Lãnh đạo trường đại học nêu thực trạng khó khăn khi tăng quy mô sinh viên

21/03/2024 06:14
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Hạn chế trong việc các chính sách tuyển dụng, mở phân hiệu trường, liên thông đại học,... là những khó khăn mà nhiều cơ sở GDĐH đang gặp phải khi muốn tăng quy mô

Số liệu tại Niên giám thống kê năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, giai đoạn 2015-2020, số sinh viên của nước ta đang có xu hướng tăng lên hàng năm nhưng vẫn chưa kể. Cụ thể, đối với khối trường đại học công lập, số sinh viên tăng từ 1520,8 nghìn người (năm 2015) lên 1540,6 nghìn người (năm 2020); số sinh viên tại các trường ngoài công lập tăng từ 232,4 nghìn người (năm 2015) lên 313,5 nghìn người (năm 2020).

Theo các chuyên gia, với sự phát triển như "vũ bão" của khoa học công nghệ hiện nay tất yếu cũng đòi hỏi ngày càng cần nhiều đội ngũ nhân lực có trình độ cao. Hơn nữa, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 có tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 sinh viên trên một vạn dân theo mục tiêu của Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chính vì vậy chuyên gia, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để tăng số lượng sinh viên đại học.

Khó khăn khi làm hồ sơ, thủ tục cho giảng viên người nước ngoài

Trải qua hơn 35 năm xây dựng và phát triển, giáo dục đại học ngoài công lập đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống giáo dục đại học nước ta. Tuy nhiên, để tăng quy mô sinh viên đối với hệ thống này vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cho rằng, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, các tổ chức, doanh nghiệp cũng liên tục đổi mới đòi hỏi người lao động phải có trình độ cao mới đáp ứng được.

Bởi, dần dần, các nơi sử dụng lao động họ sẽ cần những chuyên gia, kỹ sư chứ không chỉ đơn thuần là người thợ, kỹ thuật viên. Chính vì vậy, việc tăng quy mô về số lượng sinh viên đại học sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

tsv2.jpg
Sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (Ảnh: Website nhà trường).

Thầy Sơn bày tỏ, việc tăng số lượng sinh viên đại học cũng đồng nghĩa với việc các trường phải tăng về số lượng giảng viên, đặc biệt là giảng viên có trình độ cao nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó thu hút người học.

Theo đó, các trường phải chú trọng vào việc đầu tư đội ngũ giảng viên, cho họ được đi học nâng cao nghiệp vụ, trình độ, khả năng nghiên cứu khoa học cả ở trong và ngoài nước. Thậm chí, có thể đề ra những mục tiêu và quy định bắt buộc họ phải nâng cao trình độ trong giai đoạn này, nếu sau thời gian đó không thực hiện được sẽ không đủ điều kiện để tham gia giảng dạy, ….

Tuy nhiên, hạn chế rất lớn hiện nay của các cơ sở giáo dục đại học là muốn sử dụng những giảng viên nước ngoài giỏi, có trình độ cao, đặc biệt là giáo sư ở nước ngoài về làm giảng viên cơ hữu tại trường thì các giấy tờ, thủ tục rất phức tạp. Có trường hợp phải mất cả năm để hoàn thiện được thủ tục.

Thầy Sơn cho rằng, để nâng cao số lượng và chất lượng cho các cơ sở giáo dục đại học, các Bộ, ban, ngành có liên quan cần phải linh hoạt, mềm dẻo hơn trong việc xử lý các hồ sơ, thủ tục của các giảng viên người nước ngoài để từ đó nâng cao được chất lượng cho mỗi nhà trường nói riêng giáo dục đại học trên cả nước nói chung.

Ngoài ra, để các trường thu hút người học, doanh nghiệp cũng cần đồng hành với cơ sở giáo dục đại học trong việc hỗ trợ đảm bảo đầu ra cho sinh viên cũng như là nơi giúp các em thuận lợi trong việc thực hành, thực tập.

Cũng theo thầy Sơn, muốn tăng số lượng sinh viên đại học, việc mở thêm số trường cũng là một giải pháp nhưng để mở được trường không phải đơn giản. Vì nếu mở thêm trường ở các vùng nông thôn thì không ai học còn ở những thành phố lớn thì không còn quỹ đất để mở trường. Và giải pháp này đối với các trường đại học ngoài công lập còn khó khăn hơn so với khối trường đại học công lập do vướng mắc bởi một số quy định hiện hành.

Khó khăn trong việc liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng), hiện nay, số lượng sinh viên đại học ở những vùng tập trung các tỉnh/ thành phố lớn đã đạt mức 340 sinh viên/1 vạn dân.

Chính vì vậy, chúng ta nên tập trung thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ cho sinh viên tại các tỉnh/thành phố ở khu vực 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nguyên) như hỗ trợ về việc làm sau khi tốt nghiệp, hỗ trợ chi phí học tập, … để góp phần tăng quy mô sinh viên đại học trên cả nước theo mục tiêu của Nghị quyết số 81/2023/QH15.

Cũng theo thầy Tuấn, trên thực tế, hiện nhiều trường đại học ngoài công lập rất muốn mở phân hiệu đại học của họ ở 3 khu vực này nhưng còn nhiều vướng mắc, khó khăn như vốn cho đầu tư thấp, khó xin mặt bằng, định kiến trường công, trường tư của người học,…

Screenshot_6.jpg
Sinh viên Trường Đại học Đông Á trong giờ học (Ảnh: Website nhà trường).

Vậy nên, Thầy Tuấn cho rằng, để tăng quy mô sinh viên đại học, góp phần thực hiện mục tiêu trên, các trường các trường đại học ngoài công lập phải tập trung vào nâng cao chất lượng để duy trì và phát triển bền vững; đưa ra các giải pháp để tăng chỉ tiêu 20% hàng năm theo quy chế hiện hành như tăng chỉ tiêu về cơ sở vật chất, đội ngũ, …

Cùng bàn về mục tiêu trên, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) bày tỏ, đây là một mục tiêu phù hợp, thậm chí chúng ta còn có thể đặt ra mục tiêu cao hơn bởi thực tế, tỷ lệ sinh viên đại học đối với dân số của nước ta còn thấp hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực (tính đến năm 2023 chỉ đạt được 215 sinh viên/vạn dân).

Đặc biệt, mục tiêu này cũng rất phù hợp với bối cảnh ngày nay khi công nghệ phát triển trong tất cả lĩnh vực, đòi hỏi cần có đội ngũ người lao động tri thức để làm việc, kể cả lao động tay chân cũng cần phải có trình độ để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Để thực hiện được mục tiêu này, thầy Luyến cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần phải đa dạng hóa các hình thức, loại hình đào tạo như đào tạo từ xa, đào tạo kết hợp,... chứ không riêng gì hình đào tạo chính quy.

Vấn đề quan trọng là phải làm sao có giải pháp đảm bảo được chất lượng đào tạo, tạo điều kiện cho các loại hình đào tạo được cùng nhau phát triển, chất lượng đầu ra không có sự chênh lệch giữa các loại hình.

Từ đó mới thu hút được người học lựa chọn hình thức học phù hợp; giúp tiết kiệm nguồn lực đầu tư, giảm bớt sự quá tải, áp lực cho các nhà trường bởi tâm lý chung của xã hội hiện nay vẫn chỉ muốn lựa chọn vào học hình thức chính quy.

Mặt khác, thầy Luyến cũng đề nghị, cần đánh giá lại, khơi thông cho cơ chế liên thông từ bậc học trung cấp, cao đẳng lên đại học.

Vì trên thực tế, từ sau khi tách hệ thống đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng về trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã có sự vênh nhau, chưa phù hợp giữa các chương trình đào tạo của hệ thống này với hệ thống giáo dục đại học nên nhiều người muốn học liên thông lên đại học cũng ngần ngại.

Đáng nói, đây lại là nhu cầu tất yếu của xã hội và là nguồn người học rất lớn để tăng quy mô sinh viên đại học cho nước ta.

Tường San