Hiện nay, một trong những khó khăn lớn đối với các trường mầm non, tiểu học có tổ chức bữa ăn cho học sinh chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đôi khi ngoài tầm kiểm soát của chính ban giám hiệu các nhà trường.
Tổ chức bữa ăn bán trú mang lại nhiều lợi ích nhưng còn vô số khó khăn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Huỳnh Thị Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Tánh 1 (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) nhận định, việc tổ chức bữa ăn bán trú tại các trường học hiện nay đã trở thành một giải pháp hữu hiệu, mang lại nhiều lợi ích quan trọng đối với học sinh và phụ huynh, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh và áp lực công việc cao.
Theo cô Hà, một trong những lợi ích lớn nhất của bữa ăn bán trú là giúp phụ huynh giảm bớt gánh nặng đưa đón con trong ngày. Thay vì phải chia nhỏ thời gian để đón con về ăn trưa và quay lại trường vào buổi chiều, phụ huynh có thể yên tâm làm việc trong giờ hành chính. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giảm chi phí đi lại, đặc biệt đối với những gia đình sống xa trường.
Bên cạnh đó, sau bữa ăn và thời gian nghỉ ngơi tại trường, học sinh có thể tiếp tục học buổi chiều với tinh thần thoải mái, không bị gián đoạn hay ảnh hưởng bởi việc di chuyển. Đặc biệt, việc ăn uống và nghỉ ngơi tại trường còn tạo ra một môi trường sinh hoạt đồng bộ, hỗ trợ tốt hơn cho việc học tập và phát triển kỹ năng xã hội của các em.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, việc triển khai mô hình này cũng đặt ra không ít khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực từ các bên liên quan.
Cô Hà cho hay, nhiều trường học có thể gặp khó khăn về nguồn lực tài chính, đặc biệt việc tổ chức bữa ăn bán trú ở các trường tại khu vực nông thôn hoặc miền núi. Phần lớn các trường phải tự cân đối từ nguồn đóng góp của phụ huynh, dẫn đến việc chi phí bữa ăn không cao, dao động từ 18.000 đến 25.000 đồng/suất. Mức phí này khiến các trường phải có kế hoạch cân đối giữa các bữa ăn sao cho vừa đảm bảo không vượt quá ngân sách, vừa đảm bảo chất lượng thực phẩm.
Ngoài ra, hầu hết các trường tiểu học đều tự túc trong vấn đề tổ chức ăn bán trú, do đó có thể thiếu nhân lực chuyên môn trong giai đoạn đầu. Trong khi các trường mầm non thường được đầu tư bài bản hơn về đội ngũ cấp dưỡng, trường tiểu học lại phải tự tìm kiếm và quản lý nhân sự. Những người làm công tác cấp dưỡng đôi khi chưa được đào tạo chuyên nghiệp, trong quá trình làm việc có thể chưa quen với tiến độ thực hiện cũng như quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm.
“Để một bếp ăn bán trú hoạt động hiệu quả, nhà trường cần tuân thủ hàng loạt quy trình nghiêm ngặt, từ việc xây dựng thực đơn, đảm bảo an toàn thực phẩm, quản lý nguồn cung ứng thực phẩm đầu vào, cho đến việc lưu mẫu thức ăn. Ngoài ra, các trường cần đầu tư cơ sở vật chất như bàn ghế, trang thiết bị bếp đạt chuẩn, nhưng đây là thách thức không nhỏ đối với nhiều trường.
Mặc dù mô hình bán trú mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải trường nào cũng đủ nguồn lực và quyết tâm để duy trì. Nhiều trường đã phải tạm ngừng mô hình này sau 1-2 năm triển khai vì không thể cân đối chi phí và đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Tánh 1 nêu quan điểm.
Cùng bàn về vấn đề này, cô Nguyễn Thị nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học luôn là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để bảo vệ sức khỏe học sinh, đặc biệt trong bối cảnh các vụ việc liên quan đến bữa ăn học đường đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Theo cô Nguyệt, hiện nhà trường chưa có bếp ăn tại chỗ, do đó, nhà trường sử dụng suất ăn được cung cấp từ bên thứ ba. Cụ thể, quy trình bắt đầu từ việc đơn vị cung cấp giao thức ăn đã nấu sẵn, được bảo quản đảm bảo cẩn thận để giữ nguyên chất lượng thực phẩm. Khi tiếp nhận, nhà trường mở các phần ăn, phân chia theo khẩu phần cho học sinh. Đây là giải pháp phổ biến đối với nhiều trường học không đủ điều kiện cơ sở vật chất để tự tổ chức nấu ăn tại chỗ.
Để giám sát chất lượng, phía nhà cung cấp thực hiện việc gửi thực đơn trước 1 tuần. Ngoài ra, nhà trường có quyền yêu cầu thay đổi các món không phù hợp với khẩu vị học sinh. Do đó, các món ăn thường xuyên được điều chỉnh để đảm bảo sự đa dạng và cân bằng dinh dưỡng. Tuy nhiên, vẫn có những món ít được học sinh ưa chuộng như đồ xào hoặc canh chua, thường được thay thế bằng các món dễ ăn hơn như đồ chiên hoặc thịt kho.
Về cơ cấu suất ăn và mức phí, cô Nguyệt cho biết, một suất ăn của học sinh bao gồm 4 món chính: món mặn, món xào, canh và tráng miệng. Mức phí hiện tại cho học sinh ăn bán trú là 50.000 đồng/ngày, trong đó 43.000 đồng dành cho nhà cung cấp thức ăn, còn 7.000 đồng chi trả cho nhân viên hỗ trợ như bảo mẫu, giáo viên trực trưa và nhân viên rửa bát. Một ngày, học sinh được ăn 2 bữa gồm bữa trưa và bữa xế chiều, trong đó, bữa xế chiều thường bổ sung thêm bữa ăn nhẹ như bún, súp hoặc cháo, đảm bảo duy trì năng lượng cho học sinh tham gia các hoạt động.
“Một trong những thách thức đối với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhà trường phải phối hợp với bên thứ ba để kiểm định thức ăn hàng ngày, tuy nhiên nhà trường cũng mất đi phần nào tính chủ động vì phải phụ thuộc vào đơn vị cung cấp. Điều này đặt ra yêu cầu về một quy trình giám sát chặt chẽ hơn từ cả nhà trường và các cơ quan quản lý.
Ngoài ra, để phòng tránh những sự cố bất ngờ, nhà trường hiện có một đội ngũ y tế chuyên trách phối hợp để xử lý các trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, nhà trường đã thiết lập cơ chế phối hợp với phụ huynh thông qua các đại diện tham gia giám sát suất ăn. Phụ huynh được khuyến khích góp ý, đưa ra đề xuất nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn. Đây là một bước tiến quan trọng, giúp tăng cường sự minh bạch và tạo niềm tin giữa nhà trường và gia đình học sinh”, cô Nguyệt nêu quan điểm.
Trong khi đó, cô Khúc Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thùy Vân (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, tại các trường mầm non, tỷ lệ tổ chức ăn bán trú thường rất cao, gần như đạt 100%. Điều này giúp phụ huynh yên tâm khi gửi con ở trường vì trẻ được ăn uống, nghỉ ngơi và chăm sóc dưới sự giám sát của giáo viên. Đối với bậc tiểu học, việc có cho học sinh ăn bán trú hay không còn phụ thuộc vào từng trường, có nơi tổ chức nhà ăn bán trú, có nơi phụ thuộc vào sự tự túc của phụ huynh.
Theo cô Yến, hệ thống nhà ăn bán trú trong trường học đã và đang đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho phụ huynh, học sinh và nhà trường. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả trong vận hành cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, cần xem xét những khía cạnh cụ thể từ việc tổ chức, quản lý đến chất lượng dịch vụ.
Thứ nhất, về nguồn thực phẩm, các trường thường ký hợp đồng với các nhà cung cấp, yêu cầu cam kết về chất lượng thực phẩm. Hằng ngày, thực phẩm được kiểm tra bởi bộ phận y tế và cán bộ quản lý trước khi đưa vào chế biến.
Thứ hai, về quy trình chế biến và phục vụ, mỗi ngày, các em học sinh được phục vụ 3 bữa ăn chính (sáng, trưa và chiều). Các bữa ăn được cân đối dinh dưỡng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ.
Thứ ba, về thông tin thực đơn, một số trường sử dụng các ứng dụng trao đổi như nhóm Zalo hoặc bảng thông báo đặt tại trường để cung cấp thông tin thực đơn hàng tuần cho phụ huynh, giúp họ nắm bắt rõ ràng về các bữa ăn của con em mình.
Bên cạnh những mặt tiện lợi, việc tổ chức ăn bán trú vẫn đối mặt với không ít khó khăn.
“Trong đó, với mức phí khoảng 31.000 đồng/ngày cho 3 bữa ăn. Để đảm bảo chất lượng bữa ăn trong ngân sách này là một thách thức không nhỏ, đặc biệt khi giá cả thực phẩm biến động theo từng ngày. Ngoài ra, quá trình kiểm tra, giám sát thực phẩm và vận hành yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều bộ phận trong trường học, từ quản lý đến giáo viên và nhân viên y tế”, cô Yến bày tỏ.
Cần tăng cường giám sát trong mọi khâu vận hành và có kế hoạch ứng phó sự cố kịp thời
Để đảm bảo hiệu quả trong việc tổ chức bếp ăn bán trú tại các trường học, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Tánh 1 cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Thứ nhất, cần có thêm hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các trường học tổ chức bếp ăn bán trú. Cụ thể, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp, đặc biệt hướng đến các trường học tại khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Những khoản hỗ trợ này có thể được sử dụng để nâng cấp cơ sở vật chất như nhà bếp, phòng ăn hoặc đầu tư vào trang thiết bị nấu nướng hiện đại. Đồng thời, nguồn tài chính này cũng có thể giúp các trường bổ sung nhân sự cấp dưỡng, giảm bớt gánh nặng cho giáo viên và phụ huynh, hoặc hỗ trợ giảm chi phí bán trú cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ hai, cần chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên môn đảm bảo chất lượng dịch vụ. Để nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm trong bếp ăn bán trú, các trường cần tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn dành riêng cho nhân viên cấp dưỡng. Những chương trình đào tạo này nên tập trung vào kỹ năng chế biến thực phẩm, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và cách tối ưu hóa quy trình làm việc trong bếp. Ngoài ra, các trường tiểu học cũng có thể học hỏi từ mô hình bếp ăn của các trường mầm non - nơi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức ăn bán trú để áp dụng linh hoạt và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường.
Thứ ba, cần tăng cường giám sát và minh bạch trong mọi khâu vận hành bếp ăn bán trú. Để tạo dựng niềm tin từ phía phụ huynh, nhà trường cần thiết lập các quy trình kiểm soát chặt chẽ, bắt đầu từ khâu lựa chọn thực phẩm đầu vào, đến quy trình chế biến, và cuối cùng là khâu phục vụ bữa ăn. Việc ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm uy tín, cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm là một bước đi cần thiết. Bên cạnh đó, các trường nên công khai thực đơn hàng tuần để phụ huynh nắm rõ về dinh dưỡng cũng như chất lượng bữa ăn của con em mình. Các báo cáo định kỳ về kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm cũng cần được thông báo rộng rãi để tăng cường sự minh bạch và đồng thuận.
Thứ tư, cần phát huy tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm từ phía nhà trường. Đối với bếp ăn bán trú, tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm từ đội ngũ lãnh đạo và giáo viên trong nhà trường chính là động lực lớn nhất để vượt qua khó khăn. Sự tận tâm của ban giám hiệu, giáo viên, và nhân viên cấp dưỡng sẽ không chỉ đảm bảo việc tổ chức bán trú diễn ra thuận lợi mà còn góp phần xây dựng niềm tin và sự ủng hộ từ phụ huynh, cộng đồng.
Bằng cách triển khai đồng bộ các giải pháp này, mô hình bếp ăn bán trú sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế của phụ huynh và học sinh mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại các trường học.
Đồng quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng bữa ăn tại các trường học.
Trước hết, các trường cần tăng cường đào tạo và kiểm tra thông qua các buổi tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác này không chỉ giúp đội ngũ nhân viên nhà bếp nắm vững kiến thức cơ bản mà còn trang bị kỹ năng thực hành để xử lý tốt trong các tình huống cụ thể. Đồng thời, giáo viên phụ trách cũng cần được đào tạo để phối hợp giám sát quá trình chuẩn bị và cung cấp thực phẩm. Đồng thời, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất, đặc biệt tại các đơn vị cung cấp thực phẩm, để đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, có thể triển khai các phần mềm quản lý thực phẩm giúp theo dõi chặt chẽ nguồn gốc, khối lượng, và chất lượng nguyên liệu đầu vào, qua đó hạn chế rủi ro và đảm bảo tính minh bạch trong toàn bộ quy trình. Hệ thống này cũng có thể hỗ trợ lưu trữ thông tin, phục vụ công tác kiểm tra và đánh giá hiệu quả hoạt động của bếp ăn.
Một yếu tố mà nhiều trường chưa chú trọng là xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố. Trong trường hợp không mong muốn như ngộ độc thực phẩm xảy ra, nhà trường cần có sẵn quy trình ứng phó nhanh chóng, từ việc sơ cứu tại chỗ, liên hệ cơ sở y tế, cho đến việc thông báo kịp thời cho phụ huynh. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng này sẽ giảm thiểu rủi ro cho học sinh và củng cố niềm tin của phụ huynh vào nhà trường.
“Từ những giải pháp này, có thể thấy rằng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường hay các đơn vị cung cấp thực phẩm, mà còn là sự chung tay của toàn xã hội. Sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh, nhà trường và cơ quan quản lý sẽ tạo nên một quy trình giám sát hiệu quả và minh bạch, giúp mang lại cho học sinh những bữa ăn an toàn với sức khoẻ học sinh.
Chỉ khi tất cả các bên cùng chung tay nỗ lực, bếp ăn bán trú mới thực sự trở thành nơi không chỉ cung cấp những bữa ăn an toàn mà còn là môi trường lành mạnh, hỗ trợ các em học tập và phát triển một cách toàn diện”, cô Nguyệt bày tỏ.