Ngành giáo dục Nghệ An chủ động “thích ứng an toàn, linh hoạt” để dạy và học tốt

01/02/2022 08:14
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành giáo dục Nghệ An vừa phải gồng mình chống dịch vừa phải để tìm kiếm các giải pháp dạy học “thích ứng an toàn, linh hoạt"

Phương án tổng thể đảm bảo dạy học “thích ứng an toàn, linh hoạt”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: “Về công tác đảm bảo dạy học an toàn trong các trường, ngay từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Sở Giáo dục Nghệ An cũng đã rất chủ động để ứng phó. Nhiều văn bản chỉ đạo đã được đưa ra kịp thời. Đặc biệt là ban hành các văn bản để phòng chống dịch bệnh ngay chính trong nội bộ ngành giáo dục, có nội dung rất chi tiết, cụ thể từng đầu việc. Tất nhiên, việc ban hành các văn bản này cũng phải sát, phù hợp với thực tiễn chứ không phải lấy số lượng làm chính.

Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tuyến với các đầu cầu là các Phòng Giáo dục, các trường ở địa phương để quán triệt nội dung trong các văn bản đã đề cập.

Với một địa bàn rộng như Nghệ An, việc làm sao để có thể thích ứng linh hoạt và đảm bảo an toàn trong dạy học cho thầy cô và học trò càng được những người làm công tác quản lý giáo dục như chúng tôi chú trọng trước tiên.

Thầy Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Trung Dũng
Thầy Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Trung Dũng

Cụ thể, thông qua các nhóm Zalo của các Trưởng phòng Giáo dục, nhóm Zalo của các Hiệu trưởng, chúng tôi cũng thường xuyên giữ kết nối, cập nhật liên tục, trao đổi làm rõ các nội dung để cùng nhau triển khai thực hiện công việc một cách hiệu quả nhất. Từ đó, lãnh đạo các trường sẽ phổ biến đến từng giáo viên để thầy cô nắm bắt được nội dung trong các văn bản.

Việc yêu cầu các cán bộ quản lý trong ngành và giáo viên chấp hành nghiêm túc các nội dung trong văn bản của Sở Giáo dục cũng như các văn bản của cấp trên đề ra không cứng nhắc mà có sự mềm dẻo, linh hoạt, chủ động.

Nghệ An có đến 11 huyện miền núi, trong đó 5 huyện đang thực hiện Chương trình 30a (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ - phóng viên chú thích). Khi ấy, để thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, chúng ta không thể lấy cái “chén” của nơi này đem sang để đặt vào “bàn trà” của nơi khác được, mà yêu cầu các địa phương cần có những giải pháp mang tính hợp lý.

Chẳng hạn, thời điểm cả nước vẫn thực hiện việc phong tỏa trên diện rộng chưa áp dụng phân vùng như hiện nay, chúng tôi cũng đã có sự linh hoạt theo từng địa phương. Cụ thể, chúng tôi chỉ áp dụng học trực tuyến với những nơi bị giãn cách như thành phố Vinh và một số nơi khác đang là điểm nóng và có nhiều F0, không yêu cầu học trực tuyến trên quy mô toàn tỉnh. Vì thế, nơi nào chưa có dịch thì chúng tôi vẫn cho học sinh đến trường, học trực tiếp như bình thường.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có những phương án để biến “nguy” thành “cơ” bằng việc tận dụng những bản làng có đường độc đạo đi vào, những nơi này có thể kiểm soát chặt được người ra vào thì sẽ để cho các học sinh ở đó đến trường học trực tiếp dù các vùng xung quanh khu vực đó vẫn có dịch. Dù làm như thế, chúng tôi biết là phải cố tận dụng hết mức “thời gian vàng” để tranh thủ học trực tiếp. Trong hoàn cảnh nào, công tác đảm bảo an toàn cho các học sinh và giáo viên vẫn được chúng tôi đặt lên hàng đầu.

Để cho công tác phòng, chống dịch được tốt thì rất cần sự vào cuộc của cả một hệ thống. Đó là sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh, thông qua những đoàn kiểm tra trực tiếp về công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, để làm tốt công tác đảm bảo an toàn cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh, chúng tôi còn sử dụng đến các kênh tuyên truyền qua đài truyền hình Nghệ An, báo Nghệ An và các cơ quan báo chí trên địa bàn.”

Có trường học xây dựng tới 5 thời khóa biểu trong một tuần

Ngoài những phương án mang tính tổng thể, một số giải pháp chi tiết cũng được Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An thông tin thêm: “Để thực hiện hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt và chỉ đạo các địa phương cần có những phương án thích ứng linh hoạt và cần chủ động trong mọi việc. Vì thế, ở một số trường họ đã có những giải pháp rất sáng tạo và phù hợp với hoàn cảnh của khu vực đó.

Học sinh đến trường học trực tiếp cần phải đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp luôn là ưu tiên hàng đầu với các trường ở Nghệ An. Ảnh: Trung Dũng

Học sinh đến trường học trực tiếp cần phải đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp luôn là ưu tiên hàng đầu với các trường ở Nghệ An. Ảnh: Trung Dũng

Ở Nghệ An có những trường lên kế hoạch và có đến 5 thời khóa biểu trong một tuần để có thể chủ động thích ứng linh hoạt và dạy học an toàn trong bối cảnh dịch bệnh. Dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, việc học sinh hôm nay đang học trực tiếp nhưng có thể sáng hôm sau buộc phải học trực tuyến là bình thường.

Ngoài ra, một số trường đã tổ chức được các đội cờ đỏ phòng, chống Covid - 19. Ngoài việc làm các nhiệm vụ liên quan đến học tập như trước đây, các đội cờ đỏ này còn có thêm nhiệm vụ là quản lý chặt về sinh hoạt của các nhóm học sinh trong trường đó. Đây là giải pháp được coi là góp phần siết chặt và khoanh vùng được sự phát tán của dịch bệnh trong phạm vi nhỏ nhất. Việc này, một số trường thuộc Thị xã Cửa Lò đang triển khai rất tốt.

Một số địa phương khác, chúng tôi cũng áp dụng phương châm “khoanh vùng rộng nhưng phong tỏa hẹp”. Cụ thể, nếu trong trường có học sinh bị nhiễm Covid – 19, chúng tôi chỉ khoanh vùng trong phạm vi lớp đó và cho lớp đó học trực tuyến, các lớp khác trong trường vẫn đi học bình thường, không yêu cầu nghỉ học đồng loạt.

Với trường hợp các học sinh bị kẹt tại các địa phương đang phong tỏa, không về Nghệ An để học trực tiếp được thì chúng tôi cũng có phương án riêng. Đó là trong mỗi trường, sẽ chọn 1 lớp duy nhất trong khối để tổ chức phòng dạy học trực tuyến cho toàn bộ học sinh trong cả khối đó chứ không bố trí tràn lan mỗi lớp một phòng riêng biệt. Việc này nhằm mục đích tập trung các điều kiện để nâng cao chất lượng vào một chỗ, tránh việc dàn trải mà lại không đạt hiệu quả khi dạy học trực tuyến. Chính vì vậy, hiện nay chúng tôi có hơn 3.000 học sinh đang kẹt lại ở miền Nam nhưng hiện tại các em vẫn học trực tuyến bình thường.

Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng đến việc tiêm phủ vắc-xin cho học sinh để các em có thêm sự bảo vệ khi đến trường học trực tiếp.”

Xây dựng phương án dạy học an toàn riêng ở các huyện miền núi

Chia sẻ về việc đảm bảo công tác an toàn dạy học an toàn ở các địa phương miền núi của Nghệ An, thầy Hoàn cho biết:

“Không giống với các trường ở khu vực ở miền xuôi hoặc thành phố, với vùng miền núi, chúng tôi cũng có những phương án riêng. Trong đó, đẩy mạnh vào công tác tuyên truyền theo kiểu “cầm tay chỉ việc” kể cả với phụ huynh và học sinh, tránh làm việc theo kiểu hời hợt, qua loa.

Các trường chủ động trong việc đưa ra các phương án dạy học, cố gắng đẩy mạnh và tận dụng tối đa điều kiện để học sinh có thể tới trường học trực tiếp.

Những địa phương nằm trong các khu vực đang có dịch cần bố trí người trực, giao trách nhiệm và động viên giáo viên chủ động trong việc này. Qua đó, nhiều địa phương miền núi đã làm rất tốt, nhiều khu cách ly đều có giáo viên túc trực ở đó để vừa làm công tác vận động phụ huynh vừa dạy học cho học sinh. Thậm chí tại một số địa phương, các thầy cô giáo còn tình nguyện vào khu cách ly để thực hiện nhiệm vụ của mình.”

Thầy Lê Thanh An – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông. Ảnh: Trung Dũng
Thầy Lê Thanh An – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông. Ảnh: Trung Dũng

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong công tác dạy học trực tuyến trên địa bàn, thầy Lê Thanh An – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông, Nghệ An cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay thì mỗi địa phương đều có những khó khăn riêng và địa bàn huyện Con Cuông cũng không nằm ngoài những khó khăn ấy.

Bởi lẽ, với đặc thù của một huyện miền núi, quá trình dạy học trực tiếp vốn đã không ít vất vả, nên khi tổ chức học trực tuyến khó khăn này còn nâng lên gấp nhiều lần. Đặc biệt là khó khăn về hệ thống đường truyền mạng internet vẫn còn không đồng đều, mạng 3G, 4G nhiều khu vực còn chưa phủ sóng được. Một số khu vực của xã Châu Khê, Thạch Ngàn sóng rất yếu, nên khi học sinh vào học cùng một lúc thì thường xảy ra tình trạng nghẽn mạng hoặc học sinh đang học thì bị đẩy ra cũng rất phổ biến.

Ngoài ra, phần đông học sinh trên địa bàn huyện có hoàn cảnh khó khăn, rất thiếu thốn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Thói quen và kỹ năng để học sinh ở đây để có thể tiếp cận được với công nghệ thông tin cũng chậm hơn so với các nơi khác nên lúc phải dạy học trực tuyến cũng không ít vất vả.

Đứng trước những khó khăn ấy thì Phòng Giáo dục cũng đã tham mưu cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để cùng vào cuộc. Cụ thể là liên hệ với các đơn vị viễn thông để nâng cao chất lượng đường truyền, dựng thêm các cột thu phát sóng ở các khu vực xa trung tâm để học sinh nào cũng có thể tiếp cận được với việc học online một cách dễ dàng nhất. Việc này chúng tôi đưa vào kế hoạch dài hơi của địa phương chứ không thể trong ngày một ngày hai mà cải thiện ngay được.

Về trang thiết bị học tập của học sinh thì chúng tôi cũng đẩy mạnh cuộc vận động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” bằng những cách làm thiết thực nhất. Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường giúp đỡ tại chỗ, thông qua việc vận động giáo viên nào có kinh phí thì có thể mua điện thoại tặng học sinh trong trường mình công tác. Hoặc thầy cô nào có điện thoại, máy tính cũ thì đều có thể mang đến trường để ủng hộ. Đồng thời, chúng tôi cũng vận động các nhà tài trợ, nhà hảo tâm ủng hộ các thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh để đảm bảo cho các em duy trì việc học nếu như phải dừng đến trường”.

Trung Dũng