GS.Võ Tòng Xuân: Nhiều trường ĐH đang trong tình trạng “đỏ mắt” tìm giáo sư

21/10/2022 06:47
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, do nghiên cứu khoa học ở một số trường đại học còn kém, số lượng thạc sĩ, tiến sĩ không nhiều, kéo theo số lượng PGS và GS thấp.

Ít thạc sĩ, tiến sĩ kéo theo số lượng phó giáo sư, giáo sư thấp

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số giảng viên làm việc toàn thời gian của cả nước tính đến 31/12/2021 là hơn 85.000 người. Trong đó, số giảng viên chức danh giáo sư chỉ là 757 người - đây là số lượng giáo sư đang giảng dạy, không tính những người đã về hưu hoặc không tham gia giảng dạy - chiếm tỉ lệ chỉ 0,89%. Đây cũng là thành phần ít nhất trong cơ cấu trình độ giảng viên.

Bên cạnh đó, cũng theo đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), so với số lượng quy mô sinh viên và trường đại học hiện nay, số lượng giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư sụt giảm mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân (Nhà giáo nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ) lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: “Trước đó, có một thời gian, xuất hiện tình trạng “chạy đua” học thạc sĩ, tiến sĩ... rồi việc xét duyệt điều kiện phong hàm phó giáo sư, giáo sư đã bị buông lỏng, nên số lượng phó giáo sư, giáo sư cũng nhiều hơn.

Len lỏi đâu đó có cả những thạc sĩ, tiến sĩ không thực chất, tức là cũng sẽ có những phó giáo sư, giáo sư chưa thực sự đủ điều kiện, chất lượng. Do đó, sau khi hoạt động này bị “siết” chất lượng, đã dẫn đến số lượng phó giáo sư, giáo sư có phần giảm xuống.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân lý giải nguyên nhân khiến số lượng và tỉ lệ giảng viên là phó giáo sư, giáo sư trong các trường đại học giảm. (Ảnh: NVCC).

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân lý giải nguyên nhân khiến số lượng và tỉ lệ giảng viên là phó giáo sư, giáo sư trong các trường đại học giảm. (Ảnh: NVCC).

Chưa kể, từng xuất hiện tình trạng có trường đại học chỉ vì danh tiếng trước mắt mà thuê người đứng tên đề tài nghiên cứu, báo cáo khoa học... Đối với những đề tài và báo cáo không thực chất ấy, khi đưa ra hội đồng xét duyệt đã bị lật tẩy...

Điều đó cho thấy, phong trào nghiên cứu khoa học ở đâu đó còn chưa đạt chuẩn quốc tế. Phong trào khoa học thấp, chứng tỏ những nghiên cứu để làm thạc sĩ, tiến sĩ phải cân nhắc về chất lượng, từ đó kéo theo lực lượng đạt tiêu chuẩn để phong hàm phó giáo sư, giáo sư cũng kém đi. Vì hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ bảo vệ luận văn, luận án thành công hay không là một trong các tiêu chí để xét chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo tôi, đó là những lý do mấu chốt nhất”.

Bên cạnh đó, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cũng đề cập đến một thực trạng phổ biến rằng trường đại học “trẻ” thì có số lượng, tỉ lệ giảng viên làm phó giáo sư, giáo sư càng ít.

“Trước đây, khi còn tham gia với tư cách Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, tôi đã có đề cập, tại các cơ sở giáo dục đại học lớn như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng..., càng có nhiều thầy giỏi, càng có nhiều phó giáo sư, giáo sư công tác thì sinh viên học lên cao học và nghiên cứu sinh càng nhiều. Như vậy, sẽ có cơ sở để hình thành thêm nhiều phó giáo sư và giáo sư hơn.

Trong khi đó, ở trường đại học quy mô nhỏ hơn, nhất là trường mới thành lập đã không có phó giáo sư, giáo sư, thì lại ngày càng thiếu, không thể tự “sản sinh” ra được.

Gần như hiện nay, ở các tỉnh, thành đều có trường đại học, nhưng có nơi lại chỉ “lác đác” một vài phó giáo sư, giáo sư, là người đã nghỉ hưu về làm, chứ bản thân các trường đó chưa đào tạo ra được nhiều thạc sĩ, tiến sĩ để có cơ sở nâng chuẩn chức danh lên phó giáo sư và giáo sư” - Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết thêm.

“Nếu một trường đại học chỉ toàn tuyển nhân lực mới, có người vừa ra trường thì biết đến bao giờ mới đủ tích lũy để làm phó giáo sư, giáo sư?” - vị Giáo sư đặt câu hỏi.

Từ kinh nghiệm của Trường Đại học Nam Cần Thơ, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cũng chia sẻ thêm: “Trước đây, nhà trường muốn tăng cường đội ngũ giảng viên là phó giáo sư, giáo sư, cũng rất khó khăn. Nhà trường chủ yếu là mời phó giáo sư, giáo sư đã nghỉ hưu ở nơi khác về...

Hiện tại, không riêng gì ở một trường đại học nào, mà tôi nghĩ rằng, bất kỳ ngôi trường nào cũng đang trong tình trạng “đỏ mắt” tìm giáo sư. Trong khi, có trường có giáo sư nhưng lại trả lương không tương xứng, nên khó giữ chân đội ngũ "tinh hoa" này”.

Cần kết nối giáo sư với môi trường làm việc, nghiên cứu lý tưởng

Để vừa thúc đẩy, tăng cường số lượng, vừa đảm bảo chất lượng giáo sư, phó giáo sư, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân cho rằng: “Cần có một cơ quan để kết nối môi trường làm việc, nghiên cứu giữa các giáo sư, phó giáo sư với các cơ sở giáo dục đại học. Cơ quan này cần làm việc rất chỉn chu, chính xác, không thiên vị... Tức là kết nối trường đại học có nhu cầu và bản thân các giáo sư, phó giáo sư đó có nguyện vọng, mong muốn công tác tại nơi phù hợp.

Đồng thời, phía cơ sở giáo dục đại học cũng cần trả lương xứng đáng để “chiêu hiền đãi sĩ”, đẩy mạnh thêm phong trào, thu hút được giáo sư, phó giáo sư về làm việc, nghiên cứu.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, phải kết nối được môi trường làm việc, nghiên cứu lý tưởng, đồng thời đảm bảo mức lương tương xứng cho phó giáo sư, giáo sư. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, phải kết nối được môi trường làm việc, nghiên cứu lý tưởng, đồng thời đảm bảo mức lương tương xứng cho phó giáo sư, giáo sư. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Mỗi giáo sư, phó giáo sư khi quyết định về một môi trường mới chưa có phó giáo sư, giáo sư, sẽ phải chủ động “gây dựng cơ đồ”, tức là sẽ đem kiến thức, kinh nghiệm của mình để đào tạo những người trẻ hơn ở tại ngôi trường đó. Dần dần, trường đại học đó mới có đội ngũ kế cận, có ngày càng nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, cũng như ngày càng có giảng viên đạt chuẩn chức danh phó giáo sư và giáo sư, không phải do “đi tắt” mà nhờ học tập và làm việc với những người tài thực chất.

Như vậy, nhà trường sẽ từ từ phát triển thành một trường tốt, có uy tín, có chất lượng, mà không phải “chạy gấp rút” để đạt danh hiệu này, tiêu chuẩn kia”.

Ngân Chi