Khó thông qua báo cáo tài chính, HĐT nên tính đến việc thuê đơn vị thẩm định

29/12/2022 06:47
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hội đồng trường nên thuê đơn vị thẩm định độc lập để quá trình tiến hành quyết toán, thẩm định báo cáo tài chính được khách quan.

Hội đồng trường có vị trí, vai trò quản trị nhà trường được khẳng định rõ trong Luật 34/2018/QH14 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học).

Một trong những nội dung thể hiện vai trò quản trị của Hội đồng trường là việc thông qua báo cáo tài chính. Hội đồng trường thông qua báo cáo tài chính (năm cũ), Hiệu trưởng trình dự thảo báo cáo, triển khai (hoặc báo cáo cấp thẩm quyền) theo quy định sau khi Hội đồng trường thông qua.

Song, quá trình này có nảy sinh một số vướng mắc khiến thành viên Hội đồng trường gặp khó, đặc biệt là những nội dung phê duyệt liên quan đến đầu tư, mua sắm lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Ngọc Hùng cho biết, liên quan đến nội dung phê duyệt, thông qua báo cáo tài chính, Hội đồng trường có thành lập tiểu ban cơ sở vật chất và tài chính đảm trách.

“Tiểu ban này sẽ gồm một số thành viên có kinh nghiệm thẩm định, thông thạo về tài chính (thường là tổng giám đốc của một số tập đoàn tham gia). Nhờ có những đóng góp ý kiến, tham mưu của đội ngũ thành viên này mà quá trình phê duyệt, thông qua báo cáo tài chính được thuận lợi hơn”, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết.

Trước quan điểm, tất cả thành viên Hội đồng trường phải thông thạo kỹ năng thẩm định, kiểm duyệt báo cáo tài chính, tài sản, quy định thu, chi, mua sắm, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, điều này không cần thiết cho tất cả nhưng buộc thành viên phải hiểu biết cơ bản về tài chính.

Thông tin chi tiết hơn, Quyền Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Hùng cho biết, quá trình xây dựng và thông qua báo cáo tài chính của trường diễn ra thuận lợi. Còn theo nhận định, khó khăn ở một số trường chỉ xảy ra khi Hội đồng trường và Hiệu trường, các đơn vị liên quan không có sự thống nhất chung.

Hiện tại, Hội đồng trường Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh có 19 thành viên (theo đúng cơ cấu là 30% thành viên ngoài nhà trường, 1 thành viên ở Bộ Giáo dục và Đào tạo…).

Hội đồng trường thành lập các tiểu ban như ban cơ sở vật chất và tài chính, ban đào tạo… Mỗi một ban sẽ có nhiệm vụ chuyên môn khác nhau, thành viên ở ban nào thì có trách nhiệm, hiểu biết và thông thạo nghiệp vụ ở ban đó.

Cùng bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ, Hội đồng trường có phân chia các tiểu ban chuyên môn, trong đó có ban cơ sở vật chất và tài chính. Thế nhưng, việc thẩm định báo cáo tài chính vẫn chỉ dựa trên cơ sở kết quả kiểm toán (căn cứ chủ yếu vào kết quả kiểm toán độc lập) để đánh giá kết quả phê duyệt báo cáo tài chính.

“Về phê duyệt kế hoạch dự toán và kế hoạch tài chính năm, các phòng, ban trong trường xây dựng báo cáo, Ban Giám hiệu tập hợp, thẩm định trước, sau đó sẽ đưa ra Hội đồng trường.

Khi ra đến Hội đồng trường, Ban Giám hiệu sẽ phải bảo vệ từng nội dung trong dự toán kế hoạch tài chính năm. Trong quá trình này, những vấn đề nào Hội đồng trường đưa ra, Ban Giám hiệu không giải thích rõ thì phải tiến hành giải trình. Nội dung nào chấp nhận được, thuyết phục, Hội đồng trường sẽ đồng ý đưa vào kế hoạch, và ngược lại thì sẽ phải điều chỉnh trước khi thông qua.

Kế hoạch năm học sẽ xây dựng và tiến hành phê duyệt vào đầu năm học. Còn kế hoạch tài chính năm sẽ phê duyệt theo năm tài chính”, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, phát huy vai trò giám sát của Hội đồng trường, trong quá trình phê duyệt kế hoạch đầu năm và báo cáo tài chính cuối năm, những nội dung nào không rõ ràng, không cân đối, bổ sung nhưng không có giải trình cụ thể thì sẽ yêu cầu Ban Giám hiệu xem xét điều chỉnh lại.

“Trong kế hoạch dự toán tài chính năm, khi tiến hành phê duyệt, tất cả các danh mục đi kèm đều có đầy đủ hết các đầu mục công việc. Ngoài ra, trong kế hoạch tài chính bao giờ cũng xây dựng một khoản dự phòng, cho phép Ban Giám hiệu được phép sử dụng.

Hội đồng trường tiến hành phê duyệt kế hoạch tài chính 1 lần/năm. Nhưng do có những việc phát sinh trong năm thì sẽ phải bổ sung và quyết toán. Đến khi phê duyệt báo cáo tài chính cuối năm, tất cả những nội dung nằm trong kế hoạch tài chính ban đầu, danh mục bổ sung, có giải trình báo cáo cụ thể thì sẽ phê duyệt. Còn lại, những danh mục nằm ngoài, không có báo cáo, không có quy trình bổ sung thì sẽ không được phê duyệt”, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết thêm.

Theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, tất cả các thành viên Hội đồng trường không phải ai cũng am hiểu về quản lý tài chính. Do đó, trong Hội đồng trường, khi xây dựng cơ cấu, bao giờ cũng phải tính đến lựa chọn thành viên am hiểu về từng mảng, trong đó có mảng tài chính.

“Việc thẩm định báo cáo tài chính sẽ tập trung vào các vấn đề như: thực hiện các nội dung có đúng theo kế hoạch ban đầu được phê duyệt không. Các khoản chi có hợp lý và hoạt động đúng theo quy định…

Trước khi phê duyệt báo cáo tài chính, Hội đồng trường có quyền thuê đơn vị thẩm định tài chính độc lập bên ngoài trường. Cụ thể, trong trường hợp Hội đồng trường không hiểu, gặp vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề phức tạp trong quá trình phê duyệt báo cáo tài chính, Hội đồng trường có quyền thuê đơn vị thẩm định bên ngoài trường để thẩm định báo cáo tài chính.

Thông thường sẽ giao cho tiểu ban cơ sở vật chất và tài chính để thẩm định báo cáo tài chính trước khi Hội đồng trường thông qua. Nếu các thành viên của tiểu ban thấy rằng báo cáo có vấn đề thì sẽ đề xuất với Hội đồng trường cho thuê đơn vị thẩm định độc lập. Khi đó, Hội đồng trường xem xét để quyết định thuê hay không thuê đơn vị kiểm định.

Việc thuê thẩm định độc lập có được đề cập trong quy định về báo cáo tài chính hàng năm, với tỷ lệ chi phí được dự tính. Nhờ đó, việc tiến hành thuê đơn vị thẩm định sẽ đơn giản.

Tiến sĩ Vũ Anh Đức cho biết, thực tế hiện nay, tiểu ban cơ sở vật chất và tài chính có nhiệm vụ giúp việc, hỗ trợ, cánh tay đắc lực cho vận hành Hội đồng trường. Tuy nhiên, tới đây, khi tiến hành phê duyệt, thông qua báo cáo tài chính, dự kiến Hội đồng trường sẽ thuê đơn vị thẩm định tài chính độc lập bên ngoài trường. Việc này không chỉ hỗ trợ cho tiểu ban cơ sở vật chất và tài chính, Hội đồng trường mà còn tạo tính chuyên nghiệp, đánh giá khách quan, đảm bảo chất lượng thực hiện.

"Cá nhân tôi rất ủng hộ và cũng khuyến khích Hội đồng trường các trường cũng nên tính đến việc thuê đơn vị thẩm định độc lập nếu gặp khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh trong quá trình phê duyệt, thông qua báo cáo tài chính.

Cái khó hiện nay các trường đại học còn gặp phải đó là việc phân cấp, phân quyền giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường. Do vậy, cũng cần có quy định chi tiết, rõ ràng hơn để việc vận hành trường được thuận lợi", Tiến sĩ Vũ Anh Đức nêu ý kiến.

Ngọc Mai