Trao đổi tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bà Y Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho biết, trong năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chính phủ có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, là cơ sở để tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra.
Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm bình quân đạt gần 98%
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chia sẻ, trong những năm qua, bên cạnh phát triển kinh tế, nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Công tác quy hoạch, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo được triển khai hiệu quả.
Bà Y Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum. Ảnh: Văn Cường |
Hiện nay, toàn tỉnh có 488 cơ sở giáo dục và đào tạo, trong đó có 359 trường mầm non và phổ thông; 11 cơ sở đào tạo; 102 trung tâm học tập cộng đồng, 16 loại hình trung tâm giáo dục ngoài công lập khác. Quy mô học sinh, sinh viên mầm non và phổ thông toàn tỉnh hiện nay khoảng 166.000 học sinh, sinh viên, trong đó có trên 96.000 học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số,
Hệ thống trường nội trú, bán trú luôn được quan tâm duy trì. Việc sử dụng và phát huy các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục vùng dân tộc thiểu số nói riêng được quan tâm.
Ngoài nguồn vốn ngân sách được giao, tỉnh đã huy động hiệu quả các nguồn tài trợ, viện trợ, nhằm tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện học tập.
Các mô hình như: Thư viện ước mơ, thư viện thân thiện, sách cũ cho năm học mới; mô hình Bán trú dân nuôi, cặp lồng cơm đến lớp; học bổng vì em hiếu học, nâng bước em đến trường; con nuôi Đồn Biên phòng, xây dựng “Trường học hạnh phúc” đã lan tỏa đến các trường vùng sâu vùng xa, góp phần xây dựng nhà trường tích cực, thân thiện, huy động học sinh ra lớp hiệu quả.
Nhờ đó, 100% trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số tiểu học được học 2 buổi/ngày tăng. Phổ cập trung học cơ sở được duy trì ở vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm bình quân đạt gần 98%, trong đó tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh người dân tộc thiểu số đạt gần 95%.
Công tác hoàn thiện thể chế được triển khai đầy đủ và kịp thời; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đã ban hành các văn bản pháp quy, các cơ chế chính sách đặc thù địa phương, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, đào tạo, cũng như tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại tỉnh phù hợp.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt được kết quả nhất định. Đến nay, toàn ngành giáo dục và đào tạo đã đồng bộ trên cùng một nền tảng Office 365, 100% học sinh phổ thông và cán bộ quản lý, giáo viên được cấp tài khoản để công tác và học tập; xây dựng và đưa vào khai thác kho học liệu số cho 100% chương trình cấp tiểu học; quản lý hồ sơ, sổ sách trên môi trường mạng...
Đề xuất không cắt giảm 10% biên chế hằng năm
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức của ngành giáo dục, lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho biết, khó khăn đầu tiên là về bài toán đội ngũ, toàn tỉnh hiện thiếu 973 giáo viên, gồm 446 giáo viên mầm non, 385 giáo viên tiểu học, 142 giáo viên trung học cơ sở, ngoài ra còn thiếu nguồn dự tuyển ở một số bộ môn (tiếng Anh, Tin học, các môn nghệ thuật...).
Bên cạnh đó là khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là thiết bị dạy học ngoại ngữ, Tin học, thiết bị thí nghiệm, thực hành; hệ thống nhà ăn, nhà bếp, nhà nội trú của nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú.
Giáo dục vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều hạn chế, tỉ lệ chuyên cần chưa bền vững.
“Với quan điểm đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư sự phát triển, cần đi trước một bước nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Trong đó, tiếp tục quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đa dạng hóa các loại hình giáo dục đào tạo đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận giáo dục cũng như đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của người dân. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, tạo bước chuyển biến về chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay”, bà Ngọc cho biết thêm.
Để phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã nêu ra một số đề xuất, kiến nghị.
Ảnh minh họa: NP |
Đối với các chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục dân tộc, nhằm có giải pháp đột phá trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện căn bản trong nâng cao năng lực người dân trong vươn lên thoát nghèo bền vững rất cần các chính sách đột phá dành cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, kiến nghị Chính phủ trên cơ sở đánh giá toàn diện các chính sách dành cho học sinh dân tộc thiểu số hiện nay, ưu tiên sắp xếp nguồn lực duy trì chính sách hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh. Đây là điều kiện quan trọng trong công tác huy động học sinh ra lớp, duy trì chuyên cần, giảm tỷ lệ các điểm trường nhỏ lẻ nâng cao chất lượng dạy học.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum với kinh phí Trung ương hỗ trợ khoảng 419 tỷ đồng để hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú (khoảng 70/359 trường) và phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh đều đóng chân trên địa bàn có đông người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, tỉnh mong muốn Chính phủ quan tâm mở rộng phạm vi thụ hưởng của chương trình đến các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số để hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Y Ngọc cũng kiến nghị Ủy ban Dân tộc sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thực hiện nội dung số 02, Tiểu dự án 2, Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 và Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 của Chính phủ để phù hợp với thực tiễn của nhiều địa phương.
Về bài toán đội ngũ cho ngành giáo dục, tỉnh Kon Tum đề xuất Bộ Nội vụ không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo lộ trình; không cắt giảm số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục tỉnh Kon Tum theo dự thảo Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện nay, các địa bàn đặc biệt khó khăn thiếu nguồn tuyển giáo viên, một số giáo viên không yên tâm công tác, đời sống khó khăn nên một số giáo viên nghỉ việc, chuyển công tác đến vùng thuận lợi. Để tạo động lực cho đội ngũ, tỉnh Kon Tum mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ, nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, trong đó có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích giáo viên an tâm công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số như: chính sách thu hút, chính sách tiền lương, hoàn thiện chính sách tuyển dụng đối với đối tượng đào tạo theo địa chỉ cử tuyển và đối với đội ngũ nhà giáo là người địa phương dạy trẻ em người dân tộc thiểu số.