Nở rộ xu hướng tuyển dụng lao động sinh viên
Nắm bắt được nhu cầu của sinh viên mong muốn kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt phí, xu hướng tuyển dụng lao động sinh viên ngày càng nở rộ. Chỉ cần lên mạng, vào mục tìm kiếm, gõ chữ “việc làm thêm cho sinh viên”, chưa mất đến 0,5 giây là có ngay hơn 1.300.000 kết quả trên đủ các trang web tìm việc, mạng xã hội, diễn đàn…
Các tờ rơi, áp phích quảng cáo tuyển dụng có ở khắp ngõ ngách, đặc biệt ở cổng trường đại học, cao đẳng – nơi sinh viên tập trung nhiều.
Không khó để tìm thấy những thông tin tuyển dụng như thế này. (Ảnh minh họa). Nguồn: internet |
Các công việc làm thêm cho sinh viên thường được phía tuyển dụng đăng tin với lời giới thiệu hấp dẫn “không mất nhiều thời gian”, “thu nhập cao”, “không phải nộp thêm bất kì khoản phí nào”… Việc làm thêm thì đa đạng, đủ các ngành nghề lĩnh vực từ công việc đòi hỏi “trí óc” cho đến “chân tay”.
Các công việc được đăng tin tuyển nhiều như: lĩnh vực giáo dục có gia sư (thông qua các trung tâm gia sư hoặc tin tuyển dụng trực tiếp từ người có nhu cầu), trợ giảng tại các trung tâm ngoại ngữ; báo chí, xuất bản thì có đọc bông, biên tập nội dung, cộng tác viên đăng tin, dịch thuật, đánh máy thuê; khách sạn – nhà hàng thì có nhân viên pha chế, nhân viên phục vụ, bảo vệ; nhân viên kinh doanh…
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phớt lờ Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không biết hay đang cố lờ đi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật?
Hiện nay, nhiều công ty có chính sách tuyển dụng sinh viên năm 3, năm 4 theo hình thức “thực tập trả lương”, “nhân viên tập sự”.
Người ta đánh trúng vào tâm lí của sinh viên bên cạnh việc học trên lớp thường có nhiều thời gian rảnh, muốn kiếm thêm tiền, muốn đi làm thêm tăng kinh nghiệm… để thu hút đối tượng này đăng ký xin việc.
Tại sao người ta lại có xu hướng tuyển dụng lao động là sinh viên?
Cần phải thấy rằng, số lượng sinh viên đại học, cao đẳng luôn chiếm số lượng lớn, khoảng 2 triệu người tương đương với 2 triệu lao động có thể sử dụng (Theo số liệu thống kê đầu năm học 2014-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 2,1 triệu sinh viên đại học, cao đẳng). Như vậy, số lượng lao động là sinh viên nhiều, có thể đáp ứng được nhiều công việc khác nhau của phía tuyển dụng.
Tùy với mức độ của công việc mà việc trả lương có thể cao hay thấp, nhưng xét về mặt bằng chung, lương trả cho đối tượng sinh viên thường “rẻ” hơn nhiều so với lao động phổ thông. Mặt khác, việc tuyển dụng lao động là sinh viên, phía tuyển dụng thường không phải chịu trách nhiệm hay bị ràng buộc về hợp đồng lao động, luật lao động…
Do vậy, lao động sinh viên là mảnh đất màu mỡ để tận dụng và khai thác mà dường như các nhà tuyển dụng không muốn bỏ qua.
Cảnh giác từ việc làm thêm?
Sinh viên đi làm thêm không phải không có nhiều mặt tích cực. Bên cạnh việc tăng thu nhập, sinh viên làm thêm còn có thể mở rộng thêm các mối quan hệ ngoài xã hội, nâng cao kinh nghiệm đối với những công việc liên quan đến ngành học, giúp bản thân tự tin hơn, học hỏi được nhiều kỹ năng mà ở môi trường nhà trường chưa chắc có điều kiện được học.
Không ít sinh viên sau khi ra trường, với kinh nghiệm trong quá trình làm thêm được ghi trong hồ sơ xin việc lại chính là điểm cộng được các nhà tuyển dụng quan tâm.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, sinh viên làm thêm còn gặp phải vô số trở ngại khó khăn, nếu không cảnh giác thì “tiền mất tật mang” hoặc bị lợi dụng sức lao động. Hiện tượng sinh viên bị “xù” tiền công, tiền đặt cọc không phải là không có, rồi hiểm họa từ chính công việc làm thêm có thể kéo sinh viên vào con đường đen tối.
Không khó để thấy hiện tượng nhiều sinh viên do mải mê đi làm thêm mà lơ là việc học, rồi thi lại, học lại thâm chí có trường hợp phải bảo lưu kết quả học tập.
Sinh viên làm thêm là tốt nếu biết sắp xếp thời gian và lựa chọn công việc làm thêm phù hợp. Sinh viên cần đặt việc học là quan trọng hàng đầu và có định hướng rõ ràng đối với công việc làm thêm, khi đến bất kì đơn vị tuyển dụng nào cần có sự tìm hiểu thông tin trước, tránh trường hợp bị “sập bẫy” tuyển dụng.