Ngày 15/7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức buổi khảo sát việc thực hiện thực hiện chính sách pháp luật về nhà giáo tại Quận 1.
Chủ trì buổi khảo sát là Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Cùng tham dự còn các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Đại diện cho lãnh đạo Quận 1 có bà Mai Thị Hồng Hoa – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1, ông Võ Cao Long – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1, lãnh đạo Phòng Nội vụ và Phòng Tài chính – Kế hoạch Quận 1, các thầy cô là lãnh đạo các trường học từ bậc mầm non cho đến trung học cơ sở cả công lập, ngoài công lập nằm trên địa bàn Quận 1.
Luật Nhà giáo ban hành, giáo viên có còn là viên chức không?
Báo cáo tại buổi khảo sát, thay mặt cho Ủy ban Nhân dân Quận 1, ông Võ Cao Long – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 cho biết, tính đến thời điểm tháng 7/2024, trên địa bàn Quận 1 có tổng cộng 1.544 nhà giáo (từ bậc mầm non đến trung học cơ sở), trong đó 96,70% nhà giáo của quận đạt chuẩn.
Trong 4 năm học gần đây (từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2023 – 2024), số lượng thí sinh trúng tuyển tuyển dụng giáo viên, đến nhận công tác tại các trường luôn thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu tuyển dụng.
Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra nghiêm trọng, kéo dài ở một số môn học bậc mầm non, tiểu học (giáo viên nhiều môn, giáo viên tiếng Anh, giáo viên Giáo dục thể chất, giáo viên Âm nhạc, giáo viên Mỹ thuật, giáo viên Tin học, giáo viên Tổng phụ trách Đội), bậc trung học cơ sở (giáo viên Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật, tiếng Trung, tiếng Nhật, Tổng phụ trách Đội, giáo viên Công nghệ kỹ thuật công nghiệp).
Số lượng giáo viên chưa đáp ứng đủ định mức trong đề án vị trí việc làm. Các cơ sở giáo dục không tuyển dụng được giáo viên, do không có giáo viên đăng ký vào các vị trí cần tuyển dụng, giáo viên tham gia tuyển dụng chưa đạt yêu cầu, hoặc giáo viên đăng ký tuyển dụng tại nhiều quận/huyện/thành phố nhưng khi trúng tuyển thì chỉ chọn 1 cơ sở giáo dục để giảng dạy.
Số lượng giáo viên sinh sống trên địa bàn Quận 1 và các quận lân cận rất ít. Giáo viên mới được tuyển dụng, sau một thời gian ngắn cũng xin nghỉ việc.
Hàng năm, nhà giáo thực hiện 2 đánh giá: Đánh giá, xếp loại viên chức hàng năm; Đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, đánh giá chuẩn hiệu trưởng. Trong đó, các tiêu chí đánh giá, xếp loại viên chức hàng năm theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức chưa mang tính đặc thù riêng của nhà giáo.
Quận 1 có 1.275 giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở đã chuyển mã ngạch mới (hạng II và hạng III), còn 128 giáo viên chưa đủ điều kiện chuyển mã ngạch mới do chưa đủ số năm công tác theo quy định hoặc chưa đạt trình độ theo quy định.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 Võ Cao Long cho hay, số lượng giáo viên sinh sống trên địa bàn Quận 1 và các quận lân cận rất ít, vì khoảng cách từ nơi ở đến nơi làm việc xa, vì hoàn cảnh gia đình nên không gắn bó lâu dài tại nơi công tác, sau một thời gian sẽ xin thuyên chuyển hoặc nghỉ việc.
Bên cạnh đó, giáo viên mới được tuyển dụng, sau một thời gian ngắn cũng xin nghỉ việc, chuyển việc do không yên tâm công tác vì áp lực, lương và các chế độ chính sách khác không đảm bảo được cuộc sống. Trong đó, có hiện tượng “chảy máu chất xám” ở nhóm giáo viên trẻ, sau khi được nhà trường bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng nguồn thu nhập ở trường ngoài công lập hấp dẫn hơn trường công lập, họ sẵn sàng chuyển đổi nơi công tác.
Theo ông Võ Cao Long, hiện hệ thống pháp luật về nhà giáo hiện hành chưa có sự thống nhất, đồng bộ giữa các bộ, ngành để phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo.
Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Nhà giáo là nhằm để nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm nhà giáo, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện hơn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 Võ Cao Long cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng trên cơ sở bao quát đầy đủ các đối tượng nhà giáo trong hệ thống giáo dục công và ngoài công lập, đảm bảo tính nhất quán và công bằng trong giáo dục đối với nhà giáo, đồng thời nâng cao vai trò quản lý nhà nước về giáo dục một cách toàn diện.
“Khoản 8 điều 9 của dự thảo Luật Nhà giáo quy định về quyền của nhà giáo, nhưng nội dung này cũng chính là khó khăn cho các cấp quản lý, khi điều động nhân sự về các điểm trường khó khăn trong địa phương. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ nhà giáo tại các điểm trường khó khăn, để nhà giáo yên tâm công tác, cũng như xây dựng cơ sở giáo dục ngày càng phát triển hơn” – ông Võ Cao Long góp ý.
Hiện nay, các trường ngoài công lập không chỉ tuyển dụng đội ngũ nhà giáo là người Việt Nam, mà còn có đội ngũ nhà giáo là người nước ngoài.
“Vì vậy, dự thảo Luật Nhà giáo cần bổ sung chuẩn nhà giáo là người nước ngoài” – ông Võ Cao Long nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành giáo dục của Quận 1 cho hay, dự thảo Luật Nhà giáo cần thống nhất về tiêu chuẩn nhà giáo, tránh trường hợp là mỗi địa phương hiểu và làm khác nhau, thiếu tính đồng bộ giữa các địa phương.
Ông Võ Cao Long nêu quan điểm: “Cần xem xét việc chuyển tiếp, quy đổi các trường hợp được miễn cấp chứng chỉ hành nghề theo đề xuất nêu trên, để giảm tải các thủ tục hành chính không cần thiết. Cần nêu rõ thành phần hồ sơ, thủ tục sát hạch, quy định để cấp chứng chỉ hành nghề.
Việc thu hồi, cấp chứng chỉ hành nghề nên theo phân cấp quản lý, để đảm bảo giảm tải cho cơ quan cấp trên. Mỗi nhà giáo chỉ nên được cấp 1 chứng chỉ hành nghề, vì nhà giáo có từ 2 chứng chỉ hành nghề trở lên sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với nhà giáo, chỉ cấp lại chứng chỉ hành nghề khi có lý do chính đáng.
Chứng chỉ hành nghề nên có thời hạn, giáo viên được sát hạch, kiểm tra lại để được gia hạn, đáp ứng các yêu cầu đổi mới về giáo dục cho từng giai đoạn phát triển của ngành giáo dục”.
Hiện nay, việc thuyên chuyển công tác của giáo viên gặp nhiều khó khăn, do thủ tục hành chính, quy trình của các tỉnh thành chưa có sự đồng nhất. Do đó, dự thảo Luật Nhà giáo cần thống nhất quy trình thuyên chuyển công tác.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Nhà giáo là “Nhà giáo dạy liên cơ sở giáo dục” được quy định tại Điều 33. Nội dung này giải quyết được tình trạng thừa thiếu cục bộ tại địa phương. Dự thảo Luật Nhà giáo cần có hướng dẫn cụ thể để các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định.
Ông Võ Cao Long đề nghị: “Nếu Luật Nhà giáo được ban hành, thì cần xác định rõ nhà giáo còn là viên chức hay không, để đảm bảo tính nhất quán trong quản lý nhà nước về giáo dục. Nếu nhà giáo không còn là viên chức, thì tất cả các chế độ chính sách đang hưởng như viên chức cần có điều khoản chuyển tiếp phù hợp, để đảm bảo tính liên tục, đảm bảo mọi quyền lợi, chế độ của nhà giáo không thấp hơn chế độ đang hưởng”.
Cần xem xét, quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo, không chỉ bậc học mầm non, mà còn ở các cấp học khác khi không còn đủ khả năng lao động.
Khi Luật Nhà giáo ra đời phải trả lời được 3 câu hỏi
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của lãnh đạo các trường học nằm trên địa bàn Quận 1, của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Quận 1, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thông tin, những ý kiến đóng góp tại buổi khảo sát hôm nay sẽ được đưa vào báo cáo khảo sát của đoàn, là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thẩm tra dự thảo Luật Nhà giáo.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đã làm việc với ban soạn thảo luật, và từ giờ cho đến tháng 10/2024 sẽ còn nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia về dự thảo luật này.
“Mục tiêu cuối cùng là làm sao trong thời gian tới, chúng ta sẽ có một Luật Nhà giáo giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra. Có thể chưa hoàn thiện triệt để, có thể chưa đáp ứng được một cách toàn diện mong muốn của các thầy cô, nhưng Luật Nhà giáo phải trả lời được câu hỏi, Luật ra đời thì môi trường làm việc của giáo viên có tốt hơn không?
Điều kiện làm việc của giáo viên có tốt hơn không? Vị thế của nhà giáo có được đặt đúng vai trò, chức trách hay không? Đặc biệt là hệ thống chính sách đối với nhà giáo công và ngoài công lập có bảo đảm được không, để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, cống hiến hết mình cho nghề nghiệp hay không?” – bà Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn: “Dự thảo Luật Nhà giáo vẫn đang được lấy ý kiến, vào tháng 10/2024 tới đây mới trình Quốc hội lần đầu, và tới tháng 5/2025 mới chính thức thông qua. Do đó, tôi mong muốn các thầy cô tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến đóng góp xây dựng Luật Nhà giáo”.