Năm 2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thí điểm một số môn học chung và công nhận tín chỉ cho học sinh trung học phổ thông giỏi vượt trội theo phương thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
Trước Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là một trong những đơn vị tiên phong cho phép học sinh được học trước đại học ở Việt Nam.
Cụ thể, cuối năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4412/QĐ-ĐHQGHN quy định cơ chế đặc thù trong tuyển sinh và đào tạo liên thông bậc trung học phổ thông và bậc đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, cho phép học sinh trung học phổ thông chuyên của đại học này và học sinh trung học phổ thông chuyên trong cả nước từ học kỳ 2 lớp 11 được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Học trước tín chỉ đại học: Tạo tiền đề bổ sung cán bộ nguồn cho các ngành khoa học cơ bản
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Nguyên Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Nguyên Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Triết lý đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội là đào tạo nhân tài. Vì thế, Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn phát hiện sớm những học sinh có năng lực, đam mê để đào tạo, hướng dẫn; giúp các em phát huy sở trường, tạo điều kiện cho các em được cá thể hóa, sớm trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực các em mong muốn nghiên cứu, nhất là với các ngành khoa học cơ bản.
Qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy đa phần học sinh trường chuyên của Đại học Quốc gia Hà Nội là những em có năng lực tiếp thu, tích lũy kiến thức rất tốt, có đầu vào thi tuyển khó, chặt chẽ. Chương trình đào tạo trong trường chuyên cũng là chương trình nâng cao.
Nhiều em khi học đến lớp 11 đã nắm khá vững toàn bộ kiến thức của bậc trung học phổ thông. Vì thế, chúng tôi quyết định áp dụng cơ chế đặc thù này với học sinh trung học phổ thông chuyên ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mục tiêu quan trọng của cơ chế đặc thù mà Đại học Quốc gia Hà Nội hướng tới là nhằm phát huy nhân tài, đào tạo học sinh trở thành cán bộ nguồn, phục vụ các ngành khoa học cơ bản”.
Chia sẻ thêm về cơ chế đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức cho biết, Cơ chế đặc thù này bắt đầu được triển khai từ năm 2014 theo Quyết định số 3737/QĐ-ĐHQGHN, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 theo Quyết định số 769/QĐ-ĐHQGHN (Cơ chế đặc thù này được xây dựng và triển khai trong thời gian Giáo sư Nguyễn Đình Đức làm Trưởng Ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội). Từ lần sửa đổi năm 2018, Đại học Quốc gia Hà Nội đã mạnh dạn cho học sinh chuyên học trước môn số môn học (học phần) ở bậc đại học, được áp dụng cho riêng học sinh trung học phổ thông chuyên của đơn vị này.
Sau một quá trình triển khai thử nghiệm và đánh giá hiệu quả, đến cuối năm 2021, cơ chế đặc thù này bắt đầu mở rộng, cho phép cả học sinh trung học phổ thông chuyên trong cả nước từ học kỳ 2 lớp 11 được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thông tin riêng về tình hình tuyển sinh của Trường Đại học Công Nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, thầy Đức cho biết, trong thời gian qua, trường đã tuyển sinh được 25 học sinh trung học phổ thông khóa 2019 – 2022, 20 học sinh khóa 2020 – 2023 và 36 học sinh khóa 2021 – 2024.
“Sau khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, đã có 13/25 học sinh khóa 2019 – 2022 và 5/20 học sinh khóa 2020 – 2023 tiếp tục quá trình học đại học tại Trường Đại học Công Nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Các em học trước đại học sau này đều là các sinh viên rất giỏi và tài năng. Nhà trường đã mở 5 lớp học phần cho các bạn học tích lũy trước; chủ yếu là các học phần đại cương như nhập môn công nghệ thông tin, lập trình cơ bản…” – thầy Đức chia sẻ thêm.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh – Hiệu trưởng Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Những bạn học sinh trung học phổ thông đăng ký học trước các tín chỉ đào tạo đại học là những học sinh có thành tích tốt. Mỗi một kỳ, học sinh được đăng ký tối đa không quá 3 học phần thuộc chương trình đào tạo đại học. Kết quả học tập các học phần được bảo lưu khi học sinh trúng tuyển vào bậc đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đa phần, học sinh thường chỉ chọn từ 1 – 2 học phần cơ bản để học cùng với sinh viên đại học, sao cho vừa có thể sắp xếp thời gian theo học, vừa phù hợp với trình độ nhận thức của các em”.
Em Ngô Quý Đăng – cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội được biết đến là trường hợp học sinh chuyên đầu tiên đăng ký các học phần đại học của đơn vị này.
Em Ngô Quý Đăng – cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Nói về lý do quyết định theo học trước đại học, Ngô Quý Đăng chia sẻ: “Khi em đang là học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, em đã có định hướng cho việc đi du học.
Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng tại Trường Đại học Sư phạm Paris (ENS), em được biết yêu cầu của Trường ENS là chỉ tiếp nhận du học sinh sau khi đã hoàn thành 2 năm học đại học trong nước. Vì vậy, em bắt đầu tìm hiểu khả năng đẩy nhanh thời gian học đại học trong nước của bản thân”.
Do có lợi thế khi năm lớp 10 giành huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO), nên Đăng đủ điều kiện được xét tuyển thẳng vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đây cũng là ngôi trường em mong muốn theo học trong 2 năm đại học đầu tiên của mình để tạo tiền đề và cơ sở cho chặng đường nghiên cứu Toán học của em sau này tại ENS và những năm tiếp sau.
Và khi biết Đại học Quốc gia Hà Nội có cơ chế đặc thù cho học sinh trung học phổ thông chuyên được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo Đại học, Đăng đã xin theo học cơ chế này.
Như vậy, song song với học chương trình lớp 12 tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên, Ngô Quý Đăng đã đăng ký học trước các học phần Đại số Tuyến tính 1, Giải tích 1, Đại số Tuyến tính 2 và Giải tích 2 của bậc đại học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo Đăng, việc học sinh phổ thông được học trước đại học, có một số điểm tích cực: “Đối với cá nhân em, việc học trước chương trình đại học là nguyện vọng của bản thân, vì em đã xác định hướng nghiên cứu và học tập tại bậc đại học của mình. Song song với việc hoàn thành nhiệm vụ học tập của năm cuối bậc phổ thông, em muốn được tiếp cận sớm với các kiến thức chuyên ngành của bậc đại học. Điều này giúp em rất nhiều trong phỏng vấn xin du học và có được cường độ học tập tích cực, hiệu quả mà bản thân mong muốn”.
Dẫu vậy, trong quá trình học tập, nam sinh này cũng gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là việc sắp xếp thời gian học tập cho hợp lý.
“Dù việc sắp xếp thời gian học tập không dễ nhưng nhờ thời khóa biểu của các trường em theo học đều được công bố ngay từ đầu kỳ và cố định trong suốt kỳ học, nên em có thể lựa chọn các tín chỉ phù hợp với quỹ thời gian của mình.
Vì không có quá nhiều thời gian để học trước chương trình đại học nên số lượng tín chỉ em lựa chọn cũng vừa phải. Em chọn những tín chỉ trọng tâm của chuyên ngành mình theo học sau này, đảm bảo mình đủ thời gian và thật nỗ lực để theo học một cách nghiêm túc và đạt được kết quả tốt” - Ngô Quý Đăng thông tin thêm.
Thực tế của Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, cơ chế đã có, nhưng khó triển khai đối với học sinh trong cả nước do hạn chế về khoảng cách địa lý
Căn cứ theo cơ chế đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội, để tham gia tích lũy trước học phần trong chương trình đào tạo đại học, học sinh phải đảm bảo các điều kiện sau: có kết quả học tập tối thiểu loại giỏi trở lên ở năm học, kỳ học trước và được hiệu trưởng trường trung học phổ thông học sinh đang theo học và đơn vị đào tạo đại học đồng ý bằng văn bản.
Bạn M.A, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng đây là điều kiện phù hợp, không quá khó đối với học sinh trường chuyên. Việc có thêm xác nhận của hiệu trưởng cũng như một cách công nhận về những nỗ lực của học sinh, tạo thêm sự chắc chắn trong xét tuyển, cũng giống như thư giới thiệu của giảng viên khi học sinh đi du học.
“Bên cạnh đó, em thấy đây cũng là một lợi thế rất lớn đối với học sinh trường trung học phổ thông chuyên của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng hay học sinh trung học phổ thông chuyên trong cả nước nói chung, vì nó giúp các bạn giảm thiểu được tỉ lệ cạnh tranh và có nhiều hơn cơ hội được học tập đại học ở cơ sở đào tạo đại học hàng đầu Việt Nam” – M.A nhận định.
Nữ sinh này cũng mong muốn có cơ hội được tham gia học trước chương trình đại học, để vừa tiếp thu được đủ lượng kiến thức cần có của chương trình đào tạo đại học, lại có thể tiết kiệm được thời gian để sắp xếp khác các công việc trong cuộc sống, nắm bắt được nhiều cơ hội trong tương lai. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại M.A cũng mới chỉ được nghe qua về việc có thể tích lũy trước học phần trong chương trình đào tạo đại học, chứ chưa tìm hiểu sâu thông tin.
Trái ngược với M.A, bạn Vũ Phương Yên – học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, đây là lần đầu tiên em được nghe tới việc có thể học trước các tín chỉ trong chương trình đào tạo đại học.
Em Vũ Phương Yên – học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ). Ảnh: NVCC |
Tuy cũng có mong muốn được thử sức, nhưng Phương Yên cho rằng, việc học theo cơ chế này là khá nặng đối với em: “Với bản thân em, chương trình học ở thời điểm hiện tại là khá nặng. Đặc biệt, từ học kỳ 2 năm lớp 11 trở đi là khoảng thời gian học sinh như chúng em cũng gấp rút chuẩn bị cho việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học.
Đây cũng là khoảng thời gian có khá nhiều cuộc thi quan trọng như là khảo sát chất lượng hay thi các chứng chỉ ngoại ngữ,… khiến việc sắp xếp thời gian dần trở nên khó khăn.
Thêm nữa, chúng em cũng lứa học sinh đầu tiên học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì vậy cũng còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng trong quá trình học tập”.
Bên cạnh đó, theo Phương Yên, việc là học sinh ở các tỉnh, thành phố khác không phải Thủ đô cũng sẽ là một rào cản, khiến học sinh trung học phổ thông chưa thực sự tìm hiểu và đăng ký học trước các học phần của đại học này.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức khẳng định: Sau một thời gian triển khai ở Trường Đại học Công nghệ và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cơ chế này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh và phụ huynh. Kết quả học tập tốt và sự hưởng ứng của người học cho thấy, cơ chế đặc thù này là này là một cơ chế tiến bộ, phù hợp với thời đại và phát huy được tài năng của người học, thể hiện sự tiên phong. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước cho phép học sinh trung học phổ thông được học trước đại học ở Việt Nam.
Khi nói đến vấn đề về việc học sinh ở các tỉnh, thành khác theo học, thầy Nguyễn Đình Đức cho biết: “Có một thực tế là việc mở rộng cho học sinh trung học phổ thông chuyên khác trong cả nước được học tích lũy trước các tín chỉ đại học là khó triển khai. Bởi hiện tại, các em vẫn còn phải hoàn thành nốt chương trình học trung học phổ thông tại địa phương, nên việc học sinh sắp xếp thời gian, di chuyển xuống Hà Nội học tập là khá khó khăn”.