sự phát triển mới này.

Theo đó, ngành Ngân hàng mang một trọng trách mới trong việc chuyển đổi hình thức quản lý và vận hành qua việc áp công nghệ mới để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo đột phá, đáp ứng được nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng, cũng như giúp cho doanh nghiệp, ngân hàng quản lý và điều hành hiệu quả hơn.

sv hvnn.jpg
Sinh viên Học viện Ngân hàng. Ảnh: Webiste nhà trường

Bức tranh nhân sự ngành Ngân hàng thời đại 4.0

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PV comBank) cho biết: Hiện nay, nguồn cung nhân lực cho thị trường lao động tại Việt Nam không ngừng gia tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nguồn ứng viên trong mảng chuyển đổi số ngành ngân hàng rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Với nguồn nhân sự chất lượng cho ngân hàng đòi hỏi phải có kiến thức "3 trong 1" gồm công nghệ, tài chính và ngoại ngữ.

Thế nhưng trên thực tế, trong nguồn nhân lực ngành ngân hàng thì có tới 90% là có kỹ năng chuyên môn tài chính nhưng lại không có kỹ năng về công nghệ thông tin và yếu kém ngoại ngữ.

Trong khi đó, nhân sự giỏi công nghệ thông tin thì lại không giỏi chuyên môn khiến việc lập trình ứng dụng hiệu quả không cao, mâu thuẫn tác nghiệp.

Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Chúng Việt Nam cho hay, với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, các đơn vị doanh nghiệp trong ngành Ngân hàng số đã và đang nâng cao yêu cầu và điều kiện trong tìm kiếm nhân sự.

Theo đó, nhân sự ngành Ngân hàng số không chỉ hiểu biết kiến thức về lĩnh vực ngân hàng mà còn cần có kiến thức và hiểu biết sâu rộng về công nghệ, tư duy kinh doanh nhạy bén để áp dụng các nguyên tắc nhanh nhạy đối với tất cả các khía cạnh kinh doanh, biết cách giao tiếp để thu hút khách hàng hiệu quả trong kỷ nguyên số, hiểu và quản trị rủi ro trong các dịch vụ tài chính được số hóa.

Bên cạnh đó, phải có khả năng hiểu biết và tận dụng công nghệ trên thế giới, có kỹ năng ra quyết định dựa trên dữ liệu qua việc tìm hiểu và áp dụng phân tích dữ liệu để phục vụ cho việc ra quyết định và xử lý vấn đề. Dựa theo tiêu chí thiết kế lấy con người làm trung tâm, cần hiểu và làm thế nào để thiết kế sản phẩm và dịch vụ dựa trên quan điểm của khách hàng, có kiến thức về các hoạt động ngân hàng, tài chính, đầu tư, fintech và thành thạo Tiếng Anh,..

Ngân hàng số đóng vai trò trung tâm trong nền tài chính hiện đại

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ ​​Nguyễn Bích Ngân- Phó trưởng Bộ môn Ngân hàng số, Học viện Ngân hàng cho biết: Trong thời đại 4.0, ngân hàng số đóng vai trò trung tâm trong việc hội nhập với nền tài chính hiện đại.

Việc cải tiến và phát triển trên những giá trị sẵn có của ngân hàng truyền thống đã làm nổi bật vai trò và chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng số trong bối cảnh hiện tại như: Cải thiện trải nghiệm khách hàng; Tăng cường khả năng tiếp cận tài chính; Tăng cường Bảo mật và Tuân thủ; Tăng cường Hợp tác và Liên kết; Góp phần đổi mới sản phẩm và dịch vụ; Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

ẢNH 1.jpeg
Tiến sĩ ​​Nguyễn Bích Ngân- Phó trưởng Bộ môn Ngân hàng số, Học viện Ngân hàng. Ảnh: NVCC

Với nhiệm vụ cải thiện trải nghiệm khách hàng, ngân hàng số cung cấp dịch vụ tài chính liền mạch, nhanh chóng và thuận tiện hơn thông qua các ứng dụng di động và website. Theo đó, mọi giao dịch ngân hàng đều được thực hiện qua Internet thông qua các hình thức và diễn ra mọi lúc mọi nơi.

Một trong nhiều ưu điểm dễ nhận thấy nhất của ngân hàng số chính là mang lại trải nghiệm nhanh - gọn - tiện lợi khi chỉ cần vài thao tác đơn giản trong thời gian 1 - 2 phút có thể thực hiện mọi giao dịch như thanh toán, chuyển khoản, chuyển tiền, vay ngân hàng, gửi tiết kiệm, nộp tiền tài khoản…. mà không cần phải đến chi nhánh hay phòng giao dịch ngân hàng.

Theo cô Ngân đánh giá, việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học và blockchain để tăng cường bảo mật, giám sát giao dịch và tuân thủ các quy định pháp lý đang thực hiện đúng theo tiến trình phát triển của nền công nghiệp 4.0. Sự cải tiến này giúp ngăn ngừa gian lận và rửa tiền, đồng thời bảo vệ và bảo mật thông tin khách hàng một cách tuyệt đối.

Với chức năng tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, ngân hàng số có thể mở rộng dịch vụ của mình đến những khu vực vùng sâu vùng xa hay những nhóm dân cư trước đây khó tiếp cận so với dịch vụ ngân hàng truyền thống. Điều này góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho mọi tầng lớp xã hội, thuận lợi thực hiện chính sách tài chính toàn diện của quốc gia.

Qua việc giảm thiểu nhu cầu sử dụng các tài nguyên thiên nhiên và chi nhánh vật lý, ngân hàng số có thêm ưu điểm trong việc thực hiện mục tiêu và phát triển bền vững.

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ trong quản lý và điều hành giúp ngân hàng số có thể hợp tác dễ dàng hơn với các công ty công nghệ tài chính (Fintech), các ngân hàng khác và thậm chí là các ngành công nghiệp khác để tạo ra các giải pháp tài chính toàn diện, hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế số.

Qua đó, góp phần đổi mới sản phẩm và dịch vụ nhờ vào khả năng thu thập và phân tích dữ liệu lớn, cho phép ngân hàng phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.

Lĩnh vực ngân hàng số sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng ảnh hưởng của mình trong nền tài chính tại từng quốc và gia và toàn cầu, tạo điều kiện cho sự đổi mới và phát triển nền kinh tế, hệ thống tài chính một cách bền vững và hiệu quả.

Thực tế hiện nay cho thấy, tại các ngân hàng thương mại đang thiếu trầm trọng nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực này. Đây chính là một trong những trở ngại lớn đối với quá trình chuyển đổi số. Do đó, đào tạo ngành Ngân hàng số sẽ là một giải pháp hữu hiệu đáp ứng kịp thời nhu cầu của các nhà tuyển dụng, mang tính “cấp thiết" để thích nghi với sự chuyển biến của nền tài chính hiện đại.

Chương trình đào tạo khác gì với ngành Ngân hàng truyền thống?

Tiến sĩ Nguyễn Bích Ngân cho biết, nhu cầu nhân sự ngân hàng số đang có chiều hướng tăng lên. Hiện nay, các tổ chức tài chính đang tìm kiếm nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ số và dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số, điều này đòi hỏi phải có một lực lượng lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này.

Căn cứ theo: Quyết định số 986/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 và Quyết định 810/QĐ-NHNN năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt "Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", ngày 27/02/2023, chương trình đào tạo chuyên ngành Ngân hàng số, ngành tài chính - ngân hàng được ban hành chính thức kèm theo Quyết định số 403/QĐ-HVNH của Giám đốc Học viện Ngân hàng.

Theo đó, chuyên ngành này được đào tạo dựa trên phân tích nhu cầu nhân sự ngành tài chính-ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực hiện nay cùng chiến lược phát triển của Học viện Ngân hàng giai đoạn 2022-2030 tầm nhìn đến 2045, và đánh giá thực trạng các nguồn lực để đảm bảo thực hiện tốt chương trình đào tạo như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của nhà trường.

Ngành Ngân hàng truyền thống hay Ngân hàng số đều là thế mạnh trong hoạt động đào tạo của khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng với các mục tiêu và chuẩn đầu ra đặc thù, hướng tới đáp ứng nhu cầu nhân lực với các vị trí việc làm khác nhau.

ẢNH 2 (2).jpg
Các chuyên gia Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ với sinh viên khoa Ngân hàng chủ đề “Ứng dụng của Blockchain và AI trong lĩnh vực phân tích dữ liệu ngân hàng”. Ảnh NTCC

Theo đó, các chương trình đào tạo đều sẽ có những học phần về các nghiệp vụ ngân hàng cốt lõi . Tuy nhiên, chương trình đào tạo Ngân hàng số sẽ phù hợp hơn với sinh viên có đam mê về các ứng dụng công nghệ, hoạt động phân tích dữ liệu cũng như phát triển các sản phẩm ngân hàng số.

Bên cạnh các môn đào tạo về các nghiệp vụ ngân hàng cốt lõi như Tín dụng ngân hàng, Thẩm định và tài trợ dự án, Quản trị rủi ro, Quản trị ngân hàng….thì chương trình đào tạo chuyên ngành Ngân hàng số mở rộng hơn với các môn học cung cấp kiến thức về ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, phân tích dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng, các mô hình triển khai ngân hàng số, các sản phẩm kinh doanh ngân hàng dựa trên nền tảng số….

Cô Ngân cho biết, để đảm bảo học tập tốt các khối kiến thức trong chương trình đào tạo Ngân hàng số, người học cần có các kiến thức nền tảng tương đối về các môn học liên quan tới Toán kinh tế, Công nghệ thông tin, Phân tích dữ liệu….

Hiện nay, chương trình đào tạo Ngân hàng số được xây dựng tương tự như các chương trình đào tạo bậc đại học hệ chuẩn của Khoa Ngân hàng với thời gian đào tạo là 4 năm cùng 135 tín chỉ.

Nhà trường đã và đang chú trọng thiết kế khung chương trình đào tạo theo định hướng tiên tiến, nhằm kết hợp giữa kiến thức lý thuyết và thực tế, nâng cao năng lực số và ứng dụng kiến thức công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Với 50 tín chỉ nhóm kiến thức giáo dục đại cương giúp người học trang bị kiến thức chuyên môn toàn diện và hiện đại về công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng.

44 tín chỉ về kiến thức cơ sở ngành, 33 tín chỉ về kiến thức chuyên ngành và 8 tín chỉ về khóa luận tốt nghiệp được đào tạo với các môn học mang tính ứng dụng cao giúp người học phát huy khả năng, vận dụng năng lực số để giải quyết các yêu cầu, tình huống trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, cung cấp những kiến thức về công nghệ số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng và cơ hội đào tạo thực tế, trải nghiệm thực tế, chia sẻ thực tiễn của các chuyên gia..

Để có thể đáp ứng yêu cầu chất lượng nhân sự lĩnh vực tài chính-ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số, cô Ngân cho hay, bên cạnh khối kiến thức đại cương và khóa luận tốt nghiệp, nhà trường đang tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội thực tế nghề nghiệp.

Trong chương trình đào tạo đặc biệt thiết kế rất nhiều môn học có nội dung thực hành cao giúp người học vận dụng được các kiến thức lý thuyết vào thực tiễn như các học phần Phân tích nghiệp vụ, Đề án Ngân hàng số, Ngân hàng số và công nghệ tài chính….

Với mỗi học phần chuyên ngành, Khoa Ngân hàng đều tổ chức các buổi báo cáo viên của các chuyên gia đến từ các tổ chức nghề nghiệp thực tế đến chia sẻ về các vấn đề chuyên môn liên quan đến nội dung học phần cho sinh viên.

Ngoài ra, định kỳ ở mỗi học kỳ, Khoa sẽ tổ chức cho sinh viên chuyên ngành Ngân hàng số đi thực tế tại các các tổ chức nghề nghiệp về các lĩnh vực có liên quan chặt chẽ tới ngân hàng số hoặc khối/bộ phận/trung tâm ngân hàng số tại các Ngân hàng thương mại.

Nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển nghề

Tính đến thời điểm hiện tại Học viện Ngân hàng là đơn vị duy nhất đào tạo chính quy chuyên ngành Ngân hàng số tại Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bích Ngân, đây là vừa là lợi thế vừa là thách thức của trường trong việc cạnh tranh với các đơn vị đào tạo khác cùng lĩnh vực.

Công tác quảng bá chuyên ngành Ngân hàng số cũng gặp một số khó khăn, vì phụ huynh và thí sinh còn e dè khi đặt nguyện vọng vào các ngành học mới.

So với các ngành truyền thống trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có lợi thế về sự phổ biến và nhận thức sâu rộng trong cơ hội việc làm thì Ngân hàng số hiện mới đang trong giai đoạn “manh nha", bắt đầu xây dựng và đang trên đà phát triển nên sức cạnh tranh với các ngành được xây dựng trước có phần thua thiệt hơn.

Với sự phát triển của các nền tảng giáo dục trực tuyến và các khóa học tự học, sinh viên có thể chọn học các khóa học ngắn hạn về ngân hàng số một cách linh hoạt hơn. Trong khi đó, ngành Ngân hàng số đòi hỏi các phòng lab hiện đại, trang thiết bị công nghệ cao và phần mềm cập nhật để sinh viên có thể thực hành và học tập hiệu quả, điều này đòi hỏi một khoản đầu tư đáng kể so với các ngành học khác.

Vấn đề xây dựng giáo trình và tài liệu khi ngành học đòi hỏi yêu cầu cao, tài liệu giảng dạy phải đáp ứng yêu cầu tiên tiến và được cập nhật thường xuyên chính là một thách thức cho đội ngũ giảng viên, vì công nghệ và thực tiễn Ngân hàng số thay đổi rất nhanh, nếu không đổi mới và bắt kịp tiến độ phát triển của lĩnh vực tài chính - ngân hàng thì rất khó đảm bảo chất lượng đầu ra.

Nguyễn Thùy An - sinh viên năm nhất ngành Ngân hàng số, Học viện Ngân hàng cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức những buổi gặp mặt trực tiếp với các thầy cô phụ trách chính cho chương trình đào tạo ngành học để giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của sinh viên.

Ngoài ra, ngay từ những ngày đầu học tập tại trường, sinh viên Ngân hàng số đã có cơ hội đến tham quan và trải nghiệm thực tế tại 2 tổ chức tài chính - ngân hàng lớn là: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty Cổ phần Di động trực tuyến (Momo).

Đồng thời, trường luôn khuyến khích và tạo cơ hội để sinh viên tham gia vào các talk show có chuyên gia chia sẻ kiến thức, qua đó sinh viên được giao lưu, trao đổi cũng như tiếp thu thêm nhiều kiến thức về ngành học và biến động thị trường.

Bàn về tiềm năng cơ hội việc làm, cô Ngân đánh giá ngành Ngân hàng số không hề lép vế với các ngành trong cùng lĩnh vực khi có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Chương trình cử nhân Tài chính - ngân hàng, chuyên ngành Ngân hàng số có thể làm việc tại các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các Bộ ngành khác có liên quan; Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Hợp tác, Ngân hàng Chính sách...

Ngoài ra, cử nhân tốt nghiệp còn có cơ hội làm việc tại các công ty tài chính, công ty công nghệ, các tổ chức phi chính phủ (World Bank, IMF, ADB…), các trung tâm, doanh nghiệp công nghệ, các trường đại học, các viện nghiên cứu với những vị trí như: Chuyên viên phát triển sản phẩm ngân hàng số; Chuyên viên phát triển kinh doanh ngân hàng số; Chuyên viên phát triển khách hàng, đối tác ngân hàng số; Chuyên viên tư vấn các dịch vụ ngân hàng số; Chuyên viên quản lý dự án; Chuyên viên phân tích, quản trị, quản lý dữ liệu ngân hàng số.

“Về phía đơn vị đào tạo là Học viện Ngân hàng, Ban lãnh đạo nhà trường không ngừng quan tâm đổi mới và phát triển chương trình đào tạo nhằm mang đến cho người học chương trình đào tạo ngành Ngân hàng số mang tính cập nhật, hiện đại phù hợp với xu thế và bối cảnh chuyển đổi số của nền kinh tế và ngành tài chính - ngân hàng. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất cũng đang được hoàn thiện theo xu hướng hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thực hành trên các phần mềm công nghệ mới nhất cho sinh viên”, Tiến sĩ Nguyễn Bích Ngân cho hay.

Đào Hiền