Những điều phụ huynh và học sinh cần biết về việc lựa chọn tổ hợp khi vào lớp 10

03/05/2023 06:40
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không phải học sinh, phụ huynh muốn chuyển đổi tổ hợp học tập lúc nào thì nhà trường cũng đáp ứng mà phải đợi cho đến khi kết thúc năm học lớp 10.

Thời điểm này, các địa phương đã rục rịch cho học sinh lớp 9 đăng ký hồ sơ tuyển sinh 10 bước 1 cho năm học 2023-2024 và hoàn tất chương trình học sớm để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 10 vào tháng 6 tới đây.

Điều mà phụ huynh và học sinh cần lưu ý là khi bước vào lớp 10 của chương trình giáo dục phổ thông 2018 khác rất xa so với trước đây khi chương trình mới có các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn từ tổ hợp.

Việc lựa chọn tổ hợp rất quan trọng vì nó sẽ gắn bó với học sinh suốt 3 năm học cấp trung học phổ thông. Nếu lựa chọn những môn học phù hợp sẽ giúp cho học sinh phát huy được thế mạnh của mình.

Ngược lại, nếu đã lựa chọn nhưng sau này khả năng không theo được hoặc vì một lý do nào khác mà bắt buộc phải chuyển tổ hợp thì sẽ rất phức tạp. Hơn nữa, không phải học sinh, phụ huynh muốn chuyển đổi tổ hợp lúc nào thì nhà trường cũng đáp ứng mà phải đợi cho đến khi kết thúc năm học lớp 10.

Học sinh muốn chuyển đổi tổ hợp phải đợi đến khi học sinh lớp 10. Ảnh minh họa: Phạm Linh

Học sinh muốn chuyển đổi tổ hợp phải đợi đến khi học sinh lớp 10. Ảnh minh họa: Phạm Linh

Những điều phụ huynh cần lưu ý khi lựa chọn các môn học cho tổ hợp

Chương trình giáo dục phổ thông là giai đoạn giáo dục nghề nghiệp, khác hoàn toàn so với giai đoạn giáo dục cơ bản (lớp 1 đến lớp 9) vì lúc này tất cả các em học sinh cùng học như nhau những môn học do nhà trường giảng dạy.

Giai đoạn giáo dục nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12) sẽ có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc như sau: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương.

Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh lựa chọn 4 môn học từ các môn: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật,Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Ngoài ra, các em còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.

Tuy nhiên, môn Nghệ thuật hiện nay đang còn khó khăn trong việc tuyển dụng nên phần lớn các trường trung học phổ thông chưa có giáo viên đối với môn Nghệ thuật.

Trên danh nghĩa là học sinh lựa chọn các môn học cho tổ hợp nhưng thực tế phần nhiều các trường trung học phổ thông thường sẽ sắp sẵn các tổ hợp để học sinh lựa chọn vì họ còn phải căn cứ vào tình tình thực tế của nhà trường và nhân sự nhà trường hiện có.

Nếu để học sinh lựa chọn từng môn sẽ dẫn đến tình trạng có những môn học sinh chọn nhiều nhưng cũng có học sinh chọn ít. Từ đó, có môn sẽ thiếu giáo viên nhưng cũng có môn sẽ thừa giáo viên.

Việc thừa giáo viên, giáo viên dạy ít tiết thì cũng phải trả lương đầy đủ nhưng giáo viên dạy thừa tiết thì nhà trường lấy đâu kinh phí để chi trả tiền thừa giờ. Vì thế, đa số các nhà trường đang làm là sắp sẵn từng tổ hợp và cho học sinh lựa chọn tổ hợp học tập (4 môn).

Vì vậy, học sinh lựa chọn tổ hợp nào sẽ học tổ hợp đó cho đến hết 3 năm học phổ thông. Trường hợp bất khả kháng thì cũng phải đợi hết lớp 10 học sinh mới có thể chuyển đổi được tổ hợp nhưng nó nhiêu khê và chắc chắn sẽ khó khăn nghiêng về phía học sinh và phụ huynh.

Vì sao việc chọn lại tổ hợp lại không dễ thực hiện và khó khăn nghiêng về phía học sinh?

Trước những khó khăn phát sinh trong năm đầu tiên (năm học 2022-2023) thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các trường Trung học phổ thông nên Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập.

Theo đó, Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: “Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo”.

Như vậy, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập chỉ có thể chuyển đổi vào thời điểm cuối năm học, nếu được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi thì học sinh sẽ tự bổ sung kiến thức ở lớp trước đó.

Chính vì vậy, học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn vì các em đã hoàn thành năm học đầu tiên mà đổi môn thì lượng kiến thức phải bổ sung khá nhiều. Lúc này, các em phải tự bổ sung kiến thức đối với môn học mới ở lớp dưới (môn học, chuyên đề sẽ chọn ở lớp 11) là điều không hề đơn giản vì các em còn phải học các môn học khác.

Hơn nữa, mặc dù văn bản hướng dẫn nhà trường có giải pháp hỗ trợ nhưng hỗ trợ bằng cách nào? Bởi vì, nếu như trong trường các khối học trái buổi, có thể xếp học sinh học với các em khóa sau để bổ sung kiến thức nhưng nếu các khối trong trường học cùng buổi thì nhà trường hỗ trợ ra sao?

Nếu nhà trường bố trí giáo viên dạy riêng cho một hoặc vài học sinh cũng đồng nghĩa phát sinh thêm giờ, thêm tiết cho giáo viên.

Khoản phát sinh này, nhà trường lấy ở đâu để chi trả cho giáo viên? Nếu học sinh phải chi trả thì số tiền này cũng không hề ít và không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện trả tiền dạy số tiết cả 1 năm học đối với môn học ở lớp dưới.

Chính vì thế, việc học sinh lựa chọn tổ hợp khi bước vào lớp 10 xem như đã là mặc định cho suốt cả 1 cấp học, rất khó để chuyển đổi tổ hợp, chuyên đề học tập ở các năm học tiếp theo.

Trường hợp học sinh phải theo cha mẹ đến một địa phương khác thì đó là trường hợp bất khả kháng, nhà trường đành chấp thuận và học sinh phải nỗ lực học tập, phụ huynh phải chấp nhận chi trả tiền phụ đạo cho con em mình.

Đối với những học sinh vẫn tiếp tục học tại ngôi trường mình đang học thì không nên chuyển đổi tổ hợp sau 1 năm học tập vì nó phức tạp và ảnh hưởng đến quá trình học tập khi các em bước vào lớp 11.

Vì thế, thời điểm này, các trường trung học phổ thông đã gửi kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch sắp xếp các tổ hợp đến các trường trung học cơ sở nên phụ huynh và học sinh cần tính toán kĩ lưỡng để có một phương án lựa chọn tốt nhất cho quãng thời gian học trung học phổ thông.

Việc lựa chọn những môn học phù hợp sẽ giúp cho học sinh yên tâm trong quá trình học tập để trang bị tốt nhất những kiến thức cần thiết nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và nghề nghiệp sau này.

Nếu không, mọi thứ sẽ phức tạp và ảnh hưởng rất lớn đến quãng thời gian học trung học phổ thông của học sinh và không phải đề nghị chuyển đổi tổ hợp nào cũng được Ban giám hiệu chấp thuận vì nó sẽ phát sinh đến rất nhiều vấn đề khác nhau đối với cả nhà trường và học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN