Ngành gắn với sứ mạng tuyển 'èo uột', ĐH Tài nguyên và Môi trường HN nói gì?

17/10/2023 06:40
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành Khí tượng thủy văn biển của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường HN trong 2 năm liên tục không có sinh viên trúng tuyển nhập học.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại đề án tuyển sinh các năm gần đây của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, số chỉ tiêu và lượng thí sinh trúng tuyển cao đang có xu hướng dịch chuyển từ các ngành truyền thống, gắn với sứ mạng sang các ngành mới của trường.

Trong đó, vào năm 2017, chỉ tiêu lấy ở mức cao mà trường này công bố được phân bố đan xen giữa các ngành với nhau. Cụ thể: Cao nhất là ngành Quản lý đất đai với 450 chỉ tiêu; ngành Quản lý tài nguyên và môi trường với 350 chỉ tiêu. Tiếp sau đó ngành Kế toán có 330 chỉ tiêu; ngành công nghệ kỹ thuật môi trường có 250 chỉ tiêu và ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với 220 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, sang năm 2018 ngành Quản lý đất đai từng lấy 450 chỉ tiêu vào năm trước thì năm này đã giảm xuống còn 350 chỉ tiêu; ngành Quản lý tài nguyên và môi trường từng lấy 350 chỉ tiêu đã giảm xuống còn 300 chỉ tiêu.

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Ngược lại, các ngành mới mở của trường này đã có sự điều chỉnh chỉ tiêu tăng lên như: ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tăng từ 220 lên 250 chỉ tiêu; ngành Công nghệ thông tin tăng từ 180 lên 310 chỉ tiêu.

Trong năm 2017 cũng ghi nhận một số ngành có chỉ tiêu nằm ở mức 2 con số như: ngành Khoa học đất có 50 chỉ tiêu; ngành Khí tượng thủy văn biển có 60 chỉ tiêu; ngành Thủy văn học và ngành Khí tượng khí hậu học cùng có mức 75 chỉ tiêu.

Trong năm này, hầu hết ở các ngành truyền thống, gắn với sứ mạng của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học rất thấp. Trong đó, có ngành được báo cáo là không có sinh viên trúng tuyển nhập học. Điều này khiến cho tổng số sinh viên trúng tuyển nhập học của trường trong năm học này chỉ đạt hơn nửa so với chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, ngành Khí tượng thủy văn biển lấy 60 chỉ tiêu nhưng không có sinh viên trúng tuyển nhập học; ngành Thủy văn học lấy 75 chỉ tiêu nhưng chỉ có 10 sinh viên trúng tuyển nhập học. Các ngành khác như: Kỹ thuật địa chất lấy 100 chỉ tiêu nhưng chỉ có 15 sinh viên trúng tuyển nhập học; ngành Khoa học đất lấy 50 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có 16 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Bên cạnh đó, một số ngành truyền thống khác lấy chỉ tiêu ở mức 3 con số nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học cũng chỉ đạt ở mức phân nửa. Trong đó, ngành Quản lý đất đai lấy 450 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có 214 sinh viên trúng tuyển nhập học; ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường lấy 250 chỉ tiêu nhưng chỉ có 85 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Một số ngành truyền thống, gắn sứ mạng của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có thời điểm không có sinh viên trúng tuyển. Ảnh chụp đề án tuyển sinh

Một số ngành truyền thống, gắn sứ mạng của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có thời điểm không có sinh viên trúng tuyển. Ảnh chụp đề án tuyển sinh

Tuy nhiên, ghi nhận ở các ngành mới mở của trường này, không chỉ có mức chỉ tiêu cao mà con số sinh viên trúng tuyển nhập học cũng cao hơn chỉ tiêu công bố. Cụ thể, ngành Kế toán lấy 330 chỉ tiêu nhưng có 369 sinh viên trúng tuyển nhập học; ngành Công nghệ thông tin lấy 180 chỉ tiêu nhưng có đến 259 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Hiện tượng này cũng diễn ra trong năm 2018 khi những ngành mới của trường đại học này luôn chiếm "ưu thế" cả về chỉ tiêu và lượng sinh viên trúng tuyển nhập học.

Thậm chí, ngành Quản trị kinh doanh và ngành Luật bắt đầu tính chỉ tiêu từ năm này cũng đã có sự vượt trội hơn so với ngành truyền thống khi có số sinh viên trúng tuyển nhập học cao hơn chỉ tiêu công bố.

Cụ thể, ngành Quản trị kinh doanh lấy 50 chỉ tiêu nhưng có đến 104 sinh viên trúng tuyển nhập học và ngành Luật lấy 40 chỉ tiêu nhưng có 52 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Các ngành mới khác được ghi nhận tương tự như: ngành Kế toán lấy 200 chỉ tiêu nhưng có đến 475 sinh viên trúng tuyển nhập học; ngành Công nghệ thông tin lấy 310 chỉ tiêu nhưng có 389 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Ngược lại, ở các ngành truyền thống, gắn sứ mạng, trong năm này lại đang thể hiện rõ sự sụt giảm về số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học. Trong đó, ngoài ngành Khí tượng thủy văn biển vẫn "giữ ngôi" khi không có sinh viên nào trúng tuyển nhập học thì trong năm 2018 đã góp mặt thêm ngành Khoa học đất khi lấy 40 chỉ tiêu nhưng không có sinh viên nào trúng tuyển nhập học.

Bên cạnh đó, một số ngành truyền thống khác có sự sụt giảm mạnh về số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học so với năm trước đó như: ngành Thủy văn học từ 10 xuống còn 6 sinh viên; ngành Kỹ thuật địa chất từ 15 xuống còn 5 sinh viên; ngành Quản lý biển từ 13 xuống còn 3 sinh viên.

Khảo sát tiếp của phóng viên trong năm 2019, 2020 cho thấy, các ngành mới của trường đại học này hầu hết đều tuyển vượt chỉ tiêu, thậm chí có ngành tuyển vượt hơn 10%.

Đơn cử như ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành trong năm 2020 lấy 50 chỉ tiêu nhưng có đến 527 sinh viên trúng tuyển nhập học. Ngành Kế toán lấy 370 chỉ tiêu nhưng có 742 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Các ngành khác tương tự như: ngành Quản trị kinh doanh lấy 150 chỉ tiêu nhưng có đến 513 sinh viên trúng tuyển nhập học; ngành Công nghệ thông tin lấy 350 chỉ tiêu nhưng có đến 626 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Đối với các ngành mới của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có năm số lượng trúng tuyển vượt hơn 10% so với chỉ tiêu. Ảnh chụp đề án tuyển sinh

Đối với các ngành mới của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có năm số lượng trúng tuyển vượt hơn 10% so với chỉ tiêu. Ảnh chụp đề án tuyển sinh

Cũng trong năm 2020 một số ngành dù bắt đầu tuyển sinh năm đầu tiên nhưng cũng được ghi nhận là tuyển vượt. Cụ thể như: ngành Maketing lấy 100 chỉ tiêu nhưng có 416 sinh viên trúng tuyển nhập học; ngành Quản trị khách sạn lấy 100 chỉ tiêu nhưng có 254 sinh viên trúng tuyển nhập học. Hay như ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lấy 100 chỉ tiêu nhưng có tới 273 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Ngược lại, cũng trong năm này các ngành gắn với sứ mạng của trường chỉ có từ 1 đến 2 sinh viên trúng tuyển nhập học tăng lên. Đặc biệt, ngành Khí tượng thủy văn biển sau 2 năm không có sinh viên nào trúng tuyển nhập học thì trong năm này đã không còn "thấy tên" trong báo cáo thống kê.

Ngoài ra, trong năm 2019 ghi nhận có 3 ngành gồm: Quản lý biển, Quản lý tài nguyên nước, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững chỉ có 1 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Tìm hiểu trong đề án tuyển sinh mới nhất của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là đề án năm 2023, chỉ thấy số liệu báo cáo về chỉ tiêu và số lượng sinh viên nhập học của năm gần nhất là năm 2022.

Phóng viên tiếp tục truy cập theo hướng dẫn trong đề án đến đường link: https://dt.hunre.edu.vn/dai-hoc để xem thông tin tuyển sinh của năm 2021. Tuy nhiên, đường link này dẫn đến trang chủ của Phòng Đào tạo, không tìm thấy nội dung thông tin tuyển sinh.

Với những số liệu mà phóng viên tiếp cận được trong năm 2022 cho thấy, trong năm này chỉ thể hiện số liệu của một số ngành truyền thống, một số ngành mới khác đang để con số thống kê là "0".

Ngoài ra, dù số lượng sinh viên trúng tuyển và nhập học ở các ngành này đã nhiều hơn, tuy nhiên khi so sánh với mức chỉ tiêu đề ra thì con số này vẫn khá ảm đạm.

Đáng chú ý ở một số ngành như: ngành Khí tượng thủy văn biển lấy 40 chỉ tiêu nhưng chỉ có 5 sinh viên nhập học; ngành Khoa học đất lấy 40 chỉ tiêu nhưng chỉ có 6 sinh viên nhập học; ngành Quản lý biển lấy 50 chỉ tiêu nhưng chỉ có 17 sinh viên nhập học.

Một phần trong bảng thống kê thông tin tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Có thể thấy một số ngành ghi các chỉ số thống kê là "0". Ảnh chụp màn hình

Một phần trong bảng thống kê thông tin tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Có thể thấy một số ngành ghi các chỉ số thống kê là "0". Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học thấp ở các ngành truyền thống chỉ là câu chuyện của trước đây, còn hiện tại việc này đã được cải thiện.

Vị này cũng nhấn mạnh rằng, trong năm nay nhà trường đã có sự thay đổi về nội dung trong "sứ mạng" để trở thành trường đào tạo đa ngành nên những ngành được đề cập như trên không được coi là "ngành gắn sứ mạng" của nhà trường nữa.

Nhận định về nguyên nhân của lượng sinh viên nhập học suy giảm tại các năm trước đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: "Trong việc này có rất nhiều yếu tố tác động.

Tuy nhiên, theo tôi nguyên nhân lớn nhất vẫn là do ở thời điểm đó các ngành mà chúng tôi đào tạo có rất nhiều hạn chế về nguồn việc làm. Có thể tâm lý sinh viên thấy các ngành đó sau khi ra trường sẽ khó xin việc nên các em không mấy mặn mà và theo đuổi.

Hơn nữa, trong bối cảnh có nhiều ngành mới được mở ra mà việc tuyển sinh đầu vào đối với các ngành mới đó lại không quá khó, vì thế sinh viên chọn ngành học mới có tương lai hơn thay vì chọn những ngành cũ cũng là điều dễ hiểu".

Về việc này, thầy Huy cho hay hiện tại tình hình tuyển sinh đối với các ngành truyền thống của trường đã khả quan hơn. Theo đó, vị này cho rằng, trong 2 năm trở lại đây nhà trường luôn tuyển đủ lượng sinh viên đối với các ngành nói trên để đảm bảo yêu cầu dạy học.

"Việc tuyển sinh đối với các ngành trên về cơ bản năm nay nhà trường cũng đã khắc phục được rồi, còn năm sau thì chưa dám nói trước. Tuy nhiên, nếu vẫn xảy ra tình trạng như vậy thì chắc chắn chúng tôi cũng sẽ có nhiều giải pháp tiếp theo để xử lý", Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quả quyết.

Thông tin thêm về phương án để nhà trường kéo lại lượng sinh viên đối với các ngành từng bị suy giảm trước đó, thầy Huy cho biết: "Trong việc này, ngoài việc cán bộ nhà trường thường xuyên tuyên truyền thông qua hoạt động tuyển sinh thì chúng tôi cũng được phía Bộ chủ quản hỗ trợ rất nhiều.

Trong đó có việc định hướng cho các sinh viên có nhu cầu, nếu sau này ra trường đủ điều kiện các em hoàn toàn có thể làm việc trong các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, với những ngành trước đây khó tuyển và tỷ lệ sinh viên nhập học thấp thì chúng tôi cũng đã có chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là bố trí chỗ ở trong ký túc xã miễn phí cho các sinh viên theo học ở các ngành học nói trên. Sắp tới đây, nhà trường cũng sẽ đi kêu gọi các nguồn học bổng xã hội hóa nữa để có thể tạo ra nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên".

Trung Dũng