Hình minh họa. |
Tờ Times of India ngày 20/2 đưa tin, hôm 19/2 Thời báo Hoàn Cầu đăng tải bài xã luận của một học giả thuộc cơ quan nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc "cảnh báo" Ấn Độ không tham gia hợp tác dầu khí với Việt Nam (trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam - PV) ở Biển Đông.
"Nếu Ấn Độ cứ nhất định hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông với Việt Nam bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc thì sẽ rất khó để Bắc Kinh thúc đẩy hợp tác với New Delhi", Liu Qian, một học giả từ Viện Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc thuộc đại học Dầu khí Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn Cầu.
Trong bài, Liu Qian miêu tả Trung Quốc và Ấn Độ là "đối thủ tự nhiên" trong ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu, đồng thời kêu gọi New Delhi với Bắc Kinh nên cố gắng hợp tác lớn hơn thay vì tham gia vào các hoạt động cạnh tranh dữ dội.
Học giả này cho rằng, đều là 2 quốc gia đông dân, có nhu cầu năng lượng lớn và phải tìm kiếm nguồn cung cấp dầu khí từ nước ngoài với quỹ đạo gần như giống nhau, bắt đầu với Trung Đông và châu Phi, tiếp theo là Nga, Trung Á, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh.
Kết quả là đã có rất nhiều sự chú ý đổ dồn vào cạnh tranh Trung - Ấn trong lĩnh vực năng lượng quốc tế.
Các công ty dầu khí 2 nước đã phải cạnh tranh giành giật quyền khai thác dầu tại Angola và Ecuador, tranh giành mua dầu và khí đốt ở Kazakhstan.
Và cũng có trường hợp Trung Quốc và Ấn Độ bắt tay hợp tác ở Ai Cập và đang tìm kiếm triển vọng hợp tác trong các dự án ở Iran, Myanmar và Nga.
Kêu gọi Ấn Độ hợp tác thay vì cạnh tranh chỉ là cái cớ viên học giả Trung Quốc đưa ra để ngụy biện cho tham vọng của Bắc Kinh muốn bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông. |
Liu Qian cho rằng vấn đề hiện này nằm ở cách thức làm sao 2 nước tránh "cạnh tranh không cần thiết" và thiết lập 1 cơ chế "phối hợp hợp tác song phương".
Viên học giả lên giọng, nói thẳng ra trong các cuộc cạnh tranh trực diện giữa các công ty dầu khí Trung Quốc với Ấn Độ thì phía Trung Quốc luôn giành thế thượng phong, điều này khiến cho phía Ấn Độ tỏ ra rất nhạy cảm với các cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Nguyên nhân của việc Trung Quốc chiếm thế thượng phong, thậm chí là đánh bại các doanh nghiệp Ấn Độ trên thị trường năng lượng quốc tế, theo Liu Qian bắt nguồn từ việc "Trung Quốc có thể cung cấp lợi nhuận lớn hơn" cho đối tác, không chỉ bao gồm các quỹ, công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân viên.
Liu Qian cho rằng các công ty dầu khí Trung Quốc ở nước ngoài "thường trả tiền bảo hiểm cao" và để tạo ra lợi nhuận họ đã phải "cố gắng hết sức mình để nâng cao hiệu quả khai thác, vận hành".
Tuy nhiên, chính cái "ưu việt" mà Liu Qian kể trên lại trở thành gánh nặng bởi chi phí cạnh tranh khốc liệt đang ngày càng vượt quá khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp dầu khí Trung Quốc ở nước ngoài, đó là lý do tại sao họ muốn quay ra thỏa hiệp với Ấn Độ.
Liu Qian nhận định, chi phí cao là yếu tố không bền vững cho các doanh nghiệp dầu khí Trung Quốc ở nước ngoài, trong khi Ấn Độ cũng cần phải tránh cạnh tranh quá nhiều để tiết kiệm tiền. Điều này cung cấp cơ hội hợp tác giữa 2 bên.
Và vẫn với tư tưởng bành trướng, nước lớn, Liu Qian cho rằng "tiền đề" hợp tác Trung - Ấn trong lĩnh vực dầu khí ở nước ngoài là 2 bên phải "tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau, nếu Ấn Độ vẫn khăng khăng hợp tác khai thác tài nguyên với Việt Nam ở Biển Đông bất kể cảnh báo của Trung Quốc, rất khó để Bắc Kinh xem xét hợp tác với New Delhi"?!
Hồng Thủy