Lúc khó, tôi dặn mình: 'Cứ hướng về phía Mặt trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn'

17/06/2023 06:44
Phương Lan
GDVN- Đó là câu nói cô giáo không có đôi tay Lê Thị Thắm dặn mình khi đứng trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Ngày 9/6 vừa qua, trong buổi Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" (11/6/1948-11/6/2023); biểu dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại tỉnh Thanh Hóa, Lê Thị Thắm (25 tuổi, quê tại xã Đông Thịnh, Đông Sơn, Thanh Hóa) là đại diện duy nhất cho huyện tham gia buổi Lễ này.

Để được góp mặt trong sự kiện lớn của tỉnh, Lê Thị Thắm đã vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống. Thắm khi sinh ra đã không có đôi tay, nhưng với ý chí và nghị lực, em đã tốt nghiệp đại học ngành sư phạm Tiếng Anh.

Ba năm qua, Thắm mở lớp dạy tiếng Anh các em học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông tại nhà. Cô gái này cũng từng hai lần nhận bằng khen của huyện Đông Sơn về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.

Ý chí, nghị lực của em đã được các lãnh đạo huyện Đông Sơn ghi nhận và ngay trong buổi Lễ ngày 9/6, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa - ông Đỗ Trọng Hưng - đã chỉ đạo lãnh đạo huyện phối hợp với Sở Nội vụ tiến hành tuyển dụng đặc cách Thắm vào trường Tiểu học hoặc Trung học cơ sở (xã Đông Thịnh hoặc xã Đông Yên, huyện Đông Sơn).

Một tuần trôi qua sau buổi Lễ, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Lê Thị Thắm vẫn không quên được cảm xúc lâng lâng hạnh phúc, vì năm học tới (2023-2024), Thắm sẽ được giảng dạy tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Thịnh, nơi bản thân từng gắn bó thuở học sinh.

"Khi các bác có hỏi em về nguyện vọng muốn về trường nào, em nói rằng em muốn được giảng dạy tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Thịnh, cách nhà khoảng một cây số để tiện cho việc mẹ chở em đến nơi giảng dạy", tân giáo viên của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Thịnh vui mừng nói.

Lớp dạy tiếng Anh tại nhà của cô giáo Lê Thị Thắm. Trên bục giảng, nữ giáo viên dùng bàn chân để thao tác điều khiển máy chiếu thông qua máy tính. (Ảnh: NVCC)

Lớp dạy tiếng Anh tại nhà của cô giáo Lê Thị Thắm. Trên bục giảng, nữ giáo viên dùng bàn chân để thao tác điều khiển máy chiếu thông qua máy tính. (Ảnh: NVCC)

Nhớ lại quãng đường học tập của bản thân, Lê Thị Thắm chia sẻ, lúc bốn tuổi, em đã tập viết bằng bàn chân.

Khi bố mẹ đi làm đồng, em ở nhà tự lấy que nứa, tre kẹp vào khe giữa ngón chân cái và ngón chân áp cái để tập viết dưới nền sân đất. Nhiều hôm đi làm đồng về thấy con gái lăn lộn tập viết chữ, số đếm đến tóe cả máu chân, người mẹ chỉ biết ôm Thắm vào lòng mà khóc.

Lên 5 tuổi, Thắm không chỉ viết thành thạo mà còn đọc được số và chữ cái. Bố mẹ và gia đình rất vui, không nghĩ cô con gái kém may mắn của mình có thể làm được. Vì vậy, khi con gái lên 6 tuổi, mẹ cho Thắm vào lớp 1 trường làng như bao bạn trẻ xung quanh.

Biết con ham học chữ, suốt từ năm lớp 1 đến lớp 12, bà Tình (mẹ Thắm) là đôi chân đưa Thắm đến trường bằng xe đạp.

Không phụ lòng bố mẹ, với nghị lực phi thường tập viết bằng bàn chân trái, đến những năm học tiểu học, Thắm luôn là học sinh giỏi, là một trong những học sinh viết chữ đẹp nhất Trường tiểu học xã Đông Thịnh.

"Khi em học trung học phổ thông, em được các thầy cô tư vấn và khuyên em nên chọn ngành sư phạm tiếng Anh sẽ hợp với hoàn cảnh năng lực và bản thân. Từ đó, em quyết định lựa chọn ngành này với mơ ước sau này được đứng trên bục giảng, góp một phần nhỏ có ích cho xã hội trong việc đào tạo các em học sinh", Thắm chia sẻ.

Năm 2016, Thắm tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và được thầy Nguyễn Mạnh An (Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức lúc bấy giờ) đặc cách vào trường và vào khoa Sư phạm Tiếng Anh hệ đại học, đúng như ước mơ của bản thân. Tuy nhiên, Thắm vẫn đăng ký dự thi và đi thi giống các bạn bình thường khác và đã trúng tuyển vào trường.

Niềm ấp ủ của Thắm khi theo con đường sư phạm là mong muốn được dạy dỗ các em học sinh nên người. (Ảnh: NVCC)

Niềm ấp ủ của Thắm khi theo con đường sư phạm là mong muốn được dạy dỗ các em học sinh nên người. (Ảnh: NVCC)

Trúng tuyển đại học, mẹ Thắm được lãnh đạo nhà trường bố trí làm lao công dọn dẹp trong trường để tiện chăm sóc Thắm. Hai mẹ con ở tại ký túc xá trong khuôn viên trường.

Tốt nghiệp đại học, Thắm về quê mở lớp giảng dạy tiếng Anh cho các em học sinh. Phòng học rộng khoảng 20m2, có đầy đủ bàn ghế, máy chiếu nhưng chưa có máy điều hòa do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, Thắm dạy miễn phí, còn với những gia đình có điều kiện hơn thì cô giáo lấy 10-15 nghìn đồng/buổi.

Số phận không cho Thắm đôi tay như bao người bình thường khác, nhưng với ý chí, nghị lực vươn lên, Thắm đã vượt qua những khó khăn thử thách. Và để rồi, cô chiêm nghiệm ra lý tưởng sống của đời mình là hãy tiến về phía trước: "Trước khi Mặt Trời mọc là khoảng thời gian tăm tối nhất. Bạn của tương lai đừng quên mình ở hiện tại. Cứ hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Bây giờ, dù bạn đang đứng ở đâu cũng đừng quên bản thân sẽ luôn tiến về phía trước".

Phương Lan