Hải Phòng vươn mình trở thành trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam

04/05/2025 06:33
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Trong 3 năm liên tiếp (2022-2024), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hải Phòng vượt mốc 100.000 tỷ đồng, là nguồn lực lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển kể từ Ngày Giải phóng (13/5/1955), từ một đô thị công nghiệp và cảng biển truyền thống, Hải Phòng đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, là cực tăng trưởng trọng điểm khu vực phía Bắc.

Với chiến lược quy hoạch hiệu quả, thu hút đầu tư mạnh mẽ và quản lý tài chính bền vững, Hải Phòng hiện nằm trong nhóm 5 địa phương có quy mô kinh tế dẫn đầu cả nước, cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.

le-hoi-1.jpg
Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024. (Ảnh: VP)

10 năm liên tiếp Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025, việc nhìn lại và khẳng định những thành tựu nổi bật của thành phố có ý nghĩa quan trọng. Đây không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, mà còn là động lực để Hải Phòng tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, trung dũng, kiên cường, khẳng định vai trò là động lực cho phát triển đất nước trong hiện tại và tương lai.

Một trong những thành tựu nổi bật của thành phố hoa phượng đỏ phải kể đến là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, kinh tế thành phố Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng cao, quy mô nền kinh tế thường xuyên duy trì vị trí thứ hai Vùng đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Quy mô GRDP của thành phố năm 2024 gấp 6,32 lần năm 2010, gấp 3,4 lần năm 2015 và 1,62 lần năm 2020.

Hải Phòng là địa phương duy nhất duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số trong 10 năm liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 11,01%, cao hơn khoảng 1,55 lần so với bình quân chung cả nước. Giai đoạn 2021 - 2024 đạt 11,53%/năm, gấp 1,63 lần giai đoạn 2011 - 2015 (7,08%/năm).

Cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng hiện đại hóa, đô thị hóa, giảm tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng của các nhóm ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ.

Trong nội bộ các ngành kinh tế, tăng dần tỷ trọng của các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại theo đúng định hướng, tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

hai-phong-2.jpg
Hải Phòng khẳng định vai trò trụ cột của kinh tế biển để thành phố hướng tới phát triển bền vững. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hải Phòng)

Giai đoạn 2020 - 2025, thành phố đã tập trung cao hoàn thiện các thành phần kinh tế, gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 43,86% năm 2024.

Cơ cấu kinh tế theo thành phần chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước, tăng kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong GRDP. Chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp ngày càng tăng vào GRDP của Hải Phòng và cao hơn bình quân chung của cả nước.

Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, năm 2024 đạt 9.486 USD/người, gấp hơn 20 lần so với năm 2003 - là năm mà Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3 năm liên tiếp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt mốc 100.000 tỷ đồng

Trong 3 năm liên tiếp (2022-2024), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hải Phòng vượt mốc 100.000 tỷ đồng, là nguồn lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước. Ước tính bình quân thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 tăng 7,06%/năm, trong đó thu nội địa tăng 9,27%/năm.

Tỷ trọng chi đầu tư trên tổng chi đầu tư và chi thường xuyên tăng dự kiến đạt 56,66% vào năm 2025.

Bằng nguồn lực đầu tư dồi dào, hầu hết các công trình, dự án trong giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 đều bảo đảm đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, có nhiều công trình đóng góp lớn cho kết nối và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, các bến cảng của cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Cát Bi,… một số công trình đạt thi công vượt tiến độ đề ra như cầu Hàn, cầu Đăng, cầu sông Hóa, nút giao Nam cầu Bính, tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, đường Hồ Sen – Cầu Rào 2,...

Bên cạnh đó, thành phố luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Đặc biệt giai đoạn từ 2015 đến nay, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư đạt mức cao. Công tác quản lý đầu tư được tăng cường, có nhiều đổi mới, bảo đảm tập trung, dứt điểm, tiết kiệm, hiệu quả.

Khi được khảo sát vào năm 2024, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đều đồng ý cho rằng môi trường được cải thiện hơn và chất lượng quản lý điều hành của các cơ quan cũng được nâng cao.

Cụ thể, 96,45% hộ kinh doanh và 96,7% doanh nghiệp, hợp tác xã cho rằng chất lượng quản lý về kinh tế của chính quyền địa phương hoặc Sở, ban, ngành có cải thiện.

Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế – xã hội, các Sở, ban, ngành và quận, huyện cũng đã dành sự quan tâm nhất định đến các vấn đề phát triển bền vững, bao trùm và bảo tồn các giá trị lịch sử, truyền thống.

Theo đó, 85,98% hộ kinh doanh và 60,82% doanh nghiệp, hợp tác xã đồng tình với nhận định chính quyền quận, huyện hoặc Sở, ban, ngành có quan tâm và đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực phát triển bền vững, bao trùm trong các hoạt động quản lý và điều hành kinh tế.

hai-phong-1.jpg
Một góc xưởng sản xuất trong khu phức hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thành phố Hải Phòng)

Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 845,54 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,3% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn, thực sự là động lực quan trọng của kinh tế thành phố.

Nền kinh tế của thành phố giảm phụ thuộc vào vốn đầu tư khi chỉ tiêu vốn đầu tư/GRDP giảm qua từng năm. Hiệu quả đầu tư của Hải Phòng từ năm 2011 trở lại đây cao hơn nhiều so với giai đoạn trước và cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

Hải Phòng đã khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Thành phố thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước (Vingroup, Sungroup, Geleximco,…) đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu với nhiều dự án lớn có tổng mức đầu tư hơn 200 nghìn tỷ đồng.

Chú trọng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút doanh nghiệp nước ngoài

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều năm liền, Hải Phòng liên tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Trong 4 năm liên tiếp (2021-2024), Hải Phòng đứng top 5 toàn quốc về thu hút vốn FDI. Năm 2024, thành phố Hải Phòng đã đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt 4,94 tỷ USD, vượt 145% so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước.

Các tập đoàn lớn như LG (Hàn Quốc), Pegatron (Đài Loan), Fujifilm (Nhật Bản)… đã chọn Hải Phòng làm cứ điểm sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị công nghiệp quy mô toàn cầu, đóng góp lớn vào xuất khẩu và ngân sách thành phố. Hải Phòng tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường”, từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp – đô thị – dịch vụ hiện đại.

Lũy kế đến hết 20/4/2025, Hải Phòng có 1.063 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 34,62 tỷ USD của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 20,2 tỷ USD, gấp 1,89 lần giai đoạn 2016 - 2020 (đạt 10,67 tỷ USD), đưa Hải Phòng trở thành một địa phương trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Giai đoạn 2021 – 2025, ước tính mỗi năm có khoảng 3.384 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký bình quân 11,8 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 1,17 lần về số doanh nghiệp và 1,56 lần về số vốn đăng ký bình quân so với giai đoạn 2016 - 2020.

Kết quả thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp đạt được là do thành phố đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, chính sách huy động vốn cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển dịch vụ cảng biển – logistics.

Hệ thống giao thông của thành phố được tập trung phát triển với các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, hiện đại, góp phần làm thay đổi căn bản hạ tầng giao thông nội đô thành phố cũng như liên vùng.

Cảng biển nước sâu Lạch Huyện đưa vào sử dụng từ năm 2018 là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Ban đầu, cảng Lạch Huyện chỉ tiếp nhận tàu khoảng 132.000 DWT nhưng với lợi thế luồng lạch, cảng đã được cho phép thử nghiệm tiếp nhận tàu container trọng tải lớn và đến nay khu vực cảng biển này đã tiếp nhận được tàu với trọng tải trên 300.000 DWT.

Với 6 bến cảng đang cùng hoạt động, các bến cảng tiếp theo từ bến số 7 đến bến số 12 của cảng Lạch Huyện đang được thành phố tích cực triển khai hoàn thành thủ tục, thu hút nhà đầu tư, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện sẽ tiếp tục là bến cảng quan trọng hàng đầu của miền Bắc cũng như của cả nước.

hai-phong-3.jpg
Hạ tầng cảng biển đồng bộ với giao thông tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội của Hải Phòng. (Ảnh: LT)

Nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác của thành phố cũng đã được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước như: Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, đầu tư, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, các cây cầu. Nhiều công trình hạ tầng kết nối liên vùng được đầu tư và đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế xã hội cũng như nâng cao đời sống của nhân dân như cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Bến Rừng, cầu sông Hóa, cầu Lại Xuân...

Với mục tiêu phát triển đô thị hiện đại, mang tầm vóc thành phố biển năng động nhất miền Bắc, thành phố đã đầu tư xây dựng Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố Hải Phòng tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm với kỳ vọng về một biểu tượng mới của thành phố, đồng thời thúc đẩy mở rộng không gian đô thị về phía Bắc của thành phố, góp phần quan trọng vào việc mở rộng địa giới hành chính, tái cơ cấu đô thị, thu hút đầu tư và nâng tầm vị thế của Hải Phòng trong khu vực và cả nước… Công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 5/2025 là công trình trọng điểm tạo bước đột phá về không gian đô thị hiện đại.

Thành lập khu kinh tế ven biển, đề xuất thành lập Khu Thương mại tự do

Một dấu ấn quan trọng trong định hướng phát triển chiến lược của thành phố là việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tại Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 với quy mô 20.000 ha. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển, logistics hiện đại.

Việc hình thành khu kinh tế ven biển mới này sẽ là động lực tăng trưởng đột phá, khẳng định vai trò Hải Phòng là trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nền kinh tế quốc gia.

Bên cạnh đó, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và hệ thống các khu công nghiệp VSIP, Deep C, Nam Đình Vũ, Tràng Duệ... đã được lấp đầy với tỷ lệ cao, lên đến hơn 70%, mở rộng quy mô và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược.

Thành phố Hải Phòng được Quốc hội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm theo Nghị quyết số 35/2021/QH15, tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tăng tính chủ động trong điều hành, rút ngắn thời gian thực hiện nhiều thủ tục hành chính, và tăng cường phân cấp, phân quyền.

Hiện nay, thành phố đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, trong đó có nội dung về việc thành lập Khu Thương mại tự do tại Hải Phòng, sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5/2025 và trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu Thương mại tự do thành phố Hải Phòng ngay trong năm 2025.

Việc triển khai hiệu quả các cơ chế đặc thù đã, đang và sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng để tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giúp Hải Phòng giữ vững vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng và cải cách hành chính.

hai-phong-4.jpg
Hải Phòng đang tích cực hoàn thiện báo cáo về việc thành lập Khu Thương mại tự do tại Hải Phòng. (Ảnh: CTV)

Đáng chú ý, kể từ khi được công bố từ năm 2005 đến nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Phòng được cải thiện đáng kể và liên tục đạt vị trí cao. Thành phố đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng công vụ của bộ máy hành chính.

Liên tục từ năm 2006 đến năm 2011, chỉ số PCI của thành phố duy trì mức xếp hạng trong vị trí thấp từ 36-48 và luôn biến động, năm trước tăng hạng thì năm sau giảm hạng .

Giai đoạn 2019 - 2023, chỉ số PCI Hải Phòng bắt đầu có bước chuyển biến mạnh mẽ, liên tục chinh phục các vị trí xếp hạng cao và giữ vững trong nhóm các địa phương dẫn đầu qua các năm.

Năm 2021 là năm đầu tiên Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, đạt 70,61 điểm, tăng 1,34 điểm và tăng 5 bậc xếp hạng so với năm 2020. Năm 2022 và năm 2023, PCI Hải Phòng xếp vị trí thứ 3 cả nước và thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.

Sự cải thiện rõ nét về PCI không chỉ thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư mà còn tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế thành phố.

LÃ TIẾN