Bên cạnh đề xuất mức lương của đội ngũ giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, dự thảo Luật Nhà giáo còn nêu nội dung về chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo dạy trường chuyên biệt và nhà giáo đang công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trăn trở trong quá trình làm nghề
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hà Thanh Vân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hoà nhập quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù mới chỉ là dự thảo song việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bậc lương của giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp chính là một dấu hiệu đáng mừng cho đội ngũ giáo viên nói chung.
Tuy nhiên, với đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt nói riêng thì vẫn còn nhiều băn khoăn và lo lắng. Bởi trên thực tế, đặc điểm và tính chất công việc của các giáo viên giáo dục đặc biệt khá vất vả, thậm chí là độc hại nếu so với khối lượng và tính chất công việc của các cán bộ, giáo viên phổ thông.
Theo đó, đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt không chỉ đảm bảo công tác giảng dạy mà còn phải đảm nhận cả việc chăm sóc, vệ sinh sức khỏe vì học sinh của các cô là nhóm trẻ em đặc biệt, không thể tự chủ học tập và làm những công việc cá nhân một mình.
Cũng theo cô Vân đánh giá, mức thu nhập còn thấp chính là một trong nhiều yếu tố khiến các giáo viên trẻ, sinh viên ngành sư phạm e ngại, dần đánh mất “lửa nghề” và từ bỏ việc theo đuổi, gắn bó với công việc cao cả này.
“Nếu thời gian tới được Nhà nước quan tâm và ưu tiên sắp xếp mức lương của giáo viên ở bậc cao nhất thì có thể đảm bảo quyền lợi và mức thu nhập cho cán bộ giáo viên nói chung, giáo viên giáo dục đặc biệt nói riêng được an tâm công tác, đủ sức trang trải cuộc sống thì đó là điều không có gì mong mỏi bằng”, cô Hà Thanh Vân bày tỏ.
5 năm gắn bó với công việc giáo viên giáo dục đặc biệt, cô Nguyễn Thị Huế, hiện đang công tác giảng dạy tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hoà nhập quận Tân Bình cũng có chia sẻ về những trăn trở trong quá trình làm nghề.
Cô Huế đánh giá, giáo dục đặc biệt là một ngành nghề đặc thù, đòi hỏi rất nhiều yêu cầu đối với người lao động.
Để có thể theo đuổi được công việc này, ngoài tình yêu thương và quý mến trẻ, các giáo viên “bắt buộc" phải có lòng kiên trì, nhẫn nại và sự quyết tâm. Vì trên thực tế, quá trình thực hiện công việc này không hề dễ dàng.
Nếu như các giáo viên phổ thông có thể giảng dạy 30-40 học sinh theo một giáo án chung thì với giáo viên giáo dục đặc biệt lại hoàn toàn khác.
Cụ thể, học sinh mà cô Huế phụ trách là những trẻ em đặc biệt gặp các tình trạng chậm phát triển về tinh thần, thể chất, tình cảm hoặc bị khiếm thính, khiếm thị…
Với nhóm học sinh này, các giáo viên không thể áp dụng việc giảng dạy trong một hệ thống chung như với học sinh thông thường mà phải cá nhân hoá từng cá thể riêng biệt theo nhu cầu và mức độ đáp ứng của từng bạn.
Thậm chí, chương trình dạy cũng phải thay đổi thường xuyên, dựa vào điều kiện tiếp thu và thích nghi của học sinh qua từng ngày lên lớp.
Không chỉ có thách thức trong công tác giảng dạy mà đối với giáo viên giáo dục đặc biệt còn phải “kiêm" luôn việc chăm sóc, phụ trách tất cả các công việc từ việc học đến việc ăn uống, ngủ nghỉ và vệ sinh cá nhân của học sinh. Đây là những công việc mà các giáo viên thông thường không phải thực hiện.
Bên cạnh đó, cô Huế cũng cho hay, theo quy định, thời gian làm việc của đội ngũ giáo viên tiểu học là 24 tiết/tuần. Thế nhưng hiện tại, dù cô Huế đang được coi là giáo viên tiểu học nhưng số giờ giảng dạy thực tế của cô lại là 40 tiết/tuần (nhiều hơn 16 tiết theo quy định).
Lý giải sự chênh lệch này, cô Huế cho biết, thời gian làm việc của các giáo viên giáo dục đặc biệt sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào học sinh vì với trẻ em có nhu cầu đặc biệt thì các cô luôn phải để mắt và quan tâm sát sao từng giờ.
Trên thực tế, ngoài thời gian giảng dạy các chương trình học tập trên lớp, các giáo viên giáo dục đặc biệt còn hy sinh thời gian nghỉ trưa của mình cho việc trông nom và chăm sóc học sinh.
“Quỹ thời gian ngoài giờ để nghỉ ngơi đối với giáo viên giáo dục đặc biệt hầu như là không có vì chúng tôi bị phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình sinh hoạt của học sinh. Do đó, nếu xét chung vị trí công việc của giáo viên giáo dục đặc biệt với giáo viên phổ thông thì chúng tôi lại có những bất cập và thiệt thòi riêng”, cô Huế tâm tư.
Chia sẻ với phóng viên, cô Trần Thuỵ Như Hoà, hiện đang công tác tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hơn 15 năm công tác trong nghề, chưa có một năm nào cô Hoà không phải làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập.
Theo cô Hoà chia sẻ, đối với giáo viên giáo dục đặc biệt dù đã có khoản trợ cấp, hỗ trợ từ Nhà nước, song mức thu nhập thực tế của các giáo viên vẫn rất “khó" để có thể đảm bảo cuộc sống.
“Nếu không làm thêm các công việc bên ngoài thì sẽ không đủ khả năng duy trì cuộc sống, nhưng nếu phải thêm một công việc thì sẽ không còn thời gian dành cho gia đình, đó là điều mà tôi áy náy trong nhiều năm nay", cô Hòa trăn trở.
Chia sẻ về khối lượng công việc hiện nay cô Hoà cho biết, trước đây trong một lớp học, tỷ lệ học sinh có tình trạng nặng sẽ chỉ chiếm thiểu số, còn lại là các bạn khiếm thị, khiếm thính…
Thế nhưng hiện nay, tỷ lệ này đang có dấu hiệu đảo chiều, khi phần lớn học sinh ở lớp là các bé có tình trạng nặng và rất nặng. Điều này đòi hỏi phải có thêm nhân lực để có thể cân đối và san sẻ khối lượng công việc cho các giáo viên.
Trên thực tế, tất cả giáo viên tại các trường, trung tâm giáo dục đặc biệt đều đang phải đảm nhận toàn bộ công việc như một bảo mẫu. Do đó, các giáo viên đều hy vọng Nhà nước sẽ phê duyệt và cho phép, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đặc biệt được tuyển dụng vị trí bảo mẫu để có thể hỗ trợ, giảm áp lực công việc cho đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt, đảm bảo sức khoẻ không chỉ cho học sinh mà còn đối với cả giáo viên giảng dạy.
Bỏ phụ cấp thâm niên nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cao hơn lương hiện tại
Theo Nghị quyết 27- NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII), sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu) để đảm bảo tương quan tiền lương với cán bộ, công chức.
Trước quyết định này, cô Hà Thanh Vân bày tỏ, phụ cấp thâm niên vốn được coi điều kiện an ủi, khích lệ đội ngũ giáo viên đã gắn bó với nghề trong một thời gian dài.
Nếu bỏ phụ cấp thâm niên, giáo viên không chỉ mất đi một khoản trong tổng thu nhập mà các trường còn đối mặt với nhiều trở ngại trong việc tuyển dụng nhân sự mới và giữ chân giáo viên có thâm niên ở lại công tác.
Cô Vân cho hay, hiện nay, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành giáo viên giáo dục đặc biệt làm việc cho các trường công lập chiếm không quá 10%. Hầu hết các bạn trẻ đều làm tự do hoặc tự mở các nhóm lớp ngay tại nhà.
Thế nên, nếu Nhà nước có chính sách tăng lương cho giáo viên công lập , trong đó có giáo viên giáo dục đặc biệt thì chúng tôi hy vọng rằng sẽ tạo được sự tin tưởng để thu hút nhiều sinh viên làm việc trong ngành giáo dục đặc biệt.
Mặt khác, cần phải tính đến tương lai lâu dài để cho các giáo viên trẻ thấy được tương lai của nghề khi chế độ và đãi ngộ của vị trí này có đủ khả năng đảm bảo cuộc sống. Với đội ngũ giáo viên công tác lâu năm thì vẫn sẽ được đảm bảo quyền lợi, lương mới sẽ cao hơn mức lương hiện hưởng.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đang công tác tại các trường, lớp dành cho người khuyết tật, hay gọi chung là giáo viên giáo dục đặc biệt.
Nghị định 61/2006/NĐ-CP đã quy định, đội ngũ giáo viên dạy trẻ khuyết tật được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất trong đội ngũ cán bộ quản lý nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là 70%.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng, quyết định này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của đội ngũ giáo viên này bởi trên thực tế, tính chất hoạt động nghề nghiệp, quá trình thực hiện công việc của đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt yêu cầu rất nhiều điều kiện và còn nhiều khó khăn.
Trước lo ngại về việc sắp xếp mức lương giáo viên nói chung cao nhất trong hệ thống bảng lương hành chính sự nghiệp nhưng cải cách tiền lương sẽ bỏ phụ cấp thâm niên có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên, cô Hoa cho rằng, nội dung cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương đã chỉ ra thiết kế cơ cấu tiền lương mới bao gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
Ngoài ra, Nhà nước cũng ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Do đó, dù có phụ cấp thâm niên hay không thì kết quả cuối cùng là thu nhập từ mức lương theo quy định của đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo vẫn sẽ được đảm bảo rằng lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng, thậm chí còn cao hơn lương cũ.
“Việc điều chỉnh mức lương giáo viên theo dự thảo Luật Nhà giáo không chỉ đảm bảo được cuộc sống mà còn góp phần củng cố tinh thần cho đội ngũ giáo viên nói chung yên tâm công tác”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa chia sẻ.
Xây dựng chính sách cho đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt với chế độ làm việc như thế nào, quyền lợi ra sao?
Tốt nghiệp đại học ngành Giáo dục đặc biệt nhưng khi ứng tuyển vào Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Thành phố Hồ Chí Minh, cô Trần Thuỵ Như Hoà lại được sắp xếp vào vị trí giáo viên mầm non, dù đặc điểm công việc cho vị trí này tại 2 cơ sở giáo dục là khác nhau.
Chia sẻ với phóng viên, cô Hoà không khỏi băn khoăn: “Vì sao mã ngành đã có nhưng mã nghề nghiệp của giáo viên giáo dục đặc biệt vẫn chưa được cấp? Cho đến nay, đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt vẫn hưởng những quyền lợi theo vị trí giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Điều này khiến các giáo viên làm nghề như chúng tôi không khỏi tủi thân.
Trong tương lai, khi lương của giáo viên đã được luật hoá thì rất mong Nhà nước sẽ xem xét, cấp riêng một mã nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt, đây không chỉ là sự an ủi mà còn là động lực giúp cho chúng tôi có được sự gắn bó hơn với nghề".
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa lại cho rằng, hiện nay, đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt vẫn thực hiện quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT. Vì vậy, rất cần có riêng quy định về chế độ làm việc cho phù hợp.
Việc cấp riêng một mã nghề cho lĩnh vực giáo dục đặc biệt sẽ không phải là vấn đề mấu chốt để mang lại lợi ích hay đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt mà vấn đề cần ưu tiên hiện nay chính là xác định rõ: Xây dựng chính sách cho đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt với chế độ làm việc như thế nào, quyền lợi ra sao?
Trên cơ sở đó, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia bày tỏ mong muốn được các cấp quan tâm và ưu tiên đưa nhóm giáo viên giáo dục đặc biệt thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, từ đó xây dựng chính sách phù hợp cho đội ngũ này.
Bên cạnh đó, đánh giá tính chất đặc thù nghề nghiệp còn nhiều khó khăn và vất vả, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa kiến nghị các cấp khi xây dựng chính sách phụ cấp tiền lương mới sẽ dành sự quan tâm, bổ sung thêm chế độ phụ cấp trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên giáo dục đặc biệt, góp phần hỗ trợ đội ngũ nâng cao thu nhập, yên tâm công tác.