Xuất phát từ nhu cầu của thời đại chuyển đổi số, ngành Địa tin học ra đời nhằm giúp con người hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh. Ngành này đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, cũng như thu thập dữ liệu về bề mặt Trái Đất.
Hơn nữa, nhờ vào sức mạnh của công nghệ thông tin, dữ liệu không gian và phi không gian, cùng với công nghệ mạng, Địa tin học có khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực thiết yếu.
Gần như mọi ngành nghề đều cần đến dữ liệu thông tin số do Địa tin học cung cấp, từ đó tạo ra một nhu cầu lớn về nhân lực trong lĩnh vực này. Đây chính là cơ sở tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành Địa tin học, đồng thời mở ra hàng loạt cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên muốn theo đuổi ngành học đầy tiềm năng này.
Ngành học trang bị kiến thức đa lĩnh vực
Theo tìm hiểu của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Mỏ - Địa chất hiện là cơ sở giáo dục đại học duy nhất trên cả nước đào tạo ngành Địa tin học.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Trần Trung Anh - Phó Trưởng khoa Trắc địa bản đồ và Quản lý đất đai, người phụ trách ngành Địa tin học chia sẻ, nhận thức được tầm quan trọng của ngành này đối với xã hội, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã xây dựng đề án mở ngành và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo theo Quyết định số 1123/QĐ-BGDĐT ngày 24/04/2019.
Địa tin học (Geomatics hay Geoinformatics trong tiếng Anh) là ngành khoa học ứng dụng, sử dụng nền tảng công nghệ thông tin trong việc thu thập, phân tích, lưu trữ, hiển thị và chia sẻ dữ liệu khoa học về Trái Đất, mô hình hóa tương tác giữa con người và máy tính, phục vụ cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ngành này yêu cầu sự kết hợp kiến thức chuyên sâu từ nhiều lĩnh vực như Đo ảnh Viễn thám, Khoa học máy tính, Trắc địa, Đo đạc khảo sát, Bản đồ quy hoạch, Phân tích không gian, xây dựng, Luật,... tất cả đều hướng đến việc trả lời các câu hỏi: "Ở đâu?", "Khi nào?", "Cái gì?", "Tại sao?".
Tiến sĩ Trần Trung Anh cho biết, sinh viên theo học ngành Địa tin học sẽ được học cách thu thập, phân tích và biểu diễn dữ liệu không gian. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức đa dạng từ nhiều môn học bao gồm Khoa học máy tính, Địa lý, Toán học, Kỹ thuật, cùng với kỹ năng liên quan đến bản đồ, viễn thám, phân tích không gian và công nghệ thông tin.
Đồng thời, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, sinh viên cần không ngừng cập nhật kiến thức và rèn luyện kỹ năng để theo kịp tiến bộ công nghệ và nâng cao trình độ chuyên môn của mình.
Địa tin học - ngành khoa học sử dụng nền tảng công nghệ thông tin trong việc thu thập và phân tích dữ liệu, điều này cũng đồng thời đặt ra những thách thức về sự phức tạp của dữ liệu và yêu cầu sinh viên phải kiên nhẫn, rèn luyện tư duy phân tích.
Để theo học ngành Địa tin học một cách hiệu quả, bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cần trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết như quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, tự học,...
Dành lời khuyên cho thí sinh muốn theo đuổi ngành này, Phó trưởng khoa Trần Trung Anh cho rằng, để thành công, người học cần phát huy tinh thần nỗ lực và tự rèn luyện để tiếp thu kiến thức một cách chủ động và đầy đủ.
Tiến sĩ Trần Trung Anh cũng nhấn mạnh, khó khăn và áp lực là điều không thể tránh khỏi trong quá trình học tập và phát triển của sinh viên, không chỉ trong ngành Địa tin học mà còn ở các ngành khác. Đây là cơ hội để sinh viên trau dồi kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và khả năng thích ứng với môi trường làm việc sau khi ra trường.
Theo học ngành này có nhiều cơ hội việc làm và triển vọng nghề nghiệp lớn. Kỹ sư Địa tin học ngoài khả năng về công nghệ thông tin còn có chuyên môn sâu về Khoa học trái đất và môi trường, vì vậy sinh viên ra trường có năng lực và khả năng ở nhiều vị trí việc làm như: Nhà tư vấn, giám sát, nhà lãnh đạo lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học trái đất và môi trường, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước làm trong lĩnh vực địa không gian và các liên doanh nước ngoài và quốc tế.
Ngoài ra, các em có thể trở thành cán bộ nghiên cứu, phân tích, thu thập, phân tích dữ liệu, lập trình viên, kỹ thuật viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học trái đất và môi trường tại các viện nghiên cứu hay các trường đại học.
Sinh viên tốt nghiệp cũng có thể học lên bậc học cao hơn và trở thành giảng viên giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông.
Tiến sĩ Trần Trung Anh thông tin thêm, Địa tin học là ngành học liên ngành, hiện được giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm từ hai khoa truyền thống của trường: Khoa Trắc địa bản đồ và Quản lý đất đai, và Khoa Công nghệ thông tin.
"Đội ngũ giảng viên của ngành Địa tin học là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, đã được đào tạo bài bản tại các quốc gia tiên tiến. Họ cũng nhanh chóng tiếp cận với công nghệ mới, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động đào tạo ngành học những bước đầu tiên", Phó Trưởng khoa Trần Trung Anh chia sẻ
Tự hào với môi trường học tập tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, vị Phó Trưởng khoa bày tỏ sự tự hào khi sinh viên luôn nhận được sự đồng hành và quan tâm sát sao từ phía giảng viên, lãnh đạo khoa và nhà trường.
Để mở rộng kiến thức và kinh nghiệm thực tế cho sinh viên, bộ môn chủ quản thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan doanh nghiệp và mời chuyên gia từ bên ngoài giới thiệu công nghệ mới, giúp sinh viên nắm bắt được xu hướng mới trong ngành. Theo Tiến sĩ Trần Trung Anh, đây là cơ hội quý báu để sinh viên tiếp xúc và tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua các thông báo tuyển dụng từ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho việc học tập và thực hành của sinh viên đều được đầu tư đầy đủ và hiện đại. Trường còn cung cấp nhiều quỹ học bổng hàng năm để khuyến khích sinh viên, bao gồm Quỹ khuyến học của Trường Đại học Mỏ - Địa chất (khoảng 20 tỷ đồng), cùng với Quỹ học bổng dành riêng cho sinh viên ngành Địa tin học từ các doanh nghiệp.
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa và thể thao cũng nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ các thầy cô, tạo điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên phát triển toàn diện cả về mặt tinh thần và thể chất.
Thách thức trong tuyển dụng nhân sự chuyên ngành Địa tin học
Mặc dù sinh viên tốt nghiệp ngành Địa tin học có thể tìm thấy cơ hội việc làm trong nhiều lĩnh vực như quản lý địa lý và tài nguyên, thực hiện các dự án địa lý, phân tích và thiết kế bản đồ, tìm kiếm thông tin địa lý, phân tích không gian và quản lý tài nguyên cho các tổ chức khác nhau,... Song trong thực tế, vẫn có không ít đơn vị tuyển dụng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự có chuyên môn trong lĩnh vực này.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Trung tâm Xử lý Điều tra Đo đạc và Bản đồ, Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi đang rất cần những sinh viên được đào tạo chính quy trong ngành Địa tin học, bởi họ có các kiến thức cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc đa dạng của Trung tâm, giúp họ nắm bắt công việc nhanh chóng và hiệu quả."
Cũng theo bà Yến, vì nhân lực có chuyên môn Địa tin học được đào tạo chính quy chưa nhiều nên bắt buộc phải chấp nhận việc tuyển dụng được nhân lực rồi đào tạo cho phù hợp với công việc. Năm 2023, Trung tâm đã tuyển được một sinh viên tốt nghiệp bằng Giỏi, ngành Địa tin học từ Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Là một trong những sinh viên ngành Địa tin học đầu tiên đã tốt nghiệp của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Nguyễn Thị Thu Thuỷ (cựu sinh viên K64, Trường Đại học Mỏ - Địa chất) hiện đang là nhân viên xử lý kỹ thuật tại Trung tâm xử lý điều tra đo đạc bản đồ thuộc Cục đo đạc bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam.
"Tôi vốn thích học những thứ liên quan đến địa lý và bản đồ, vậy nên khi tìm hiểu và biết được Trường Đại học Mỏ - Địa chất có ngành Địa tin học, tôi đã rất vui và quyết định lựa chọn đăng ký theo học ngành này", chị Thủy chia sẻ về lý do lựa chọn theo học ngành Địa tin học.
Chia sẻ thêm, cựu sinh viên Nguyễn Thị Thu Thủy cho hay, những kiến thức mang tính thực tiễn cao đã được trang bị khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã giúp chị thích nghi nhanh chóng với yêu cầu công việc.
Còn Nguyễn Thị Thu Hiền, hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Địa tin học tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Thời gian này, Hiền đang bận rộn chuẩn bị cho đồ án tốt nghiệp. Chia sẻ với phóng viên, Hiền bày tỏ: "Với kiến thức đã học và sự rèn luyện, cùng sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp đối tác của trường, tôi tin rằng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp là rất lớn."
Tiến sĩ Trần Trung Anh nhận định rằng, Địa tin học là một ngành mới với kiến thức liên ngành phong phú, nhưng trong thực tế cũng có khá nhiều thí sinh chưa hiểu rõ về ngành học thú vị này. Vì vậy, nhà trường đang nỗ lực quảng bá ngành để thu hút thêm nhiều thí sinh, đồng thời cập nhật kiến thức và công nghệ mới để đảm bảo chất lượng giảng dạy và đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Mỏ - Địa chất tuyển sinh với 5 phương thức và 4 tổ hợp môn xét tuyển. Riêng ngành Địa tin học, trường dành ra khoảng 60 chỉ tiêu với các tổ hợp môn: A00 (Toán, Lý, Hóa); C04 (Toán, Văn, Địa); D01 (Toán, Văn, Anh); D10 (Toán, Địa, Anh).