Kỳ vọng về đại học quốc tế xuất sắc, người trong cuộc nói gì?

11/03/2024 06:24
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Trường ĐH Việt - Đức, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Trường ĐH Việt - Nhật dự kiến sẽ được phát triển thành các trường ĐH quốc tế xuất sắc.

Theo Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 3 cơ sở giáo dục đại học là Trường Đại học Việt - Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và Trường Đại học Việt - Nhật (trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ được phát triển thành các trường đại học quốc tế xuất sắc.

Theo đó, 3 cơ sở giáo dục trên sẽ tiên phong thí điểm mô hình hoạt động mới, quốc tế hóa trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ tiềm năng, thu hút một tỉ lệ lớn giảng viên, sinh viên và học viên quốc tế tới làm việc, học tập và nghiên cứu tại Việt Nam.

Định hướng phát triển các trường này đã có trong Nghị quyết của Trung ương. Chẳng hạn, Nghị quyết số 24 ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị đề ra chủ trương phát triển phát triển “Trường Đại học Việt - Đức và một số trường đại học lớn theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu Châu Á”.

Thực tế vào năm 2006, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã từng đề ra chủ trương xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam (Quyết định số 145/2006/QĐ-TTg ngày 20/06/2006 của Thủ tướng Chính phủ Về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam).

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương xây dựng 4 đại học đẳng cấp quốc tế tại 4 thành phố lớn nhất Việt Nam, với đầu vào là những học sinh xuất sắc trong nước và nước ngoài. Cụ thể bao gồm Trường Đại học Việt - Đức, Trường Đại học Việt - Pháp và hai trường khác ở Đà Nẵng và Cần Thơ.

cover - GD (1).png
Khuôn viên Trường Đại học Việt-Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Việt Nhật từ trái sang. Ảnh: Doãn Nhàn

Đến nay, có 3 cơ sở giáo dục đại học đã được thành lập theo mô hình hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và nước ngoài.

Trong đó, Trường Đại học Việt - Đức được thành lập năm 2008 trên cơ sở hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu, Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen, Đức. Trường Đại học Việt - Pháp (nay là Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH) được thành lập năm 2009 với thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và Pháp. Cả hai trường được xây dựng dựa trên nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á, lần lượt là 180 và 190 triệu USD.

Được thành lập muộn hơn so với 2 trường trên là Trường Đại học Việt - Nhật (trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngôi trường được thành lập năm 2014 trên cơ sở hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, với vốn đầu tư 330 triệu USD. Trong số này, vốn vay ODA của chính phủ Nhật là 200 triệu USD, 100 triệu USD từ tài trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản và 30 triệu USD vốn đối ứng từ chính phủ Việt Nam.

Hiện cả 3 cơ sở giáo dục đều tập trung đào tạo các ngành chủ yếu thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, trên cơ sở tận dụng thế mạnh của các nước đối tác Đức, Pháp và Nhật Bản. Các trường đều có sự hỗ trợ về mặt đội ngũ từ các nước.

Trong đó, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là trường duy nhất có 2 hiệu trưởng cùng quản lý (1 hiệu trưởng người Pháp và 1 hiệu trường người Việt Nam). Hai trường còn lại hiệu trưởng là người của nước đối tác đảm nhận.

Trường Đại học Việt - Đức và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh (trừ ngành Dược), chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế, bằng cấp được công nhận ở châu Âu. Riêng Trường Đại học Việt - Nhật, các chương trình ở bậc cử nhân vẫn dạy cả bằng tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Anh, tùy ngành, nhưng ở bậc thạc sĩ, tất cả bằng tiếng Anh và tiếng Nhật.

Nhằm có thêm bức tranh về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục này trong thời gian qua, đồng thời với chủ trương xây dựng trường đại học quốc tế xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở có sự chuẩn bị ra sao,... Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), đại diện 1 trong 3 cơ sở giáo dục nằm trong quy hoạch mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

pgs-tran-dinh-phong-633.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Phóng viên: Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ hai chính phủ Việt Nam và Pháp, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Liên minh hơn 40 trường đại học và viện nghiên cứu uy tín của Pháp, xin thầy hãy cho biết, đến nay Trường đã đạt được những thành tựu đáng tự hào nào?

Phó giáo sư Trần Đình Phong: Trước hết phải khẳng định, xây dựng từ đầu một trường đại học định hướng nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, là một thách thức vô cùng lớn, cần đầu tư nguồn lực và thời gian. Rất may, USTH nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ hai chính phủ, đặc biệt là chính phủ Việt Nam trong việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù. Về chuyên môn, USTH nhận được sự hỗ trợ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – cơ quan nghiên cứu hàng đầu quốc gia, và Liên minh các đại học, cơ quan nghiên cứu lớn của Pháp.

Sau 14 năm xây dựng và phát triển, USTH đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Tháng 11 năm 2023, USTH đã nhận được chứng nhận kiểm định cơ sở đào tạo của HCERES, trở thành 1 trong 6 cơ sở đào tạo đại học của Việt Nam và là cơ sở trẻ tuổi nhất đạt được kết quả kiểm định này. USTH cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong gần 40 dự án hợp tác đại học quốc tế của Pháp ở nước ngoài (các trường Franco – X) đạt được kiểm định cơ sở đào tạo của HCERES.

Kết quả đó khẳng định chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu và năng lực quản trị đại học của USTH. Từ 3 năm nay, USTH luôn nằm trong top 3 các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tính theo số lượng công bố khoa học quốc tế. Trung bình hàng năm, năng suất công bố quốc tế SCIE của giảng viên USTH đạt 1.2-1.6 bài/giảng viên/năm, đây là con số rất cao so với mặt bằng chung của các đại học Việt Nam hiện nay. Giảng viên USTH có công bố trên các tạp chí hàng đầu như Nature Materials, Nature Communications, JACS,... tham gia xây dựng Báo cáo biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2021, hay nhận được giải thưởng Tạ Quang Bửu của Bộ Khoa học và Công nghệ.

4.png

Để đạt được các kết quả đó, USTH đã kiên trì phát triển đội ngũ giảng viên-nghiên cứu viên, tổ chức các tập thể nghiên cứu, xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại, đồng bộ, tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các đối tác Pháp. Chiến lược căn cơ đó cần thời gian nhưng đổi lại sự phát triển là bền vững, thực chất, và người thụ hưởng trực tiếp là sinh viên (sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh). Rèn luyện trong một môi trường nghiên cứu quốc tế, năng động, sinh viên USTH có nhiều cơ hội trải nghiệm, phát triển năng lực và nuôi dưỡng đam mê của bản thân. Cựu sinh viên USTH đã giành được nhiều học bổng danh giá theo học sau đại học tại nước ngoài, nhiều em đã tốt nghiệp tiến sĩ, nhiều em làm việc tại các tổ chức quốc tế hay bộ phận RD (bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm – PV) của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài Việt Nam.

Chúng tôi tự hào khi thấy dấu chân của cựu sinh viên USTH tại Châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Môi trường USTH còn hấp dẫn sinh viên quốc tế tới trao đổi học tập và nghiên cứu. Trong năm 2023, đã có 60 sinh viên Pháp, Bỉ tới học một học kỳ hoặc thực tập nghiên cứu ngắn hạn từ 3-6 tháng tại USTH.

Còn quá sớm để nghĩ tới giấc mơ xuất khẩu giáo dục, nhưng việc dần trở thành một địa chỉ tin cậy của sinh viên quốc tế rất có ý nghĩa, khẳng định chất lượng hoạt động của Trường cũng như góp phần xây dựng một môi trường đào tạo quốc tế, năng động mà người thụ hưởng đầu tiên, lớn nhất là sinh viên Việt Nam.

anh-usth-6-9704.jpg
Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Phóng viên: USTH là mô hình trường đại học công lập quốc tế với nhiều cơ chế “ưu tiên” đặc biệt về sự tự chủ đại học như: Tự do học thuật, tuyển dụng, trả lương giảng viên,…Qua quá trình phát triển hơn một thập kỷ, đến nay thầy đánh giá mô hình USTH đã có những đóng góp gì vào sự thay đổi bộ mặt giáo dục đại học Việt Nam?

Phó giáo sư Trần Đình Phong: Theo tôi hiểu, vào thời điểm những năm đầu của thế kỷ 21, Chính phủ mong muốn có một động lực mới cho sự phát triển giáo dục đại học của nước ta. Một trong những hướng tiếp cận đó là tranh thủ sự hợp tác của các đối tác quốc tế là các nước có nền giáo dục đại học và khoa học công nghệ phát triển để học tập kinh nghiệm, thử nghiệm, tìm kiếm các mô hình quản trị đại học và phát triển nghiên cứu mới phù hợp với nguồn lực và tình hình của Việt Nam, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Dù còn phải tiếp tục cố gắng, nhưng tôi nghĩ rằng đến thời điểm này có thể khẳng định mô hình tổ chức và hoạt động của USTH là một mô hình tốt, phù hợp để hướng tới các chuẩn mực quốc tế.

Mô hình hợp tác của USTH cho phép phía Việt Nam chủ động xây dựng các chương trình đào tạo và nghiên cứu đáp ứng nhu cầu của kinh tế xã hội Việt Nam, đồng thời khai thác tối đa kinh nghiệm quản trị và đóng góp học thuật của các đối tác Pháp. Kết quả là các chương trình đào tạo của USTH nhanh chóng được các đối tác Pháp công nhận hoàn toàn tương đương, không có độ vênh, từ đó rất thuận lợi cho việc xây dựng hợp tác đào tạo quốc tế. Việc các đại học lớn của Pháp hợp tác đào tạo, đồng cấp bằng với USTH; các sinh viên quốc tế tới USTH trao đổi học tập ngày càng tăng là những minh chứng rõ ràng.

3.png

Mô hình USTH cho thấy khả năng chủ động, bình đẳng hợp tác với các đối tác quốc tế, không chỉ giới hạn với các đối tác Pháp, trong việc xây dựng các chương trình nghiên cứu chung, các phòng thí nghiệm hỗn hợp quốc tế để giải quyết các vấn đề nghiên cứu thách thức và cần thiết của Việt Nam. USTH đã thử nghiệm thành công nhiều cơ chế thúc đẩy nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế như: tài trợ kinh phí đủ lớn để xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng của Trường với mức kinh phí 1 tỷ/ năm cho 1 nhóm nghiên cứu mạnh, 500 triệu/năm cho 1 nhóm nghiên cứu tiềm năng; yêu cầu bắt buộc mỗi hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ phải có ít nhất 1 phản biện là nhà khoa học quốc tế uy tín; thực hiện đồng hướng dẫn, đồng cấp bằng tiến sĩ với các đại học Pháp (these cotutelle), trả sinh hoạt phí cho tất cả các nghiên cứu sinh có nhu cầu thông qua vị trí trợ giảng, xây dựng quản trị nghiên cứu trên tinh thần phục vụ các nhà nghiên cứu,... Những điều này không mới với các đại học Âu, Mỹ nhưng lại là những thử nghiệm rất mới ở Việt Nam hiện nay.

USTH luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm thành công của mình với các cơ sở đào tạo đại học khác, để cùng phát triển giáo dục đại học và nghiên cứu trong đại học của Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế, đem lại lợi ích cho người học và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của đất nước.

Phóng viên: Thầy đánh giá ra sao về những thành tích đã đạt được so với những kỳ vọng đặt ra về việc thành lập Trường, với sự đầu tư của Chính phủ 2 nước đó là đạt đẳng cấp quốc tế, lọt vào top 200 bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới. Một số hạn chế/ khó khăn trong quá trình hoạt động?

Phó giáo sư Trần Đình Phong: Như trên đã nói, tôi đánh giá USTH đã thành công trong việc xác lập một mô hình hợp tác hiệu quả, hướng tới chất lượng đào tạo và nghiên cứu bền vững, từng bước đạt được các chuẩn mực quốc tế và dần được thừa nhận tại Pháp và Châu Âu. Nói ngắn gọn, USTH đã trở thành một môi trường du học tại chỗ cho sinh viên Việt Nam, đem lại cơ hội học tập và nghiên cứu tốt cho nhiều sinh viên Việt Nam, những người vì nhiều lý do chưa có điều kiện du học. Nếu tính hiệu quả đầu tư từ những kết quả USTH đã đạt được trong 14 năm qua với mức đầu tư hai bên đã thực chi, tôi nghĩ hiệu quả đầu tư là rất cao, rất tích cực.

#FFEAEA.png

Về mục tiêu top 200, tôi xin đưa ra một ví dụ để chúng ta cùng suy nghĩ và học tập. Viện khoa học và công nghệ quốc gia Ulsan UNIST (Ulsan National Institute of Science and Technology) được chính phủ Hàn Quốc thành lập năm 2007 và bắt đầu tuyển sinh năm 2009. Xét về các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu, quy mô, và thời điểm thành lập, UNIST có rất nhiều điểm tương đồng đối với USTH.

Hiện nay quy mô sinh viên của UNIST là 2400 sinh viên đại học và 2100 sinh viên sau đại học. Quy mô sinh viên của USTH hiện nay là gần 3000, với chỉ khoảng 250 sinh viên sau đại học. Kinh phí hoạt động của UNIST năm 2015152 triệu USD, trong khi kinh phí hoạt động của USTH năm 2023 chỉ khoảng 6 triệu USD. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, chi phí đào tạo và nghiên cứu về cơ bản giống nhau (trang thiết bị nghiên cứu, hóa chất, vật tư tiêu hao,... có giá thành về cơ bản giống nhau tại Việt Nam và Hàn Quốc), nếu khác nhau chỉ nằm ở chi phí trả lương cho giảng viên. Với chênh lệch đầu tư như vậy, sẽ là tự nhiên khi USTH chưa thể theo kịp tốc độ phát triển của UNIST. Năm 2024, UNIST xếp thứ 199 trong bảng xếp hạng Times Higher Education (THE).

Phóng viên: Vừa qua, trong dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ban hành, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cùng với Trường Đại học Việt Đức và Trường Đại học Việt Nhật được dự kiến quy hoạch trở thành các trường đại học quốc tế xuất sắc.

Theo thầy, định hướng phát triển này sẽ tạo ra những “cú hích” như thế nào cho sự phát triển chung của bộ mặt giáo dục đại học Việt Nam? Với định hướng phát triển này, thầy đánh giá Trường sẽ có những thuận lợi, thách thức nào trong quá trình phát triển?

Phó giáo sư Trần Đình Phong: Quy hoạch này thể hiện sự tiếp nối, kế thừa chủ trương đúng đắn và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ giai đoạn trước đây khi thành lập 3 trường Việt Đức (2008), USTH (Việt Pháp - 2009) và Việt Nhật (2014).

2.png

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, dù gặp không ít khó khăn, tôi tin rằng USTH hoàn toàn đủ sức để hoàn thành sứ mệnh của mình, đóng góp vào sự phát triển chung của giáo dục đại học và nghiên cứu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh mới khi yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng chủ động hội nhập quốc tế ngày càng cấp thiết.

Tôi cũng kỳ vọng USTH và các trường trong quy hoạch sẽ nhận được sự đầu tư cần thiết của Chính phủ. Ví dụ của UNIST cho thấy sự đầu tư tới ngưỡng là cần thiết để đạt được các kết quả tham vọng.

sa-750x500-7-7244.jpg
Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Phóng viên: Để phát triển theo đúng những mục tiêu đã đặt ra, theo thầy, Nhà nước cần có thêm những cơ chế, chính sách nào với USTH nói riêng và các trường có mô hình hoạt động như USTH nói chung?

Phó giáo sư Trần Đình Phong: Tôi nghĩ rằng, việc nhà nước tiếp tục duy trì các cơ chế đặc thù trong tổ chức, hoạt động của USTH và các trường có mô hình hoạt động như USTH là rất cần thiết. Bởi khi chúng ta thử nghiệm cái mới, hợp tác chủ động với đối tác quốc tế vốn có mô hình quản trị đại học khác chúng ta thì việc linh động trong cơ chế là rất cần thiết.

Cụ thể hơn, các trường cần được tự chủ tối đa trong học thuật và có ưu tiên nhất định về đầu tư ngân sách. Để chuẩn bị nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước sau 2030 thì ngay từ lúc này, nhà nước cần xây dựng các chương trình đầu tư đào tạo, học bổng quốc gia đủ hấp dẫn để thu hút những học sinh giỏi vào học các ngành khoa học cơ bản, công nghệ. Đây cũng là những nguồn đầu tư gián tiếp, đầu tư có chọn lọc, đầu tư theo đặt hàng cho các cơ sở đào tạo chất lượng cao, trong đó có USTH và các trường có mô hình hoạt động tương tự.

Phóng viên: Trên con đường hướng tới các mục tiêu đặt ra của Trường và những kỳ vọng của xã hội đối với một trường đại học nhận được sự đầu tư lớn từ 2 Chính phủ, trong thời gian tới Trường đề ra những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nào?

Phó giáo sư Trần Đình Phong: Trong năm 2022, USTH đã xây dựng và ban hành bản Chiến lược phát triển giai đoạn 2022-2030. Theo đó, quy mô sinh viên của Trường sẽ phát triển đạt 5000 sinh viên vào 2030 với đội ngũ giảng viên-nghiên cứu viên gồm 200-250 người, trong đó trên 80% có trình độ tiến sĩ.

Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là tiếp tục tăng cường chất lượng các chương trình đào tạo hiện có, nghiên cứu mở mới những chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt nghiên cứu học tập mô hình đào tạo kết hợp nhà trường – doanh nghiệp của các trường kỹ sư của Pháp,... Trường sẽ tiếp tục các giải pháp để thu hút ngày càng nhiều hơn sinh viên giỏi thông qua các chương trình học bổng, thực tập quốc tế, thực tập doanh nghiệp, các chương trình đào tạo cấp song bằng với đối tác quốc tế,...

Một nhiệm vụ quan trọng khác là thu hút tuyển dụng giảng viên là các nhà khoa học năng động trong nghiên cứu, có tư duy mở phù hợp với môi trường đào tạo và nghiên cứu hợp tác quốc tế. Hiện nay, mỗi năm Trường tuyển mới từ 10 đến 15 giảng viên – nghiên cứu viên. Trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức các tập thể nghiên cứu đủ sức triển khai các vấn đề nghiên cứu thách thức; xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ để phát triển bền vững, thực chất; mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế lớn như CNRS, IRD, CEA tại Pháp; xây dựng các cơ chế để tăng cường hợp tác với doanh nghiệp. USTH mong muốn trở thành một địa chỉ tin cậy của sinh viên, giảng viên và đối tác mà ở đó mỗi ngày sẽ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, cùng hướng tới sự xuất sắc để phụng sự tốt hơn cho xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Phó giáo sư Trần Đình Phong.

Doãn Nhàn