Ngành giáo dục sẽ chọn được GV giỏi nhất, phù hợp nhất khi được giao tuyển dụng

08/11/2024 06:22
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền.

Vừa qua, Chính phủ có tờ trình số 656/TTr-CP gửi Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo chương trình, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Một trong những mới đáng chú ý trong bản dự thảo này là nội dung tuyển dụng nhà giáo. Tại Khoản 2, Điều 16 của Dự thảo Luật Nhà giáo nêu rõ về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo như sau: "Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng".

Theo đánh giá, đây là điểm mới phù hợp với thực tiễn, nâng cao vai trò vị thế nhà giáo, khắc phục những tồn tại bất cập của việc tuyển dụng giáo viên hiện nay.

Gỡ rối bất cập trong quy trình tuyển dụng giáo viên

Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) Nguyễn Văn Hưng bày tỏ, ngành nội vụ quản lý hệ thống giáo viên như viên chức thông thường là không hợp lý. Điều này dẫn đến việc tuyển dụng giáo viên hàng năm luôn gặp khó khăn.

vlcsnap-2023-07-03-11h23m33s472-7192.png
Thầy Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: quangngaitv.

Thầy Hưng lý giải, thứ nhất, tính cấp thiết của thời điểm tuyển dụng không có mà phải đi theo đầy đủ quy trình của Sở Nội Vụ. Thời gian tuyển giáo viên hợp lý nhất là trong hè, để khi khai giảng vào tháng 9 tất cả các trường đã đủ giáo viên. Nhưng theo đúng quy trình tuyển dụng hiện nay thì phải đến học kì 2 mới có giáo viên.

Thứ hai, từ khi giao việc tuyển dụng giáo viên cho Sở Nội vụ, cách tuyển thay đổi và chưa đảm bảo chất lượng đối với nhà giáo. Bởi Sở Nội vụ tuyển giáo viên bằng một bài thi viết, trong khi đối với giáo viên, việc giảng dạy mới là quan trọng nhất. Ứng viên cần đứng trên bục giảng để hội đồng đánh giá có đủ năng khiếu sư phạm, kĩ năng hay không thì điều này lại không được thể hiện.

Thứ ba, ngành giáo dục có thể chủ động tuyển nhiều lần trong năm. Vì những giáo viên nghỉ hưu, nghỉ chế độ có thể nghỉ rải rác bất cứ lúc nào. Các cơ quan quản lý giáo dục có thể linh hoạt tuyển dụng bổ sung.

Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, thầy Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ bày tỏ: “Nội dung này trong dự thảo Luật Nhà giáo hoàn toàn phù hợp với thực tế, giúp ngành giáo dục chủ động hơn trong việc tuyển dụng.

Hiện nay, thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo nói riêng, viên chức ngành giáo dục nói chung chủ yếu được giao cho ngành nội vụ thực hiện; các cơ quan quản lý giáo dục chỉ tham gia, phối hợp trong quá trình thực hiện mà không đóng vai trò là cơ quan chủ trì, tham mưu; từ đó dẫn đến việc ngành giáo dục không chủ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng.

Do đó, nếu giao tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp, ủy quyền thực hiện) sẽ giúp các đơn vị có thể tuyển dụng trong mọi thời điểm nhằm kịp thời thay thế cho số giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác... đảm bảo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đơn vị, góp phần sử dụng hiệu quả số lượng người làm việc được giao”.

Phát+biểu.jpg
Thầy Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Theo thầy Bình, giao quyền tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục sẽ hạn chế tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Vì cơ quan quản lý giáo dục dễ dàng thực hiện điều chuyển, điều tiết giáo viên theo cấp học, môn học trong hệ thống ngành giáo dục (có thể luân chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia, quận/huyện này sang quận/huyện kia mà không vướng quy định về phân cấp quản lý theo địa bàn như hiện nay).

Trong khi đó, cô Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đánh giá, điểm mới này của dự thảo phù hợp và giải quyết hàng loạt điểm nghẽn và bất cập trong quản lý, phân cấp, phân quyền cho ngành giáo dục, cũng là cơ sở tạo động lực, tăng trách nhiệm và tính kỷ luật kỷ cương cho ngành giáo dục, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc trên toàn quốc.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho hay, khâu tuyển dụng giáo viên hiện nay mất rất nhiều thời gian, kéo dài ít nhất là 6 tháng.

Sau khi Sở Nội vụ duyệt yêu cầu tuyển dụng giáo viên, thông báo tuyển dụng mới được đăng tải và ứng viên bắt đầu nộp hồ sơ. Quá trình nhận hồ sơ và thẩm định lại mất thêm một tháng.

naci-9017.png
Cô Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh. Ảnh: NVCC.

Theo đúng quy trình Sở Nội vụ đưa ra thì tuyển nửa năm chưa có giáo viên. Hiện nay đã là tháng 11 nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh vẫn chưa tuyển đủ giáo viên.

"Các đơn vị quản lý giáo dục hiểu rõ nhất nhu cầu giáo viên của địa phương và biết nên điều chỉnh như thế nào. Tôi nghĩ rằng giao cho các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý, thực hiện đúng theo quy định pháp luật là hợp lý nhất, hiệu quả nhất” - cô Mai bày tỏ.

Cần nâng cao vai trò của cơ quan quản lý giáo dục

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi, hiện nay Sở Nội vụ quản lý nhân sự đã ảnh hưởng đến vai trò của các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Có những trường hợp “dở khóc dở cười” khi hiệu trưởng trường này được chuyển công tác sang trường khác mà lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo không nắm được, vì chuyện điều chuyển cán bộ không cần thông qua Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Chưa kể, trong cách quản lý viên chức, Sở Nội vụ đưa ra một số thủ tục gây phiền hà cho giáo viên. Sở Nội vụ phân công vị trí việc làm trong trường học, điều đó hợp lý với các cơ quan công quyền nhưng không phù hợp với giáo dục. Trong khi đó, tại trường học, các vị trí công việc có thể thay đổi từng năm theo số lượng học sinh. Một số vị trí việc làm trong trường theo thầy Hưng là rất bất hợp lý, ví dụ như vị trí chuyên môn dùng chung...

Trong khi đó, thầy Trần Thanh Bình cho rằng khi quy định mới về tuyển dụng nhà giáo có hiệu lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, của thủ trưởng đơn vị trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên nói riêng, viên chức ngành giáo dục nói chung sẽ được nâng cao.

Vì khi đó, cơ quan quản lý giáo dục (hoặc thủ trưởng đơn vị) là người trực tiếp khảo sát, đánh giá và quyết định việc tuyển dụng cũng như sử dụng giáo viên sau này.

Việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho cơ quan quản lý giáo dục hoặc thủ trưởng đơn vị cũng sẽ từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ vì khi được giao quyền quyết định, ưu tiên cao nhất của họ là lựa chọn được những người giỏi nhất, phù hợp nhất với ngành, với đơn vị.

Bên cạnh đó, thầy Bình cũng hy vọng rằng, cần có những giải pháp đồng bộ, liên tục trong một thời gian nhất định giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

"Chúng ta cần thay đổi, từ những việc trước mắt như cải thiện thu nhập của giáo viên; nâng cao chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc cho giáo viên, giúp giáo viên yên tâm công tác đến những chính sách để phát triển kinh tế xã hội nhằm hạn chế tối đa khoảng cách giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa các trường trung tâm và vùng ven" - thầy Bình nhấn mạnh.

Trần Trang