Năm học 2022-2023, bài toán thiếu giáo viên vẫn là nỗi lo của nhiều tỉnh/thành trên cả nước. Năm học này, tỉnh Đồng Nai thiếu gần 2.500 giáo viên.
Thiếu giáo viên chương trình giáo dục phổ thông mới
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đỗ Đăng Bảo Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh đang thiếu nhiều giáo viên ở cấp học mầm non và thiếu giáo viên dạy một số môn trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Theo quy định, đối với lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày: 25 trẻ em/lớp (từ 3-4 tuổi); 30 trẻ em/lớp (từ 4-5 tuổi); 35 trẻ em/lớp từ (từ 5-6 tuổi), được bố trí 2,2 giáo viên/lớp.
Tuy nhiên, thực tế, ở tỉnh Đồng Nai hiện nay, đối với khu vực khu công nghiệp, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí 02 giáo viên/lớp. Do đó, phải “dồn” trẻ ở mức độ cho phép đối với những cơ sở có diện tích phòng học đảm bảo, thông thoáng thì bố trí khoảng 45 trẻ/lớp.
Bên cạnh đó, năm học 2022- 2023 là năm học thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể: tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 3), trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 7), trung học phổ thông (lớp 10). Vì vậy, số lượng giáo viên tiểu học để đáp ứng việc giảng dạy chương trình phổ thông 2018 yêu cầu nhiều mà ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai chưa tuyển đủ được. Hơn hết, thiếu một số bộ môn ở bậc phổ thông có tính đặc thù về năng khiếu như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất và bộ môn mới như Tin học ở cấp tiểu học”, ông Đỗ Đăng Bảo Linh nói.
Ảnh minh họa: Minh Ngọc |
Để giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai thực hiện phân cấp tuyển dụng viên chức ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo quyết định số 53/2021/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Năm học 2022-2023 cũng là năm học thứ 2 thực hiện tuyển dụng theo quy định này. Vì vậy, nhằm tăng cường, phát huy tinh thần chủ động của đơn vị, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai đã có phương án hỗ trợ các đơn vị tạo nguồn tuyển dụng thông qua việc cung cấp đầu mối một số trường đại học sư phạm, đại học có đào tạo ngành sư phạm như: Trường Đại học Đồng Nai; Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế); Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Đồng Tháp; Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng),...
Ngành giáo dục Đồng Nai có hơn 1.200 giáo viên xin nghỉ trong thời gian qua
Ngoài vấn đề thiếu giáo viên, một trong những nỗi lo của ngành giáo dục đó là giáo viên xin nghỉ nhiều.
Từ năm 2020 đến nay, ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai có hơn 1.200 giáo viên xin nghỉ. Ông Đỗ Đăng Bảo Linh cho hay: “Giáo viên xin nghỉ nhiều ở bậc mầm non, tiếp đến là tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông”.
Lý giải nguyên nhân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cho biết:
Thứ nhất, mặc dù, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ giáo viên và triển khai thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, thu nhập của giáo viên, nhân viên còn thấp, đặc biệt là ở cấp học mầm non. Tình yêu trẻ, yêu nghề là một yếu tố quan trọng giúp người thầy chọn nghề này, tuy nhiên tình cảm thôi cũng chưa đủ, vì họ còn phải lo toan cuộc sống.
Thêm nữa, công việc của giáo viên mầm non đòi hỏi phải làm việc trong thời gian dài, áp lực từ xã hội, từ phụ huynh học sinh,... càng thêm lý do khiến giáo viên xin nghỉ việc.
Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, lương công nhân nhà máy, xí nghiệp cao. Khi có sự so sánh, một số giáo viên với lòng yêu nghề chưa cao đã chuyển sang làm công nhân để có thu nhập ổn định hơn.
Thứ hai, giáo dục dần đổi mới, dưới áp lực của việc thay đổi chương trình, những giáo viên ngại thay đổi, không cập nhật kịp nên xin nghỉ việc.
Thứ ba, ngày 10/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2020/NĐ-CP. Theo đó, một trong các điều kiện tinh giản biên chế hưởng chính sách về hưu trước tuổi là giáo viên chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định, không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại.... Do đó, nhiều giáo viên có độ tuổi gần tuổi nghỉ hưu chưa đạt trình độ chuẩn theo yêu cầu có nguyện vọng xin nghỉ trước tuổi.
Đây là một trong những lý do khiến tỉnh Đồng Nai vốn đang thiếu giáo viên lại càng thiếu hơn.
Từ những khó khăn, vướng mắc, nhằm hạn chế được tình trạng giáo viên xin nghỉ việc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai kiến nghị: “Cần sớm ban hành chính sách tiền lương để phần nào đảm bảo đời sống giáo viên, nhân viên ngành giáo dục”. Khi thu nhập giáo viên ổn định, đáp ứng được nhu cầu đời sống thì họ sẽ không nghĩ đến chuyển việc, nghỉ việc.