Hiệu trưởng bổ nhiệm phó hiệu trưởng liệu có khả thi?

08/02/2023 06:35
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu được trao quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng sẽ tạo kẽ hở để một số hiệu trưởng kéo người nhà, người thân vào các vị trí chủ chốt, tạo bè phái.

Ngày 4/1/2023, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Kiến nghị thí điểm hiệu trưởng được bổ nhiệm phó hiệu trưởng của tác giả Minh Khôi đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc trên cả nước.

Chúng tôi cho rằng đây là một đề xuất táo bạo đến các cơ quan chức năng và ngành giáo dục. Tuy nhiên, với hệ thống quản lí, quy hoạch, bổ nhiệm và điều động cán bộ như hiện nay mà hiệu trưởng được phân quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng thì hiệu trưởng sẽ là ông “vua con”, như rồng được chắp thêm cánh.

Cứ nhìn sự việc Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) vừa miễn nhiệm 9 vị trí tổ trưởng, tổ phó và thư ký hội đồng mà không đưa ra lý do chính đáng và bổ nhiệm một loạt giáo viên khác sẽ thấy những bất ổn.

Bởi vì đây mới chỉ là những chức vụ kiêm nhiệm mà đã còn như vậy thì việc bổ nhiệm những phó hiệu trưởng chuyên trách sẽ ra sao ở các nhà trường? Vì thế, đề xuất hiệu trưởng được bổ nhiệm phó hiệu trưởng có lẽ chưa khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chưa thể để hiệu trưởng bổ nhiệm phó hiệu trưởng

Theo quy định hiện hành, trước khi trở thành phó hiệu trưởng thì giáo viên đó phải là người có số năm công tác theo quy định, có đạo đức và chuyên môn tốt, có uy tín, được đơn vị tín nhiệm đưa vào quy hoạch và phải trải qua khóa bồi dưỡng kiến thức về quản lý giáo dục.

Ngày trước, khi chúng ta còn thiếu cán bộ, việc bổ nhiệm quản lý ở các nhà trường chưa qua đào tạo quản lí giáo dục hay xảy ra. Nhưng bây giờ, khi mà chúng ta đã có trường quản lí giáo dục, đòi hỏi của thực tế cao hơn nên hiếm khi có trường hợp bổ nhiệm mà chưa qua lớp bồi dưỡng kiến thức quản lí giáo dục và trung cấp chính trị.

Vì thế, khi bổ nhiệm phó hiệu trưởng nhất thiết phải là người nằm trong quy hoạch nguồn của nhà trường và phải có uy tín trước tập thể sư phạm nhà trường.

Khi đã quy hoạch là liên quan đến nhiều tổ chức, cấp quản lí của nhà trường và tất nhiên những người được các cấp lãnh đạo bổ nhiệm phải trải qua những thử thách công việc và họ phải chứng minh được năng lực với đồng nghiệp của mình.

Bởi từ lâu, các trường được quy hoạch 1 chức vụ sẽ có nhiều người được quy hoạch và khi muốn bổ nhiệm một vị trí thì cấp trên sẽ lấy ý kiến của đơn vị, sau đó mới thực hiện các thủ tục để bổ nhiệm.

Vậy nên, đề xuất của tác giả Minh Khôi là hiệu trưởng bổ nhiệm phó hiệu trưởng, chúng tôi nhận thấy có cơ sở nhưng xin nhấn mạnh là muốn làm được việc này thì đầu tiên phải thay đổi được việc bổ nhiệm hiệu trưởng trước đã.

Nếu vẫn là cách bổ nhiệm hiệu trưởng như hiện nay thì rõ ràng trao quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng sẽ tạo kẽ hở để một số hiệu trưởng kéo người nhà, người thân vào các vị trí chủ chốt trong nhà trường để gây bè phái.

Lúc đó, trường học sẽ không còn là trường học, là đơn vị sự nghiệp mà sẽ trở thành mô hình “quản lý gia đình” sẽ cực kì nguy hiểm. Bởi, hiệu trưởng nào cũng có một hệ thống chân rết khắp nơi, có mối quan hệ mật thiết với lãnh đạo địa phương. Việc kéo bè, kết phái trong đơn vị càng nhiều thì quy chế dân chủ trong đơn vị càng trở nên mờ nhạt.

Hơn nữa, phần lớn các hiệu trưởng hiện nay đều là người địa phương nên mối quan hệ thân tộc, con cháu họ hàng, bè bạn rất nhiều.

Nếu phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn và các tổ trưởng chuyên môn toàn là người thân của hiệu trưởng thì giáo viên trong trường sẽ ra sao nếu họ đứng lên phản biện một số chủ trương, kế hoạch của nhà trường.

Vì thế, việc mỗi trường có 1-2 phó hiệu trưởng không phải do hiệu trưởng bổ nhiệm sẽ là những “đối trọng” cần thiết cho mỗi đơn vị khi phản biện về các kế hoạch chưa phù hợp, hoặc có những tiêu cực xảy ra.

Bởi, trong trường rất hiếm giáo viên dám nêu ý kiến về hiệu trưởng và hiểu sâu sắc về công việc của hiệu trưởng như các phó hiệu trưởng vì phó hiệu trưởng hiểu sâu hơn về các mảng quản lý của nhà trường hơn giáo viên nên họ dễ nhìn thấy những điều chưa phù hợp.

Phải thi tuyển chức danh hiệu trưởng thì hiệu trưởng mới có thể bổ nhiệm phó hiệu trưởng

Từ lâu, dư luận đã đề cập và mong muốn các hiệu trưởng nhà trường phải qua thi tuyển hoặc phải được tập thể sư phạm nhà trường giới thiệu. Tuy nhiên, sự việc này cũng chỉ dừng lại ở việc thí điểm đối với một số địa phương bởi công tác cán bộ nói chung và ngành giáo dục của chúng ta còn liên quan đến nhiều tổ chức, ban ngành và thông qua một quy trình nhất định.

Hơn nữa, xu hướng đã lên làm lãnh đạo nhà trường sẽ ít khi xuống làm giáo viên nên hiệu trưởng không chỉ làm 1- 2 nhiệm kì ở 1 đơn vị mà có người làm hiệu trưởng đến 20-30 năm cho đến khi về hưu ở nhiều đơn vị khác nhau theo dạng luân chuyển cán bộ.

Vậy nên, những tiêu cực trong quản lí, những độc đoán thường nảy sinh. Nhất là khi chúng ta đang thực hiện cơ chế thủ trưởng thì nhiều hiệu trưởng nhà trường đã thực sự là “vua một cõi”.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều hiệu trưởng nhà trường vi phạm trong quản lý giáo dục, thu chi tài chính, thậm chí có người bị cơ quan điều tra bắt giam, khởi tố.

Vì thế, muốn hiệu trưởng bổ nhiệm phó hiệu trưởng thì việc đầu tiên cần làm là phải thi chức danh hiệu trưởng nhà trường. Việc thi chức danh hiệu trưởng sẽ tuyển được người tài giỏi để tạo đột phá cho đơn vị mà hơn hết là hạn chế tối đa vây cánh trong các đơn vị nhà trường.

Tổ chức thi tuyển thì các ứng cử viên có thể là người địa phương sở tại, cũng có thể là người địa phương huyện, thị khác đến. Khi thi tuyển phải đưa ra được kế hoạch hành động cụ thể của mình khi đảm nhận vai trò hiệu trưởng và phải đảm bảo cam kết thực hiện những kế hoạch mà mình đã trình bày khi thi tuyển.

Khi ứng cử viên nào trúng tuyển chức danh hiệu trưởng thì về cơ sở đảm nhận chức danh hiệu trưởng đơn vị. Họ có thể là người cũ nhưng cũng có thể là người mới hoàn toàn. Người mới sẽ không có hệ thống chân rết, hoặc phải làm mới từ đầu.

Hơn nữa, khi chúng ta tổ chức thi tuyển công khai, việc đầu tiên là chọn được người xứng đáng. Và, điều tất nhiên những người thi tuyển đậu chức danh này họ chắc chắn có tài năng và biết xây dựng và bảo vệ hình ảnh của mình trước đơn vị và các cơ quan giám sát.

Hiện nay, hiệu trưởng đã được mở rộng thêm các quyền hành hành là quyền phân công và bổ nhiệm các tổ trưởng chuyên môn, được ra các quyết định nâng lương, tăng lương trước thời hạn, quyết định hưởng các chế độ như thâm niên, chức vụ.

Vì thế, việc bổ nhiệm phó hiệu trưởng chúng tôi nghĩ rằng cũng không phải là không làm được. Song, chúng ta phải thay đổi việc việc chọn hiệu trưởng trước.

Chỉ khi nào chọn được hiệu trưởng giỏi, hội tụ cả tài năng, đức độ, không tham lam, không cục bộ, bè phái thì khi đó hiệu trưởng mới có thể trao quyền bổ nhiệm phó hiệu trưởng cho hiệu trưởng để có một ê kíp làm việc tâm đầu ý hợp sẽ tạo nên hiệu quả công việc cao và tạo tính đoàn kết, thống nhất trong đơn vị.

Có lẽ, ai đang công tác trong ngành giáo dục cũng mong muốn có một tập thể ban giám hiệu toàn tâm, toàn trí với nhà trường. Song, đâu đó chúng ta vẫn ít gặp những ban giám hiệu chưa được như mong muốn vì tính dân chủ chưa được đề cao. Quy chế tuyển dụng; thuyên chuyển; chi tiêu tài chính vẫn còn là những dấu hỏi lớn đối với nhiều trường học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH