Tại buổi tập huấn, trao đổi thêm với thầy cô giáo về Kế hoạch bài dạy (giáo án), giảng viên Hoàng Thị Kiều Oanh đã dẫn lời chia sẻ (qua video) của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhằm giúp giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông hiểu thêm về việc soạn giáo án theo tinh thần của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, người viết xin chuyển thể nguyên văn lời phát biểu của ông Nguyễn Xuân Thành trong video được người tập huấn chia sẻ tại buổi bồi dưỡng chuyên môn.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, chia sẻ về giáo án theo mẫu Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH. (Ảnh chụp màn hình) |
"Về xây dựng Kế hoạch bài dạy để đổi mới phương pháp dạy học, chỗ này tôi thấy có mấy cái hạn chế cần phải nói thế này.
Hạn chế thứ nhất, mặc dù muốn đổi mới, tôi đi dự một số giờ thì thấy rằng, kể cả truyền hình đã phỏng vấn, tôi cũng nói là tinh thần đổi mới đã được các thầy cô quán triệt rất là cao.
Như ở trong lớp là dạy rất tích cực, giáo viên luôn luôn đặt ra những câu hỏi cho học sinh. Học sinh thì rất mong muốn phát biểu, rất mạnh dạn, giơ tay thì rất cao - không như chúng tôi ngày xưa, giơ tay thì đặt lên bàn - giơ tay thẳng lên cao nhất để được thầy cô gọi. Đó là nhìn thấy sự tích cực của học sinh.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy một điểm là khi xây dựng Kế hoạch bài dạy thì nhiều thầy cô vẫn đưa vào quá nhiều, tham quá nhiều các nội dung, chưa thực sự hướng tới trọng tâm, dẫn tới một giờ đổi mới phương pháp dạy học rất sôi động, nhưng học sinh không có thì giờ để suy nghĩ, để trả lời cho các câu hỏi hay là thực hiện các mệnh lệnh.
Chính vì vậy cho nên các thầy cô thấy đổi mới vất vả quá. Tôi nhận thấy như thế và cũng chính vì thế nhiều người đọc 5512 (mẫu giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH) ở Phụ lục 4 chưa rõ ràng, cho nên vẫn mặc định là một bài dạy dành cho 1 tiết, thậm chí là với môn Tiếng Anh tới 8 tiết trên một bài học.
Đáng lẽ như hướng dẫn của 5512 chỉ có 1 tiết bài dạy thôi nhưng mà tôi đã nhìn thấy là xây dựng hẳn 8 tiết bài dạy.
Như vậy, rõ ràng là đã không đọc 5512 một tẹo nào cả và cũng không hiểu được tại sao 5512 hướng dẫn là, một hoạt động giao cho học sinh thì phải rõ ràng mục tiêu, rõ ràng về nội dung của hoạt động, chứ không phải nội dung kiến thức, không phải chép kiến thức ở sách vào, trong sách đã có rồi, tại sao phải chép vào giáo án làm gì.
Đó là học sinh phải thực hiện nội dung hoạt động nào, là đọc, là nói, là nghe, là viết hay làm, thì tôi thấy chưa gọn gàng ở chỗ này, dẫn tới một cái giáo án cực kì dài. Và vì thế cho nên một giờ hay 45 phút cũng tổ chức quá nhiều hoạt động vụn vặt.
Và thầy cô cứ tưởng tượng một tiết 45 phút, trừ vào trừ ra là mất 5 phút, còn 40 phút mà lại 4 hoạt động, là 10 phút một hoạt động giao nhiệm vụ học sinh vào lúc nào. Có nhiều người đem dụng cụ thí nghiệm lên trên để từ đầu đến cuối tiết, nhưng mà học sinh chỉ được sờ vào 1, 2 phút thôi. Trong khi thì vẫn lấy PowerPoint (phần mềm trình chiếu) để mà dạy mấy cái thứ đó.
Chúng tôi thấy rằng cái việc này rõ ràng là chúng ta chưa đọc kĩ, chưa nghiên cứu kĩ cái hướng dẫn của Bộ cho nên dẫn tới lại nói lên là 5512 hướng dẫn phải mẫu giáo án này kia các thứ, và báo cáo thầy cô không có mẫu giáo án nào cả.
Cái đó là một cái khung tư duy rõ ràng, một giáo án, kế hoạch bài dạy hướng dẫn ở đấy là giảm nhẹ cho giáo viên. Làm sao để 1 bài 8 tiết một giáo án, một bài 5 tiết 1 giáo án,1 bài 3 tiết 1 giáo án, mỗi một giờ chỉ một hoạt động thôi.
Mà giáo án nói vậy thôi chứ có nói 4 bước mấy bước cái gì đâu, trong đó có mấy hoạt động, chủ yếu chỉ 2 hoạt động lớn là học lí thuyết, làm bài tập. Học lí thuyết là hình thành kiến thức mới và làm bài tập là luyện tập.
Còn vận dụng thì đem về nhà mà làm chứ có bắt làm ở trên lớp đâu. Thế nhưng chúng tôi thấy rằng báo chí nêu lên thầy cô ở các nhà trường kêu lên. Tôi cảm thấy một cái sự đâu đó rất lạ, thống thiết rất lạ nói rằng Bộ ơi hãy giảm tải đi. Trong khi, Bộ giảm tải đến như thế, nhưng mà chúng ta triển khai ở bên dưới là chưa được.
Xin báo cáo với các thầy cô, các Sở và các nhà trường là tôi phải nói thẳng chuyện này, đây có trách nhiệm của các thầy cô quản lí ở trong các Sở và các Phòng giáo dục và Đào tạo khi triển khai tới các hiệu trưởng nhà trường, đã dẫn tới cái việc này, và chúng tôi thấy rằng đó là một sự cản trở rất lớn cho cái việc đổi mới.
Đáng lẽ một giờ học như Thứ trưởng nói là đổi mới phương pháp dạy học là cơ bản học sinh phải có nhiều thì giờ hơn để thực hiện các nhiệm vụ mà giáo viên giao. Đã học thì phải có thì giờ đọc cho tử tế, đã làm thí nghiệm thì phải có thì giờ làm cho tử tế, thì đằng này chúng ta lại đưa vào 5, 6 cái hoạt động lặt vặt chủ yếu là câu hỏi.
Mà tôi nói thật, tôi và Thứ trưởng đã nhiều lần đi dự, ngồi dự một giờ, đứng một lúc thôi đã có thể đếm được đến năm sáu chục câu hỏi trong vòng vài ba, bốn, năm phút như thế thì làm sao có thể có được việc đổi mới.
Chúng tôi xin nói cái chỗ này thực sự đó là cái hạn chế mà hiện nay chúng tôi đang nhìn thấy rất là nhiều ở trong các nhà trường, đặc biệt là hệ thống Kế hoạch bài dạy cứ nói đến là 5512 như một nỗi ám ảnh.
Nói là như vậy và thậm chí tôi đã nhìn thấy một cái giáo án PowerPoint của một bài tiếng Anh 38 slide dạy trong 40, 45 phút thì làm sao mà dạy được. Đấy chính là cái sự chưa thống nhất, chưa quán triệt được những văn bản này xuống tận giáo viên.
Chúng tôi cho rằng, khi nghiên cứu hướng dẫn của Bộ tại những văn bản như Phụ lục 4 của 5512 là chưa thực sự thấu đáo và chưa kĩ.
Chúng tôi mong muốn và thiết tha đến các thầy các cô ở Sở, Phòng Giáo dục và hiệu trưởng các nhà trường thực sự thống nhất với nhau cái này (Kế hoạch bài dạy) để tổ chuyên môn nghiên cứu cho thật kĩ những câu hướng dẫn ở trong đấy của Bộ như thế nào, kể cả hoạt động luyện tập, chúng tôi cũng nói rất rõ là số lượng bài tập phải ít thôi.
Bản thân chúng ta còn không thuộc chính văn bản của Bộ hướng dẫn thì rõ ràng bên ngoài (báo chí) nói chúng ta phải chịu rồi".
Tài liệu tham khảo:
https://www.youtube.com/watch?v=v6TaaZTZZH0