LTS: Sở giáo dục Quảng Nam khẳng định, 104 giáo viên hợp đồng trên 36 tháng không thuộc diện xét tuyển đặc cách.
Hợp đồng với các giáo viên này là hợp đồng thỉnh giảng và các thầy cô không có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên.
Trong khi đó, những giáo viên có hợp đồng từ 5-15 năm lại cho rằng, họ đã giảng dạy liên tục nhiều năm liền. Việc ngắt quãng giữa ba tháng hè không thể tính là “không liên tục”.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục trao đổi với sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam để làm rõ vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Phóng viên: Ai là người ký hợp đồng lao động với những giáo viên này? Hợp đồng giảng dạy được ký 9 tháng/lần như vậy là căn cứ trên cơ sở nào? Có đúng luật hay không?
Sở giáo dục Quảng Nam: Theo phân cấp quản lý, việc bố trí người dạy ở một số tiết dôi dư (do thiếu giáo viên ở một số môn, ở một số đơn vị ) thuộc thẩm quyển của Hiệu trưởng các trường.
Hiệu trưởng có thể bố trí dạy tăng giờ đối với số tiết vượt so với định mức hoặc hợp đồng thỉnh giảng những tiết dạy vượt đó và trả lương theo tiết dạy.
Sở giáo dục Quảng Nam cho rằng, việc Hiệu trưởng ký hợp đồng thỉnh giảng nhiều lần với giáo viên là hành động nhân văn. Ảnh: TT |
Cơ quan nào chịu trách nhiệm chi trả tiền lương cho giáo viên hợp đồng? Nguồn tiền này được lấy từ đâu? Căn cứ nào để đưa ra mức trả lương cho giáo viên hợp đồng?
Sở giáo dục Quảng Nam: Các đơn vị trực thuộc Sở đã được giao tự chủ về tài chính, tự cân đối để trả lương.
Trong những năm qua, sau khi bố trí đủ tiết dạy cho giáo viên, nếu có thừa tiết, thì Hiệu trưởng bố trí giáo viên dạy tăng tiết và trả tiền dạy tăng thay theo quy định.
Có một số Hiệu trưởng thì tiến hành hợp đồng thỉnh giảng nhằm tạo điều kiện cho số sinh viên mới ra trường nhưng chưa có việc làm và căn cứ vào Quy chế chi tiêu nội bộ trả tiền thỏa thuận theo tiết dạy.
“Đời giáo viên hợp đồng cực lắm ai ơi” |
Có nhiều giáo viên đã dạy hợp đồng gần 10-15 năm nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Sở giải thích về vấn đề này như thế nào?
Sở giáo dục Quảng Nam: Từ năm 2009 đến nay, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã tổ chức 4 đợt tuyển dụng (năm 2009, năm 2010, năm 2011 và đợt năm 2017 này).
Nhưng số giáo viên có thâm niên hợp đồng giảng dạy theo tiết vẫn không đủ khả năng cạnh tranh lành mạnh, công bằng để vào viên chức ngành giáo dục.
Do vậy, họ phải đến nhờ Hiệu trưởng các trường để được tiếp tục hợp đồng giảng dạy một số tiết nếu trường đó có số tiết dôi dư như đã nói ở trên.
Đây là hợp đồng mang tính thỏa thuận, giải quyết cho những người chưa có việc làm, thể hiện tính nhân văn của ngành giáo dục.
Tiền công của họ được thỏa thuận và trả theo từng tiết dạy, do vậy không có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Theo phản ánh của 104 giáo viên hợp đồng trên 36 tháng thì vừa qua, Sở đã họp các hiệu trưởng của các trường và yêu cầu số giáo viên trên rút đơn, đồng thời cho biết sẽ không tiếp tục ký hợp đồng với các thầy cô trong năm học mới đến.
Sở giải quyết vấn đề này như thế nào? Liệu rằng các thầy cô này có được tiếp tục giảng dạy?
Sở giáo dục Quảng Nam: Như đã phân tích ở trên, trước đây, Hiệu trưởng một số trường trung học phổ thông đã làm một việc hết sức nhân văn, đó là tạo điều kiện cho số sinh viên mới ra trường chưa có việc làm có cơ hội đứng lớp.
Tạo điều kiện cho các anh (chị) sau nhiều lần tham gia dự tuyển viên chức nhưng không trúng tuyển được hợp đồng giảng dạy để khỏi mai một về chuyên môn trong thời gian chờ có đợt tuyển dụng mới.
Nhưng điều đáng tiếc, qua nhiều lần tham gia dự tuyển số giáo viên này vẫn không trúng tuyển nay quay trở lại khiếu nại người giúp đỡ mình và cho rằng việc hợp đồng trái luật.
Chính vì vậy, Sở giáo dục tổ chức họp để thông báo cho các Hiệu trưởng biết tình hình khiếu nại nêu trên.
Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục có bài viết phân tích pháp lý liên quan đến hợp đồng giữa các giáo viên và Hiệu trưởng nhà trường.
Trong đó, việc ký kết hợp đồng thỉnh giảng được điều chỉnh bởi quy định pháp luật nào? Việc ký kết này là đúng hay sai?
(Còn nữa)