Anh Hoàng Quang Duy, sinh năm 1989, ở phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, hiện đang là lập trình viên của Công ty Genashtim (Singapore). Anh cũng là thành viên người Việt Nam duy nhất tại công ty này.
Hành trình trở thành lập trình viên
Học xong cấp 3, thấy sức khỏe mình không tốt, không thể tự đi lại được nên anh Hoàng Quang Duy quyết định không thi đại học mà ở nhà tìm hiểu về công nghệ thông tin.
Với nỗ lực của bản thân, Duy đã trở thành lập trình viên của công ty ở Singapore. (Ảnh: T.P) |
Có sẵn niềm đam mê với chiếc máy tính từ trước, Duy tự tìm hiểu các phần mềm cài mạng, lên mạng nghiên cứu và học hỏi. Sau một thời gian ngắn, anh đã có thể tự lập trình website.
Duy chia sẻ: “Từ thời còn học cấp 3, mình đã thích tìm hiểu về máy tính. Rồi lúc học xong và ở nhà, người anh họ ở miền nam biết mình thích nên đã gửi cho mình rất nhiều tài liệu liên quan đến máy tính, phần mềm cài mạng...
Cũng nhờ đó mà mình học được nhiều hơn, biết nhiều hơn về máy tính, có thể tự lập trình website”.
Khi đã có chút kiến thức về công nghệ thông tin, được sự hỗ trợ của gia đình, Duy bắt đầu kiếm tiền trên mạng bằng cách lập blog.
Đầu năm 2011, sau quá trình tự học, Duy tích góp được một số kỹ năng lập trình và đã đưa vào hoạt động một website bán hàng tích hợp thanh toán trực tuyến. Duy cho biết, đây là website bán hàng quà tặng trực tuyến đầu tiên ở thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.
Tuy nhiên, do tính chất của công việc bán hàng phải đi giao hàng, trong khi Duy không thể tự đi lại nên anh đã quyết định dừng việc kinh doanh này sau mấy tháng thực hiện.
Cuối năm 2012, qua một mẩu tin tuyển dụng trên mạng, thấy yêu cầu công việc phù hợp với khả năng của mình, Duy nộp hồ sơ vào Công ty Genashtim, một công ty chuyên về các hoạt động trực tuyến của Singapore.
Mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày, Duy đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của bố mẹ. (Ảnh: T.P) |
Duy cho biết, khi nộp hồ sơ vào công ty này, anh không hề biết đây là công ty nước ngoài, mãi cho đến khi nhà tuyển dụng phỏng vấn anh mới biết đó công ty của Singapore.
“Công ty không yêu cầu về bằng cấp mà chỉ đòi hỏi các ứng viên phải có kỹ năng tốt về máy tính.
Khi qua được vòng phỏng vấn, vì mình không có bằng cấp, không có gì để chứng minh khả năng, công ty đã có khóa đào tạo để biết mình có khả năng hay không. Sau 4 tháng được đào tạo, mình đã được nhận vào làm part time cho bộ phận kỹ thuật”, Duy tâm sự.
Đầu năm 2014, Duy trở thành nhân viên chính thức và hiện nay là một lập trình viên của công ty Genashtim.
Duy chia sẻ thêm: “Mình thấy công việc khá hấp dẫn. Không ngờ những kiến thức trước đây mình tình cờ học được giờ lại được ứng dụng trong công việc.
Khi vào làm việc tại công ty mình mới biết, nhân viên trong công ty đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, đa số họ là người khuyết tật, tất cả đều làm việc trực tuyến. Họ là những người rất tốt, luôn sẵn sàng giúp đỡ mình, có người giành cả tiếng đồng hồ ngoài giờ làm việc để dạy tiếng Anh cho mình.
Trước đây, tiếng Anh của mình rất bình thường, nhưng được công ty đào tạo rồi các nhân viên giúp đỡ, giờ khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của mình đã tốt hơn rất nhiều”.
Nói về công việc hàng ngày của mình, Duy cho biết mỗi ngày anh chỉ làm việc 4 tiếng. Do yêu cầu công việc là phải tương tác trên máy tính nên Duy chỉ việc ở nhà và làm việc theo sự điều hành của Công ty.
Công việc của Duy trong 4 tiếng đồng hồ bao gồm: lập trình, sửa chữa hoặc cài đặt phần mềm máy tính trực tuyến cho khách hàng.
“Làm website không chỉ là làm được, mà còn phải làm đẹp nữa, nên đòi hỏi lập trình viên luôn phải trau dồi kiến thức cao hơn, mới hơn để phục vụ công việc. Cũng vì thế mà mình thấy đam mê hơn, thấy công việc hấp dẫn hơn. Mình chỉ mong muốn có sức khỏe để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê công việc của mình”, Duy nói.
Tuổi thơ bệnh tật
Theo gia đình Duy, khi mới sinh ra Duy vốn là một đứa trẻ bình thường. Đến năm 4 tuổi, sau một trận sốt kéo dài, chân tay Duy bắt đầu có triệu chứng bị teo lại. Cứ thế, tình trạng bệnh của Duy ngày càng nặng.
Công việc hiện tại đã làm Duy cảm thấy tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống. (Ảnh: T.P) |
Bà Bùi Thị Vương, (mẹ Duy) cho biết, những năm học cấp 2, trường gần nhà thì Duy vẫn có thể tự mình đi bộ đến trường được. Nhưng khi vào học cấp 3, bố mẹ phải thay phiên nhau chở Duy đến trường.
Năm lớp 10, mẹ chở anh đến cổng rồi anh tự đi bộ vào. Năm lớp 11, mẹ chở đến chân cầu thang, nhưng đến năm lớp 12, mẹ phải cõng anh lên tận lớp vì chân anh quá yếu không thể tự mình leo cầu thang.
Sau một thời gian, chân Duy không thể đi lại được và buộc phải sử dụng xe lăn. Tuy nhiên, cả chân và tay anh đều rất yếu, đến việc điều khiển xe lăn cũng khiến Duy gặp khó khăn rất nhiều.
Năm 2010, gia đình đưa Duy ra Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để khám. Duy được chuẩn đoán bị mắc chứng bệnh teo cơ tiến triển hiếm gặp có tên là teo cơ tủy (SMA type 3).
Hiện tại, chân tay của Duy vẫn rất yếu, mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ.
“Lúc trước, Duy mặc cảm lắm. Mỗi khi có khách vào nhà hay thấy người lạ nó đều lảng tránh, không muốn tiếp xúc. Bây giờ nó đã tìm được một công việc với thu nhập khá ổn, rồi đi ra ngoài nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn nên cũng đã vượt qua được mặc cảm của mình.
Giờ tôi chỉ mong sao sức khỏe của Duy đừng yếu đi nữa, để nó được làm công việc mình thích là tôi thấy vui rồi”, bà Bùi Thị Vương, (mẹ Duy) bày tỏ.
Để có được thành quả hôm nay, Hoàng Quang Duy đã tự mình nỗ lực rất nhiều. Anh nói rằng, cái được lớn nhất mà hiện tại anh có không phải là thu nhập, cũng không phải là công việc, mà đó là suy nghĩ về bản thân, vượt qua được mặc cảm của bản thân để tự tin hơn trong cuộc sống.