Không ít GV tâm tư, hụt hẫng khi trường công bố kết quả xếp loại viên chức

30/05/2024 06:42
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giáo viên, nhân viên trong trường được ghi nhận xứng đáng theo thành tích đạt được sẽ giúp họ có thêm động lực phấn đấu ở các năm học tiếp theo.

Khác với những năm học trước đây, từ năm học 2023-2024 này, các nhà trường thực hiện xếp loại viên chức theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Chính vì thế, tỉ lệ viên chức được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ còn được xếp tối đa là 20%. Việc khống chế tỉ lệ viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khiến cho các nhà trường thực hiện chặt chẽ ở các bước. Đồng thời, hiệu trưởng nhà trường- người quyết định cuối cùng cũng gặp khá nhiều áp lực, phải đắn đo, tính toán để đưa ra quyết định cuối cùng.

Tuy nhiên, khi hiệu trưởng công bố kết quả kết loại viên chức cho năm học 2023-2024 thì vẫn có không ít giáo viên tâm tư, bàn tán vì sao mình không được, người khác được xếp loại xuất sắc. Và thực tế, cũng có không ít giáo viên buồn bã vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng mà giáo viên không thể lường trước được. Ví dụ như giáo viên không duy trì sĩ số được 100%, hoặc lớp có học sinh bị hạnh kiểm trung bình.

gdvn-hknq1-pl-9112.jpg
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Những ai được xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?

Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP hướng dẫn tỉ lệ viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được hướng dẫn như sau: “Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng”.

Trong khi, tại điểm 2.3 khoản 2, Mục B của Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW năm 2019 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng như sau: “Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong từng tổ chức cơ sở đảng”.

Vì thế, đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị định số 48/2023/NĐ-CP nên các trường chỉ có thể xếp 20% viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tất nhiên, những cán bộ, giáo viên, nhân viên được xếp ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải thực sự là những người tiêu biểu.

Bởi vì, theo Điều 12, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/ 8/2020 hướng dẫn tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau: “Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức”.

Nhưng, trong một đơn vị trường học ngoài hoạt động dạy và học còn có rất nhiều công việc, rất nhiều hội thi, cuộc thi, phong trào khác nhau nên ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ được giao thì một bộ phận giáo viên có thêm một số thành tích khác.

Mỗi thành tích vượt kế hoạch được nhà trường tính 1 chỉ tiêu vượt mức nên việc chọn lựa ra tỉ lệ 20% viên chức tiêu biểu nhất không phải là điều dễ dàng. Những khó khăn này dẫn đến việc hiệu trưởng khi đưa ra quyết định cuối cùng không hề đơn giản.

Thực tế cho thấy, số lượng viên chức tự xếp loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng đơn vị luôn cao hơn rất nhiều tỉ lệ 20% viên chức sẽ xếp loại xuất sắc mà Nghị định số 48/2023/NĐ-CP hướng dẫn.

Vì thế, việc đánh giá xếp loại viên chức còn khó khăn hơn cả việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên cuối năm. Bởi, đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm được thể hiện bằng những lá phiếu kín của tất cả đảng viên chính thức đánh giá.

Sau khi bỏ phiếu xong, tổ kiểm phiếu sẽ kiểm phiếu và công bố kết quả. Ai có số phiếu cao hơn sẽ được xếp loại đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhưng đối với xếp loại viên chức không bỏ phiếu mà chỉ phân tích trước hội đồng, sau đó hiệu trưởng là người quyết định cuối cùng. Nếu xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với những viên chức có nhiều thành tích, nhiệm vụ nào cũng vượt chỉ tiêu thì đơn giản hơn.

Riêng với những người có những chỉ tiêu hoàn thành, vượt mức tương đồng nhau thì lại rất khó vì đứng trước danh dự và quyền lợi, nhiều viên chức cho rằng mình xứng đáng hơn nhưng chỉ được xếp ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ, người khác chưa được xuất sắc bằng mình mà được hiệu trưởng xếp ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Vì vậy, những thị phi là điều dễ thấy ở nhiều trường học sau khi hiệu trưởng công bố kết quả xếp loại viên chức.

Không ít giáo viên…tâm tư

Theo Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 tại Điều 23 quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để được xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cần các tiêu chuẩn sau đây:

“1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”

Điều này cho thấy, việc được xếp loại viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học này rất quan trọng đối với nhiều viên chức- nhất là những người đạt được nhiều thành tích như bồi dưỡng học sinh giỏi; thi giáo viên chủ nhiệm giỏi; thi giáo viên dạy giỏi; bồi dưỡng học sinh một số phong trào đạt thành tích cao…mà không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải.

Bởi lẽ, nếu giáo viên hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt mức nhưng không có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải và không được xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì chỉ được xếp danh hiệu thi đua cao nhất là lao động tiên tiến.

Vì thế, một số viên chức là giáo viên bộ môn đã tâm tư khi biết mình chỉ được xếp ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhưng, luồng ý kiến tâm tư nhiều nhất là những thầy cô giáo kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp. Trong đó, họ có nhiều chỉ tiêu vượt mức nhưng vì vướng một vài chỉ tiêu được giao không hoàn thành sẽ không được xếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà những chỉ tiêu này nằm ngoài khả năng của giáo viên chủ nhiệm.

Chẳng hạn, đầu năm nhà trường đưa ra chỉ tiêu 1,5% học sinh bỏ học. Cuối năm, lớp có 1 học sinh bỏ học thì bao nhiêu thành tích của giáo viên chủ nhiệm cũng đổ sông, đổ biển vì vướng tiêu chí “Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc”.

Bởi lẽ, sĩ số lớp học ở cấp tiểu học tối đa là 35 học sinh; cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông tối đa là 45 học sinh nên 1 học sinh bỏ học đã vượt xa tỉ lệ 1,5% học sinh bỏ học mà nhà trường đưa ra ở đầu năm học.

Hoặc, đầu năm nhà trường đưa ra chỉ tiêu % tỉ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm (rèn luyện) ở các mức: Tốt; Khá; Trung bình (Đạt); Yếu-Kém (Chưa đạt). Cuối năm, không may trong lớp có 1 học sinh đánh nhau bị xếp hạnh kiểm Trung bình thì giáo viên cũng vướng chỉ tiêu này.

Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn vướng vào chỉ tiêu học lực. Nếu lớp mình chủ nhiệm không bằng tỉ lệ chung của toàn trường trong năm nay hoặc không bằng chỉ tiêu học lực của lớp mà mình đã chủ nhiệm ở năm học trước thì cũng không “Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc”. Vì thế, không ít giáo viên họ sợ làm công tác chủ nhiệm lớp.

Giải pháp nào cho việc xếp loại viên chức ở các năm học tiếp theo?

Để không xảy ra tình trạng giáo viên…tâm tư, thắc mắc, phàn nàn, bàn tán sau khi nhà trường công bố kết quả xếp loại viên chức hằng năm thì có lẽ điều đầu tiên nhà trường phải xây dựng được những tiêu chí thi đua cụ thể và minh bạch.

Trong đó, hoàn thành chỉ tiêu được chấm bao nhiêu điểm, vượt mức được chấm bao nhiêu điểm hoặc chỉ tiêu vượt mức được cụ thể hóa như thế nào. Hàng tháng, trong các báo cáo của tổ chuyên môn, nhà trường phải được công khai, niêm yết cụ thể để giáo viên biết.

Một khi thực hiện công khai, minh bạch sẽ dẫn đến sự khách quan trong xếp loại viên chức. Hiệu trưởng nhà trường cũng giảm được áp lực khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Bên cạnh đó, nếu nhà trường có số lượng viên chức tiêu biểu nhiều hơn tỉ lệ quá 20% thì có thể “nới” tỉ lệ này vẫn có thể được vì theo hướng dẫn tại Nghị định số 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đã có hướng dẫn mở như sau:

“Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.”

Trong khi, “cấp có thẩm quyền” ở đây chính là hiệu trưởng nhà trường.

Một khi viên chức được ghi nhận xứng đáng sẽ giúp họ có thêm động lực phấn đấu ở các năm tiếp theo. Vì thực tế, các đơn vị trường học hiện nay rất hiếm có viên chức xếp ở mức Hoàn thành nhiệm vụ hoặc Không hoàn thành nhiệm vụ.

Đa số chỉ dừng lại ở 2 mức là: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì thế, ngoài những viên chức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì những viên chức Hoàn thành tốt nhiệm vụ mà thôi. Vô hình trung, chỉ trừ những viên chức được xếp loại xuất sắc, số còn lại đều xếp loại như nhau cả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN