Học sinh đánh nhau, cần kỷ luật nghiêm và có sự quan tâm của gia đình

04/04/2022 06:55
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những học sinh đánh bạn luôn đắc thắng, coi thường kỷ cương chốn học đường bởi kỷ luật kiểu cho có thì làm sao các em này sợ và có thể thay đổi bản tính của mình.

Chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, chúng ta đã phải chứng kiến rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước và đây có lẽ chỉ là những phần nổi của tảng băng chìm mà thôi.

Bởi lẽ, những sự việc mà báo chí phản ánh, dư luận biết là do học sinh quay lại clip và đưa lên mạng xã hội. Vì thế, rất có thể những sự việc tương tự không được ghi lại hình ảnh hoặc ghi lại nhưng không đưa lên mạng Internet thì làm sao mọi người biết được.

Cái ác vẫn lởn vởn vây quanh một số trường học, nhiều học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông nhưng đã rất hung dữ, đánh bạn không ghê tay và xem đó là điều thích thú, hả hê của những kẻ chiến thắng.

Liệu rồi những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, tuổi đời còn nhỏ mà nhẫn tâm đánh bạn dã man như vậy thì lớn lên còn xem ai ra gì? Bản tính con người rất khó thay đổi vì một số em đã hình thành những thói quen, tính cách xấu từ khi đang cắp sách đến trường.

Hình ảnh một vụ bạo lực học đường được tung lên mạng xã hội (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)

Hình ảnh một vụ bạo lực học đường được tung lên mạng xã hội (Ảnh minh họa trên giaoduc.net)

Hàng loạt vụ bạo lực học đường diễn ra trong một thời gian ngắn

Chỉ mấy tuần học gần đây, hàng loạt vụ học sinh đánh bạn dã man đã được báo chí phản ánh, đó là: học sinh Trường trung học phổ thông Hương Trà (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên- Huế) đánh bạn chấn thương sọ não vào ngày 6 và 7/3.

Tiếp đến, một số nữ sinh ở Đồ Sơn đã đánh gây thương tích cho em N.Y.N (sinh năm 2008) và em B.T.H.N (sinh năm 2007) cùng là học sinh Trường Trung học cơ sở Hòa Nghĩa (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) vào ngày 17/3; rồi 2 nữ sinh của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) đánh nhau vào ngày 22/3.

Đến chiều ngày 23/3/2022 thì nhiều em học sinh đánh hội đồng một nữ sinh lớp 8, xung quanh là nhiều em sử dụng điện thoại để quay phim, chụp hình, không có động thái can ngăn.

Sự việc xảy ra ngay bên ngoài cổng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Hà Thành (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội). Vì thế, Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, báo cáo thành phố…

Những sự việc tương tự như thế này không thể liệt kê hết bởi nó xuất hiện thường xuyên, liên tục trong những năm học gần đây khiến cho nhiều phụ huynh không thể không lo lắng khi có con đang theo học ở các nhà trường.

Khi chứng kiến những sự việc như thế này, mọi người đều cảm thấy bất bình, xót xa trước cách ra đòn của một số học sinh đối với bạn bè chung lớp, chung trường của mình.

Những bậc phụ huynh có con đánh bạn, những nhà trường có học trò đánh nhau cũng không ai đi dạy con, dạy học trò làm những điều nhẫn tâm, tàn ác với bạn mình. Thế nhưng, tình trạng học sinh đánh nhau, ẩu đả với nhau vẫn xảy ra thường xuyên ở nhiều địa phương.

Vậy, đâu là nguyên nhân của vấn đề?

Chúng tôi cho rằng yếu tố gia đình vẫn là cốt yếu trong vấn đề này. Nếu phụ huynh có sự quan tâm, gần gũi và giám sát con em mình một cách thường xuyên, chu đáo thì chắc chắn những đứa trẻ đó sẽ biết gần gũi, vị tha và nhân ái với bạn bè của mình - cho dù khi bạn mình mắc lỗi.

Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng Internet khiến cho một bộ phận học sinh tiếp cận nhiều với cái xấu, cái ác từ những clip trên mạng xã hội. Vì thế, chỉ cần một lời nhắn bâng quơ, một câu nói vô thưởng vô phạt cũng khiến cho học sinh cố chấp và muốn thể hiện cái tôi của mình.

Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi đa phần các gia đình chỉ có 1-2 đứa con nên một số em được cưng chiều quá mức, cha mẹ thường bỏ qua những sai trái của con em mình từ nhỏ.

Những cái làm được, làm tốt thì ca ngợi, tâng bốc quá mức. Những cái sai, cái xấu thì lờ đi nên thói ích kỷ, vô cảm, cực đoan ở một số em được hình thành.

Trong khi, học sinh đến trường nghịch ngợm, quậy phá, hỗn láo thì thầy cô cũng không có những chế tài nghiêm ngặt vì những quy chế của ngành.

Nhiều chủ trương của ngành hướng tới tính nhân văn nhưng vô tình đã là kẽ hở cho một bộ phận học sinh tận dụng. Dù có vi phạm đến mức nào đi chăng nữa thì học sinh cũng được tha thứ, cùng lắm là hạ 1 bậc hạnh kiểm mà thôi, sau đó các em vẫn đến trường học tập bình thường…

Chính vì thế, một bộ phận học sinh ngày nay thiếu đi sự tôn trọng người lớn, thầy cô và đôi khi nhẫn tâm với chính bạn bè trong lớp của mình.

Một bộ phận học sinh bây giờ thì vô cảm khi thấy bạn bè mình bị đánh không hề có động thái can ngăn mà còn bình thản đứng xem, quay clip, thậm chí cổ vũ một cách hả hê, thích thú…

Cần xử lý mạnh tay với những học trò đánh bạn

Thời trước, mỗi khi học sinh vi phạm, bị nhà trường thông báo là phụ huynh phải vội vàng đến trường năn nỉ để cho con em mình không bị đuổi học.

Cho dù lúc đó xử lý có phần hơi cực đoan nhưng học sinh trong trường có nền nếp, lễ phép và không bất cần như một số em bây giờ.

Hiện nay, học sinh vi phạm, nhà trường thông báo thì một số phụ huynh lấy lý do để không phải đến trường vì họ thừa biết con họ sẽ không bị sao cả. Quy định bây giờ học sinh không bị đuổi học bởi đuổi học thì nhà trường lại mất sĩ số mà không đúng với chỉ đạo của ngành.

Hạ hạnh kiểm nhiều thì ảnh hưởng đến thi đua của lớp, của nhà trường nên mọi việc đều được xử lý “nhân văn” và “tế nhị”.

Chính vì vậy, những cái xấu, cái ác vẫn lộng hành ở chốn học đường. Những vụ ẩu đả của học trò được xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ nhặt nhưng hậu quả một số vụ việc thì rất lớn và lâu dài.

Chúng tôi cho rằng việc nhân ái, vị tha với học trò vi phạm vẫn là chủ đạo trong xử lý nhưng ngành giáo dục cũng cần phải có chế tài nghiêm khắc với những học sinh có hành động mang tính côn đồ, đánh bạn thành thương tật.

Nếu như chúng ta cứ nhân ái, cứ xử lý nửa vời thì đâu lại vào đấy, học sinh bị đánh hội đồng, bị đánh thành thương, thành tật, bị làm nhục rồi bị tung clip lên mạng xã hội thì gánh hậu quả, mặc cảm và nhiều em đã không thể tiếp tục đến trường.

Trong khi, những học sinh đánh bạn luôn đắc thắng, coi thường kỷ cương chốn học đường bởi kỷ luật kiểu cho có thì làm sao học sinh sợ, làm sao những em này có thể thay đổi bản tính của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO