Hôm nay, ông Phạm Ngọc Viễn lên đứng đầu VPF?

14/12/2011 08:06
Phan Long (VnMedia)
Sau nhiều ngày chờ đợi, sáng nay (14/12), lãnh đạo VPF chính thức họp Đại hội cổ đông lần đầu tiên tại Hà Nội.
Ông Phạm Ngọc Viễn (phải) nhiều khả năng đứng đầu VPF.
Ông Phạm Ngọc Viễn (phải) nhiều khả năng đứng đầu VPF.

Trong cuộc họp quyết định này, ngoài việc các cổ đông nghe kế hoạch chi tiêu trong mùa 2012, các CLB lẫn VFF cùng đứng ra bầu chọn người đứng đầu VPF trong thời gian tới.

Ngay từ ngày 13/12, lãnh đạo các CLB cùng VFF đã có cuộc họp kín nhằm chuẩn bị cho buổi lễ đầu tiên ra đời VPF. Ngoài việc cất nhắc các vị trí quan trọng trong Hội đồng quản trị, các CLB cũng chính thức đóng đầu, ký kết vào bản hợp đồng thành lập VPF. Điều nhiều người chờ đợi nhất là việc ai sẽ đứng ra nhận vị trí Tổng giám đốc điều hành VPF - tức Trưởng BTC giải chuyên nghiệp 2012.

Trong thời điểm này, ông Phạm Ngọc Viễn - Phó chủ tịch VFF - đang là ứng viên số 1 cho chiếc ghế "nóng" tại VPF. Không chỉ vì kinh nghiệm nhiều năm làm Tổng thư ký VFF rồi PCT phụ trách chuyên môn, ông Viễn có cái tâm trong công việc và nhận được sự hậu thuẫn của các ông bầu: Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Nguyên Đức, Hoàng Mạnh Trường, Lê Tiến Anh, Võ Quốc Thắng, Nguyễn Văn Đệ...

Ngoài ra chức danh Phó tổng VPF được nhiều ngượi dự đoán thuộc về ông Phạm Phú Hòa - GĐĐH CLB Đồng Tâm Long An. Trước cuộc họp chính thức, ông Hòa từ chối tin mình nằm trong lãnh đạo VPF, do tổ chức chưa bầu ra Hội đồng quản trị để quyết định các chức vụ cụ thể. Lâu nay trong giới hậu trường bóng đá Việt, ông Hòa nổi tiếng là giỏi quản lý, sẵn sàng nói thẳng, nói thật trong bất cứ tình huống nào. Nếu nhận nhiệm vụ mới tại VPF, ông Hòa buộc thôi chức GĐĐH tại CLB và trở thành một nhân vật quan trọng trong bộ máy mới VPF.

Sau khi VPF ra đời, lãnh đạo của tổ chức này còn phải chứng minh mình đủ sức cải tổ nền bóng đá Việt còn nhiều lôi thôi, rắc rối về nhiều mặt. Nhất là việc cải tổ giải đấu hấp dẫn, chất lượng, vực dậy nền bóng đá trẻ và hướng tới một sự phát triển bền vững cũng được coi là quyết sách hàng đầu, chứ không phải tình trạng "bình mới, rượu cũ" so với các trưởng giải cũ.

Giải quyết xong vấn đề về nhân sự, lãnh đạo VPF tiếp tục đứng ra giải trình về việc thu - chi của VPF trong năm 2012. Chưa kể việc đàm phán hợp đồng truyền hình, nâng cao chất lượng, chế độ cho trọng tài, lẫn việc mạnh tay chống nạn "đi đêm", bán độ... trong các trận đấu tới đây. Chắc hẳn cuộc họp Đại hội cổ đông lần đầu tiên của VPF sẽ nóng từ hành lang cho tới trong cuộc họp cũng vì lẽ ấy.
Phan Long (VnMedia)