Nếu bậc tiểu học bố trí dạy theo môn sẽ giải được bài toán thiếu giáo viên

24/07/2023 06:42
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu Bộ có chủ trương phân công giáo viên giảng dạy theo từng môn sẽ tận dụng được nguồn lực hiện có, giải quyết được bài toán thiếu giáo viên ở cấp tiểu học.

Theo Điều 72, Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn trình độ giáo viên phổ thông là bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay giữa 3 cấp học phổ thông có nhiều môn học tương đồng với nhau nhưng cách bố trí giáo viên giảng dạy lại đang rất khác nhau. Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang bố trí 1 giáo viên dạy 1 môn, chỉ có một số rất ít giáo viên dạy 2 môn.

Thế nhưng, cấp tiểu học hiện nay đang bố trí giáo viên chủ nhiệm dạy rất nhiều môn khác nhau. Trong khi, tình trạng giáo viên tiểu học hiện nay ở gần hết các địa phương đều thiếu do khi thực hiện chương trình mới dạy 2 buổi/ ngày nhưng giáo viên trung học cơ sở lại đang có xu hướng thừa cục bộ.

Vì thế, nếu Bộ có chủ trương phân công giáo viên giảng dạy theo từng môn sẽ tận dụng được nguồn lực hiện có, giải quyết được bài toán thiếu giáo viên ở tiểu học mà cũng đỡ lãng phí về nhân lực, ngân sách cho những nơi thừa.

Giáo viên cấp tiểu học hiện nay đang thiếu khá nhiều (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên cấp tiểu học hiện nay đang thiếu khá nhiều (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Thừa, thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình mới

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, cao hơn 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022. Số liệu này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại báo cáo đánh giá việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022- 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp tiểu còn thiếu tăng hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên). Còn cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên).

Cấp trung học phổ thông tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên). Ngoài ra, năm học 2022 - 2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc).

Đánh giá chung, năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, còn tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023.[1]

Chiều 21/7,Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức họp cơ quan báo, đài định kỳ quý II năm 2023. Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng thiếu giáo viên các cấp học trên địa bàn thành phố.

Trả lời báo chí, bà Lê Thị Thuỳ Dung- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết, hiện nay, Cần Thơ thiếu 688 giáo viên; trong đó bậc tiểu học thiếu 313 giáo viên. [2]

Tại Phú Yên, theo ông Trần Khắc Lễ- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Căn cứ báo cáo nhu cầu từ các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung cho tỉnh Phú Yên 1.501 biên chế giáo viên trong năm học 2023-2024.

Cụ thể, đối với cấp học mầm non, năm học 2023-2024, tỉnh thiếu 751 giáo viên; cấp tiểu học thiếu 472 giáo viên giảng dạy các môn Tiếng Anh, Tin học và thực hiện dạy hai buổi/ngày; cấp trung học cơ sở thiếu 26 giáo viên; cấp trung học phổ thông thiếu 252 giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật. [3]

Nhìn chung, các cấp học hiện nay của nhiều địa phương đang thừa, thiếu cục bộ ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Thiếu giáo viên ở một số môn học mới được triển khai nhưng lại thừa giáo viên đối với một số môn học truyền thống khi được tích hợp và giảm số tiết so với chương trình 2006.

Trong 3 cấp phổ thông, cấp tiểu học thiếu nhiều nhất, chủ yếu là thiếu giáo viên chủ nhiệm lớp khi vị trí này đang được bố trí giảng dạy rất nhiều môn mà chương trình 2028 chủ trương thực hiện dạy hai buổi/ngày.

Bố trí giáo viên dạy theo môn ở tiểu học sẽ giải quyết được bài toán thiếu giáo viên hiện nay

Theo Chương trình giáo dục 2018, các môn học ở cấp tiểu học và trung học cơ sở có sự tương đồng từ tên gọi đến nội dung kiến thức. Chỉ khác ở là cấp trung học cơ sở có kiến thức cao hơn cấp tiểu học.

Việc phân công ở tiểu học hiện nay ngoài các môn chuyên: Anh, Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật, Tin học và Công nghệ là có giáo viên riêng biệt. Các môn còn lại: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm thường phân công cho giáo viên chủ nhiệm đảm nhận.

Khi chương trình 2018 triển khai thì cấp tiểu học có phát sinh thêm dạy buổi 2, thành ra giáo viên chủ nhiệm sẽ thừa tiết và dẫn đến thiếu giáo viên ở nhiều trường học.

Trong khi đó, ở cấp trung học cơ sở, môn Tin học ở chương trình 2006 có 2 tiết/ lớp/ tuần nhưng khi triển khai chương trình 2018 chỉ còn 1 tiết/ lớp/ tuần nên sẽ dư hẳn một nửa giáo viên khi thực hiện cuốn chiếu xong vào năm học 2024-2025.

Hai năm học vừa qua đã xuất hiện tình trạng thừa giáo viên Tin học ở cấp trung học cơ sở vì cấp học này đã triển khai chương trình ở lớp 6 và lớp 7.

Môn Lịch sử; Địa lý; Vật lý; Hóa học; Sinh học là 5 môn học độc lập ở chương trình 2006 nhưng khi triển khai chương trình 2018 chỉ còn lại 2 môn, đó là: Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên.

Việc “tích hợp” từ 5 môn thành 2 môn và gom về 2 tổ chuyên môn, cũng như chủ trương của Bộ sẽ xếp giáo viên sẽ dạy cả môn tích hợp sau khi được bồi dưỡng và có chứng chỉ tích hợp sẽ dẫn đến thừa giáo viên đối với các môn này.

Vì thế, nếu tận dụng tốt có thể điều chuyển giáo viên 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở xuống tiểu học dạy các môn: Lịch sử và Địa lí; Khoa học; Tự nhiên và Xã hội. Thậm chí, giáo viên Toán và Ngữ văn nếu thừa cũng có thể thuyên chuyển xuống tiểu học để dạy môn Toán và Tiếng Việt.

Ngoài ra, giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở một số trường loại II, loại III đối với cả 3 cấp học có thể bố trí dạy liên cấp vì hiện nay cấp trung học phổ thông đưa thêm vào 2 môn học này. Trong khi, nhiều giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp tiểu học, trung học cơ sở đang thiếu định mức, có giáo viên chỉ dạy một nửa định mức theo quy định.

Cái lợi của việc bố trí thuyên chuyển giáo viên trung học cơ sở xuống tiểu học, hoặc dạy liên trường là 2 trường này cùng trong một xã (phường) nên khoảng cách thường rất gần bởi các trường học thường nằm ở trung tâm hành chính xã.

Việc giáo viên cấp trung học cơ sở được điều chuyển xuống dạy tiểu học cũng gần nhà mà phụ cấp đứng lớp lại cao hơn nên sẽ không khó vận động, thuyết phục khi điều chuyển công tác. Khi làm xong nhân sự ở cấp trung học cơ sở thì sắp xếp giáo viên dạy theo môn ở tiểu học như 2 cấp còn lại để giảm số tiết cho giáo viên chủ nhiệm và bù vào những trường còn thiếu giáo viên.

Vì thế, nếu ngành giáo dục triển khai sắp xếp dạy theo môn ở tất cả các môn học, hoặc giảm một số môn của giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học bằng cách điều chuyển giáo viên thừa ở cấp trung học cơ sở xuống sẽ cân bằng được nguồn lực sẵn có.

Đặc biệt, cũng tránh được tình trạng 1 giáo viên dạy tiểu học đang dạy quá nhiều môn học ở 1 lớp học. Nếu giáo viên dạy tốt thì không nói làm gì nhưng giáo viên dạy chưa tốt sẽ ảnh hưởng đến mấy chục học sinh trong từng năm học. Hơn nữa, khi trong trường có giáo viên ốm đau, thai sản cũng dễ dàng phân công giáo viên dạy thế, không khó khăn như hiện nay.

Ngoài ra, phân công dạy theo môn ở tiểu học còn hạn chế được tình trạng xin chạy lớp, chuyển lớp trong nội bộ các trường tiểu học. Tình trạng này đã xuất hiện ở nhiều nơi nên đã dẫn đến các trường cho phụ huynh bốc thăm lớp trong thời gian qua.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/ca-nuoc-thieu-hon-118-000-giao-vien-2168290.html

[2]https://tienphong.vn/lanh-dao-so-gddt-can-tho-noi-gi-khi-thieu-gan-700-giao-vien-cac-cap-post1553521.tpo#1553521|zone-highlight-71|3

[3]https://baophuyen.vn/79/298439/giai-quyet-bai-toan-thieu-giao-vien-cho-nam-hoc-2023-2024.html

NGUYỄN CAO