Lãnh đạo Đại học Xây dựng Hà Nội: "Trường trọng điểm ngành không phải bất biến"

04/01/2024 06:30
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thi vị thế của trường trọng điểm không phải bất biến. Trường có thể phát triển thêm hoặc bị loại nếu hoạt động không hiệu quả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, có đề xuất sẽ có khoảng 18-20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Ở lĩnh vực Xây dựng và kiến trúc hiện đang có duy nhất Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được đề xuất trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có trụ sở tại số 55 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Thảo Ly)

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có trụ sở tại số 55 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Thảo Ly)

Lộ trình phát triển thành cơ sở giáo dục trọng điểm ngành quốc gia

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay: Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn làm một trong những cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia trong lĩnh vực Xây dựng và kiến trúc thì đây sẽ là một vinh dự lớn cho nhà trường.

“Trường Đại học Xây dựng Hà Nội sẵn sàng nhận nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng này và sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển nhà trường trên cơ sở tiên phong, dẫn dắt, thực hiện vai trò nòng cốt, trọng điểm trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, xây dựng phát triển các ngành, nhóm ngành có liên quan đến lĩnh vực Xây dựng và kiến trúc.

Với gần 70 năm kinh nghiệm đào tạo, đến nay Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã có bề dày về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Xây dựng và kiến trúc”, thầy Thi bày tỏ.

Cũng theo thầy Thi, với sứ mạng của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là “đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức; đồng kiến tạo vì sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước” cùng với tầm nhìn chiến lược “trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ…”.

Đồng thời năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 3196/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giao cho Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là cơ quan tổ chức xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Kiến trúc - Xây dựng. Từ đó, càng khẳng định việc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội sẽ luôn đáp ứng là một cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia, có năng lực, uy tín và chất lượng đào tạo đứng đầu trong lĩnh vực Xây dựng và kiến trúc.

Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định, nhà trường hoàn toàn nhất trí và đánh giá rất cao bản Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Đây là bản báo cáo mang hàm lượng khoa học rất cao, đã tổng quan tình hình thực tiễn, đánh giá thực trạng và phân tích các cơ sở khoa học đầy đủ trước khi đưa ra đề xuất định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Dự thảo cũng đã nói rõ về việc khi xây dựng cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia sẽ cần được rà soát, quy hoạch mở rộng khuôn viên, phát triển hạ tầng kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm tiên phong, dẫn dắt và thực hiện vai trò nòng cốt đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nghiên cứu khoa học.

Đây là một trong những sự quan tâm hỗ trợ quan trọng của nhà nước để các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ của mình”, thầy Thi nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Là cơ sở giáo dục trọng điểm ngành quốc gia cần căn cứ vào nhiều tiêu chí

Trước thực tế hiện nay, một số cơ sở giáo dục đề xuất được định hướng phát triển thành đại học trọng điểm ngành quốc gia khiến dư luận có nhiều tranh cãi, theo thầy Thi việc xác định các trường có trở thành trọng điểm của ngành/lĩnh vực hay không cần căn cứ vào nhiều tiêu chí.

“Không đơn giản là mỗi cơ sở giáo dục đại học lại tự đề xuất được việc định hướng phát triển thành đại học trọng điểm ngành quốc gia, mà phải đáp ứng các tiêu chí, các chuẩn, tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mới có thể đủ điều kiện trở thành đại học trọng điểm ngành quốc gia”, thầy Thi nhận định.

Để xác định trường trọng điểm ngành quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra một số tiêu chí. Thứ nhất, trường cần liên quan đến lĩnh vực quan trọng mà Đảng và Nhà nước tập trung đầu tư hoặc cần phát triển. Thứ hai là tiêu chí riêng cho từng trường nếu lĩnh vực đó có nhiều trường như: năng lực, uy tín đào tạo và nghiên cứu khoa học (số lượng giáo sư, phó giáo sư, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, quy mô giảng viên); quy mô đào tạo sau đại học và kết quả nghiên cứu khoa học…

Theo thầy Thi, vị thế của các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia sẽ không phải bất biến. Thay vào đó, trường có thể phát triển thêm hoặc bị loại khỏi danh sách trường trọng điểm quốc gia nếu hoạt động không hiệu quả.

“Tôi cho rằng, vị thế của các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia sẽ không phải bất biến, mà có thể Bộ giáo dục và Đào tạo sẽ “phát triển thêm một số đại học quốc gia từ các đại học vùng, đại học trọng điểm ngành quốc gia có tiềm lực mạnh và uy tín cao trong hệ thống được nâng lên” và đồng thời cũng hạ những cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia không còn đủ tiêu chuẩn, đủ chuẩn và không còn uy tín, không còn vai trò tiên phong, dẫn dắt và thực hiện vai trò nòng cốt đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực trọng điểm ngành quốc gia”, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nêu quan điểm.

Cũng là một trong những trường đại học thuộc lĩnh vực Xây dựng và Kiến trúc, Tiến sĩ Lê Hiến Chương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Xây dựng miền Tây cho hay, nhà trường đã được Thủ tướng chính phủ ký quyết định là một trong bốn trường đại học trực thuộc Bộ Xây dựng. Chính vì thế, nhà trường không có thêm góp ý gì đối với Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho hay, nhà trường cũng đang thảo luận về vấn đề này và đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng - cơ quan chủ quản của trường.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Văn Thương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: "Tôi cũng chưa hiểu được quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo có gộp Kiến trúc và Xây dựng vào một nhóm hay không. Bởi nếu không gộp vào một nhóm thì đương nhiên chỉ có Xây dựng thôi. Còn nếu xét về ngành nghề cũng có sự khác nhau. Nếu xét về Xây dựng nói chung thì cũng có rất nhiều ngành gần nhau hỗ trợ cho lĩnh vực Xây dựng.

Đối với trường, nhà trường cũng có lịch sử lâu đời, có vai trò lớn đối với lĩnh vực Kiến trúc ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm qua, nhà trường luôn ở top dẫn đầu các giải thưởng về kiến trúc lớn trong nước và cả quốc tế. Năm 2023, nhà trường vinh dự giành được một giải thưởng quốc tế rất lớn là Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh là trường kiến trúc của năm.

Mục tiêu của trường là làm sao sản phẩm đào tạo của mình có chất lượng cao nhất, đạt được đánh giá cao không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế. Đó là mục tiêu lớn và trước mắt của trường còn những mục tiêu khác nhà trường sẽ phải họp bàn và báo cáo cơ quan chủ quản là Bộ Xây dựng".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Văn Thương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Văn Thương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Cơ sở giáo dục trọng điểm ngành quốc gia cần được ưu tiên đầu tư

Cũng theo thầy Thi, trong Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã nói rõ việc muốn các trường đại học tự chủ, nhà nước cần phải tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để giúp các trường sẵn sàng thực hiện tự chủ.

“Nếu để các trường chỉ trông chờ vào học phí thì rất khó khăn cho sự tồn tại chứ chưa nói gì đến tự chủ. Từ đó, cho thấy các cơ sở giáo dục khi được quy hoạch theo lĩnh vực, ngành trọng điểm quốc gia thì nhà nước lại càng cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về cơ sở vật chất, trong đó tập trung đầu tư vào bổ sung diện tích đất xây dựng, giúp phát triển mở rộng trường đại học; bổ sung diện tích sàn xây dựng; nhất là đầu tư bổ sung các phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia, vùng, cấp khu vực để các trường đại học cùng khối ngành đào tạo có thể dùng chung trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo”, thầy Thi bày tỏ.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học duy nhất thuộc lĩnh vực Xây dựng và kiến trúc được đề xuất trở thành trường đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học duy nhất thuộc lĩnh vực Xây dựng và kiến trúc được đề xuất trở thành trường đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Được biết, theo Dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia có sứ mạng cùng đại học quốc gia dẫn dắt và thực hiện vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển một số lĩnh vực, ngành trọng điểm của quốc gia; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu trong lĩnh vực, ngành đào tạo tương ứng.

Nhật Lệ