Ngày 1/6/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 1431/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án sắp xếp tổ chức các trường dân tộc nội trú, các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh.[1] Đến nay, sau khoảng 8 năm triển khai Quyết định nêu trên, kết quả việc sáp nhập các nhà trường tại các địa phương của tỉnh Hòa Bình ra sao?
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với một số lãnh đạo, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để có thông tin cụ thể.
Chia sẻ về nội dung này, thầy Bùi Văn Hải - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Lạc cho hay, trong ba năm học (2016-2017, 2017-2018, 2018-2019) địa phương đã thực hiện sáp nhập trường tiểu học và trung học cơ sở, trường mầm non.
Cụ thể, năm học 2016-2017 sáp nhập 10 đơn vị trường học (2 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 4 trường trung học cơ sở) thành 1 trường mầm non, 4 trường tiểu học và trung học cơ sở. Theo đó, sáp nhập Trường Mầm non thị trấn Mường Khến và Trường Mầm non huyện Tân Lạc thành Trường Mầm non thị trấn Mường Khến.
Sáp nhập Trường Tiểu học xã Bắc Sơn và Trường Trung học cơ sở xã Bắc Sơn, thành trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bắc Sơn. Sáp nhập Trường Tiểu học xã Lũng Vân và Trường Trung học cơ sở xã Lũng Vân, thành Trường Tiểu học và Trung học xã Lũng Vân
Sáp nhập Trường Tiểu học xã Ngổ Luông và Trường Trung học cơ sở xã Ngổ Luông, thành Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ngổ Luông.
Năm học 2017-2018 sáp nhập 6 đơn vị trường học (3 trường tiểu học, 3 trường tiểu học và trung học cơ sở).
Cụ thể, sáp nhập Trường Tiểu học xã Ngòi Hoa và Trường Trung học cơ sở xã Ngòi Hoa thành Trường Tiểu học và Trung học học cơ sở xã Ngòi Hoa.
Sáp nhập Trường Tiểu học xã Tuân Lộ và Trường Trung học cơ sở xã Tuân thành Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tuân Lộ.
Sáp nhập Trường Tiểu học xã Gia Mô và Trường Trung học cơ sở xã Gia thành Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Gia Mô.
![Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tuân Lộ. (Ảnh: FB nhà trường) sap-nhap-truong-tieu-hoc-trung-hoc-co-so-tinh-hoa-binh.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/uivplwiv/2025_01_21/sap-nhap-truong-tieu-hoc-trung-hoc-co-so-tinh-hoa-binh-3734-3044.jpg)
Năm 2018-2019 sáp nhập 4 đơn trường học (2 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở) thành 2 trường tiểu học và trung học cơ sở.
Cụ thể, sáp nhập Trường Tiểu học xã Mỹ Hòa và Trường Trung học cơ sở xã Mỹ Hòa thành trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Mỹ Hòa.
Sáp nhập Trường Tiểu học xã Địch Giáo và Trường Trung học cơ sở xã Địch Giáo thành Trường Tiểu học cơ và Trung học cơ sở xã Địch Giáo.
Trao đổi về ưu điểm sau khi sáp nhập, thầy Bùi Văn Hải cho hay, đối với các trường gần nhau đã phát huy tối đa cơ sở vật chất hiện có của nhà trường, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước. Cụ thể, mỗi trường sáp nhập giảm được kinh phí xây dựng một văn phòng và 6 phòng chức năng.
Thông qua việc sáp nhập đã tập trung được nguồn lực từ công tác xã hội hóa. Các trường sáp nhập nhận được sự quan tâm động viên nhiều hơn, tập trung hơn của cấp trên, địa phương và của nhân dân.
"Việc sáp nhập đã giúp giảm đầu mối cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế tại một số vị trí làm việc, thông qua đó giảm ngân sách chi thường xuyên. Quy mô trường lớp, giáo viên các trường sau khi sáp nhập đã tinh gọn hơn. Việc này cũng thuận lợi cho việc sắp xếp vị trí chuyên môn giáo viên, nhất là đối với giáo viên dạy các bộ môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Thể dục.
Hiệu trưởng nắm được và chịu trách nhiệm về chất lượng của cả hai cấp, nên có tính liên thông trong công tác chỉ đạo.
Đối với các trường được sáp nhập, lực lượng giáo viên và học sinh đông hơn dẫn tới việc thực hiện sinh hoạt chuyên môn, hoạt động của các câu lạc bộ, hoạt động ngoài giờ lên lớp, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đạt hiệu quả cao hơn", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Lạc cho hay.
Ngoài ưu điểm trên thì việc sử dụng cơ sở vật chất cũng tăng hiệu quả hơn. Cụ thể, khi sáp nhập hai trường, toàn bộ phòng học và trang thiết bị dạy học được sử dụng chung cho cả hai cấp học. Nhà trường sẽ bố trí quy hoạch các phòng chức năng (bao gồm văn phòng, phòng thư viện thiết bị, phòng đoàn đội); tập trung nguồn lực để xây dựng bổ sung phòng học bộ môn và các công trình phụ trợ khác.
Các giáo viên dạy các môn chuyên biệt sẽ không phải dạy nhiều đơn vị mà có thể dạy từ lớp 1 cho đến lớp 9 (Giáo viên chuyên ngành Tiếng Anh, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật).
"Sau sáp nhập, nhà trường hạn chế tối đa được tình trạng học sinh bỏ học, duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; dần từng bước đạt các tiêu chí của phổ cập giáo dục trung học", thầy Hải nói.
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện sáp nhập, thầy Hải thông tin, khi hai trường ở xa nhau, việc triển khai và tổ chức các hoạt động chung sẽ vất vả cho giáo viên và học sinh.
Hiệu trưởng không được đào tạo chuyên môn cả hai cấp học, nên việc nắm bắt chuyên môn còn hạn chế dẫn đến việc chỉ đạo giáo viên, học sinh còn lúng túng.
"Ban đầu có tư tưởng cục bộ của về cấp học của giáo viên cấp này cấp kia, cần có thời gian và nhiều biện pháp để cho giáo viên thích nghi. Tâm lý của cán bộ quản lý, nhất là cán bộ quản lý cấp tiểu học còn chưa hòa đồng với nhịp độ của cấp trung học cơ sở", thầy Hải nói.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Lạc chia sẻ thêm về những khó khăn, đó là bộ công cụ hướng dẫn từng công tác dành cho trường tiểu học và trung học cơ sở chưa đầy đủ, vì vậy việc thiết lập các loại hồ sơ chung gặp nhiều khó khăn.
Đặc thù chuyên môn của 2 cấp học có nhiều nét riêng biệt, nên nhiều khi hoạt động chuyên môn còn chồng chéo. Trong công tác chỉ đạo do Hiệu trưởng là từ cấp trung học cơ sở, chưa hiểu sâu các hoạt động của tiểu học nên có nhiều hoạt động của tiểu học chưa được triển khai hiệu quả.
Đối với nhà trường có điểm trường các cấp ở xa nhau, một số vị trí việc làm không đảm nhiệm được chung cho 2 nơi như: vị trí thư viện, thiết bị, tổng phụ trách đội....... Vì cùng một lúc ở hai cơ sở đều cần người thực hiện công việc trên nhưng thực tế chỉ có 1 người.
Việc sáp nhập phù hợp với trường có ít học sinh
Thông tin về việc sáp nhập, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thủy (Hòa Bình) cho biết, năm 2016, địa phương triển khai theo Đề án của tỉnh về việc sáp nhập trường tiểu học với trường trung học cơ sở. Trải qua hai lần sáp nhập, lần đầu tiến hành sáp nhập các trường tiểu học dưới 10 lớp. Sau khi thanh kiểm tra, cơ quan liên quan yêu cầu địa phương phải sáp nhập hết. Địa phương đã thực hiện và xong trong năm 2024.
"Trước đây, Huyện có 16 trường tiểu học, trung học cơ sở và sau khi sáp nhập thành 8 trường liên cấp hai bậc học. Địa phương tinh giản được 15 vị trí lãnh đạo, trong đó có những người xin nghỉ hưu sớm", vị này cho hay.
Theo vị cán bộ cho biết, đối với lãnh đạo trường tiểu học là hiệu trưởng được bố trí làm phó hiệu trưởng phụ trách bậc tiểu học, phó hiệu trưởng được bố trí xuống làm giáo viên trên tinh thần tự nguyện và bị cắt phụ cấp.
Còn bậc trung học cơ sở sẽ có một phó hiệu trưởng phụ trách, cùng hiệu trưởng sẽ là người của trường trung học cơ sở phụ trách hai bậc học.
"Việc tinh gọn bộ máy sẽ giúp hoạt động gọn nhẹ, giảm áp lực đối với các thầy cô", vị này thông tin.
Về việc sử dụng cơ sở vật chất, nếu hai trường có vị trí gần nhau, có thể sử dụng chung cơ sở vật chất như nhà đa năng.
Thầy Nguyễn Đức Toàn - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Thủy cho biết, địa phương đã hoàn thành thực hiện sáp nhập hai bậc học vào năm 2019. Hiện nay, địa phương có 33 trường, trong đó có 2 trường tiểu học và 2 trường trung học cơ sở ở địa bàn thị trấn không thực hiện sáp nhập (sau này sáp nhập địa giới hành chính sẽ thực hiện tinh gọn).
"Đối với xã có hai trường (tiểu học, trung học cơ sở) ở địa điểm xa nhau, sẽ vất vả cho công tác quản lý của lãnh đạo nhà trường. Bên cạnh đó, lịch học của bậc tiểu học trong tuần là kết thúc vào ngày thứ Sáu, còn bậc trung học cơ sở là vào thứ Bảy, nên hoạt động điều hành vẫn còn khó khăn", thầy Toàn cho hay.
Theo thầy Toàn, hiện nay, một số trường chỉ có một mình hiệu trưởng phụ trách bậc trung học cơ sở, nên hiệu trưởng sẽ vất vả trong công tác quản lý. Đối với hoạt động bồi dưỡng giáo viên được thực hiện theo ngành dọc, ngoài chương trình bồi dưỡng của Sở, Bộ.
![Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phú Lão, Lạc Thủy (Ảnh: FB nhà trường) sap-nhap-truong-tieu-hoc-trung-hoc-co-so-tinh-hoa-binh222.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w1000/Uploaded/2025/uivplwiv/2025_01_21/sap-nhap-truong-tieu-hoc-trung-hoc-co-so-tinh-hoa-binh222-9135-5169.jpg)
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý trường liên cấp hai bậc học, cô Nguyễn Thu Hằng - nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Thủy cho hay, chuyên môn giáo viên, tâm sinh lí học sinh của hai bậc học là khác nhau.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng của trường liên cấp hai bậc học sẽ là hiệu trưởng của trường trung học cơ sở. Vì vậy, khi thực hiện sáp nhập, một số hiệu trưởng nhà trường mang tâm lý cục bộ, chuyên môn của hiệu trưởng về kiến thức bậc tiểu học không chuyên sâu.
"Hiệu trưởng sau khi sáp nhập là hiệu trưởng của trường trung học cơ sở nên họ có thể sẽ chỉ quan tâm những chính sách chú trọng với bậc trung học cơ sở, còn bậc tiểu học thì học sinh còn bé...", cô Hằng nói.
Đối với vị trí lãnh đạo trường sau khi sáp nhập, họ cũng được đi tập huấn chuyên môn, quản lý.
Bên cạnh việc tinh giản được một vị trí phó hiệu trưởng nhà trường khi sáp nhập hai bậc học, còn là giảm được một nhân viên thư viện. Tuy nhiên, người còn lại phụ trách thư viện của trường liên cấp gặp bất tiện là nếu địa điểm trường của hai bậc học xa nhau, họ sẽ vất vả trong việc đi lại.
Theo cô Hằng, việc sáp nhập hai trường thành trường liên cấp sẽ thuận lợi với những trường có số lượng ít học sinh, bên cạnh đó là địa điểm của khối trường tiểu học và khối trường trung học cơ sở gần nhau.
Link bài viết tham khảo:
1)https://www.hoabinh.gov.vn/tin-chi-tiet/-/bai-viet/ket-qua-buoc-au-trong-sap-nhap-mang-luoi-giao-duc-o-tinh-hoa-binh-25724-1358.html