Khám phá triển vọng và thách thức của ngôn ngữ học tính toán cùng HUFLIT

25/11/2024 09:00
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngôn ngữ học tính toán là lĩnh vực kết hợp giữa nghiên cứu ngôn ngữ với các thành tựu công nghệ thông tin.

Song song với những cơ hội đầy tiềm năng của lĩnh vực ngôn ngữ học tính toán trong kỷ nguyên lên ngôi của AI chắc chắn sẽ là những thách thức không thể tránh khỏi. Và đó chính là bài toán cần được giải tại Hội thảo Quốc gia lần thứ 2 về ngôn ngữ học tính toán VCL 2024.

Ngôn ngữ học tính toán là lĩnh vực kết hợp giữa nghiên cứu ngôn ngữ với các thành tựu công nghệ thông tin. Bằng cách tận dụng các kỹ thuật tiên tiến như thống kê, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), và xử lý dữ liệu lớn, lĩnh vực này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Trong những năm gần đây, các mô hình AI như GPT và các công nghệ chatbot đã đạt đến mức tiệm cận với khả năng tương tác, giao tiếp giống như con người. Đây là những thành tựu của ngôn ngữ học tính toán. Điều này cũng minh chứng cho tiềm năng to lớn của ngôn ngữ học tính toán không chỉ trong nghiên cứu mà còn trong các ứng dụng thực tế như dịch thuật tự động, phân tích văn bản, hỗ trợ giọng nói, và thậm chí cải thiện giao tiếp giữa các nền văn hóa.

hình 1.jpg
Toàn cảnh phiên khai mạc hội thảo Ngôn ngữ học tính toán VCL 2024.

Cầu nối gắn kết cộng đồng nghiên cứu ngôn ngữ học tính toán

Hội thảo ngôn ngữ học tính toán VCL 2024 do Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT) tổ chức không chỉ là một sự kiện học thuật, mà còn là cầu nối quan trọng đưa gần 200 nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ngôn ngữ học tính toán tại Việt Nam và quốc tế.

Đây là cơ hội hiếm có để các nhà khoa học, giảng viên, và chuyên gia cùng trao đổi tri thức, chia sẻ những công trình nghiên cứu mới, và thảo luận về các xu hướng phát triển của ngành.

Trong bối cảnh ngôn ngữ học tính toán đang phát triển mạnh mẽ, hội thảo đóng vai trò như một diễn đàn để thúc đẩy hợp tác liên ngành, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn.

Chương trình VCL 2024 xoay quanh các nội dung chính gồm: Dịch máy đa ngôn ngữ và chất lượng dịch; Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển tài liệu giảng dạy đa ngôn ngữ; Phát triển hệ thống đánh giá tự động cho việc học tập và giảng dạy ngôn ngữ; Sử dụng trí tuệ nhân tạo và học máy để tùy chỉnh chương trình học ngôn ngữ; Xu hướng mới trong ngôn ngữ học khối liệu; Phương pháp tiếp cận ngôn ngữ học dựa trên dữ liệu lớn; Tích hợp công nghệ nhận dạng giọng nói vào phương pháp giảng dạy ngôn ngữ; Ngôn ngữ học tính toán trong phát hiện gian lận và bảo mật thông tin; Cơ hội và thách thức trong việc áp dụng ngôn ngữ học tính toán để hỗ trợ người học đa ngôn ngữ.

hình 2.png
Các chuyên gia tích cực trao đổi, thảo luận tại hội thảo.

Hội thảo không chỉ giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của lĩnh vực này mà còn mở ra nhiều cơ hội để ứng dụng vào các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, kinh doanh, và giao tiếp xã hội.

Đặc biệt, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, hội thảo còn là nơi để các ý tưởng đột phá được nhen nhóm và phát triển. Sự giao thoa giữa các thế hệ nhà nghiên cứu, từ những chuyên gia kỳ cựu đến những tài năng trẻ, giúp định hình hướng đi mới cho ngôn ngữ học tính toán tại Việt Nam, góp phần thu hẹp khoảng cách với cộng đồng quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ tri thức, hội thảo còn là dịp để xây dựng và củng cố các mối quan hệ hợp tác lâu dài, thúc đẩy sự gắn kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, và doanh nghiệp công nghệ. Nhờ đó, hội thảo VCL 2024 không chỉ mang lại giá trị khoa học mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành ngôn ngữ học tính toán trong tương lai.

“Chúng tôi tin tưởng rằng các ý kiến và thảo luận tại hội thảo hôm nay sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ học tính toán và các ứng dụng thực tiễn. Đây không chỉ là động lực để tiến xa hơn trong lĩnh vực nghiên cứu mà còn là nền tảng để góp phần xây dựng một xã hội hạnh phúc, tự do và phát triển bền vững”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng HUFLIT chia sẻ tại hội thảo.

hình 3.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng HUFLIT chia sẻ tại hội thảo.

Thách thức luôn song hành cùng cơ hội

“Hiện nay ở Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân thực có chuyên môn, kiến thức về trí tuệ nhân tạo và ngôn ngữ học tính toán đang tăng lên rất cao. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần phải nhanh chóng có những chương trình tương ứng để đáp ứng những yêu cầu này. Ngoài ra tại các trường đào tạo ngôn ngữ ở trên thế giới, đặc biệt các nước đang đi đầu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như Mỹ, Úc, Anh..., các khoa Ngôn ngữ học phần lớn cũng đã thành lập các bộ môn, thậm chí chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học tính toán. Trong khi đó, ngày trước chúng ta sẽ chỉ có thể bắt gặp ngôn ngữ học tính toán thì hiện nay, rất nhiều trường, khoa đào tạo ngôn ngữ đã bắt đầu đưa ngôn ngữ học tính toán vào chương trình đào tạo chính quy” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ - Phó hiệu trưởng HUFLIT chia sẻ tại hội thảo khi chia sẻ tình hình thực tế của ngành giáo dục khi đứng trước những cơ hội và thách thức của lĩnh vực ngôn ngữ học tính toán.

hình 4.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ - Phó hiệu trưởng HUFLIT chia sẻ tại hội thảo khi chia sẻ tình hình thực tế của ngành giáo dục.

Thực tế, cơ hội đối với lĩnh vực ngôn ngữ học tính toán là rất lớn khi có thể ứng dụng đối với hầu hết mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt những cơ hội và biến nó thành công cụ chiến lược để phát triển là điều dễ.

“Khó khăn lớn nhất của chúng ta hiện nay ở riêng trong lĩnh vực ngôn ngữ học, khi tiếp cận ngôn ngữ học tính toán đó là tình trạng thiếu đội ngũ chuyên gia, thiếu nguồn nhân lực để có thể tổ chức giảng dạy, triển khai các chương trình đào tạo về ngôn ngữ học tính toán. Nhu cầu dạy môn học này ở cả bậc đại học, thạc sĩ trên cả nước đang rất nhiều nhưng đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ học thì còn khá mỏng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ - Phó hiệu trưởng HUFLIT nhận định.

Ở Hội thảo Ngôn ngữ học tính toán VCL 2024, ngoài vai trò là đơn vị đồng tổ chức với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn chia sẻ những thông tin về sự phát triển của lĩnh vực này, thông qua đó xây dựng đội ngũ chuyên gia, giảng viên để đào tạo cho chương trình Ngôn ngữ học tính toán trong trường.

hình 5.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ giới thiệu 16 chatbot AI được HUFLIT đưa vào hỗ trợ học tập và giảng dạy.

Hiện nay tại HUFLIT, ở cả chương trình đào tạo thạc sĩ và cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh đều đã có môn Ngôn ngữ học tính toán. Qua vài năm triển khai, môn học này đã được các học viên, sinh viên đánh giá rất cao về độ hứng thú. Ngoài ra HUFLIT cũng đang xây dựng nền tảng để trở thành một trung tâm nghiên cứu có chất lượng về ngôn ngữ học tính toán. Ngoài ra, viện Đào tạo và nghiên cứu ứng dụng của HUFLIT cũng đã xây dựng thành công và đưa vào ứng dụng máy chủ AI riêng cũng như có những sản phẩm ban đầu. Cụ thể là 16 ứng dụng AI, chủ yếu để phục vụ cho việc đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ học. Người học có thể có thể truy cập miễn phí 16 công cụ này trên trang web của viện Đào tạo và nghiên cứu ứng dụng HUFLIT.

bìa.jpg
Các chuyên gia, giảng viên, sinh viên HUFLIT tại Hội thảo quốc gia lần 2 Ngôn ngữ học tính toán VCL 2024

Tin rằng với những chia sẻ, thảo luận đến từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu tại hội thảo VCL 2024 sẽ là đòn bẩy để cộng đồng ngôn ngữ học tính toán có những bước tiến vượt bậc, đồng thời tiếp tục mở ra nhiều cơ hội học thuật và hợp tác thực tiễn trong tương lai.

Thu Giang