Giáo viên vẫn phải dự giờ, dạy thao giảng vì Phụ lục 5 Công văn 5512?

28/01/2024 06:40
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông ở nhiều tỉnh thành vẫn phải dự giờ, dạy thao giảng được cho là do Phụ lục 5 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Giáo dục, các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn hiệu lực đều không bắt buộc giáo viên phải dự giờ, dạy thao giảng.

Cụ thể, Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT ban hành tiêu chuẩn về đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học không quy định hoạt động dự giờ của giáo viên.

Điều 70 Luật Giáo dục 2019 chỉ quy định nhiệm vụ của nhà giáo gồm: giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục; thực hiện điều lệ nhà trường…

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học không quy định giáo viên phải dự giờ.

Khoản 2 Điều 29 Thông tư này nêu rõ, giáo viên chủ nhiệm có quyền được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn/ giaoduc.net.vn.Ảnh minh họa: Doãn Nhàn/ giaoduc.net.vn.

Tuy vậy, nhiều giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông chia sẻ với người viết rằng, thầy cô vẫn phải dự giờ, dạy thao giảng theo số tiết do hiệu trưởng quy định cho mỗi học kì, năm học.

Chẳng hạn, có trường yêu cầu giáo viên phải tham gia dự giờ đồng nghiệp tối thiểu 4 tiết/học kì và dạy thao giảng 1 tiết/học kì.

Các giáo viên phản ánh cho biết, sở dĩ thầy cô vẫn phải dự giờ, dạy thao giảng là do Phụ lục 5 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH - về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường - có Mẫu phiếu đánh giá bài dạy.

Theo đó, Mẫu phiếu đánh giá bài dạy (kèm theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) có nội dung quy định như sau:

PHIẾU ĐÁNH GIÁ BÀI DẠY

Tên bài dạy:...

Môn học/Hoạt động giáo dục:...

Lớp:...; Tiết:...; ngày...

Họ và tên giáo viên thực hiện:...

Nội dung Tiêu chí Điểm tối đa Điểm đánh giá
1. Kế hoạch bài dạy Mức độ phù hợp của các hoạt động học với mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học được sử dụng. 1,00
Mức độ rõ ràng, chính xác của mục tiêu, nội dung, sản phẩm, cách thức tổ chức thực hiện mỗi hoạt động học của học sinh. 2,00
Mức độ phù hợp của thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng để tổ chức các hoạt động học của học sinh. 1,00
Mức độ phù hợp của phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình tổ chức hoạt động học của học sinh. 2,00
2. Hoạt động của giáo viên Mức độ chính xác, phù hợp, sinh động, hấp dẫn của nội dung, phương pháp và hình thức giao nhiệm vụ học tập cho học sinh. 2,00
Khả năng theo dõi, quan sát, phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh. 1,00
Mức độ phù hợp, hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ và khuyến khích học sinh hợp tác, giúp đỡ nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập. 2,00
Mức độ chính xác, hiệu quả trong việc tổng hợp, phân tích, đánh giá quá trình và kết quả học tập của học sinh (làm rõ những nội dung/yêu cầu về kiến thức, kĩ năng học sinh cần ghi nhận, thực hiện). 2,00
3. Hoạt động của học sinh Khả năng tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh trong lớp. 2,00

Mức độ tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập. 2,00
Mức độ tham gia tích cực của học sinh trong trình bày, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. 2,00
Mức độ đúng đắn, chính xác, phù hợp của các kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh. 1,00
Tổng điểm 20,00

Người đánh giá

(Ký và ghi rõ họ tên)

Hướng dẫn đánh giá và cho điểm:

Các tiêu chí được nhận xét, đánh giá theo 3 mức: Đạt mức 1 cho khoảng 50-65% điểm tối đa; Đạt mức 2 cho khoảng 65-80% điểm tối đa; Đạt mức 3 cho khoảng 80-100% điểm tối đa. Cho điểm đánh giá thành phần là bội số của 0,25.

Xếp loại bài dạy: GIỎI: tổng điểm đạt từ 18 điểm đến 20 điểm; KHÁ: tổng điểm đạt từ 13,5 điểm đến dưới 18 điểm; TRUNG BÌNH: tổng điểm đạt từ 10 điểm đến dưới 13,5 điểm; KHÔNG ĐẠT: tổng điểm dưới 10 điểm.

Có thể nhận thấy, theo Mẫu phiếu đánh giá bài dạy thì giáo viên dự giờ phải đánh giá giáo viên dạy thao giảng ở 3 nội dung: 1) Kế hoạch bài dạy; 2) Hoạt động của giáo viên; 3) Hoạt động của học sinh. Mỗi nội dung tương ứng với các tiêu chí cụ thể.

Đáng nói, nếu giáo viên chủ nhiệm dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm thì không biết thầy cô phải sử dụng mẫu phiếu đánh giá nào vì không có trong Phụ lục Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.

Trong khi đó, Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng, quy định giáo viên dạy/dự giờ theo chuyên đề.

Theo đó, trên cơ sở các chuyên đề dạy học đã được xây dựng, tổ/nhóm chuyên môn phân công giáo viên thực hiện bài học để dự giờ, phân tích và rút kinh nghiệm về giờ dạy.

Công văn này nhấn mạnh, khi dự giờ, cần tập trung quan sát hoạt động học của học sinh (chứ không phải đánh giá giáo viên như Phụ lục 5 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH) thông qua việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ học tập với yêu cầu như sau:

1) Chuyển giao nhiệm vụ học tập; 2) Thực hiện nhiệm vụ học tập; 3) Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Từ đó, phân tích hiệu quả hoạt động học của học sinh, đồng thời đánh giá việc tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học cho học sinh của giáo viên.

Người viết (là giáo viên trung học phổ thông) nhận thấy, nhiều giáo viên phản ánh việc thầy cô phải dự giờ, dạy thao giảng vì Phụ lục 5 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH có Mẫu phiếu đánh giá bài dạy là hoàn toàn có cơ sở.

Hơn nữa, quy định về việc dự giờ, dạy thao giảng giữa các văn bản như đã dẫn phần nào cho thấy chưa có sự thống nhất về nội dung, mỗi địa phương triển khai một kiểu khiến giáo viên khá vất vả.

Qua bài viết này, người viết xin kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo một số điều như sau:

Thứ nhất, cần rà soát lại Phụ lục 5 Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc dự giờ, dạy thao giảng của giáo viên các cấp để ban hành văn bản hướng dẫn: giáo viên có phải dự giờ, dạy thao giảng không; nếu có thì quy định rõ số tiết tối thiểu/học kì/năm học.

Thứ hai, giáo viên tham gia dự giờ chỉ đánh giá học sinh hay đánh giá cả người dạy. Nếu không đánh giá người dạy thì làm sao có thể giúp thầy cô rút kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ ba, Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH chỉ quy định dạy/dự giờ chuyên đề (mà không quy định dạy/dự giờ tiết học) liệu có hợp lí?

Tài liệu tham khảo:

https://thcsleloiad.haiphong.edu.vn/van-ban/phu-luc-5-theo-cong-van-5512/vbctmb/3483/18894

https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-5555-BGDDT-GDTrH-2014-huong-dan-sinh-hoat-chuyen-mon-doi-moi-phuong-phap-day-hoc-255443.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương