Mười hai vấn đề được quan tâm nhiều tại dự thảo Luật Nhà giáo

28/05/2024 07:08
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 40. Chính sách tiền lương đối với nhà giáo

Ngày 14/5, trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ đã đăng tải toàn văn Dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự thảo được ban soạn thảo Bộ Giáo dục và Đào tạo (phối hợp các bộ, ban, ngành) được công bố gần như phủ hết mọi vấn đề liên quan nhà giáo, từ khái niệm đến chế độ làm việc, nghỉ ngơi, tuyển dụng, nghỉ hưu, chính sách lương, phụ cấp,…

Thời gian qua, đã có nhiều văn bản, cơ chế chính sách chăm lo cho nhà giáo. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành về nhà giáo còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất và khó áp dụng trong thực tiễn. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng Luật Nhà giáo.

GDVN_ ảnh giaoduc.jpg
Ảnh minh họa

Nếu Luật Nhà giáo được thông qua thì lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của ngành Giáo dục, có một Luật riêng điều chỉnh về nhà giáo, góp phần khẳng định vị thế của nhà giáo. Do đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành đều rất mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng vào những tác động tích cực mà Luật sẽ mang lại.

Xin được trích lược một số điểm mới đáng chú ý mà đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cả nước quan tâm có trong Dự thảo Luật Nhà giáo vừa được ban hành.

Thứ nhất, người giảng dạy trường công hay trường tư đều là nhà giáo

Trước đây khái niệm nhà giáo còn chưa đồng nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Theo định nghĩa Điều 3 dự thảo Luật Nhà giáo, nhà giáo là người giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục, tức là không phân biệt là cơ sở giáo dục dân lập hay công lập. Như vậy, với định nghĩa này, tất cả giáo viên sẽ được gọi chung là nhà giáo.

Hiện nay, giáo viên giảng dạy theo hợp đồng làm việc trong các trường công là viên chức; giáo viên giảng dạy trong các trường tư hoặc chưa tham gia tuyển dụng viên chức thì sẽ ký hợp đồng lao động và được coi là người lao động, cơ sở giáo dục sẽ là người sử dụng lao động.

Như vậy, với cách quy định hiện nay, có thể thấy thực tế sẽ gặp khó khăn trong việc xác định hợp đồng lao động, chế độ của giáo viên tại các trường công và trường tư. Luật Nhà giáo nếu được thông qua sẽ giải quyết những vướng mắc này.

Thứ hai, quy định rõ về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo

Tại Điều 8 quy định rõ về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo từ cấp mầm non đến trung cấp, đại học,…làm cơ sở để nhà giáo thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, quy định rõ quyền của nhà giáo

Tại Điều 9. Quyền của nhà giáo quy định nhà giáo có 12 quyền. Xin trích lược một số quyền cơ bản sau:

Được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo và bổ nhiệm chức danh nhà giáo theo vị trí việc làm.

Được hưởng lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ và các chế độ khác phù hợp với vị trí việc làm, chức danh nhà giáo.

Được đánh giá công bằng, khách quan; được tôn vinh, khen thưởng tương xứng với thành tích trong hoạt động nghề nghiệp và hoạt động phục vụ cộng đồng.

Được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định.

Thứ tư, quy định rõ về các hành vi bị cấm

Tại Điều 11 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó đáng chú ý cấm ép buộc học thêm thu tiền dưới mọi hình thức. Cụ thể:

1. Nghiêm cấm nhà giáo có các hành vi sau:

a) Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học, đồng nghiệp và nhân dân;

b) Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;

c) Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá người học;

d) Xuyên tạc nội dung giáo dục; lợi dụng hoạt động giảng dạy, giáo dục để tuyên truyền các nội dung trái đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

đ) Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nộp các khoản tiền ngoài quy định của pháp luật;

e) Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo dưới mọi hình thức;

g) Vi phạm đạo đức nhà giáo và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có các hành vi sau:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo;

b) Cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo;

c) Phân công nhà giáo không đúng với thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng nhà giáo; phân công vượt quá thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật về lao động;

d) Phân biệt đối xử giữa những nhà giáo dưới mọi hình thức;

đ) Trả lương không đúng số lượng và thời gian theo hợp đồng nhà giáo; thực hiện không đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định;

e) Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.

Thứ năm, chức danh nhà giáo mầm non, phổ thông không còn khái niệm hạng I, II, III

Tại Điều 12. Chức danh nhà giáo. Tại điểm a khoản 3 mỗi chức danh nhà giáo ở cấp mầm non, phổ thông được phân loại gồm: Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp.

Tại khoản 4 quy định bổ nhiệm chức danh nhà giáo cũng được quy định rõ:

Nhà giáo sau khi được tuyển dụng thì bổ nhiệm chức danh nhà giáo theo quy định tại khoản 1 Điều này;

Nhà giáo được bổ nhiệm chức danh cao hơn liền kề hoặc đặc cách theo các chức danh cao hơn quy định tại khoản 3 Điều này.

Tức khi tuyển dụng là nhà giáo chức danh giáo viên, nếu đạt tiêu chuẩn thì bổ nhiệm giáo viên chính, giáo viên cao cấp. Không còn dùng khái niệm hạng I, II, III trong chức danh nhà giáo.

Thứ sáu, quy định về chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo

Một trong những quy định được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

Dự thảo cũng quy định rõ về cấp chứng chỉ, thu hồi chứng chỉ,…

Tuy nhiên, chứng chỉ hành nghề nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều lo lắng phát sinh thủ tục rườm rà, phức tạp khi có thêm chứng chỉ hành nghề. Nghề giáo là nghề đặc thù, không cần thiết có chứng chỉ hành nghề như các nghề khác

Thứ bảy, quy định thống nhất về tuyển dụng

Đối với việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, căn cứ vào các đặc trưng lao động khác biệt so với các viên chức khác, Luật Nhà giáo dự kiến quy định đầy đủ và thống nhất về tuyển dụng nhà giáo, trong đó đổi mới quy định về phương thức, nội dung tuyển dụng phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để đảm bảo tuyển dụng được người giỏi vào ngành; quy định về việc sử dụng, quản lý nhà giáo đảm bảo phủ hết các nhóm đối tượng nhà giáo trong công lập và ngoài công lập và tạo điều kiện cho nhà giáo các cơ hội phát triển nghề nghiệp (thay đổi đơn vị công tác, thay đổi vị trí việc làm, ra nước ngoài học tập, trao đổi chuyên môn…).

Với các định hướng đổi mới về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo như trong dự thảo Luật Nhà giáo hiện nay, nhà giáo sẽ được mở rộng hơn cơ hội tiếp cận và phát triển nghề nghiệp, thông qua đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong đó, 2 điểm mới rất được chú ý đó là Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác: do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo.

Và tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo.

Hiện nay, việc tuyển dụng thông qua nhiều khâu trung gian, nhiều hình thức,…chưa thực chất. Dự thảo Luật Nhà giáo quy định việc tuyển dụng chỉ xét hồ sơ và thực hành sư phạm.

Thứ tám, cán bộ quản lý giáo dục cũng được nghỉ hè giống như giáo viên

Tại Điều 27. Chế độ làm việc của nhà giáo có một số điểm chú ý như sau:

Thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) bao gồm: 08 tuần nghỉ ngơi hàng năm và các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định của Bộ Luật Lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của Bộ Luật Lao động và các ngày nghỉ khác theo Luật Bảo hiểm xã hội. Việc bố trí 08 tuần nghỉ hàng năm do cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh (đối với giáo dục mầm non, phổ thông), cơ sở giáo dục (đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm và giáo dục nghề nghiệp) quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm cho phù hợp điều kiện địa phương và cơ sở giáo dục.

Tại khoản 4 quy định về chế độ làm việc của nhà giáo (bao gồm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) xác định cụ thể như sau:

Đối với giáo viên mầm non: Hoạt động giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em được tính theo số giờ làm việc/ngày được quy đổi để bảo đảm giờ làm việc/ngày theo quy định;

Đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học, giáo dục thường xuyên: Hoạt động giảng dạy, giáo tính theo số tiết dạy/tuần hoặc số tiết dạy/năm học được quy đổi để bảo đảm giờ làm việc/ngày theo quy định;…

Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thực hiện các nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý và giảng dạy, nghiên cứu khoa học, kiêm nhiệm (nếu có) theo chế độ tuần làm việc 40 giờ; thời gian tham gia trực tiếp giảng dạy theo quy định của cấp học, trình độ đào tạo được quy đổi như nhà giáo có cùng chuyên môn nhưng không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Nhà giáo (bao gồm cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) được chi trả chế độ làm thêm giờ khi thời gian làm việc thực tế vượt định mức thời giờ làm việc bình thường theo quy định.

Thứ chín, quy định về dạy liên cơ sở

Khái niệm về nhà giáo dạy liên cơ sở được luật hóa ở Điều 33. Nhà giáo dạy liên cơ sở giáo dục có một số điểm đáng chú ý như sau:

Dạy liên cơ sở giáo dục (sau đây gọi chung là dạy liên trường) là việc nhà giáo được cơ quan có thẩm quyền phân công tham gia hoạt động giảng dạy, giáo dục đồng thời ở từ hai cơ sở giáo dục trở lên.

Việc bố trí nhà giáo dạy liên trường được thực hiện khi cơ sở giáo dục nơi nhà giáo đang hợp đồng không thể bố trí đủ định mức làm việc theo chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo và các cơ sở giáo dục khác không đủ nhân lực thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ này.

Số tiết dạy hoặc giờ dạy của giáo viên là tổng số tiết dạy hoặc giờ dạy ở các cơ sở giáo dục mà nhà giáo được phân công giảng dạy;

Lương và các chế độ theo lương của nhà giáo do cơ sở giáo dục nơi nhà giáo đang hợp đồng chi trả. Tiền lương làm thêm giờ (trong trường hợp tổng số tiết dạy của nhà giáo vượt định mức quy định) và chi phí đi lại giữa các cơ sở giáo dục do các cơ sở giáo dục không phải cơ sở giáo dục ký hợp đồng với nhà giáo chi trả. Kinh phí thực hiện được ngân sách nhà nước bảo đảm;

Thứ mười, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất

Một điểm mới rất được quan tâm là lương nhà giáo được luật hóa, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 40. Chính sách tiền lương đối với nhà giáo

Bên cạnh đó cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định tại Điều 41. Chính sách hỗ trợ nhà giáo như: Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.

Chính sách hỗ trợ khám bệnh định kỳ được nhà giáo quan tâm, phấn khởi.

Mười một, đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc

Tại Điều 45. Chế độ thôi việc đối với nhà giáo

1. Khi chấm dứt hợp đồng, nhà giáo được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Nhà giáo không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc hoặc sa thải;

b) Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định;

c) Nhà giáo là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mười hai, giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi

Tại Điều 46. Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo

1. Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động;

2. Trước 06 (sáu) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03 (ba) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo ra quyết định nghỉ hưu.

3. Cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng lao động với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.

Đây là tin vui với giáo viên mầm non cả nước, nhiều đề nghị nhưng chưa thành hiện thực, hy vọng Luật Nhà giáo sẽ được thông qua với điều này, giáo viên mầm non được nghỉ hưu 55 tuổi là rất hợp lý.

Tham khảo toàn văn Dự thảo Luật Nhà giáo TẠI ĐÂY

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam