Theo quy định, sĩ số học sinh tối đa đối với trường tiểu học là 35 học sinh/lớp; với trường trung học cơ sở là 45 học sinh/lớp.
Tuy nhiên, tại những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với tốc độ gia tăng dân số cơ học cao, nhiều quận/huyện đang phải đối mặt với vấn đề áp lực sĩ số lớp học, thiếu trường, thiếu lớp. Đây cũng chính là trăn trở của nhiều lãnh đạo ngành giáo dục.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm đã có giải pháp cho bài toán áp lực sĩ số. |
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Vương Hương Giang – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm (thành phố Hà Nội).
PV: Thưa bà, là một trong những quận trung tâm của Thành phố Hà Nội, tình trạng sĩ số lớp học tại địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện nay như thế nào?
Bà Vương Hương Giang: Cách đây 4 - 5 năm, các trường học tại Hoàn Kiếm cũng gặp phải vấn đề nan giải về áp lực sĩ số khi sĩ số trung bình khoảng 50-55 em/lớp.
Nhưng với sự quyết tâm trong công tác chuẩn hóa sĩ số học sinh, từ năm học 2019-2020, các trường tiểu học trong quận đã giảm còn 40 học sinh/lớp, các trường trung học cơ sở giảm còn 45 học sinh/lớp. Năm 2020-2021, con số này tiếp tục giảm, tối đa 35 học sinh/lớp tiểu học, tối đa 45 học sinh/lớp trung học cơ sở, đáp ứng đúng quy định của Điều lệ trường học.
Sĩ số lớp học đó tiếp tục được duy trì trong hai năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023. 100% các trường học trên địa bàn quận, gồm 13 trường tiểu học và 07 trường trung học cơ sở đều bảo đảm đạt chuẩn về số lớp và số học sinh trên lớp.
Các trường học trên địa bàn quận đều bảo đảm đạt chuẩn về số lớp và số học sinh trên lớp. (Ảnh: NVCC) |
Những năm gần đây, chúng tôi đã giải quyết được bài toán áp lực sĩ số, ngay cả các trường trọng điểm cũng không xảy ra tình trạng này.
Một điều thuận lợi đối với quận Hoàn Kiếm là tình trạng dân số phát triển khá ổn định, chung cư cao tầng không xây dựng nhiều như ở những địa bàn khác. Vì vậy, số trường lớp, số lượng giáo viên cũng tương đối ổn định.
Trong năm học 2022 – 2023, tổng số học sinh lớp 1 và lớp 6 là hơn 4.300 em, trong khi năm học trước (2021-2022) có 4.400 em.
Việc tuyển sinh ở các lớp đầu cấp cũng được tiến hành hiệu quả. Với tình hình sĩ số lớp học như vậy, quận Hoàn Kiếm không xảy ra tình trạng quá tải, đồng thời đảm bảo đáp ứng việc dạy 2 buổi/ngày cho 75% học sinh trung học cơ sở và 100% học sinh Tiểu học
PV: Như bà chia sẻ, trước đây, địa bàn quận cũng xảy ra tình trạng áp lực sĩ số lớp học, vậy phòng giáo dục và đào tạo cũng như lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đã có những giải pháp nào để đưa sĩ số về đúng quy định và duy trì được kết quả đó?
Bà Vương Hương Giang: Để thực hiện thành công chuẩn hóa sĩ số, chúng ta không thể cắt giảm một cách cơ học số lượng học sinh trên mỗi lớp mà cần có sự cân nhắc, tính toán phù hợp với các điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên.
Tất nhiên, chúng ta cũng không thể nóng vội mà cần phải có một lộ trình cụ thể, hợp lý.
Để đi tìm lời giải cho bài toán quá tải sĩ số lớp học, trước hết phải nắm vững sự biến động về số học sinh trong từng năm học để chủ động và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tải áp lực sĩ số lớp học, có như vậy chúng ta mới làm tốt công tác tuyển sinh đầu cấp và có hướng đi mới trong phân bố học sinh, quy hoạch trường lớp.
Các trường học của quận Hoàn Kiếm làm tốt công tác tuyển sinh đầu cấp. (Ảnh: NVCC) |
Bên cạnh đó, phòng giáo dục cũng tích cực trong công tác tham mưu với lãnh đạo địa phương để dành quỹ đất cho giáo dục.
Giai đoạn 2021-2025, quận Hoàn Kiếm có kế hoạch mở rộng các trường như: Trường tiểu học Điện Biên, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Trường tiểu học Chương Dương, Trường Trung học cơ sở Chương Dương. Trường tiểu học Võ Thị Sáu sẽ có cơ sở mới khang trang trong thời gian này. Quận cũng đã xóa 17 điểm trường lẻ không còn phù hợp.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, Hoàn Kiếm sẽ xây mới một trường mầm non tại B7-C8 Chương Dương và một trường trung học cơ sở chất lượng cao tại số 9 Hai Bà Trưng.
Khó khăn của quận Hoàn Kiếm khi xây trường không phải là kinh phí xây dựng trường mà là kinh phí đầu tư giải phóng mặt bằng. Để làm được điều này phải kể đến sự quan tâm đầu tư cho giáo dục của lãnh đạo quận.
Năm học trước, dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn vì dịch bệnh, quận vẫn dành gần 50% ngân sách cho giáo dục. Lãnh đạo quận sẵn sàng lắng nghe các phòng, ban chuyên môn tham mưu, dành quỹ đất hợp lý cho giáo dục. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng giúp Hoàn Kiếm giải quyết vấn đề sĩ số lớp học, nâng cao chất lượng giáo dục.
PV: Giải quyết được bài toán áp lực sĩ số, hẳn đây sẽ là tiền đề để hoạt động giáo dục của quận Hoàn Kiếm nâng cao chất lượng, thưa bà?
Bà Vương Hương Giang: Chắc chắn khi sĩ số lớp học được đảm bảo, việc dạy và học sẽ phát huy hiệu quả hơn, học sinh cũng được hưởng thụ môi trường giáo dục tốt hơn.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm đã có 13 năm liên tiếp được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua”. Đứng ở vị trí dẫn đầu trong 13 năm liền là niềm tự hào, nhưng cũng là thách thức, áp lực, đối với cán bộ quản lý, giáo viên trên toàn quận, vì luôn phải nỗ lực, phấn đấu, làm mới mình, để ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua.
Thành công của việc chuẩn hóa sĩ số nhờ có sự quan tâm đầu tư cho giáo dục của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: NVCC) |
Rất nhiều mảng công việc phải quan tâm, đầu tư đồng bộ để hướng đến nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục. Trong đó, hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng đội ngũ là một trong những nội dung cốt lõi, được làm định kỳ, thường xuyên.
Nếu những quận trẻ của Hà Nội, việc được xây nhiều trường mới đồng nghĩa sẽ tuyển được đội ngũ giáo viên tốt, là sinh viên giỏi từ các trường sư phạm, thì Hoàn Kiếm không có được lợi thế này. Số lượng trường không nhiều, ổn định, nên biên chế tuyển mới giáo viên trên địa bàn quận là vô cùng ít.
Không có được “luồng gió mới” từ đội ngũ mới tuyển, cách làm của ngành Giáo dục Hoàn Kiếm là tự làm mới mình, trên nền giáo viên hiện có để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, đáp ứng yêu cầu mới.
Bên cạnh việc giải quyết bài toán sĩ số lớp học, chúng tôi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao cơ sở hạ tầng, từ đó đưa nền giáo dục phát triển đi lên.
Trân trọng cảm ơn bà!