Học vị ThS, TS không phải là thước đo cho chất lượng cán bộ công chức

07/06/2022 06:30
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ĐB Phan Viết Lượng, thạc sĩ, tiến sĩ chưa phải điều kiện cần và đủ cho công chức trở thành công bộc mẫn cán, hoàn thành tốt công việc, đi học chỉ theo “mốt"

Không phải cứ cử đi học là có trình độ cao phục vụ công tác

Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030” đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt, đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Cụ thể, theo Đề án, giai đoạn 2022-2025, Hà Nội dự kiến sẽ chi 61,5 tỷ đồng cho đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho bộ máy công quyền là không phù hợp và có nguy cơ gây lãng phí.

Trao đổi về vấn đề này bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Phan Viết Lượng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho rằng: “Chủ trương tăng cường thạc sĩ, tiến sĩ trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, thực tế thời gian qua, đã có một số địa phương thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng cho rằng, những người chưa thực sự cần trình độ ấy cũng đi học thì lại có chút gọi là “phong trào”. (Ảnh: H.B).

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng cho rằng, những người chưa thực sự cần trình độ ấy cũng đi học thì lại có chút gọi là “phong trào”. (Ảnh: H.B).

Tuy nhiên, phải đặt vấn đề, có thực sự cần thiết đào tạo theo hướng đó cho các cán bộ, công chức, viên chức hay không?

Thực tế cho thấy rằng, thạc sĩ, tiến sĩ cũng chưa phải điều kiện cần và đủ cho một công chức trở thành công bộc mẫn cán và hoàn thành tốt công việc trong bộ máy.

Mà thạc sĩ, tiến sĩ chủ yếu phục vụ cho các cán bộ giảng viên trong các cơ sở đào tạo. Còn đối với công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính công, điều quan trọng nhất là chất lượng đào tạo chuyên sâu, đầu vào đáp ứng công việc, sau đó gắn với đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, tự rèn luyện của công chức...”.

Vị Đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra: “Phải nói thêm rằng, những người cần đào tạo tiến sĩ mà đi học thì chính đáng, nhưng những người chưa thực sự cần trình độ ấy cũng đi học thì lại có chút gọi là “phong trào”. Thực tế cũng cho thấy rằng, những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cũng chưa phải điều kiện cần và đủ để đáp ứng yêu cầu công việc. Nhưng có vẻ ở Việt Nam mình còn đang “mốt” với tiến sĩ...

Tôi cho rằng, cần rà soát lại những Đề án đó, bởi đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ chủ yếu phục vụ cho cơ sở giáo dục đào tạo, những người làm giảng viên, đòi hỏi có yêu cầu từ thạc sĩ trở lên, nhưng yêu cầu cũng phải có chất lượng thực”.

Đại biểu Phan Viết Lượng phân tích: “Vừa qua, như báo chí phản ánh, đã cho thấy rằng, việc đào tạo tiến sĩ của chúng ta hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập.

Chính những người trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực đó, họ cũng cho thấy rằng chưa thực sự hài lòng với chất lượng đào tạo.

Tôi cũng được khảo sát và trao đổi với những người trực tiếp ngồi hội đồng chấm và đánh giá luận án tiến sĩ, bản thân thành viên hội đồng cũng cho rằng, việc đào tạo tiến sĩ không thực sự đảm bảo chất lượng toàn bộ. Thậm chí, có người cho biết, tỉ lệ tiến sĩ chất lượng không cao, chứ chưa nói là thấp.

Vậy, chính những người ngồi vào hội đồng cũng cho rằng, cần phải đánh giá lại, xem xét lại việc đào tạo tiến sĩ, đặc biệt, đối với đội ngũ công chức, viên chức”.

Đồng tình với quan điểm đó, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Bình (Phó Chủ tịch thường trực Hội Nam y Việt Nam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y dược Thăng Long) cũng cho rằng: “Vấn đề chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hoàn toàn không liên quan đến việc họ được cấp bằng thạc sĩ, hay tiến sĩ, mà chủ yếu nằm ở ý thức trách nhiệm với công việc, đạo đức công vụ, và quan trọng là phải thực thi mọi quy định của pháp luật. Những điều đó không nằm trong chương trình đào tạo sau đại học.

Nhất là chuyện một số cán bộ, công chức đi ra nước ngoài học thạc sĩ, tiến sĩ, rồi về nước, tôi thấy rằng, không giúp ích cho chuyên môn của các cán bộ, công chức, viên chức nhiều. Học thạc sĩ, tiến sĩ trong vài năm với việc học một số môn “phần cứng” và làm đề tài nghiên cứu, không làm khả năng chuyên môn của đội ngũ đó tốt hơn. Không phải cứ cử đi học ở nước ngoài về là có trình độ cao phục vụ cho vị trí công tác.

Vì thế, theo tôi, việc dự kiến chi 61,5 tỷ đồng để đưa cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học cần phải xem xét đánh giá lại để tránh gây lãng phí”.

Mấu chốt là loại bỏ cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy công quyền

Đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: “Tôi xin khẳng định, vấn đề này cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, đặc biệt, phải thay đổi nhận thức xã hội, bản thân công chức cũng thay đổi, thay đổi cả việc đánh giá, sử dụng, đãi ngộ công chức, không phải chỉ với yêu cầu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, mà phải đảm bảo cho chất lượng công việc. Phải xác định, thạc sĩ hay tiến sĩ không phải là mục tiêu phấn đấu của các cán bộ, công chức, viên chức...

Công chức phải có tiêu chuẩn đầu vào đảm bảo, sau đó tự rèn luyện tự phấn đấu, được bồi dưỡng phù hợp và có chính sách phù hợp. Đồng thời, cần chú ý về chất lượng, về sự cần thiết của đối tượng cụ thể, không phải đâu đâu cũng cần, ngành nào, nghề nào, vị trí nào cũng cần phải học tiến sĩ.

Chính vì lẽ đó, cần nghiên cứu lại mục đích đào tạo của những Đề án tương tự. Khi mục tiêu, mục đích còn có những băn khoăn, thì tất nhiên việc dự toán ngân sách chi cho việc đào tạo này cũng cần phải xem xét lại”.

Cũng cho rằng, phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Bình bày tỏ: “Để nâng cao chất lượng cán bộ và hiệu quả làm việc của cán bộ thì mấu chốt là loại bỏ cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy công quyền.

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Bình cho rằng, tuyển người làm việc, phải chọn được những người có năng lực trí tuệ, đạo đức công vụ tốt, không có chuyện ưu tiên “con ông cháu cha”... (Ảnh: NVCC).

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Việt Bình cho rằng, tuyển người làm việc, phải chọn được những người có năng lực trí tuệ, đạo đức công vụ tốt, không có chuyện ưu tiên “con ông cháu cha”... (Ảnh: NVCC).

Đặc biệt, tuyển người làm việc, phải chọn được những người có năng lực trí tuệ, đạo đức công vụ tốt, đừng để lọt “con ông cháu cha” và chống hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ.

Quan trọng hơn nữa, là tính chuyên nghiệp, tức là tuyển nhân sự làm bộ phận nào thì phải tốt nghiệp chương trình chuyên môn ứng với vị trí cần tuyển dụng”.

Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng nhấn mạnh: “Giáo dục là một lĩnh vực rất quan trọng, những việc nêu gương, giáo dục nhân cách cũng từ giáo dục. Nếu giáo dục chất lượng cao mà không đạt yêu cầu mà còn những bất cập như hiện nay, là những vấn đề hết sức hệ trọng cần đặt ra quan tâm và giải quyết”.

Ngân Chi