Học sinh lớp 1 tựu trường sớm 2 tuần, có cần thiết?

26/08/2024 06:42
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhờ có 2 tuần làm quen, trước khi vào học chính thức, các em học sinh lớp 1 đã hoà nhập tốt vào việc học tập và sinh hoạt ngay từ buổi học đầu tiên.

Khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đã được ban hành.

Theo đó, Bộ quy định, đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng (ngày 5/9), các khối còn lại sẽ tựu trường trước lễ khai giảng một tuần.

gdvn-lớp 1.jpg
Ảnh minh hoạ.

Ngay sau khi có thông báo, giáo viên cũng đã nhận được một số câu hỏi thắc mắc từ phụ huynh. Đó là, vì sao lớp 1 lại tựu trường sớm nhất? Trong 2 tuần được tập trung trước đó, các em học sinh lớp 1 sẽ được làm những gì? Có cần thiết phải tập trung học sinh lớp 1 trước cả 2 tuần lễ hay không?

Tuần làm quen vô cùng cần thiết

Giáo viên gọi tuần đầu tiên của học sinh lớp 1 đến trường là tuần làm quen. Đây được xem là tuần quan trọng nhất đối với các em.

Học sinh lớp 1 vừa rời trường mẫu giáo đến với một ngôi trường hoàn toàn mới mà nơi đó, thầy cô, bạn bè đều xa lạ với các em.

Cô giáo Thanh Thuỷ, giáo viên một trường mầm non tại Bình Thuận chia sẻ: “Ở trường mầm non, hoạt động chủ yếu của các em là vui chơi, múa hát, nghe kể chuyện, diễn hoạt cảnh… nên khá thoải mái.

Cách ngồi học cũng vô cùng linh hoạt. Có thể được sắp xếp ngồi theo vòng tròn, rồi ngồi bệt dưới sàn lớp…hay di chuyển ra "vườn cổ tích" vừa học, vừa chơi...nhưng vào lớp 1, hoạt động học tập sẽ là chính.

Cách ngồi học cũng hoàn toàn khác. Các em ngồi học theo bàn, mỗi ngày học tới 7 tiết. Ngoài những tiết học trên lớp, còn phải di chuyển từ phòng học này, qua phòng học khác,. Mỗi buổi học lại có nhiều môn, các em phải biết lấy sách vở, đồ dùng cho phù hợp.

Ngoài việc học trên lớp, học sinh còn phải tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá của lớp, của trường. Nói chung môi trường học tập, sinh hoạt hoàn toàn mới lạ. Nếu không có tuần làm quan để giáo viên hướng dẫn sẽ vô cùng khó khăn đối với các em cả trong việc học tập và vui chơi".

Tuần làm quen, học sinh lớp 1 sẽ được giáo viên hướng dẫn những gì?

Cô Phạm Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân An 1, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận cho biết: “Tuần làm quen rất cần thiết đối với học sinh lớp 1. Có rất nhiều việc phải làm với các em. Ngoài việc học sinh sẽ được làm quen cô giáo và các bạn, các em còn được tìm hiểu thêm về trường.

Các em sẽ được cô giáo dẫn đi tham quan toàn trường như sân vui chơi, sân tập thể dục, các phòng học chức năng, các phòng làm việc của trường. Các cô sẽ giới thiệu cho học sinh từng phòng một và nói rõ phòng ấy dùng làm gì, các em có được vào hay không.

Ngoài các phòng làm việc, phòng chức năng, giáo viên chủ nhiệm còn giới thiệu kỹ cho học sinh phòng vệ sinh khu dành cho nam, khu dành cho nữ. Rồi dặn dò cách đi vệ sinh cho đúng, cách giữ gìn vệ sinh cơ thể, vệ sinh công cộng sao cho sạch, đẹp.

gdvn-lớp 1.1.jpg
Học sinh được giáo viên dẫn đi tham quan các phòng chức năng. Ảnh: Phan Tuyết

Tiếp theo đó, các cô sẽ kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập, hướng dẫn cách ngồi học, phát biểu, lấy đồ dùng học tập sao cho đúng, di chuyển để học các tiết chuyên ở các phòng học chức năng, xếp hàng, vị trí và cách ngồi chào cờ, khi sinh hoạt ngoại khoá. Đồng thời, cô giáo sẽ phổ biến một số nội quy của lớp học, của trường học một cách thật nhẹ nhàng”.

"Những ngày cuối trước khi vào lễ khai giảng, giáo viên sẽ dành thời gian cho học sinh bắt đầu làm quen với việc học như cách cầm bút, đưa bút, tập đọc âm, vần, tập viết một số nét cơ bản…”, một giáo viên lớp 1 cho biết.

Tuần làm quen cũng là tuần nhà trường cho phép cha, mẹ, người thân đi theo các con để giúp các cô ổn định trật tự, giúp các em quen dần với môi trường mới để có được tâm thế tốt nhất cho tuần học đầu tiên.

Nhờ 2 tuần làm quen, vào năm học chính thức, học sinh không còn bỡ ngỡ

Nhiều năm về trước khi chưa thực hiện tuần học làm quen cho học sinh lớp 1, giáo viên chúng tôi vẫn thường gặp cảnh một số học trò nước mắt ngắn dài túm chặt tay mẹ không cho rời đi.

Có em, vào lớp khóc la um xùm, mẹ đứng ngoài cửa sổ thì im, mẹ bước đi là tung cửa chạy theo đòi về nhà. Các giáo viên lớp 1 đã vô cùng vất vả để giữ các em. Có giáo viên còn cho biết, đôi khi cả buổi sáng không dạy được chút nào vì phải dỗ dành em này, vỗ về em kia. Đã có những phụ huynh phải nghỉ làm để theo con đến vài ngày mới ổn.

Nhờ có 2 tuần làm quen, trước khi vào học chính thức, các em đã có thể hoà nhập tốt vào việc học từ buổi học đầu tiên.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số giáo viên lớp 1, một số học sinh vẫn còn gặp khó khăn trong sinh hoạt dù đã có tới 2 tuần làm quen. Nguyên nhân được rút ra, một số phụ huynh bao bọc con quá kỹ, thường làm thay mọi việc ngay cả những việc phục vụ nhu cầu của chính các em.

Những kỹ năng nào cha mẹ cần hỗ trợ thêm cho con?

Nhiều năm dạy bậc tiểu học, người viết nhận thấy không ít học sinh lớp 1 vẫn chưa biết đi vệ sinh đúng cách. Có những em, vào nhà vệ sinh còn chưa biết kéo khoá quần, chưa biết lau chùi, dội nước.

Một số phụ huynh khi được giáo viên trao đổi đã thú nhận do ở nhà ba mẹ thường trợ giúp những công việc đó vì sợ bé làm không sạch nên lâu dần các bé không có được kỹ năng tự chăm sóc và giữ gìn vệ sinh.

Một số bé lại không dám đứng lên xin cô ra ngoài mà cứ ngồi ngay trong lớp đi vệ sinh ra quần rồi khóc.

Để giúp con hoà nhập tốt với môi trường học mới, phụ huynh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Phụ huynh phải rèn cho con cách làm, tuyệt đối không làm thay. Mỗi ngày đều hướng dẫn và cho các bé thực hành, phụ huynh kiểm tra, tuyên dương khi bé làm tốt và nhắc nhở khi con còn làm sai chỗ nào.

Khuyến khích, động viên con, mạnh dạn chia sẻ với thầy cô những mong muốn của mình sẽ được thầy cô giúp đỡ.

Ngoài ra, mỗi tối, phụ huynh vừa chuẩn bị đồ dùng học tập, soạn sách vở cho con vừa làm, vừa hướng dẫn để các con quan sát. Sau vài tuần đầu, phụ huynh để tự làm còn mình đóng vai trò kiểm tra.

Việc làm này không chỉ giúp các con biết lo cho việc học còn giúp các con trên lớp biết lấy sách vở, đồ dùng để phù hợp với môn học của mình.

Trong thực tế, nhiều cha mẹ làm thay con nên khi lên lớp các bé không biết lấy sách vở để học. Có không ít em mang thiếu sách, vở, đồ dùng học tập, khi được thầy cô hỏi chỉ luôn nói: “Tại mẹ con soạn á, con không biết”.

Thông qua 2 tuần làm quen, giáo viên cũng sẽ thấy được những tồn tại mà học sinh đang gặp phải để thông tin lại gia đình cùng nỗ lực với giáo viên giúp các em nhanh chóng hoà nhập với một môi trường học tập, sinh hoạt mới một cách hiệu quả nhất.

Phan Tuyết