Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được triển khai với tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện, trong đó nhấn mạnh định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học và đổi mới phương pháp, nội dung dạy học. Theo đó, các môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lí lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy ở cấp trung học cơ sở, thể hiện rõ định hướng dạy học tích hợp ở cấp học dưới và phân hóa ở cấp học trên.
Là cơ sở đào tạo giáo viên tiên phong trong cả nước xây dựng và triển khai chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới này, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên tích hợp, mà còn tiếp tục mở rộng đào tạo sau đại học nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiên cứu và tư duy đổi mới cho người học.
Trong bối cảnh đó, chương trình Thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học tích hợp được xây dựng với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các phương pháp dạy học tích hợp, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, cho biết: “Chương trình thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học tích hợp ra đời đã tạo dựng một hệ sinh thái đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu từ bậc cử nhân đến thạc sĩ và tiến sĩ, tập trung vào lý luận, phương pháp giảng dạy các môn học tích hợp. Đây là bước đi chiến lược, đáp ứng trực tiếp yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Từ góc nhìn khoa học giáo dục, chương trình không chỉ cung cấp nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, mà còn trang bị phương pháp luận nghiên cứu hiện đại. Qua đó, học viên có khả năng tự phát triển tài liệu giảng dạy, xây dựng kế hoạch bài học tích hợp theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học - những yêu cầu cốt lõi trong chương trình giáo dục mới.
“Chúng tôi đặc biệt chú trọng gắn kết lý thuyết với thực hành trong quá trình triển khai chương trình. Học viên không chỉ được trang bị kiến thức lý luận mà còn có điều kiện rèn luyện kỹ năng ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy, qua đó đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực”, Phó Giáo sư Thành nhấn mạnh.
Theo thầy Thành, đây chính là nền tảng quan trọng để phát triển đội ngũ giáo viên có đủ năng lực tham gia thiết kế chương trình giáo dục nhà trường - một điểm đổi mới then chốt trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mô hình này góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của mỗi nhà trường và địa phương trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, bền vững.

Từ thực tiễn khảo sát tại các cơ sở giáo dục, Phó Giáo sư Thành chỉ ra nhiều khó khăn trong triển khai dạy học tích hợp hiện nay, bao gồm năng lực hạn chế của đội ngũ giáo viên, thiếu hụt mô hình và tài liệu dạy học tích hợp phù hợp, cũng như những bất cập trong phương pháp đánh giá học sinh.
“Khoảng 78% giáo viên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên và 65% giáo viên dạy môn Lịch sử - Địa lí cảm thấy thiếu tự tin khi phải đảm nhận những nội dung nằm ngoài chuyên môn được đào tạo ban đầu”, Phó Giáo sư Thành dẫn số liệu khảo sát, cho thấy khoảng trống lớn trong năng lực sư phạm tích hợp của giáo viên phổ thông.

Nhận thức rõ những thách thức này, Trường Đại học Giáo dục đã thiết kế chương trình Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học tích hợp như một giải pháp mang tính hệ thống và lâu dài, với nhiều nội dung được xây dựng theo hướng đổi mới thực chất.
Một trong những trọng tâm của chương trình là nâng cao năng lực chuyên môn cho học viên thông qua việc cung cấp kiến thức liên ngành và phát triển khả năng kết nối các nội dung liên môn. Hệ thống học phần đặc thù cùng với ma trận tích hợp được thiết kế khoa học đã tạo điều kiện cho học viên làm chủ tri thức và vận dụng hiệu quả trong giảng dạy.
Cùng với đó, chương trình chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, khuyến khích học viên thực hành các mô hình hiện đại như dạy học dựa trên dự án (PBL), dạy học theo chủ đề liên môn, mô hình STEM/STEAM, lớp học đảo ngược (flipped classroom) hay dạy học kết hợp (blended learning). Những mô hình này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả dạy học mà còn phù hợp với xu thế giáo dục phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
Về mặt đánh giá, chương trình cũng tập trung đào tạo các kỹ thuật đánh giá toàn diện, trong đó nhấn mạnh việc đánh giá quá trình và sản phẩm học tập thay vì chỉ chú trọng đến điểm số cuối kỳ. Điều này góp phần định hình một tư duy đánh giá mới, mang tính hỗ trợ và phát triển năng lực người học.
Điểm nổi bật khác là khả năng kết nối thực tiễn mạnh mẽ. Học viên không chỉ học lý thuyết mà còn được tham gia thực tập, triển khai đề tài cải tiến giảng dạy ngay tại các trường phổ thông. Đồng thời, họ được tích cực tham gia vào cộng đồng chuyên môn thông qua các hội thảo, diễn đàn trao đổi học thuật.
“Chúng tôi đã tổ chức thành công nhiều hội thảo chuyên đề về dạy học tích hợp, thu hút sự tham gia của đông đảo giáo viên, nhà nghiên cứu và chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước”, Phó Giáo sư Thành chia sẻ.
Đặc biệt, thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật, chương trình đã xây dựng một cộng đồng chuyên môn mạnh mẽ, nơi các học viên và giảng viên cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong việc nâng cao chất lượng dạy học tích hợp.
Theo Phó Giáo sư Thành, chương trình Thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học các môn tích hợp không chỉ đơn thuần là một chương trình đào tạo bậc sau đại học, mà còn mang đến một giải pháp khả thi toàn diện nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông trong bối cảnh hiện nay.


Chương trình Thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học các môn tích hợp được thiết kế với hai định hướng chuyên sâu nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên dạy môn học tích hợp mới trong giáo dục phổ thông: Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lí.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, điểm khác biệt cốt lõi giữa hai định hướng này nằm ở nội dung chuyên môn, phương pháp tiếp cận và các kỹ năng nghề nghiệp được phát triển.
Về mặt nội dung, định hướng Khoa học Tự nhiên tích hợp các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái đất, trong khi định hướng Lịch sử - Địa lí gắn kết kiến thức về lịch sử, địa lí, văn hóa - xã hội và giáo dục công dân. Mỗi định hướng đòi hỏi học viên phải nắm vững hệ thống tri thức nền tảng riêng biệt, cùng khả năng nhận diện và thiết lập các mối liên hệ liên môn đặc thù.
Về phương pháp luận, định hướng Khoa học Tự nhiên thiên về phương pháp khoa học thực nghiệm, đề cao tư duy quy nạp, diễn dịch và kỹ năng thực hành trong phòng thí nghiệm. Ngược lại, định hướng Lịch sử - Địa lí tập trung vào phương pháp nghiên cứu xã hội, sử dụng tư duy phân tích không gian - thời gian và tìm hiểu mối quan hệ nhân - quả giữa các sự kiện, hiện tượng lịch sử và xã hội.
Cùng với đó, các kỹ năng chuyên môn mà chương trình hướng đến cũng có sự khác biệt rõ nét. Với định hướng Khoa học Tự nhiên, học viên được rèn luyện kỹ năng thiết kế và tiến hành thí nghiệm, quan sát hiện tượng tự nhiên, phân tích dữ liệu định lượng và vận dụng công nghệ mô phỏng, thí nghiệm ảo để xây dựng bài giảng số. Đặc biệt, học viên còn được tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại như dạy học khám phá, dạy học dựa trên dự án STEM - những phương pháp đã và đang được khuyến khích áp dụng rộng rãi trong giáo dục khoa học.
Trong khi đó, định hướng Lịch sử - Địa lí yêu cầu học viên phát triển kỹ năng phân tích tư liệu lịch sử, đọc và khai thác bản đồ, xử lý dữ liệu định tính về xã hội, văn hóa. Việc khai thác nguồn tư liệu phong phú, từ tài liệu gốc, bản đồ, hiện vật cho đến dữ liệu thống kê, được xem là nền tảng để học viên tiếp cận nội dung giảng dạy một cách sinh động và có chiều sâu. Bên cạnh đó, học viên cũng được đào tạo sử dụng các công nghệ mới như GIS, bản đồ số, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong giảng dạy, góp phần tăng tính tương tác và hấp dẫn cho bài học.
Điểm chung quan trọng nhất của cả hai định hướng là đều trang bị cho học viên phương pháp luận dạy học tích hợp vững chắc, năng lực thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học phát triển năng lực người học. Chương trình cũng chú trọng phát triển năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục, giúp học viên có thể tự nghiên cứu, cải tiến phương pháp dạy học trong suốt quá trình phát triển nghề nghiệp.



Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, sau khi hoàn thành chương trình, học viên có thể đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục. Tại các trường phổ thông, học viên có thể trở thành giáo viên dạy các môn học tích hợp như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lí, đồng thời có năng lực đảm nhận vai trò tổ trưởng chuyên môn, chuyên viên xây dựng chương trình giáo dục nhà trường - những vị trí đang rất cần thiết trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
Không dừng lại ở đó, học viên còn có cơ hội làm việc tại các cơ sở đào tạo giáo viên, trở thành giảng viên sư phạm, báo cáo viên, hướng dẫn viên trong các chương trình bồi dưỡng giáo viên, hoặc tham gia vào các tổ chức, dự án đào tạo giáo viên tích hợp. Đối với những người có định hướng phát triển ở lĩnh vực quản lý, chương trình cũng mở ra cánh cửa vào các cơ quan quản lý giáo dục như phòng, sở giáo dục, nơi học viên có thể tham gia hoạch định chính sách, triển khai đổi mới giáo dục ở cấp địa phương.
Ngoài ra, học viên còn có thể hoạt động trong các tổ chức giáo dục phi chính phủ, đơn vị xuất bản sách giáo khoa, cơ quan tư vấn giáo dục, hoặc giữ vai trò cán bộ giáo dục STEM/STEAM trong các trung tâm sáng tạo và đổi mới giáo dục. Đây là những lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ và rất cần nguồn nhân lực có nền tảng chuyên môn và phương pháp sư phạm tích hợp.
Một điểm nổi bật của chương trình là định hướng phát triển nghề nghiệp liên tục cho học viên sau tốt nghiệp. Học viên có cơ hội xét tuyển vào chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ trong và ngoài nước, tham gia các nhóm nghiên cứu, dự án giáo dục, hội thảo khoa học và diễn đàn chuyên môn để nâng cao trình độ, mở rộng mạng lưới học thuật và tiếp cận với các xu hướng giáo dục mới.
Thực tế, nhà trường hiện đang tổ chức nhiều hoạt động phát triển chuyên môn liên tục dành cho giáo viên các môn tích hợp, như seminar, hội thảo chuyên đề, đề tài nghiên cứu khoa học, các khóa bồi dưỡng nâng cao, chương trình trao đổi quốc tế. Đây là môi trường học tập và kết nối lý tưởng để các học viên sau tốt nghiệp tiếp tục cập nhật tri thức, trau dồi kỹ năng và đóng góp thiết thực vào công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông.

Thông tin liên hệ
Hotline: 0865 964 905
Máy bàn: (024) 7301 7123 (máy lẻ: 1102 & 1104)
Mail: education@vnu.edu.vn
Website: https://education.vnu.edu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/education.vnu.edu.vn
Địa chỉ: Tòa nhà G7, số 144 Xuân Thủy.
Thông tin chi tiết vui lòng xem tại đây.