Theo ông Nguyễn Trọng Hỷ “Việc mời Arsenal sang VN du đấu nên được coi là hoạt động mang tính chính trị-xã hội phục vụ người hâm mộ. Mỹ Đình không nên coi đây là cơ hội để kiếm tiền”.
Xung quanh ý kiến của ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia cho rằng, Ban quản lý khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính nên Mỹ Đình phải tính toán nguồn thu từ đó đưa ra mức giá thuê đó. Về vấn đề này theo ông Nguyễn Trọng Hỷ, cái đó không sai, nhưng ban quản lý sân Mỹ Đình phải cân nhắc phân biệt từng hoạt động.
Chủ tịch LĐBĐVN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ |
“Anh có thể cho người ta đánh golf, đá bóng phong trào...hay hoạt động này khác để có tiền, chứ không thể kiếm nguồn thu từ nhiệm vụ chính trị được giao. Việc mời Arsenal sang VN là một sự kiện lớn của không chỉ Hà Nội mà cả nước, trong bối cảnh tình hình khó khăn hiện nay có tính chất khích động, tạo không khí phấn khởi trong xã hội và nhân dân. Mỹ Đình làm gì cũng phải nghĩ tới trách nhiệm được giao” – Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ nhấn mạnh.
“Nhà có giỗ, bố mẹ tiếp khách cũng phải cho con cái ăn chứ”
Tờ Tuổi trẻ dẫn lời phát biểu của ông Cấn Văn Nghĩa, giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, với báo giới trong cuộc gặp ngày 14-6 xung quanh câu chuyện khu liên hợp đòi ban tổ chức trận đấu VN - Arsenal 1,5 tỉ đồng thuê sân để tổ chức một trận đấu diễn ra tối 17-7 và một buổi đá tập của CLB Arsenal vào chiều 16-7. Dù hợp đồng giữa sân Mỹ Đình và VFF chưa được ký kết, tuy nhiên mức giá 1,5 tỉ đồng cho sự kiện này đã được đại diện sân Mỹ Đình thông báo đến tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng và phó tổng thư ký Nguyễn Minh Châu trong lần làm việc mới đây.
Ông Nghĩa cho rằng ông không quan tâm đến việc Eximbank, HAGL phải mất bao nhiêu tiền hay lỗ bao nhiêu để đưa Arsenal về VN. Ông cho rằng các nhà kinh tế siêu đẳng như HAGL, Eximbank thừa biết tính toán lỗ lãi của những trận đấu này ra sao. Ông Nghĩa cho biết không đời nào Arsenal chịu thay đổi địa điểm trận đấu. Eximbank và HAGL có vì 1,5 tỉ đồng tiền thuê sân mà hủy trận đấu ông cũng chẳng mảy may quan tâm.
Ông Nghĩa nói: “Giờ Mỹ Đình tự chủ tài chính, chúng tôi phải “bới đất, lật cỏ” mỗi năm lấy mấy chục tỉ đồng để phục vụ duy tu bảo dưỡng, trả tiền lương cho 200 nhân viên... Ông Đoàn Nguyên Đức (HAGL), ông Lê Hùng Dũng (Eximbank) đang xung trận trên mặt trận xã hội hóa thừa hiểu chuyện đó. Nguyên tắc tối thiểu của một nhà tổ chức trận đấu, khi họ muốn tổ chức một sự kiện họ phải tính toán hai vấn đề: chi phí cho đối tác, chi phí cho công tác tổ chức. Thế nhưng khi tổ chức, họ không thèm hỏi chúng tôi cần gì để tổ chức trận đấu này.
Mỹ Đình giảm giá thuê cho CLB
Ngược lại việc tăng giá khi cho VFF thuê sân Mỹ Đình để phục vụ đội tuyển, ban quản lý khu liên hợp lại đang giảm giá một số dịch vụ cho thuê tại đây. Một lãnh đạo CLB Hà Nội T&T - CLB đã thuê sân tập và nhà ở cho VĐV trong khuôn viên sân Mỹ Đình - cho Tuổi Trẻ biết: “Mới đây khi kinh tế khó khăn, ban quản lý khu liên hợp đã giảm 40-50% giá phòng ở của VĐV cho chúng tôi. Trước đây giá thuê hơn 200.000 đồng/phòng/ngày, giờ chỉ còn trên 100.000 đồng. Tôi cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc giảm giá cũng là chia sẻ của khu liên hợp với khách hàng”.
Sau khi ra quyết định đưa khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình từ Tổng cục TDTT về trực thuộc Bộ VH-TT&DL quản lý, theo ông Phan Đình Tân - người phát ngôn Bộ VH-TT&DL, bộ đã phân công ông Lê Khánh Hải, thứ trưởng, phụ trách quản lý hoạt động của khu liên hợp. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ VH-TT&DL nói: “Đưa khu liên hợp về trực thuộc bộ là để phối hợp tốt hơn với ngành thể thao. Giờ bộ quản lý mà khu liên hợp không coi ngành thể thao ra gì, không làm việc được với thể thao thì bộ cũng phải xem lại việc quản lý. Sân Mỹ Đình là sân vận động quốc gia, tôi không hiểu sao người ta có thể thích thì đưa ra giá thấp, không thích thì nâng giá cho thuê cứ như sân nhà của ai đó để kinh doanh kiếm lời”. (Nguồn: Tuổi trẻ)