Trong cuộc gặp gỡ với các thầy cô giáo trên cả nước mới đây, lãnh đạo ngành giáo dục đã nói đại ý rằng hiệu trưởng không phải là "ông quan" trong trường học mà là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp… Để được như thế không thể chỉ trông chờ “hên xui” vào một hiệu trưởng có tâm, có tầm được bổ nhiệm, mà đòi hỏi một cơ chế chặt chẽ, khách quan của ngành giáo dục để giám sát, điều chỉnh.
Quy chế dân chủ trong trường học chính là cơ chế đó, nhưng làm sao để dân chủ trong trường học thực sự đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên liên quan như hành lang pháp lý, chế tài, các chủ thể liên quan. Bởi lẽ, đâu đó vẫn còn những hiệu trưởng độc đoán, triệt tiêu dân chủ, thậm chí tìm cách “trù dập” những giáo viên có ý kiến phản biện, góp ý.
Ảnh minh họa: Mộc Trà |
Một giáo viên ở một tỉnh Tây Nguyên “ấm ức” chia sẻ với người viết về câu chuyện của mình. Theo đó, vị giáo viên này đã góp ý về việc công khai thu chi quỹ căng tin của trường trong buổi họp tổ trước khi công đoàn tổ chức đối thoại với lãnh đạo trường (đã được đảm bảo là giấu danh tính). Thế nhưng, ngay sau đó, tổ trưởng bị hiệu trưởng gọi lên, truy ra tới nơi ai là người phát biểu ý kiến đó, và sau đó là một buổi “nói chuyện riêng”, mà theo cô giáo là “sợ tới già”.
Một tình huống khác mà nhiều giáo viên chia sẻ với người viết, hiệu trưởng chỉ đạo nhưng không nhận được sự đồng thuận của phần lớn giáo viên. Thay vì lắng nghe, giải thích, thuyết phục có tình có lý, hay điều chỉnh nếu chưa phù hợp, hiệu trưởng lại chốt lạnh lùng “ai không làm được thì nghỉ!”, dẫn đến sự bức xúc không nhỏ trong đội ngũ. Thậm chí, có hiệu trưởng còn la mắng, phê bình giáo viên nặng nề trước mặt đồng nghiệp và học trò, như một cách để chứng tỏ uy quyền của mình. Tiếp đó, tình trạng lạm thu đầu năm, cho thuê cơ sở vật chất nhà trường nhưng các khoản thu chi không mấy người được biết, thiếu sự rõ ràng, minh bạch. Không ít hiệu trưởng sử dụng “chiêu trò” như dự giờ đột xuất, kiểm tra hồ sơ sổ sách kiểu “vạch lá tìm sâu” để “trị” nhằm triệt tiêu các ý kiến góp ý, trái chiều trong trường học.
Để hạn chế việc lạm quyền của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chúng ta đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định. Cụ thể, thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được quy định chi tiết trong Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 36/2017/BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư số 11/2020/TT-BGDĐT ngày 19/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập. Và quan trọng nhất, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Như vậy, hành lang pháp lý đã rất chặt chẽ với những điểm liên quan “sát sườn” đến quyền và nghĩa vụ mà thầy cô cần phải lưu ý nhằm xây dựng trường học thực sự dân chủ.
Theo đó, Luật quy định các nội dung công khai để Nhân dân biết: Các quy định liên quan đến nội dung và hình thức công khai thông tin để dân biết ở tất cả các loại hình cơ sở; bổ sung những quy định cụ thể khác nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác công khai thông tin. Cụ thể, bổ sung quy định lựa chọn hình thức công khai thông tin (Điều 13); bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và của cơ quan, đơn vị trong việc công khai thông tin (Điều 48); bổ sung quy định về thời gian công khai (Điều 65); quy định về trách nhiệm của người đại diện có thẩm quyền của tổ chức có sử dụng lao động trong việc công khai thông tin (Điều 66). Bổ sung quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bàn và quyết định trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị (Điều 49) và các nội dung người lao động bàn, quyết định trong thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động (Điều 67). Các nội dung này được bàn và quyết định tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc hội nghị người lao động.
Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến bao gồm các quy định liên quan đến nội dung và hình thức Nhân dân tham gia ý kiến ở tất cả các loại hình cơ sở; trách nhiệm tham gia của Nhân dân (Điều 29); trách nhiệm của người đứng đầu của công đoàn cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến (Điều 55); việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (Điều 73); trách nhiệm của tổ chức có sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở trong việc tổ chức thực hiện và trách nhiệm của đảng viên, công đoàn viên, người lao động trong việc tích cực tham gia ý kiến (Điều 74).
Những nội dung Nhân dân kiểm tra, giám sát phát huy được sự tham gia và vai trò của từng người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, tăng tính phản biện và sức sáng tạo của Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Công đoàn cơ sở trong trường học là tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm đại diện cho giáo viên, nhân viên ở cơ quan, trường học cũng được quy định rất rõ vai trò, nhiệm vụ trong từng việc, từng bước, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt (các Điều 23, Điều 28, Điều 40, Điều 45, Điều 52, Điều 55, Điều 63, Điều 70, Điều 78, Điều 82); Các quy định về trách nhiệm của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 24, Điều 29); quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9) và việc xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 10) nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điều này đòi hỏi sự mạnh dạn, nâng cao tinh thần trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn tại trường học trong việc thực thi chức năng của tổ chức, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho giáo viên, nhân viên trong trường.
Ban Thanh tra nhân dân trường học là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong việc đảm bảo dân chủ cơ sở. Thực tế, theo đánh giá của người viết, nhiều trường học còn xem nhẹ vai trò của Ban này, không thực hiện đủ trách nhiệm và làm việc thiếu hiệu quả, hình thức. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân nhằm khắc phục hạn chế và phát huy tốt vị trí, vai trò trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do đó, việc lựa chọn bầu Ban Thanh tra nhân dân phải lựa chọn những người có tâm, có tầm với nghề, với đồng nghiệp và học sinh.
Thiết nghĩ, bên cạnh hành lang pháp lý để tạo dựng môi trường dân chủ, giáo viên cần phát huy quyền và nghĩa vụ của mình trong việc đóng góp ý kiến xây dựng nhà trường, đấu tranh với những cái sai, cái xấu trên tinh thần xây dựng tập thể, thượng tôn pháp luật. Giáo viên thực hiện quyền của mình để hạn chế "ông quan" trong trường học cũng là góp phần xây dựng trường học hạnh phúc tạo môi trường tốt để giáo viên, học sinh học tập, công tác.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-Thuc-hien-dan-chu-o-co-so-nam-2022-546085.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.