Kiến nghị sửa Thông tư 39 vì nhiều nội dung thanh tra không phù hợp với GDPT mới

05/10/2022 06:58
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Một trong những khó khăn của Thanh tra Sở GD Tuyên Quang là đội ngũ khi được phân công nhiệm vụ giải quyết khiếu nại tố cáo thường không có nghiệp vụ sâu

Kịp thời chấn chỉnh những nơi làm chưa đúng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Phương - Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang cho biết: “Biên chế Thanh tra Sở hiện tại đang có 5 người, trong đó, có người phụ trách pháp chế, có người có chuyên môn kế toán, nên khá chủ động trong nhiệm vụ.

Đồng thời, chúng tôi cũng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ thanh tra. Chẳng hạn, mỗi khi Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh mở lớp tập huấn có những nội dung liên quan được trưng tập, chúng tôi tham mưu Giám đốc Sở để tham gia đầy đủ. Đặc biệt là những lớp tập huấn của Sở Tư pháp, vì chúng tôi không chuyên sâu về luật, nên khi có lớp là tham gia.

Bên cạnh đó, chúng tôi có đội ngũ hơn 200 cộng tác viên thanh tra để sẵn sàng trưng tập. Hằng năm lại được bổ sung thêm để phù hợp với nhiệm vụ được giao: Từ cách đây 2 năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang mời chuyên gia phía Học viện Quản lý Giáo dục dạy lớp bồi dưỡng cộng tác viên thanh tra và đã ra quyết định công nhận cộng tác viên thanh tra.

Đặc biệt, khi tổ chức thanh, kiểm tra một đơn vị nào, chúng tôi sẽ không được lấy đội ngũ cộng tác viên thanh tra tại đơn vị đó, như vậy, mới đảm bảo tính khách quan”.

Bà Nguyễn Thúy Phương - Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang. (Ảnh: NVCC).

Bà Nguyễn Thúy Phương - Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang. (Ảnh: NVCC).

Vị Chánh Thanh tra Sở cũng thông tin thêm: “Đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Tuyên Quang, mỗi năm, chúng tôi nhận được không nhiều, chỉ khoảng 30 đơn. Nếu đơn thuộc thẩm quyền xử lý của Sở, phát hiện có nội dung, chúng tôi sẽ tham mưu Giám đốc kiểm tra để phục vụ công tác quản lý. Công tác xử lý kịp thời, không có nội dung đơn kéo dài.

Với những đơn không thuộc thẩm quyền, chúng tôi phân loại và chuyển đơn vị xử lý. Nắm bắt tình hình nếu thấy nội dung nào cần phải kiểm tra thì vẫn yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố kiểm tra để phục vụ cho công tác quản lý.

Hiện tại, chúng tôi cũng đang tiến hành kiểm tra công tác đầu năm học tại các nhà trường, về quản lý thu - chi; về sắp xếp, bảo quản, sử dụng thiết bị dạy học... Tất nhiên, cũng có thể còn có nơi chưa làm đúng, nên Thanh tra Sở phải kịp thời chấn chỉnh, làm sao để hạn chế tối đa nhất trường hợp lạm thu”.

Về khó khăn do khoảng cách địa lý như tại một số địa phương, theo bà Nguyễn Thúy Phương, đối với tỉnh Tuyên Quang, đây không phải vấn đề quá lớn: “Tuyên Quang cũng có những đơn vị khá xa, xa nhất là gần 200km, thậm chí cũng có một số đơn vị trường có hôm không đi được đường bộ, phải đi đường thủy. Hay trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 như hơn 2 năm qua, công tác thanh tra cũng có khó thực hiện. Mặc dù khi xây dựng kế hoạch đã được lãnh đạo phê duyệt, tuy nhiên, khi thực hiện cũng có thể có sự điều chỉnh phù hợp nên không quá khó khăn”.

Còn lúng túng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho hay: “Mặc dù không gặp nhiều khó khăn về nhân sự, tài chính như Thanh tra Sở một số địa phương, song, trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, chúng tôi cũng có một số kiến nghị để tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chung, thực hiện thanh tra chuyên ngành theo Thông tư 39/2013/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục, có một vấn đề về nội dung, trước kia chưa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên đến thời điểm này, trong khi thực hiện nội dung thanh tra, có một số nội dung không còn phù hợp.

Vì vậy, chúng tôi kiến nghị, bổ sung thêm các nội dung về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào Thông tư 39, để khi Thanh tra Sở đi làm nhiệm vụ có hành lang pháp lý”.

Bên cạnh đó, Chánh Thanh tra Nguyễn Thúy Phương cũng đề cập đến một số kiến nghị khác: “Trước hết, là khó khăn khi thực hiện Thông tư 01/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra: Về phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm phải xây dựng theo năm, tuy nhiên, đối với ngành giáo dục, các văn bản chỉ đạo lại thường theo năm học.

Đây là một vướng mắc. Nếu như riêng đối với ngành giáo dục, có thể phê duyệt kế hoạch thanh tra theo năm học thì sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho công tác thanh tra.

Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Ảnh: NVCC).

Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Ảnh: NVCC).

Thứ hai, về Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm: Sau khi có Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 về việc công bố hết hiệu lực một số điều trong Thông tư số 17, vì đã có một số điều bị bãi bỏ, nên việc quản lý ở các đơn vị cũng có những nội dung không được như trước đây. Vì vậy, chúng tôi cũng muốn kiến nghị sửa Thông tư số 17”.

“Một vấn đề nữa, liên quan đến nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng tồn tại khó khăn. Đó là, đội ngũ thanh tra từ cấp trường, cấp phòng hay đến cấp Sở, khi được phân công nhiệm vụ giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, lại thường không có nghiệp vụ sâu.

Cho nên, trong quá trình tham mưu, còn đôi lúc lúng túng, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong xử lý. Đây cũng là một vấn đề mà chúng tôi muốn kiến nghị, nhằm nâng cao kiến thức, bản lĩnh, trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo” - vị Chánh Thanh tra Sở nhấn mạnh.

Mộc Trà