Lùm xùm ở tìm kiếm tài năng Việt Nam:

Hãy để Quỳnh Anh được bình yên

02/03/2012 10:25
Giàng A Cối
(GDVN) - Em còn quá non nớt và mỏng manh để phải ăn “trái đắng” không do em gây ra. Như vậy có quá nhẫn tâm khi đối xử với con trẻ?
Chỉ sau 0,17 giây tìm nội dung “Quỳnh Anh Vietnam’s Got Talent” trên Google đã cho ra khoảng 4 triệu kết quả. Một cái nhấp chuột như vậy thôi đã cho ta thấy sức nặng về tinh thần mà Quỳnh Anh phải chịu trong những ngày vừa qua.
Xin hãy để nụ cười và ánh mắt lúc nào cũng rạng ngời trên khuôn mặt của em.
Xin hãy để nụ cười và ánh mắt lúc nào cũng rạng ngời trên khuôn mặt của em.
Thời gian qua, người ta tìm đủ mọi cách để có được thông tin liên quan đến em Quỳnh Anh sau khi chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam số 7 được lên sóng.

Có rất nhiều ý kiến khác nhau, người trách mẹ em đã quá "nông nổi" khi lên “lấy” míc để “giải thích” cho con gái mình, người trách gia đình em (đặc biệt là sau khi lá thư kêu cứu được đăng trên diễn đàn của cơ quan mẹ em công tác và gửi tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), người trách nhóm thực hiện chương trình sao không cắt bỏ đoạn tranh cãi vì đây không phải là chương trình truyền hình trực tiếp? người trách nhà đài sao trong quá trình kiểm duyệt nội dung trước khi phát sóng lại vẫn để tình huống đó đến với công chúng? có người lại đồng cảm và chia sẻ sức ép với em Quỳnh Anh….

Dù bất luận lý do nào đi chăng nữa thì mỗi thông tin được đưa ra cho công chúng là một “đòn” giáng xuống đầu em về mặt tinh thần. Để đối diện với dư luận, những người trưởng thành và có kinh nghiệm còn phải rất khó khăn, có khi gục ngã, huống chi là em gái trong độ tuổi trăng tròn đẹp nhất của đời mình?
Liệu sau chương trình này, sau vụ việc xảy ra với em Quỳnh Anh, còn có gia đình nào đủ dũng cảm để cho con em mình tham gia các cuộc thi mà ở đó không có ai đứng ra bảo vệ các em? Trong khi đó ranh giới giữa thành công và thất bại cay đắng rất mong manh, có khi phải trả giá bằng sức ép tinh thần suốt cả cuộc đời?
Dưới đây là hai ví dụ để minh chứng cho thấy việc tôn trọng và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm và nghĩa vụ của người lớn trong việc đảm bảo an toàn cho sự phát triển của trẻ.

Trường hợp thứ nhất: Trong một buổi giao lưu về phim hoạt hình do các em nhỏ tự làm được tổ chức ở Đại Lải (Vĩnh Phúc) ngày 06/11/2011, người dẫn chương trình lỡ miệng nói “các bạn trẻ con của chúng ta”, ngay lập tức anh ta phải xin lỗi các em nhỏ tham dự và chuyển thành “các bạn trẻ em của chúng ta”.

Trường hợp thứ hai: Trong buổi giao lưu với khán giả trên truyền hình ngày 9/10/2011, Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng nói “đối với tôi trẻ em là thiêng liêng nhất, vì trẻ em đối với tôi là dân tộc, đối với tôi là lịch sử, đối với tôi là đất nước, cho nên tôi nói trẻ em luôn luôn đúng là tôi nói thật bụng, rất hồn nhiên, rất trong trắng, thiên thần như thế mà dạy không ra gì khiến tôi chảy nước mắt”.

Quỳnh Anh đang ở độ tuổi nhạy cảm, chỉ cần tác động nhỏ về tâm lý cũng có thể gây ảnh hưởng đến việc học hành cũng như lối sống của em sau này. Hãy để em phát triển một cách tự nhiên như bạn bè cùng trang  lứa và xin hãy để em được bình yên, đừng bắt em phải chịu thêm bất cứ áp lực về mặt tinh thần nào nữa.
Giàng A Cối