Năm 2018, công tác phòng chống tham nhũng có nhiều điểm nhấn quan trọng, làm cho niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước càng thêm sâu sắc.
Trong góc nhìn của ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thì dấu ấn đậm nét nhất của công tác chống tham nhũng trong năm qua là việc có nhiều quan chức, cựu quan chức bị xem xét kỷ luật và đưa vào vòng lao lý.
Theo ông Lê Như Tiến, điều này cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và nhà nước là không “loại trừ một ai từ cấp cao đến cấp thấp”, chống tham nhũng là “không có vùng cấm” đã được thực hiện rất quyết liệt.
Theo ông Lê Như Tiến: “Cần rút ra bài học để làm sao phát hiện sai phạm kịp thời, ngăn chặn sớm" - ảnh nguồn quochoi.vn. |
Cũng theo vị này, nhìn ở góc độ khác thấy đau lòng khi nhiều quan chức có cả Tổng cục trưởng, Cục trưởng trong ngành công an. Thậm chí, cựu Thứ trưởng Bộ Công an cũng bị xử lý… nên thấy xót xa vì mất nhiều cán bộ.
Bàn về nguyên nhân vì sao có nhiều cán bộ bị kỷ luật, vướng vào lao lý, ông Lê Như Tiến cho rằng, nguyên nhân thì có nhiều nhưng trước hết lỗi từ bản thân các cán bộ cấp cao vướng vào lao lý là chưa thực sự rèn luyện, tu dưỡng, không tuân theo pháp luật.
Một điểm khiến ông Lê Như Tiến trăn trở chính là việc nhiều cán bộ vướng vào lao lý vì các sai phạm có từ trước khi họ được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao, cấp chiến lược.
Đơn cử như vụ việc của ông Đinh La Thăng là do sai phạm khi đang là Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên mới bị đưa ra xử lý.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói về việc xử lý kỷ luật ông Tất Thành Cang |
Tại sao việc phát hiện sai phạm lại rất là muộn để đến mức khi vào Ủy viên Trung ương Đảng, lên Bộ trưởng, vào Ủy viên Bộ Chính trị thì mới đưa ra xử lý là điều khiến ông Lê Như Tiến phân vân nhiều.
Chính vì điều này mà Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Cần rút ra bài học để làm sao phát hiện sai phạm kịp thời, ngăn chặn sớm.
Cán bộ cấp cao phải được sàng lọc ngay từ đầu chứ không để lên cấp ấy rồi mới phát hiện ra sai phạm”.
Từ thực tiễn công tác phòng chống tham nhũng trong năm qua, theo ông Lê Như thì cán bộ cấp cao cần phải liên tục rèn luyện mình và khép mình vào khuôn khổ pháp luật, tuân theo pháp luật.
Những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, các ngành phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra để rà soát lại xem có hiện tượng vi phạm pháp luật không?
Cần phát huy vai trò phối kết hợp của các cơ quan bảo vệ pháp luật như điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để khi phát hiện ra sai sai phạm thì phối hợp xử lý ngay.
Cũng theo ông Tiến, để phát hiện được tham nhũng cần thiết phải phát huy vai trò tai mắt của cán bộ tổ chức nơi công tác cũng như nhân dân và cử tri nơi cư trú.
Ông Tiến cho rằng: “Hiện chưa phát huy được nhiều vai trò của quần chúng trong đấu tranh chống tội phạm tham nhũng. Bản thân quần chúng cũng sợ bị trù dập hoặc bị trả thù.
Nếu phát huy vai trò dân chủ từ cơ sở, bảo vệ người tố giác tội phạm tốt thì quần chúng sẽ là tai mắt của cơ quan bảo vệ pháp luật. Từ đó, nhiều vụ việc được phanh phui ra”.
Giảm thiểu kẽ hở có thể tham nhũng, hạn chế việc tẩu tán tài sản |
Một bài học rất xót xa mà ông Lê Như Tiến nêu ra: “Những người trong cơ quan bảo vệ pháp luật lại vi phạm pháp luật như vụ đánh bạc nghìn tỉ.
Ông Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao chính là người vi phạm pháp luật và trở thành phạm tội.
Trong cơ quan bảo vệ pháp luật càng cần phải trong sạch hơn và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật”.
Cũng theo vị này: “Một nguyên nhân cũng là bài học sâu sắc đó là có nhiều sân sau của các cơ quan, đơn vị, các tập đoàn hoặc là sân sau của các quan chức.
Các vụ điểm hình là Vũ “nhôm”, Út “trọc” và vụ đánh bạc nghìn tỉ đã lộ ra các công ty bình phong.
Do đó, bài học chính là phải kiểm soát được sân sau, các công ty bình phong. Không để các công ty núp bóng này mặc sức tung hoành vi phạm pháp luật.