Làm gì để giáo viên có được những ngày nghỉ hè trọn vẹn?

17/06/2023 06:40
Đỗ Quyên

GDVN- Nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước, hiện vẫn luôn tổ chức các buổi tập huấn ngay thời gian nghỉ hè của giáo viên.

Nghị định số 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước triệu tập giáo viên đi tập huấn ngay khoảng thời gian nghỉ hè.

Đầu tháng 6, giáo viên ở nhiều trường học đã bắt đầu được điều đi tập huấn (ảnh: N.M)Đầu tháng 6, giáo viên ở nhiều trường học đã bắt đầu được điều đi tập huấn (ảnh: N.M)

Đã thế, thời gian đi tập huấn trong hè thường không có kế hoạch từ trước. Điều này, vô tình đã đẩy một số thầy cô vào thế bị động. Nếu đi tập huấn, sẽ làm dang dở kế hoạch dành cho gia đình đã được sắp xếp từ trước đó. Nếu không đi tập huấn, sẽ là chống lệnh điều động của cấp trên.

Tổ chức nhiều lớp tập huấn ngay từ đầu hè

Có rất nhiều lớp tập huấn được bố trí trong thời gian hè. Đó là tập huấn về quyền và bổn phận trẻ em, tập huấn thay sách giáo khoa, tập huấn về phổ cập, tập huấn phòng chống đuối nước và xâm hại, tập huấn dạy trẻ hoà nhập…

Giáo viên luôn có tâm lý, nghỉ hè là thời gian của riêng mình nên thường sắp xếp những công việc vắng nhà dài ngày. Người tổ chức đi du lịch cùng gia đình. Người đi thăm bạn bè họ hàng nơi xa. Người lại tranh thủ về thăm quê ở một tỉnh xa.

Khi có thông báo tập huấn, có thầy cô phải huỷ chuyến đi đã lên kế hoạch trước đó. Có người đang đi chơi phải thu xếp, rút ngắn hành trình để trở về gấp. Không chỉ bản thân các thầy cô thấy mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến hoà khí của cả gia đình.

Như bao năm học trước đây, vừa bước vào kỳ nghỉ hè, nhiều trường học đã liên tục nhận được kế hoạch cấp trên gửi về thông báo việc cử giáo viên đi học tập huấn.

Trước đó, nhiều thầy cô giáo đã có kế hoạch riêng cho bản thân và gia đình vào những ngày hè đã bị lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Một đồng nghiệp của tôi buồn rầu chia sẻ: “Trước đó, đã hứa với con, năm nay, con vào lớp 10 nên ba mẹ sẽ cho cả gia đình một chuyến đi du lịch nơi xa, cũng là tạo cho con có thêm động lực để học tốt trong thời gian sắp tới”.

Rồi thầy cho biết, gia đình vừa đặt tour đi một số tỉnh miền Bắc. Tiền đã chuyển xong thì lại nhận được kế hoạch đi tập huấn. Nếu giờ tôi không đi, cả nhà cũng phải hủy chuyến là mất luôn vài chục triệu.

Bao năm dành dụm mới có được một khoản để sum vầy cùng gia đình mà phải bỏ đi thật là tiếc. Mình cứ nghĩ, thời gian hè là của mình nên có quyền sử dụng nó. Tập huấn sách mới là cần thiết nhưng nên có kế hoạch sớm để giáo viên biết sắp xếp công việc, chủ động kế hoạch".

Một nữ đồng nghiệp của tôi đang công tác tại một địa phương ở miền Trung than phiền: Cô giáo Phương Thúy thì than phiền: “Em xem như mất toi một tháng hè. Lớp tập huấn nào cũng dính. Nào là tập huấn quyền con người 2 ngày vào đầu tháng 6, tập huấn thay sách mất 1 tuần vào giữa tháng 6, tập huấn phổ cập 1 ngày vào cuối tháng 6.

Hủy kế hoạch của gia đình để đi tập huấn, không chỉ thiệt hại về tài chính mà còn gây thất vọng cho gia đình. Nếu cương quyết thực hiện kế hoạch riêng, em sẽ bị nhà trường làm khó dễ".

Tổ chức tập huấn thời gian nào là phù hợp?

Quy định giáo viên được nghỉ hè 8 tuần. Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản nào nói rõ thời gian sẽ nghỉ hè của giáo viên bắt đầu vào ngày nào. Thường thì, học sinh nghỉ hè lúc nào, giáo viên sẽ được nghỉ hè vào thời điểm đó.

Hiện nay, học sinh được nghỉ hè vào đầu tháng 6. Vì thế, phần đông giáo viên cũng bắt đầu nghỉ hè từ tháng 6 (trừ một số thầy cô giáo ôn thi vào lớp 10, ôn thi tốt nghiệp).

Nếu giáo viên được nghỉ hè 8 tuần thì hết hè sẽ vào cuối tháng 7. Vì thế, thời gian tổ chức các lớp tập huấn phù hợp nhất là vào tháng 8.

Tuy nhiên, nếu việc tập huấn thay sách giáo khoa (hoặc các lớp tập huấn khác) cần phải triển khai gấp, thì ngành giáo dục cần có thông báo lịch ngay trong năm học và bố trí cho giáo viên nghỉ hè bù vào thời gian thích hợp.

Điều này, sẽ giúp thầy cô chủ động hơn khi sắp xếp công việc gia đình. Đồng thời, đảm bảo được quyền lợi cho các nhà giáo. Tránh tình trạng, thông báo lịch bất ngờ khiến giáo viên rơi vào thế bị động như một số nơi hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

- Nghị định số 84/2020/NĐ-CP.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên