"Liều mà đỗ còn được, chứ trượt thì ân hận cả đời"

19/08/2015 14:26
Thùy Linh
(GDVN) - Áp lực về thời gian, gánh nặng về tâm lý đang khiến cho cả thí sinh và phụ huynh bị căng thẳng, lo lắng khi hạn chót rút hồ sơ nguyện vọng 1 đang dần khép lại.

Sau khi tháo chạy từ các trường tốp trên, nhiều thí sinh bắt đầu đổ về các trường tốp giữa, khiến các thí sinh đang mấp mé ở những trường này phải rút hồ sơ để chạy về các trường tốp dưới. Trong khi thời gian chỉ còn 1 ngày khiến các em và cả gia đình vô cùng mệt mỏi.  

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các trường lớn ở thành phố Hà Nội như: Đại học Ngoại thương, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải…ngay từ đầu giờ sáng 19/8 đã đông thí sinh và người nhà đến nộp và rút hồ sơ. 

Hầu hết, các thí sinh có điểm tổ hợp 3 môn thi thấp hơn ngưỡng điểm chuẩn dự kiến của các trường công bố.

Thậm chí, nhiều em có điểm xét tuyển bằng ngưỡng điểm chuẩn dự kiến của trường nhưng vẫn rút hoặc chuyển ngành do lo ngại trong những ngày cuối, có thể thí sinh điểm cao hơn mới đến nộp hồ sơ, khiến điểm chuẩn của trường sẽ tăng lên. 

Nhưng do thời gian không còn nhiều nên nhiều thí sinh, phụ huynh không biết phải làm thế nào nên đành “liều”, vì có thể hôm qua đỗ mà nay thành trượt.

Theo thống kê của các trường, tính đến thời điểm này, tình hình nộp và rút hồ sơ xét tuyển của các trường có nhiều biến động.

Tại Đại học Giao thông vận tải: 

Đại diện tuyển sinh khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp (Trường Đại học Giao thông vận tải) cho biết:

"Hiện tại số hồ sơ đủ chỉ tiêu đã đủ, nên bây giờ cứ bao nhiêu hồ sơ nộp vào đạt điểm trúng tuyển thì bấy nhiêu hồ sơ phải nằm trong vùng “không an toàn” nữa. 

Mấy ngày nay, số lượng thí sinh đạt điểm cao nộp vào khá nhiều khiến cho điểm trúng tuyển tạm thời vào trường cũng thay đổi theo ngày thậm chí theo giờ
".
 

Lượng thí sinh và phụ huynh đổ về Đại học Giao thông vận tải đầu giờ sáng ngày 19/8
Lượng thí sinh và phụ huynh đổ về Đại học Giao thông vận tải đầu giờ sáng ngày 19/8

Thí sinh Vân Anh thi được 20 điểm, nộp hồ sơ vào trường Đại học Giao thông vận tải từ ngày 8/8. Thế nhưng đến chiều 18/8, điểm chuẩn dự kiến tăng nên buộc Vân Anh phải đi rút hồ sơ mà chưa biết sẽ nộp đi đâu. 

Tại Đại học Ngoại thương:


Tại trường Đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội cũng rất đông thí sinh, phụ huynh đến trường này nộp hồ sơ xét tuyển.

Thí sinh nộp và thí sinh rút hồ sơ xét tuyển ở trường Đại học Ngoại thương là ngang nhau. 

Bà Lê Thu Thủy – Trưởng phòng tuyển sinh Đại học Ngoại thương cho biết:

Theo các năm thì Đại học Ngoại thương chỉ cần tuyển nguyện vọng 1 là đủ chỉ tiêu

Kết thúc ngày 18/8, Đại học Ngoại thương cơ sở Hà Nội nhận được tổng số 3222 hồ sơ. Số hồ sơ này vượt chỉ tiêu.

Điểm chuẩn tạm thời khối A là: 26 điểm, khối D, A1 là 24,5 điểm.
 
Hiện tại trường Ngoại thương đã nhận được hồ sơ chuyển về từ cấp cơ sở là các Sở giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên số lượng còn ít có thể do nhiều học sinh, phụ huynh muốn yên tâm khi nộp, rút trên trường Đại học hơn
”.
 
"Từ ngày 1-15/8 số lượng hồ sơ mỗi ngày chúng tôi nhận được vào khoảng 250-300 hồ sơ.

Tuy nhiên từ 16/8 đến nay, mỗi ngày chỉ nhận khoảng 100 hồ sơ và số lượng rút ra cũng tầm đó.

Theo tôi dự đoán, điểm chuẩn chính thức có thể sẽ dao động nhưng không nhiều nên các thí sinh có điểm chạm mức an toàn đừng nên quá hoang mang để tuột mất cơ hội”
, bà Thủy cho biết thêm. 

Em Đ.T.N ở Thạch Thất đi rút hồ sơ ở Đại học Ngoại thương để nộp vào trường Kinh tế quốc dân kêu than:

 “Chúng em mong Bộ GD&ĐT nhìn nhận thực tế hơn, kỳ thi này là thi năng lực chứ không phải thi hoàn cảnh nên nhiều bạn được cộng tới 6 điểm là không công bằng”.
 
Tại Đại học Luật Hà Nội: 

Có nhiều phụ huynh và thí sinh ngày ngày đến chầu chực ở phòng tuyển sinh để theo dõi số lượng người nộp và rút, nắm bắt tình hình. 

Theo quan sát của họ cho biết: Số lượng người đến nộp và rút ngày hôm nay (19/8) nhiều hơn hẳn so với mọi ngày.

Đến chiều cập nhật danh sách lo sợ điểm tăng lên vài điểm. 

Thí sinh, phụ huynh loay hoay viết giấy Cam kết về giấy Uỷ quyền tại Đại học Luật Hà Nội
Thí sinh, phụ huynh loay hoay viết giấy Cam kết về giấy Uỷ quyền tại Đại học Luật Hà Nội

Bên cạnh những lo lắng của những thí sinh điểm ở top giữa thì các em điểm cao vẫn ung dung.

Khi được hỏi vì sao nay mới đi nộp hồ sơ, cô Hà (quê ở Hà Nam) cho biết: “Cháu được 24,25 khối D, mong muốn vào Đại học Hà Nội nhưng theo dõi trên mạng thấy không ổn nên hồ sơ để đến hôm nay mới đi nộp vào khoa Luật Kinh tế của trường Đại học Luật”. 
 
Phụ huynh của em Hữu Đức (quê Yên Định, Thanh Hóa) kêu than: “Phải thuê trọ ở Hà Nội từ hôm 15 đến nay, đến tối qua thấy vị trí bị tụt hạng nên sáng nay cháu đi chuyển ngành, không biết thế nào.

Giờ cũng không còn nhiều thời gian để chạy nữa nên cũng liều. Nhưng sợ liều mà 24 điểm, con vẫn trượt Đại học thì ân hận cả đời
”. 

Trên khuôn mặt còn ướt đẫm mồ hôi của phụ huynh ở Quốc Oai có con nộp hồ sơ vào trường Đại học Giao thông vận tải cho biết:

Đăng kí trường Sỹ quan Pháo binh nhưng tới hôm qua thì thấy nằm trong vùng quá nguy hiểm, sáng nay đi rút để nộp vào đây.

Đến giờ này thì cứ nộp thôi. Không được thì sang năm cho vào miền Nam thi, trong đó điểm thấp hơn mà ra lại có việc. Chứ cứ nộp rồi rút rồi lại nộp thế này, tôi không biết đi bao nhiêu đường đất rồi
”. 

Một thực tế chung hiện nay là, nhiều thí sinh đang lo lắng không biết sẽ phải nộp tiếp vào đâu khi đã trượt khỏi ngành mình yêu thích.

Một số khác lại hoang mang liệu có nên nộp vào những ngành thấp hơn để “chắc ăn” hay lại tiếp tục chạy xô chen lấn, chơi trò “may rủi”.

Thùy Linh