Lựa chọn tổ hợp ở lớp 10, không phải học sinh, phụ huynh thích là được

12/08/2023 06:40
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu phải học những môn không thích, không đúng sở trường sẽ gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học tập và lựa chọn nghề nghiệp sau này.

Theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chính vì thế, khi học sinh vào lớp 10, các em sẽ có những môn học bắt buộc, môn học lựa chọn và một số chuyên đề học tập.

Trên danh nghĩa là học sinh sẽ được lựa chọn các môn học cho tổ hợp và các chuyên đề học tập khi bước vào lớp 10 để học tập trong 3 năm trung học phổ thông nhưng không phải học sinh, phụ huynh đều được đáp ứng yêu cầu của mình.

Bởi lẽ, nhà trường sẽ căn cứ vào tình hình nhân sự của đơn vị mình, điểm đầu vào của học sinh để sắp xếp tổ hợp, chuyên đề học tập. Thậm chí, có những trường trung học phổ thông chuyên còn sắp sẵn tổ hợp cho từng lớp từ khi mà học sinh chưa làm hồ sơ dự thi chính thức nên học sinh trúng tuyển vào lớp nào thì sẽ học những môn lựa chọn và chuyên đề học tập đã được xếp từ trước.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Các trường trung học phổ thông đã xếp tổ hợp từ khi học sinh chưa thi tuyển sinh 10

Ngày 3/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 (gọi tắt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với nội dung điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình tổng thể và Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử.

Theo đó, học sinh học sinh cấp trung học phổ thông sẽ có 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật. Như vậy, học sinh sẽ không phải chọn ít nhất một môn lựa chọn trong mỗi nhóm môn như yêu cầu trước đó.

Bên cạnh các môn học bắt buộc, lựa chọn sẽ có các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học.

Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của đơn vị mình.

Với hướng dẫn như vậy nên trước khi kỳ thi tuyển sinh 10 diễn ra, nhiều địa phương đã chủ trương cho các trường trung học phổ thông gửi kế hoạch xây dựng tổ hợp đến các trường trung học cơ sở để nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phổ biến, hướng nghiệp cho học học sinh, và thông báo đến phụ huynh.

Một số trường trung học phổ thông chuyên sẽ có buổi tư vấn cho học sinh, phụ huynh trước khi làm hồ sơ dự thi vào trường. Theo đó, có trường sắp sẵn tổ hợp, chuyên đề cho từng lớp chuyên từ khi chưa làm hồ sơ thi.

Khi học sinh trúng tuyển 10, nhiều trường cũng tổ chức họp phụ huynh, học sinh và cho đăng ký tổ hợp, môn lựa chọn nhưng về cơ bản là chỉ thực hiện hình thức vì lớp nào học tổ hợp nào, chuyên đề học tập nào đã được nhà trường sắp xếp sẵn, phụ huynh hoặc học sinh chỉ tích vào các ô tương ứng và nộp lại cho giáo viên chủ nhiệm.

Học sinh, phụ huynh không được lựa chọn môn học theo ý muốn

Thực tế cho thấy, các trường trung học phổ thông công lập đáp ứng đúng nguyện vọng của học sinh, phụ huynh trong bối cảnh hiện nay gần như là không thể. Bởi vì các trường công lập được cấp quản lý giao biên chế nhân sự, giao kinh phí hoạt động hàng năm.

Có nghĩa, chừng ấy con người, chừng ấy tiền, các trường phải tính toán, cân đối sao cho phù hợp để hạn chế tối đa việc phát sinh thêm tiền dư giờ cho giáo viên (nếu không có trường hợp bất khả kháng như giáo viên thiếu theo định mức; giáo viên nghỉ hậu sản; giáo viên bệnh lâu ngày).

Vì thế, các trường sẽ trừ ra những môn lựa chọn chưa có giáo viên (Âm nhạc; Mĩ thuật), còn lại sẽ cân đối số lượng giáo viên trong trường và sắp xếp tổ hợp để giáo viên nào cũng có thể dạy đủ định mức 17 tiết/ tuần trong suốt 35 tuần của năm học.

Chẳng hạn, năm học 2023-2024 tới đây, trường sẽ tuyển mấy lớp 10, lớp nào học với tổ hợp, chuyên đề học tập nào là trường sẽ chủ động xếp trước. Khi có danh sách học sinh trúng tuyển, ban giám hiệu nhà trường sẽ sắp lớp. Khi họp phụ huynh sẽ đưa ra danh mục môn học lựa chọn, chuyên đề học tập cho học sinh và phụ huynh “đăng ký”.

Là một phụ huynh chuẩn bị có con vào học lớp 10 ở một trường trung học phổ thông chuyên, bản thân tôi đã vừa tham dự buổi họp phụ huynh đầu năm của nhà trường tổ chức. Khi vào họp, giáo viên chủ nhiệm phát cho phụ huynh 1 tờ giấy liệt kê danh mục sách giáo khoa các môn học trong năm học 2023-2024.

Theo đó, ngoài sách giáo khoa 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc thì có thêm danh mục sách giáo khoa 4 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập. Cô chủ nhiệm hướng dẫn phụ huynh về mua các loại sách giáo khoa theo danh mục mà nhà trường đã liệt kê.

Tiếp theo, giáo viên mới phát cho phụ huynh tờ giấy đăng ký các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập. Tuy nhiên, trong tờ đăng ký đã liệt kê sẵn 4 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập và yêu cầu phụ huynh tích vào các ô đã có sẵn rồi ký tên vào tờ đăng ký.

Có một phụ huynh lên tiếng hỏi rằng có bắt buộc phải tích vào các ô tương ứng với các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập hay không thì giáo viên chủ nhiệm trả lời “không bắt buộc” nhưng phụ huynh “tự nguyện” tích vào, ký tên rồi nộp lại tờ đăng ký.

Vì thế, dù còn băn khoăn nhưng làm sao phụ huynh có quyền được lựa chọn môn học khác, chuyên đề học tập khác khi mà nhà trường đã sắp sẵn 4 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập cho lớp của con mình.

Nếu lựa chọn các môn học khác, hoặc chuyên đề học tập khác thì con mình học ở đâu, học với ai vì nhà trường đã chủ trương sắp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập cho từng lớp cụ thể như vậy rồi.

Dù biết rằng việc sắp xếp môn học lựa chọn và chủ đề học tập cho từng lớp của nhà trường là việc đã tính toán kĩ lưỡng về nhân sự, kinh phí hiện có của nhà trường nhưng có lẽ việc ấn định như vậy cũng sẽ gây ra những băn khoăn cho học sinh và phụ huynh.

Bởi lẽ, theo định hướng chương trình 2018 đã xác định cấp trung học phổ thông là “giáo dục định hướng nghề nghiệp” để học sinh lựa chọn những môn học đúng sở trường nhằm chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai của mình. Vì thế, nếu được lựa chọn 1-2 môn trong số 4 môn lựa chọn cũng sẽ tốt hơn rất nhiều vì nó sẽ hướng tới tổ hợp thi (xét) tuyển đại học sau này.

Hơn nữa, việc học sinh được lựa chọn môn học sẽ đáp ứng sở trường, năng khiếu của từng em nhằm nâng cao được hiệu quả học tập của các em và nhà trường. Việc phải học những môn không thích, không đúng sở trường sẽ gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học tập và lựa chọn nghề nghiệp sau này.

Một số em không có sở trường học các môn Khoa học học tự nhiên nhưng lại được xếp vào lớp có tới 3/4 môn Khoa học tự nhiên và 3 chuyên đề học tập cũng là các môn Khoa học tự nhiên thì suốt 3 năm cấp trung học phổ thông sẽ khiến cho học sinh rất vất vả.

Ngược lại, những em không thích các môn Khoa học xã hội nhưng lại phải học với 2 môn Khoa học xã hội còn lại (Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật) cùng với 2 môn bắt buộc Ngữ văn, Lịch sử thì cũng sẽ gây nên rất nhiều áp lực cho học sinh.

Vì thế, dù là học ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhưng không phải học sinh nào cũng lựa chọn được những môn học mà bản thân yêu thích, hay đúng sở trường của mình. Thậm chí, có những học sinh phải học với gần hết các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập không đúng sở trường.

Nhưng, một khi đã được xếp lớp như vậy thì học sinh, phụ huynh làm gì được lựa chọn môn cho tổ hợp, lựa chọn chuyên đề học tập, nhất là đối với những học sinh ở một số trường chuyên vì đặc trưng mỗi lớp mỗi khác.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN