Giáo viên kiến nghị quy trình 5 bước bầu hiệu trưởng trường công

17/04/2022 06:36
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực tế, giáo viên gần như không có vai trò gì trong việc đề bạt, thảo luận, bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng khiến giáo viên cảm thấy vô cùng bức xúc.

Thời gian qua, nhiều hiệu trưởng bị xử lý kỷ luật, khởi tố liên quan đến sai phạm về tài chính, nhiệm vụ và đạo đức nghề nghiệp.

Bài viết “Làm sao ngăn ngừa một bộ phận hiệu trưởng tự diễn biến thành "ông trời con"?” và nhiều bài viết trên báo chí thời gian qua đã phản ánh, liệt kê hàng loạt trường hợp hiệu trưởng bị xử lý kỷ luật, khởi tố.

Trong đó có một phần nguyên nhân do việc bổ nhiệm theo các quy trình còn nhiều hạn chế khiến dư luận không khỏi băn khoăn về sự trong sạch và năng lực của một số hiệu trưởng.

Bên cạnh đó, giáo viên gần như không có vai trò gì trong việc đề bạt, thảo luận, bỏ phiếu tín nhiệm hiệu trưởng trường công lập.

Ảnh minh họa trên luatvietnam.vn

Ảnh minh họa trên luatvietnam.vn

Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng còn chung chung, chưa cụ thể

Tại Điều 44 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý:

“1. Bảo đảm tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm theo quy định của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

2. Phải được quy hoạch chức vụ bổ nhiệm nếu là nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch chức vụ tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác. Trường hợp đơn vị mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

4. Điều kiện về tuổi bổ nhiệm: Đủ 05 năm công tác hoặc đủ một nhiệm kỳ khi bổ nhiệm mới.

5. Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.

6. Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Đảng và của pháp luật; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật...”

Tiếp theo tại Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT thì hiệu trưởng và phó hiệu trưởng các trường tiểu học đến trung học phổ thông cơ bản phải đạt các tiêu chuẩn như sau:

Về trình độ đào tạo và thời gian công tác: Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học; đạt chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; đã dạy học được ít nhất 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.

Nhìn chung về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức theo Nghị định 115/2020 và Điều lệ trường học dành riêng cho ngành giáo dục còn khá chung chung chưa ghi nhận thành tích công tác, chưa định lượng được những công việc cụ thể đã làm trong quá khứ để thể hiện là người có tâm, tầm để chèo lái con thuyền đơn vị sự nghiệp giáo dục phát triển vững chắc, tránh tình trạng chạy chức, chạy quyền.

Giáo viên gần như “mất hút” trong quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của đơn vị mình

Tại Điều 46 Nghị định 115/2020 quy định trình tự, thủ tục bổ nhiệm viên chức quản lý gồm các bước (trích):

“1. Xin chủ trương bổ nhiệm...

2. Thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ

a) Bước 1: Trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và nguồn nhân sự trong quy hoạch, tập thể lãnh đạo thảo luận và đề xuất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự.

b) Bước 2: Tập thể lãnh đạo mở rộng thảo luận và thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

c) Bước 3: Tập thể lãnh đạo, căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng đáp ứng của viên chức; trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

d) Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự được tập thể lãnh đạo giới thiệu ở bước 3 bằng phiếu kín.

Thành phần: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; cấp ủy, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị sự nghiệp công lập; người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các bộ phận chuyên môn và đơn vị thuộc và trực thuộc.

Đối với đơn vị có số lượng người làm việc dưới 30 người hoặc đơn vị không có tổ chức cấu thành, thành phần tham dự gồm toàn thể viên chức, người lao động trong biên chế làm việc thường xuyên tại đơn vị. Hội nghị phải có tối thiểu 2/3 số người được triệu tập tham dự.

đ) Bước 5: Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với việc thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác thực hiện theo khoản 3 Điều 44 Nghị định 115/20220/NĐ-CP.”

Dù bổ nhiệm hiệu trưởng tại đơn vị mình, lãnh đạo mình nhưng xuyên suốt quá trình từ xin chủ trương, thảo luận, ý kiến,... để bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng kể cả nhân sự tại chỗ hoặc nhân sự từ nơi khác thì giáo viên không được tham gia trong bất kỳ khâu nào trừ trường hợp đơn vị có dưới 30 người (hiện nay rất ít trường có dưới 30 giáo viên) thì giáo viên được bỏ phiếu kín ở bước 4 và phiếu không được công khai.

Không thể bổ nhiệm hiệu trưởng một ngôi trường mà giáo viên không được tham gia bất kỳ khâu nào từ đề xuất, thảo luận và cả bỏ phiếu kín thì quy trình còn chưa hợp lý, chưa thuyết phục giáo viên. Giáo viên tin tưởng, tín nhiệm và đồng thuận thì hiệu trưởng mới có thể điều hành công việc thành công.

Vài kiến nghị về tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng

Do tiêu chuẩn, quy trình còn nhiều điểm chưa hợp lý nên nhiều hiệu trưởng bổ nhiệm đã không có năng lực và phẩm chất thực hiện nhiệm vụ của mình và đương nhiên khi thực hiện nhiệm vụ sai phạm dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, nhiều hiệu trưởng bị kỷ luật, khởi tố.

Các quy định hiện hành về tiêu chuẩn để được bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khá chung chung chưa có gì nổi bật, nên không thể hiện được người được bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là người luôn cố gắng trong công tác, đã từng có thành tích trong công tác, được giáo viên tín nhiệm.

Do đó, ngoài các tiêu chuẩn trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, Nghị định 115/2020/NĐ-CP, người viết đề nghị bổ sung những tiêu chuẩn về thành tích trong quá trình công tác. Đây là điều rất quan trọng để thể hiện người được đề cử bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải là những người công tác tốt, có thành tích tốt trong quá trình công tác.

Người viết đề xuất bổ sung tiêu chuẩn về thành tích để được bổ nhiệm phó hiệu trưởng, hiệu trưởng là được tặng bằng khen Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc ít nhất có 3 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên, đã là giáo viên dạy giỏi (hoặc tương đương) từ cấp huyện trở lên, có thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa, thể thao hoặc bản thân có thành tích trong các phong trào văn hóa, thể dục thể thao từ cấp huyện trở lên.

Ngành giáo dục có những đặc thù riêng nên về quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, người viết xin kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Người viết xin kiến nghị quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng gồm các bước sau:

Bước 1: Giới thiệu nhân sự, công khai nhân sự dự kiến.

Ở bước này khá quan trọng, nếu là nhân sự tại chỗ nên được giới thiệu từ giáo viên tại đơn vị bằng phiếu kín, phiếu này được công khai tại hội nghị. Phần giới thiệu nhân sự này ít nhất phải từ 2 người trở lên.

Nếu là nhân sự từ nơi khác thì nên được công khai tại đơn vị trong thời gian 10 ngày để giáo viên nắm bắt tình hình nhân sự trên.

Trong thời gian 10 ngày từ ngày giới thiệu nhân sự bổ nhiệm hiệu trưởng, thì nhân sự dự kiến phải kê khai quá trình công tác, thành tích, hồ sơ bản thân, văn bằng, chứng chỉ,...

Nhân sự này phải được sự thống nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Bước 2: Thông qua hồ sơ, xử lý đơn thư phản ánh, tố cáo (nếu có) trong thời gian 10 ngày.

Sau khi thông qua được bước giới thiệu nhân sự trong thời gian 10 ngày, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra hồ sơ, thành tích, các văn bằng cũng như tiếp nhận phản ánh của người dân, giáo viên về nhân sự dự kiến bổ nhiệm,... và công khai kết quả bằng văn bản cho toàn thể giáo viên đơn vị.

Bước 3: Hiệu trưởng (kể cả nhân sự tại chỗ hoặc nhân sự từ nơi khác) được giới thiệu trình bày quá trình phấn đấu và rèn luyện, phẩm chất chính trị, chiến lược, giải pháp phát triển trường trong thời gian 5 năm, những lời hứa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thành phần gồm lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đại diện ban tổ chức (nội vụ) và toàn thể giáo viên.

Bước 4: Bỏ phiếu kín trong toàn thể hội đồng sư phạm, nếu đạt trên 60% thì thực hiện bước tiếp theo để hoàn thiện thủ tục bổ nhiệm. Kết quả được công khai tại hội nghị.

Bước 5: Cấp có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng nếu đạt các tiêu chuẩn.

Hiệu phó là người giúp việc cho hiệu trưởng nên về quy trình bổ nhiệm phó hiệu trưởng, người viết đề xuất giao cho hiệu trưởng dự kiến quy trình (được cấp thẩm quyền phê duyệt) và sau thực hiện quy trình thì hiệu trưởng gửi văn bản về cấp có thẩm quyền ban hành quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng.

Nếu thực hiện theo quy trình chặt chẽ trên chắc chắn sẽ lựa chọn được hiệu trưởng giỏi, có tâm, có tầm lãnh đạo trường học thành công và người thụ hưởng là giáo viên và học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam