HĐGS cơ sở chưa làm tròn vai nên mới để “lọt” ứng viên thiếu tiêu chuẩn cứng

03/11/2023 10:30
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần nêu cao trách nhiệm Hội đồng cơ sở, và nêu cao trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trước khi ký xác nhận Tờ khai của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư.

Trong đợt xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 của Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành, nhiều ứng viên do Hội đồng giáo sư cơ sở đề xuất bị loại vì không đạt được các tiêu chuẩn cứng theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Có ứng viên không được xét công nhận chức danh giáo sư vì thiếu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; có ứng viên bị loại vì thiếu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, hoặc không đủ thâm niên và giờ giảng dạy; hoặc thiếu bài báo khoa học quốc tế là tác giả chính,…

Thực trạng này đặt ra câu hỏi: Vì sao quá trình xét duyệt của Hội đồng giáo sư cơ sở vẫn để lọt những ứng viên không đủ những tiêu chuẩn cứng vào vòng trong?

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay, việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam đã giao cho các cơ sở giáo dục đào tạo xem xét quyết định.

Và để bổ nhiệm chức danh này, phải được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Để thẩm định hồ sơ và chuyên môn giúp hội đồng giáo sư nhà nước có hội đồng cấp cơ sở và hội đồng ngành/liên ngành.

Vì hội đồng ngành/liên ngành gồm những giáo sư có chuyên môn sâu ở từng ngành, còn hội đồng cơ sở gồm đại diện nhiều khoa, các thành viên từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì lẽ đó nên nhiều năm nay, hội đồng ngành được hiểu là có trách nhiệm quan trọng nhất trong thẩm định về mặt chuyên môn còn hội đồng cơ sở thẩm định các điều kiện cứng theo quy định như thâm niên, số giờ dạy, số lượng đề tài, sách,.....

Về pháp lý, Khoản 2 Điều 12 của Quyết định 37 quy định rất rõ Chủ tịch Hội đồng giáo sư cơ sở tổ chức rà soát hồ sơ của ứng viên, phân công các thành viên hội đồng thẩm định hồ sơ của các ứng viên.

Việc để xảy ra, bỏ sót các điều kiện cứng, để đến khi lên hội đồng ngành/liên ngành mới phát hiện ra thì trước hết là do Hội đồng cơ sở và trách nhiệm trước tiên thuộc về các thành viên được giao thẩm định hồ sơ, thư ký và Chủ tịch Hội đồng cấp cơ sở làm việc chưa tròn trách nhiệm.

Điều 16, Khoản 2, Quyết định 37 chỉ rõ: Hội đồng ngành giúp Hội đồng giáo sư nhà nước xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu, định hướng nghiên cứu của các ứng viên; và khoản 3 điều này cũng giao hội đồng ngành thẩm định hồ sơ của các ứng viên, kết quả xét của hội đồng cơ sở. Như vậy, hồ sơ các ứng viên cũng sẽ được hội đồng ngành xem xét, thẩm định lại lần nữa trước khi trình Hội đồng giáo sư Nhà nước.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, Văn phòng Hội đồng giáo sư Nhà nước có đội ngũ chuyên viên hỗ trợ giúp thẩm định khách quan, độc lập với các hội đồng về các điều kiện cứng trong hồ sơ các ứng viên.

“Để tránh xảy ra những hiện tượng ứng viên thiếu các điều kiện cứng nêu trên, cần nêu cao trách nhiệm Hội đồng cơ sở. Và theo tôi, cũng cần nêu cao trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trước khi ký xác nhận tờ khai của các ứng viên.

Năm 2017, tôi có tham gia đoàn thanh tra việc công nhận giáo sư, phó giáo sư và khi thanh tra lại các hồ sơ ứng viên, đã xảy ra hiện tượng có đơn vị đào tạo ký xác nhận khống về giờ dạy cho một số ứng viên.

Trách nhiệm cũng còn thuộc về sự trung thực và nghiêm túc của từng ứng viên, vì mỗi tờ khai khi đăng ký chức danh, đều có câu dưới cùng tờ khai, yêu cầu người khai cam đoan là trung thực và chịu hoàn toàn trách nhiệm”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cho rằng, Hội đồng giáo sư cơ sở cần phải làm việc nghiêm túc, xét duyệt hồ sơ ứng viên đúng với những tiêu chuẩn cứng đã được đặt ra trong quy định, để Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành xét duyệt, thẩm định về chuyên môn.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ. Ảnh: UEB

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ. Ảnh: UEB

Trong Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg đã nêu rõ những tiêu chuẩn cứng mà vẫn có những ứng viên không đủ tiêu chuẩn lọt vào vòng trong, chứng tỏ Hội đồng giáo sư cơ sở làm việc chưa đầy đủ trách nhiệm và chưa nghiêm túc.

Trước hết, Hội đồng cơ sở cần sàng lọc các ứng viên một cách nghiêm túc theo những tiêu chuẩn cứng, ví dụ như: yêu cầu về số lượng bài báo khoa học, số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín, số giờ chuẩn giảng dạy, số chương trình đào tạo mà ứng viên tham gia xây dựng, phát triển hoặc số nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà ứng viên thực hiện, số sách/giáo trình ứng viên chủ trì biên soạn hay tham gia biên soạn,...

Hội đồng giáo sư cơ sở không nên vì lý do gì mà cho qua những ứng viên không đạt những tiêu chuẩn cứng.

Cũng cần phải xem xét lại đối với những Hội đồng nào làm việc chưa đúng với chức trách, nhiệm vụ được giao. Nếu Hội đồng cơ sở nào làm việc thiếu trách nhiệm, chưa nghiêm túc thì cần có quy định xử lý để việc xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện hiệu quả, thực chất hơn.

Thực tế, nếu hội đồng cơ sở làm việc nghiêm túc, tròn vai thì sẽ giảm bớt công việc cho Hội đồng ngành/liên ngành. Khi đó, Hội đồng ngành/liên ngành sẽ không mất nhiều thời gian xem xét những tiêu chuẩn cứng về số lượng bài báo, giờ giảng, công trình nghiên cứu khoa học,... mà sẽ tập trung xét duyệt ứng viên thông qua đánh giá về mặt khoa học, học thuật, cụ thể như chất lượng các bài báo khoa học, chất lượng các công trình nghiên cứu, kết quả đào tạo hay kết quả hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học thế nào, ...

“Cũng là bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học nhưng về mặt học thuật thì cần đánh giá mức độ tín nhiệm ra sao, chất lượng công trình thế nào,... đó là những việc Hội đồng giáo sư ngành phải làm mà chỉ qua số liệu chưa thể đánh giá hết được về ứng viên.

Tức là Hội đồng cơ sở sàng lọc ứng viên theo tiêu chuẩn cứng nhưng Hội đồng ngành sẽ đánh giá thực chất”, Giáo sư Đặng Ứng Vận cho hay.

Nguyên Phương