Ngày 8/10/2019, Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đã gửi giấy mời số 151/GM-UBND tới các ngành chuyên môn có liên quan, mời họp “hỏa tốc” để bàn biện pháp đề xuất hướng giải quyết đối với trường hợp cô Nguyễn Thị Cảnh, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thị Trấn Vĩnh Thuận.
Thành phần tham gia cuộc họp gồm có:
Trưởng và Phó trưởng Phòng Nội vụ, phụ trách lĩnh vực Tổ chức; Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo; Trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch; Giám đốc Bảo hiểm xã hội; Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thị Trấn Vĩnh Thuận; Lãnh đạo, chuyên viên văn phòng Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân huyện.
Như tin đã đưa, sau hơn 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục, ngày 1/10/2019 cô giáo Nguyễn Thị Cảnh được nhận Quyết định nghỉ hưu trước tuổi.
Cô Nguyễn Thị Cảnh trong ngày nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Cô giáo Nguyễn Thị Cảnh cho biết, cô đã vô cùng ám ảnh trước những quyết định đầy bất nhất với chế độ thực nhận của bản thân, mỗi ngày chỉ biết nuốt đắng cay bằng chan cơm nước mắt.
Cụ thể, ngày 26/8/2019, cô Nguyễn Thị Cảnh được Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận ban hành Quyết định số 2549/QĐ-UBND về việc nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ đối với viên chức.
Mặc dù hiện tại, văn bằng chuyên môn cùng các quyết định như: quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp; quyết định lương của cô giáo Nguyễn Thị Cảnh đều công nhận cô là giáo viên Trung học cơ sở, mã số V.07.04.11.
Suốt 30 năm qua, cô giáo Cảnh đã không được hưởng các chế độ chính đáng dành cho nhà giáo.
Cô Nguyễn Thị Cảnh là nhà giáo có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Ám ảnh về những quyết định của huyện Vĩnh Thuận khiến nhà giáo nước mắt chan cơm |
Điều này được chứng minh bởi cô Cảnh có nhiều năm liền được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được Ủy ban Nhân dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang khen tặng nhiều Bằng khen, giấy khen.
Nhưng thật bất nhẫn, ngành Giáo dục huyện Vĩnh Thuận đã lấy lý do nhà trường phân công cô giáo kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ Chủ tịch Công đoàn cơ sở, quản lý phòng Thiết bị nên cô giáo Cảnh đã bị cắt tất cả phụ cấp liên quan chức đến vị trí việc làm và danh nghề nghiệp mà cô đang được pháp luật công nhận.
Cay đắng hơn, Quyết định số 2549/QĐ-UBND lại “biến hóa” cô Cảnh, từ một giáo viên Trung học cơ sở trở thành viên chức thư viện cho dù cô giáo chưa có một ngày làm công tác thư viện.
Không riêng gì cô giáo Nguyễn Thị Cảnh, theo số liệu thống kê mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thu thập được, hiện nay toàn huyện Vĩnh Thuận còn có trên 30 nhà giáo đang bị lâm vào tình trạng “mất chế độ” như cô Cảnh.
Họ không được ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận cho phép hưởng chế độ chính đáng theo quy định của pháp luật, bởi nguyên nhân những nhà giáo này đang bị bố trí sai vị trí việc làm một cách tùy tiện.
Tất cả các trường hợp này chưa được chuyển đổi vị trí chức danh nghề nghiệp và đa số họ phải làm nhiệm vụ kiêm nhiệm và nhiệm vụ sai vị trí một cách bắt buộc.
Cụ thể, hơn 30 nhà giáo này đã rất thiệt thòi khi bị bố trí sai việc làm, lại còn không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ phụ cấp giảng dạy.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều kỳ về vấn đề này nhưng dường như chưa được các cơ quan chức năng của huyện Vĩnh Thuận lưu tâm giải quyết.