LTS: Chia sẻ câu chuyện về một số người thành công nhưng đã rơi vào vòng lao lý, tác giả Jenna An cho rằng các bạn trẻ nên tìm hiểu thật kỹ khi lựa chọn nghề nghiệp.
Tác giả nhấn mạnh đến yếu tố đạo đức của con người và nhắn nhủ các bạn trẻ nên thường xuyên đọc trong sách vở, học hỏi từ những người đi trước và trau dồi tri thức để chọn lựa đúng con đường của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Steve Jobs - con người huyền thoại của Apple. (Ảnh: Pinterest.com) |
Bức ảnh trên là Steve Jobs – con người huyền thoại của Apple với câu nói nổi tiếng thường được trích dẫn để tạo cảm hứng cho các bạn trẻ:
“Chỉ có một con đường duy nhất để làm được những công việc vĩ đại, đó là hãy yêu những gì bạn đang làm”.
Đây chính là lý do hầu hết chúng ta, những thanh niên mới lớn khát khao, đó là tìm ra được cái mình thích học, cái mình muốn làm và theo đuổi nó đến tận cùng.
Nhân dịp sắp đến kỳ thi tốt nghiệp và đại học, tôi muốn chia sẻ một số quan điểm với các bạn trẻ, với hy vọng, có thể hữu ích phần nào cho những trái tim nóng của các bạn.
Hơn một nửa cuộc đời, do đặc thù của nghề nghiệp, tôi được tiếp xúc rất nhiều dạng người và nghề nghiệp khác nhau, và họ là công dân của nhiều nước khác nhau.
Họ, đa phần có học vấn và trí tuệ rất xuất sắc, một số không được học chính quy, nhưng kinh nghiệm đời và nghề của họ thì nhiều người khó lòng theo kịp.
Xin được kể 2 câu chuyện nhỏ gần đây để các bạn suy nghĩ về việc học và làm theo đam mê là thế nào.
Câu chuyện thứ nhất:
Quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ bị sa thải do không thực thi lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ những người đến từ 7 nước Hồi giáo.
Bà Sally Yates bị sa thải do “từ chối thực hiện những công việc cần thiết nhằm bảo vệ an toàn cho người Mỹ". (Ảnh: The Atlantic) |
Ngày 20/1/2017, Quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Sally Yates đã yêu cầu các quan chức của mình không thực thi lệnh của Tổng thống về việc cấm tạm thời nhập cảnh vào Mỹ những người (bao gồm cả người đã là công dân Mỹ) từ 7 nước đạo Hồi [1].
Lý do bà Sally Yates đưa ra vì theo bà, lệnh này vi phạm nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp Mỹ là Không được phân biệt chủng tộc, màu da và tôn giáo và nhằm giảm thiểu những khủng hoảng chính trị giữa Mỹ với các quốc gia, trong đó bao gồm cả những quốc gia liên minh với Mỹ.
Hơn thế nữa, theo phân tích của các chuyên gia trong chính sách đối ngoại và an ninh, số người Hồi giáo từ 7 nước bị cấm hầu như lại không có liên quan đến lực lượng bị coi là nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ.
Nhưng chỉ trong vài giờ, Sally đã bị sa thải do “từ chối thực hiện những công việc cần thiết nhằm bảo vệ an toàn cho người Mỹ” [1].
Trong Hiến pháp Mỹ và nguyên tắc hoạt động tại Mỹ, Bộ Tư pháp trực thuộc vào Chính phủ và Tổng thống, tuy nhiên, họ được phép hoạt động độc lập và tuân thủ nguyên tắc “Không ai được đứng trên hiến pháp và pháp luật”.
Bà Sally đã thực hiện đúng bổn phận của một công chức Mỹ, tuân thủ hiến pháp và pháp luật, mặc dù hệ quả là bị sa thải.
Bỏ qua những tranh cãi của nhiều quan điểm khác nhau trong vụ việc này, nhưng hỡi các bạn trẻ, nếu các bạn nhìn thấy, các bạn biết được một việc gì đó trái luật pháp, các bạn sẽ làm gì trong hoàn cảnh đó?
Ở Việt Nam gần đây, chúng ta đều chăm chú quan tâm đến vụ Oceanbank, trong đó có biết bao nhiêu con người được học, được đào tạo xuất sắc và vô cùng đam mê kinh doanh.
Điều gì đã dẫn họ đến với tòa án? Điều gì đã ngăn cản họ không dám đứng ra ngoài những hoạt động vi phạm pháp luật trong nhiều năm, mặc dù họ biết rõ điều đó?
Câu chuyện thứ hai:
Cựu Chủ tịch Daewoo, Phó Chủ tịch Samsung - những con người khởi nghiệp, dám làm mọi việc để vượt lên và giàu có, nhưng cuối cùng, họ đã phải trả giá gì?
Quốc hội Hàn Quốc đã tuyên bố phế truất chức danh Tổng thống của bà Park Geun Hye [2].
Đi cùng với vụ việc này, Phó Chủ tịch Samsung, người thừa kế duy nhất tập đoàn toàn cầu này – ông Lee Jae Yong bị cáo buộc hối lộ cho chính phủ để đổi lấy những đặc ân độc quyền trong kinh doanh [3].
Những câu chuyện như thế này ở Hàn Quốc và các nước châu Á không có gì mới, vì ở những thập niên trước, cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo – Ông Kim Woo Choong cũng đã từng phải vào tù vì những sai phạm, lừa dối trong kinh doanh và gây ra khủng hoảng kinh tế cho Hàn Quốc [4].
Ông Kim Woo Choong. (Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn) |
Ông Kim Woo Choong – Daewoo là thế hệ đầu của doanh nhân Hàn Quốc, sống và cống hiến hết mình xây dựng nên một Hàn Quốc hiện đại hóa như hiện nay.
Những tâm huyết của ông về Hàn Quốc và Daewoo đã được thế hệ trẻ và toàn thế giới biết đến thông qua một tác phẩm tự thuật có tên “Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm”.
Thế hệ của ông Lee Jae Yong – Samsung là thế hệ thứ 3. Và cũng như mọi chuyện khác, luôn có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề bắt giam những doanh nhân này khi họ sai phạm.
Bởi những người này, một mặt có cống hiến to lớn vào nền kinh tế Hàn Quốc, và mặt khác, họ cũng có thể gây “khủng hoảng” nghiêm trọng khi lũng đoạn kinh tế và quyền lực chính trị.
Với Hàn Quốc, nguyên tắc không ai được đứng trên pháp luật cũng đã được thực thi, vì ông Choong đã bị đi tù 8 năm hơn và sau đó được ân xá. Hiện nay, ông Lee Jae Yong đang chờ phán quyết của tòa án trong tương lai gần.
Qua hai câu chuyện trên, nếu chúng ta nhìn lại về đam mê, nó đã đủ chưa, cho một đời học tập và cống hiến? Tôi thú thật, tôi không rõ.
Cá nhân tôi nghĩ là nó chỉ là một điều kiện cần, nhưng chưa đủ, bởi để thành công ở bất kỳ công việc gì, ngành nghề gì, con người còn cần có chữ “Đạo”, nghĩa là có đạo đức.
Nếu có đạo đức trong việc học, học sinh sinh viên sẽ biết học thật, không quay cóp, sẽ nỗ lực hết sức để phấn đấu sao cho xứng đáng với mục tiêu học tập của mình.
Nếu có đạo đức trong nghề nghiệp và kinh doanh, chắc chắn không ai dám làm việc lợi mình mà hại người, không ai dám chà đạp lên pháp luật và con người đến cướp đoạt, lạm dụng, khai thác những nguồn lực của đất nước, của nhân dân, của tổ chức khác, chỉ để làm giàu cho mình và tổ chức của mình.
Nhưng có lẽ đó chỉ là lý tưởng, bởi ông cha ta có một câu rất thâm thúy rằng “Có chí làm quan, có gan làm giàu”, mà không hề nói rõ được là chí này để làm quan, nhưng là quan tham hay quan vì dân vì nước, gan này là bền gan nỗ lực sáng tạo làm nên tiền của một cách minh bạch, trong sạch, hay là gan sẵn sàng làm mọi việc, miễn để kiếm tiền, dẫu cho hàng ngàn hàng vạn dân đói khổ, cơ cực vì cái giàu của mình cũng không hề chi!
Liệu có bạn trẻ nào, trước khi lựa chọn nghề nghiệp, đã đọc lại những câu chuyện về những con người nổi tiếng và những giá họ phải trả hay chưa?
Nếu chưa, tôi khuyên các bạn hãy đọc, trước khi lựa chọn cho mình một ngành nghề, một hướng đi, bởi mọi con đường không hề có hoa hồng, nó có thể đưa bạn đến vị trí thất nghiệp nếu bạn dám nói “Không” với cường quyền, hay nó có thể dẫn bạn vào tù nếu bạn “đứng trên pháp luật” như hai ví dụ tôi đã chia sẻ.
Các bạn đang có tuổi trẻ, đó là sức mạnh, nhưng hãy cố gắng đọc nhiều sách về những con người có thể là hình mẫu mà các bạn muốn theo đuổi, dù là trong học tập hay trong công việc.
Học hỏi từ quá khứ, từ sách vở, từ những người trong nghề luôn tốt hơn phải trả giá ngoài đời.
Tôi chúc các bạn, luôn có đam mê và tri thức.
Tài liệu tham khảo:
[3] http://cafef.vn/chan-dung-vi-cong-to-vien-tu-than-cua-cac-chaebol-han-quoc-20170303143422458.chn
[4] http://www.doanhnhansaigon.vn/chan-dung-doanh-nhan/chuyen-ve-nguoi-sang-lap-daewoo/1087620/